Phật giáo Sóc Trăng - nơi gắn kết niềm tin tôn giáo và giá trị nhân văn
Ngày đăng: 31/05/2022
Phát huy tinh thần “Tốt đời đẹp đạo”, chùa Quan Âm Đông Hải sẵn sàng hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm bệnh viện dã chiến điều trị F0
Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có 92 chùa Nam tông, 75 chùa Bắc tông, 3 chùa người Hoa, 13 ngôi tịnh xá, 2 ngôi thiền viện, 1 ngôi tu viện, 2 ngôi tịnh thất, 1 ngôi niệm Phật đường với hơn 2.000 tăng ni, sư sãi. Sóc Trăng là một trong những tỉnh có tín ngưỡng tôn giáo rất phong phú, mang bản sắc văn hóa đặc trưng ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, trong đó Phật giáo luôn là một nhân tố quan trọng góp phần làm nên những giá trị tôn giáo.

Điểm nhấn qua những công trình tín ngưỡng, tôn giáo

Một điểm nhấn trong thời gian gần đây là chùa Quan Âm Đông Hải, xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu (Sóc Trăng), công trình được khởi công xây dựng năm 2018 với nhiều hạng mục, tổng kinh phí xây dựng dự kiến trên 200 tỷ đồng, đang trong quá trình hoàn thành ở vị trí thiên nhiên kỳ vĩ với Khu du lịch sinh thái Hồ Bể làm đắm say lòng du khách. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, một phần của ngôi chùa được TX. Vĩnh Châu trưng dụng làm khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, với quy mô trên 200 giường bệnh, trang bị các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ điều trị do chùa Quan Âm Đông Hải hỗ trợ. “Việc xây dựng ngôi chùa với quy mô và nghệ thuật kiến trúc tinh tế sẽ điểm xuyết thêm sự hấp dẫn để khi đến với vùng đất Vĩnh Châu, du khách không chỉ là vãn cảnh, mà còn là cuộc hành hương về nơi văn hóa tâm linh của Phật giáo Việt Nam” - Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Quan Âm Đông Hải chia sẻ.

Góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hóa của dân tộc, của quê hương Sóc Trăng là những đường nét kiến trúc, lễ nghi, âm nhạc của Phật giáo của đồng bào Khmer. Chùa Som Rong (Phường 5, TP. Sóc Trăng) với điểm nhấn là ngôi bảo tháp có bốn hướng đi, tượng trưng cho bốn trạng thái tâm thức từ - bi - hỉ - xả và tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn lớn nhất tại Việt Nam nằm ngay tại khuôn viên. Hay chùa Buôl Pres Phek hay còn gọi là chùa Bốn Mặt (xã Phú Tân, huyện Châu Thành), là công trình kiến trúc thẩm mỹ độc đáo được công nhận Di sản Văn hóa - Lịch sử cấp tỉnh. Chùa Bốn Mặt còn là điểm đến hấp dẫn vì gắn liền với Giếng Tiên được lưu truyền trong dân gian mang ý nghĩa về sự cần cù, sáng tạo trong lao động của bậc tiền nhân (cách chùa khoảng 100m). Diễn viên Quyền Linh đang đầu tư thực hiện Dự án Khu văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên với nhiều hạng mục ý nghĩa, được kỳ vọng trở thành khu du lịch hấp dẫn, độc đáo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, hàng năm vào các ngày lễ hội truyền thống như: tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene Đôn Ta, lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo, cùng với đó là những hoạt động chào mừng Đại Lễ Phật đản, Lễ Vu lan… đều mang lại những giá trị riêng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho phật tử và nhân dân trong tỉnh.

Phát huy giá trị nhân văn của Phật giáo

Với tinh thần sống “Tốt đời, đẹp đạo” và kiên định phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trong những năm qua, hoạt động Phật sự của Ban Trị sự đã từng bước kết hợp hài hòa, chặt chẽ với các hoạt động xã hội, đưa giá trị trong sáng của giáo lý Đức Phật vào trong đời sống, phát huy giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Một trong những tổ chức giáo hội Phật giáo ở địa phương tích cực thực hiện công tác từ thiện xã hội là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Kế Sách. Theo Hòa thượng Trần Kiến Quốc - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Kế Sách, hiện nay toàn huyện có 6 chùa Nam tông, 20 tự viện Bắc tông. Thông qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Trị sự tỉnh, sự gắn kết của tăng ni, sư sãi, hoạt động của Phật giáo huyện Kế Sách đạt được nhiều kết quả quan trọng trong điều hành Phật sự, mang lại kết quả mỹ mãn, góp phần trang nghiêm giáo hội. Thể hiện tinh thần tri ân, báo ân, đoàn kết hòa hợp trong mọi hoạt động, phát quà, xây nhà, trao học bổng cho hộ nghèo, học sinh hiếu học, riêng giai đoạn 2016 - 2021 đã thực hiện công tác an sinh xã hội với số tiền trên 72 tỷ đồng.

Tăng ni, phật tử cùng góp sức phòng, chống Covid-19 qua những suất cơm miễn phí nghĩa tình

Hòa thượng Thích Minh Hạnh - Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, với mong muốn góp phần cùng với cấp ủy đảng, chính quyền chăm lo cho nhân dân, trong giai đoạn 2017 - 2022, Ban Trị sự đã có nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo. Điển hình là giúp nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo, xây nhà tình thương, tặng xe lăn cho người khuyết tật, giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... Đặc biệt trong đợt bùng phát dịch Covid-19, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã vận động ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19; ủng hộ hàng trăm tấn gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu, rau, củ, quả các loại để đưa đến hỗ trợ cho các khu vực cách ly y tế, bà con khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội; tổ chức nấu và cung cấp hàng trăm ngàn suất ăn thiện nguyện cho các khu cách ly, bệnh viện dã chiến; tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và bà con đang khó khăn vượt qua đại dịch. Tổng số tiền thực hiện công tác từ thiện xã hội trong giai đoạn qua gần 400 tỷ đồng.

Trong bất kỳ giai đoạn nào, Phật giáo cũng có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, với tinh thần “hộ quốc, an dân”. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao về đường hướng của đạo Phật, Người nói: “Tôi có lời khen ngợi các vị tăng ni và tín đồ đã sẵn lòng nồng nàn yêu nước, hăng hái làm tròn nghĩa vụ của người công dân và xứng đáng là phật tử”. Phát huy giá trị đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng luôn đoàn kết, sáng tạo, năng động tuân thủ sự chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, gắn bó với chính quyền, mặt trận, đoàn thể, hướng dẫn phật tử đến những điều tốt đẹp./.

 

Theo soctrang.vn