Người Mông theo Tin Lành ở Lai Châu phát triển du lịch “xanh”
Ngày đăng: 23/09/2022Cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, đó là bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), là nơi có nhiều đồng bào Mông theo Tin Lành hiện nay đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng và trồng lan rừng, nhất là địa lan Trần mộng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp cho đời sống của bà con ngày càng được cải thiện.
Người dân ở bản Sin Suối Hồ giữ gìn văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông
Phóng viên Trung tâm Thông tin, Ban Tôn giáo Chính phủ có buổi trao đổi với Mục sư Hảng A Xà, Quản nhiệm Chi hội Sin Suối Hồ về những đổi thay đặc biệt ở bản Sin Suối Hồ trong thời gian qua.
Mục sư Hảng A Xà, Quản nhiệm Chi hội Tin Lành Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
PV: Được biết bản Sin Suối Hồ trước đây là một bản nghèo của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đến nay đã có những thay đổi vượt bậc, đời sống của bà con người Mông nơi đây đã được cải thiện, xin Mục sư chia sẻ một vài nét cơ bản về Chi hội Tin Lành Sin Suối Hồ.
Mục sư Hảng A Xà:
Bản Sin Suối Hồ hiện có 123 hộ gia đình với hơn 650 người, trong đó có hơn 400 người theo Tin Lành.
Trước đây bản Sin Suối Hồ nổi tiếng là bản đói nghèo, chuyên trồng và tiêu thụ cây thuốc phiện với khoảng hơn 90 % dân bản là con nghiện. Thuốc phiện đã làm đời sống người dân nơi đây trở lên mù mịt, đói rách, khốn khổ, bệnh tật và nhiều tệ nạn khác, tưởng chừng bản không còn tương lai.
Bắt đầu từ năm 1995 đến năm 2005 thì chúng tôi dùng 10 năm để cai nghiện, cai thuốc phiện, thuốc lào, và cai rượu, chia sẻ bớt khó khăn với Đảng, Nhà nước và lãnh đạo chính quyền địa phương.
Từ năm 2005-2010, chúng tôi mất 5 năm để thay đổi tư duy của bà con người Mông ở nơi đây, bởi vì chúng tôi ở vùng sâu vùng xa, bà con ít có điều kiện tiếp xúc, va chạm với xã hội, vì vậy cần thay đổi cách sống, cách giao tiếp, kỹ năng sống và tư duy kinh doanh.
Sau khi phát triển du lịch cộng đồng, từ năm 2005, số người nghiện đã giảm dần, đến nay bản Sin Suối Hồ không còn người nghiện ma túy.
Một buổi sinh hoạt của điểm nhóm Tin Lành Sin Suối Hồ
Từ năm 2012, những con đường ở bản Sin Suối Hồ đã được đổ bê tông, xây dựng nông thôn mới, di chuyển tất các các chuồng bò, chuồng lợn, nhà vệ sinh, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông được xây dựng gọn gàng, sạch sẽ, cùng với đó là những vườn địa lan, vườn đào, mận, thảo quả, táo mèo….
Từ năm 2015-2020, chúng tôi dùng 5 năm để đào tạo nhân lực phục vụ cho việc phát triển du lịch ở địa phương ví dụ như đào tạo đầu bếp làm các món Á, Âu, đào tạo nhân viên pha chế, người phục vụ, quản lý nhà hàng, tiếng Anh, công nghệ thông tin với tổng số khoảng 15 nhóm ngành nghề được đào tạo.
Bản Sin Suối Hồ hiện có hơn 100 hộ, trong đó có hơn 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư hoặc nâng cấp nhà nghỉ để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của khách du lịch. Trung bình mỗi tháng có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là du khách nước ngoài. Du khách tới bản có thể ở cả tuần, cả tháng, cùng chia sẻ ẩm thực, văn hóa và được trải nghiệm các hoạt động: Gặt lúa, hái thảo quả, làm bánh, dệt vải… Được cùng ăn, cùng ở với chủ nhà trong không khí ấm cúng, thân thiện, du khách sẽ hiểu hơn về cuộc sống, con người và giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc Mông.
Từ chỗ là một bản nghèo, hiện nay nguồn thu nhập của các hộ gia đình đều tăng từ việc làm du lịch và bán các sản vật của địa phương. Để gìn giữ môi trường tốt nhất cho du khách, đồng bào Mông ở đây thực hiện mô hình "5 không", đó là: Không hút thuốc phiện; không hút thuốc lào hay thuốc lá; không đàn đúm rượu chè; không cờ bạc; không xả rác. Cùng đó là 100% thực phẩm sạch từ thiên nhiên không hóa chất và hoàn toàn tự cung tự cấp.
Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ cũng phát triển mô hình chợ du lịch truyền thống của người Mông, bán các sản vật của địa phương như thuốc lá, thổ cẩm, ẩm thực gắn liền với không gian trình diễn các công đoạn sản xuất đặc trưng. Một sân khấu đã được xây dựng ở trung tâm bản để biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Trong giai đoạn 2020-2025, phương hướng của chúng tôi đó là sẽ tạo ra những sản phẩm đặc biệt gắn với truyền thống của địa phương để bán cho các khách hàng có nhu cầu, phát triển các loại hình du lịch, xây dựng lại văn hóa của người Mông ví dụ như nhà trình tường, các trang phục truyền thống, thổ cẩm, dùng các hoa văn truyền thống để may các túi thổ cẩm, xây dựng lại mô hình lợn cắp nách, gà, trồng rau, nuôi cá tầm, cá hồi…
PV: Là nơi đang phát triển các loại hình du lịch “xanh”, trong thời gian qua, Chi hội Tin Lành Sin Suối Hồ đã hướng dẫn các tín hữu của mình như thế nào trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu?
Mục sư Hảng A Xà:
Như đã chia sẻ ở trên, hiện nay bản Sin Suối Hồ đang phát triển mô hình du lịch xanh, đồng thời phát triển kinh tế của các hộ gia đình với những vườn địa lan, trồng thảo quả, táo mèo, việc bảo vệ môi trường đối với người dân nơi đây đặc biệt được quan tâm.
Việc triển khai bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thì được chúng tôi đặt lên hàng đầu vì nếu muốn làm tốt được tất cả các công việc trên thì điều đầu tiên chúng tôi phải bảo vệ môi trường sống của chính mình.
Chúng tôi dùng 5 năm để có thể thay đổi nhận thức và tư duy của người Mông ở nơi đây, giúp bà con cai thuốc phiện, cai rượu, cai thuốc lá, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Từ những em bé 5-6 tuổi đã được giáo dục về việc bảo vệ môi trường ví dụ như ăn một cái kẹo thì cũng phải vứt vỏ kẹo ở đúng nơi, đúng chỗ. Xung quang bản Sin Suối Hồ đều là rừng, chính vì vậy chúng tôi đang ngày đêm thúc đẩy việc giữ gìn và bảo vệ rừng, không chặt phá cây bừa bãi, bảo vệ những động vật quý hiếm ở trong rừng.
Trước đây, người dân nơi đây chỉ quẩn quanh với cây lúa, cây ngô và trồng ít thảo quả trong rừng. Từ khi UBND tỉnh Lai Châu công nhận bản Sin Suối Hồ là bản du lịch cộng đồng, thì người dân bản Sin Suối Hồ có thêm nguồn thu nhập từ phục vụ du lịch, trồng, chăm sóc địa lan Trần mộng bán ra thị trường.
Ở Sin Suối Hồ, nhà nào cũng trồng địa lan Trần mộng, nhà ít thì vài chục chậu, nhà nhiều lến đến cả trăm chậu địa lan. Dọc 2 bên lối đi trong bản, trong vườn, trước nhà dân đều có sự hiện diện của những chậu địa lan Trần mộng.
Chúng tôi vừa bảo vệ và phát triển các loại cây đem lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình ở nơi đây.
Đặc biệt để có thể bảo vệ môi trường được tốt hơn chúng tôi hướng dẫn các tín hữu, bà con địa phương phân loại rác thải ngay tại nhà, loại rác nào phân hủy được chúng tôi sẽ cho đem đi phân hủy ngay, rác không phân hủy được chúng tôi sẽ thu gom lại và tập trung tại những địa điểm do chính quyền địa phương quy định. Việc sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu thì chúng tôi cũng hạn chế ở mức tối đa, hướng dẫn bà con không sử dụng bừa bãi gây ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống xung quanh.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm bản Sin Suối Hồ
PV: Xin Mục sư cho biết sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với bản Sin Suối Hồ thời gian qua?
Mục sư Hảng A Xà:
Bản Sin Suối Hồ nói chung và chi hội Tin Lành Sin Suối Hồ nói riêng trong thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất đó là tạo điều kiện cho các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tại Chi hội. Chúng tôi được Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo tỉnh và chính quyền địa phương hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ra đời, chúng tôi cũng được nghe hướng dẫn chi tiết, cụ thể các điều khoản của Luật.
Thứ hai, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện và hướng dẫn cho bà con trong bản xây dựng các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, mô hình du lịch cộng đồng được các du khách đón nhận nhiệt tình, góp phần phát triển đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc Mông nơi đây; tuyên truyền cho bà con về chính sách dân tộc; việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí; Luật Bảo vệ môi trường; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Thứ 3, chúng tôi thường xuyên được lãnh đạo chính quyền địa phương đến thăm hỏi Chi hội vào các dịp lễ trọng của tôn giáo như lễ Giáng sinh, Phục sinh, đồng thời luôn khích lệ, động viên các tín hữu trong Chi hội cùng nhau sinh hoạt tôn giáo đúng theo chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội tại đia phương.
Trân trọng cảm ơn Mục sư Hảng A Xà!
Hương Huyền thực hiện