Phật giáo Hà Nội với công tác bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 23/09/2022
Hà Nội là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội hiện nay có 30 Giáo hội Phật giáo cấp huyện trực thuộc, 2,085 tăng ni, 1.632 cơ sở tự viện.

https://btnmt.1cdn.vn/2021/11/17/anh-3-hvpg-vn.jpeg

Tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tích cực tham gia lao động, dọn vệ sinh môi trường xung quanh khuôn viên Học viện

Trên cơ sở Đạo đức Phật giáo với ý thức và hành động bảo vệ môi trường trong triết lý Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, Nghiệp báo và Nhân quả, Phật giáo đã xây dựng nên những chuẩn mực đạo đức như từ bi, bất sát, tạo nghiệp thiện… rất có ý nghĩa trong ứng xử “thiện” với thế giới tự nhiên, với môi trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và Kế hoạch số 44/KHLT-MTTQ-TNMT ngày 21/6/2016 giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường ký kết với các tổ chức tôn giáo về việc tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp tuyên truyền, vận động các tôn giáo trong trên địa bàn đoàn kết, tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Căn cứ chương trình phối hợp hành động và kế hoạch liên tịch giữa ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố giai đoạn 2016-2-2021 về các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo đã triển khai và hướng dẫn 30/30 Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện và thị xã ký cam kết, đăng ký các mô hình điểm về bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khi hậu.

Qua đó, Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện, thị tổ chức ký cam kết 100% các cơ sở Phật giáo trên địa bàn thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời chủ động phối hợp với Ban Thường trực MTTQ các quận, huyện, thị xã đăng ký các mô hình điểm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2026.

Tại cơ sở tự viện, các buổi thuyết giảng, khóa tu, trụ trì các chùa lồng ghép các chủ đề về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm… để người dân hiểu được tầm quan trọng của môi trường đến đời sống, qua đó vận động mọi người trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh nơi mình sinh sống để tạo cảnh quan, giúp điều hòa không khí; đồng thời chú trọng vệ sinh đường làng ngõ xóm, không đổ rác bừa bãi.

Hoạt động tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến tích cực cho bà con về nhận thức, hành vi sống có trách nhiệm với xã hội, thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác môi trường.

Tại các địa bàn có đặc thù phần lớn người dân và tín đồ phật tử sống bằng nông nghiệp, các chùa phối hợp với ban, ngành địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội Cựu chiến binh, Hội nông dân…tuyên truyền người dân thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, trong đó có vấn đề bảo vệ môi trường, giữ môi trường luôn xanh- sạch- đẹp.

Chính quyền, đoàn thể và các chùa vận động người dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, những sản phẩm hoa màu có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì phải để đủ thời gian cách ly mới đem tiêu thụ ra thị trường, những vỏ chai, lọ thuốc bảo vệ thực vật khi dùng xong không để bừa bãi mà tập trung tại một chỗ sau đó xử lý; không đốt rơm rạ tại các trục giao thông làm ô nhiễm môi trường cũng như gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, thay vào đó, rơm rạ được dùng để trồng nấm hoặc làm phân bón. Với các hộ chăn nuôi thì phải xây các bể phốt và xử lý đúng quy trình, không đổ nước và chất thải chưa qua xử lý ra rãnh thoát nước chung, các rãnh thoát nước đều phải có nắp đậy vừa không mất mỹ quan, vừa tạo môi trường sạch sẽ.

Trong hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, Phật giáo cũng khuyên con người nên thực hiện việc phóng sinh và bảo vệ các loài động, thực vật. Không đánh bắt các loài thủy hải sản quý hiếm và không thả các loại thủy hải sản gây hại cho môi trường; không chặt phá các loại cây có giá trị mà nên tích cực trồng nhiều cây xanh.

Sau 5 năm triển khai, chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cơ sở Phật giáo đã đem lại kết quả thiết thực, với 95 mô hình điểm được MTTQ các cấp đánh giá điển hình và đề xuất khen thưởng về công bảo vệ môi trường; hàng nghìn ngôi chùa được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và Thành phố.

Không chỉ vậy, 100% các chùa đều có công trình sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, có hệ thống thu gom nước sinh hoạt, có khuôn viên cây xanh, đảm bảo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp.

Các chùa thực hiện có hiệu quả việc tuyền truyền cho tăng, ni, phật tử hạn chế sử dụng túi ni lông, chai nhựa, không vứt rác bừa bãi. Một số chùa như chùa Trung Hậu (huyện Mê Linh), chùa Thị Cấm (quận Nam Từ Liêm), chùa Vạn Phúc (Sóc Sơn), chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ)… đã lắp đặt hệ thống thùng rác để Nhân dân, tín đồ, phật tử bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp.

Tại chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai), một trong những cơ sở tự viện tiêu biểu tại Hà Nội trong thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, trụ trì chùa dự định kêu gọi triển khai quỹ nhân lực và tài lực để chủ động ứng phó và tổ chức cứu trợ khi có hạn hán, thiên tai xảy ra.

Hoạt động bảo vệ môi trường do chùa Pháp Vân triển khai

Chùa đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Thành lập Ban Điều hành Pháp Vân Xanh với 20 thành viên nòng cốt và 4 thành viên cố vấn là các Giáo sư, chuyên gia hoạt động vì cộng đồng; Thành lập Câu lạc bộ Môi trường xanh với sự tham gia của đoàn viên thanh niên, sinh viên đến đến từ các trường Đại học trên địa bàn TP. Hà Nội; Phát động Chương trình “Triệu chữ ký, triệu hành động vì môi trường”; Tổ chức Tọa đàm “Tôn giáo với cuộc sống an lành và môi trường tươi đẹp”... Đối với chính quyền địa phương và khu dân cư lân cận, hàng năm, chùa đều phối hợp ký cam kết tham gia BVMT dựa trên sự kết nối giữa tam giác giữa 3 bên, thống nhất kế hoạch chiến dịch ra quân BVMT trên địa bàn, đồng thời củng cố, xây dựng và phát triển các mô hình điểm về BVMT, ứng phó với BĐKH tại cơ sở. Điển hình như tổ chức các cuộc ra quân BVMT tại khu dân cư phường Hoàng Liệt với tiêu chí: Xanh - Sạch - Đẹp từ nhà ra phố, góp phần nâng cao chất lượng sống người dân; Lễ phát động “Chung tay BVMT, ứng phó với BĐKH”, chủ đề “Tử tế với môi trường” thông qua hoạt động vệ sinh môi trường khu vực hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội...

Chia sẻ về các hoạt động bảo vệ môi trường của Phật giáo Thủ đô, bà Phạm Ngọc Khánh, Phó Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hà Nội cho biết, “Chúng tôi đánh giá cao vai trò của Phật giáo khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Trong những năm vừa qua, Phật giáo đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các cơ sở tự viện, tổ dân phố, khu dân cư xanh-sạch-đẹp, đồng thời đi đầu trong thực hiện phong trào thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang trên địa bàn.

Phật giáo có truyền thống gắn bó, chia sẻ nhiều mặt với dân tộc, tham gia cùng Nhà nước và các tổ chức xã hội khác, bảo vệ và giám sát bảo vệ môi trường. Tín đồ Phật giáo là những nhân tố tích cực khi sống “thân thiện với môi trường”. Lối sống đó hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đất nước và phù hợp với tinh thần của đạo đức môi trường hiện đại”, Phó Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hà Nội nhận định./.

 

Thu Vân