Phát huy giá trị Bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ và di sản thế giới Kéo co ngồi
Ngày đăng: 04/04/2022
Chiều 02/4, tại Di tích quốc gia đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội), Hội thảo khoa học “Về giá trị văn hóa-lịch sử cụm di tích đền Trấn Vũ-chùa Cự Linh” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Viện nghiên cứu Hán Nôm; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam…

Đền Trấn Vũ có tên chữ là “Trấn Vũ quán”, hay “Hiển linh Trấn Vũ quán”. Theo dân gian kể lại rằng, vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt phương Nam có đóng quân tại Cự Linh, đức vua được Thánh Tổ ứng mộng. Ngài bèn cho lập đền thờ, tượng và bài vị bằng gỗ ghi chữ vàng “Hiển linh Trấn Vũ quán” có từ lúc ấy. Như vậy, đền Trấn Vũ được khởi dựng dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1496).

Đền Trấn Vũ lưu giữ nhiều giá trị lịch sử-văn hóa độc đáo của Thăng Long-Hà Nội

Hiện nay, đền Trấn Vũ còn lưu giữ 1 tấm bia mang phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVII), văn bia đã mờ, chỉ còn thấy dòng chữ trên trán bia ghi: “Cự Linh tự Trấn Vũ quán trùng tu bia ký” (Bia ghi trùng tu chùa Cự Linh và quán Trấn Vũ).

Trong đền, pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ là một trong 2 pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình), tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền. Đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m, chu vi 8m, nặng 4 tấn. Tượng ở tư thế ngồi buông chân trên bệ, lưng thẳng, đầu để trần, mặc áo Long bào đen có đai và 2 bàn chân không giày, tay để trước ngực, xòa ngón trỏ ở trong thế ấn quyết, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi gươm chống trên lưng Rùa, mắt nhìn thẳng đầy nhãn lực.

Tại đền Trấn Vũ, hàng năm, vào ngày 3-3 Âm lịch, dân làng lại tổ chức lễ hội gắn với ngày sinh của ngài; ngày 9-9 Âm lịch là ngày hóa của ngài. Ngoài nghi thức thì lễ hội đền Trấn Vũ có một trò chơi dân gian rất độc đáo, đó là trò kéo co luồn dây qua lỗ cột (kéo co ngồi). Đây là trò chơi hiếm thấy ở nơi khác. Trò góp phần hào hứng không nhỏ vào lễ hội.

Pho tượng đồng đen Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ được công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2016

Bên cạnh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại- nghi thức “Kéo co ngồi” được UNESCO ghi danh năm 2015, pho tượng Đức Huyền Thiên Trấn Vũ cũng đã được ghi vào danh mục là Bảo vật quốc gia trong lần công nhận năm 2016.

Tại hội thảo khoa học, thông qua tham luận, các nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định giá trị văn hóa-lịch sử của khu di tích; bên cạnh đó nêu các ý kiến làm cơ sở khoa học, định hướng cho việc tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Trấn Vũ-chùa Cự Linh giai đoạn 2020 - 2025 theo nguyện vọng của cộng đồng người dân nơi đây.

Theo TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: “Chùa Cự Linh trở thành một thành phần của Di tích quốc gia đền Trấn Vũ, là ước nguyện của cộng đồng, là mong muốn của địa phương và các nhà nghiên cứu để cụm di tích đền - chùa ở đây phát huy ngày càng hiệu quả”.

Dưới góc độ nghiên cứu về nguồn gốc dân cư, cơ cấu tổ chức làng xã, PGS,TS Bùi Xuân Đính (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) nêu: “Trong khuôn viên đền Trấn Vũ vốn có ngôi chùa Cự Linh. Tuy nhiên, ngôi chùa hiện tại là chùa mới được dựng gần đây, không mang phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ, nên không ăn nhập với khuôn viên đền - chùa gốc; cũng như với sinh hoạt truyền thống của chùa - đền nói chung.

Vì vậy, cần quy hoạch và dựng lại chùa cũng như tu bổ lại đền, để tạo thành một chỉnh thể hài hòa, phù hợp với truyền thống. Đền Trấn Vũ có tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là Báu vật quốc gia, hiện còn là nơi diễn ra tục kéo co ngồi - Di sản thế giới. Vì vậy, khi chùa Cự Linh được quy hoạch, tu bổ khang trang, đúng phong cách chùa Việt ở Bắc Bộ cần xếp hạng thành Cụm Di tích đặc biệt cấp quốc gia để có hướng và cơ sở pháp lý phục vụ công tác bảo tồn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch”.

Trò chơi Kéo co ngồi được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2015

Dưới góc độ nghiên cứu di sản văn hóa thông qua các tư liệu cổ GS, TS Đinh Khắc Thuân (Viện nghiên cứu Hán Nôm), nêu: “Do nhận thức tách bạch giữa đền và chùa trong thời gian qua, nên việc tôn tạo, xây dựng chùa và điện Mẫu Cự Linh khá lộn xộn. Cần quy lại thành một hệ thống di tích thống nhất, có không gian để tổ chức lễ hội, hoạt động tín ngưỡng, cũng như mở tuyến du lịch cho khách tham quan. Hướng tới xây dựng khu di tích tín ngưỡng văn hóa tâm linh đặc sắc vùng ven kinh đô Thăng Long-Hà Nội”.

Sau hội thảo, chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định phương án tu bổ, tôn tạo đền Trấn Vũ - chùa Cự Linh, nhằm sớm đề xuất để Hội đồng nhân dân quận Long Biên thông qua và quyết định tu bổ, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị-lịch sử quần thể di tích./.

 

Theo qdnd.vn