Góp phần lan tỏa bảo vệ môi trường của các phật tử chùa Địa Tạng Phi Lai
Ngày đăng: 11/11/2022Đến với Địa Tạng Phi Lai tự được hòa mình với thiên nhiên, môi trường trong lành, tràn đầy sức sống và chính nơi đây công tác bảo vệ môi trường rất được chú trọng. Ngôi chùa có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi tọa lạc ở thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).
Chùa Địa Tạng Phi Lai có lối kiến trúc đẹp, cùng một màu xanh mướt của hàng trăm loài cây cối, hồ sen và những thảm sỏi trắng xóa. Ngôi chùa nằm ẩn mình giữa rừng thông, vừa có kiến trúc đẹp, vừa gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây cũng có thể cảm nhận.
Một màu xanh mướt của hàng trăm loài cây
Nhà sư và phật tử cắt tỉa cây cối
Tại đây, bất kì nơi nào trong chùa cũng bắt gặp nhiều phật tử và nhiều các bạn trẻ về làm công quả: quét dọn, chăm sóc cây cối, thu gom rác thải và vận chuyền rác tới nơi tập trung đã được quy định sẵn tại chùa. Các phật tử còn nhắc nhở du khách khi vào thăm quan chùa: bỏ dép bên ngoài, giữ gìn vệ sinh chốn thiêng. Từng ngách nhỏ cũng được nhà chùa và các phật tử chăm chút nhằm tạo dấu ấn “sạch, đẹp” trong lòng du khách bốn phương.
Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, các sư ở chùa, sau mỗi thời gian thuyết pháp đều trao đổi, chia sẻ, trích dẫn tất cả những lời kinh của Phật với phật tử, và người dân nơi đây về bảo vệ môi trường: không đốt vàng mã, thắp hương tại chùa, cùng nhau bảo vệ sự đa dạng sinh học nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái.
Ngoài ra các sư thầy còn tuyên truyền về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều và chai lọ chứa thuốc bảo vệ thực vật không được xử lý đúng cách sẽ tồn dư ở trong lòng đất rất lâu. Sau này khi ngấm xuống nguồn nước sẽ tác động đến cuộc sống của ngay những cư dân đang sinh sống ở địa phương.
Theo quan sát, nơi đây còn được nhà sư và phật tử trồng các loại rau, các loại trái cây và các loài hoa khác nhau xung quanh các dãy núi, bên cạnh đó còn có các loại cây dùng làm thuốc chữa bệnh, các loại thảo dược được các sư và người dân trong thôn trồng và chăm sóc. Tại chân núi, chùa có xây dựng một nhà trồng nấm khoảng 20m2 để cung cấp lương thực sạch cho các bữa ăn chay hoặc để làm ruốc.
Vườn rau xanh đủ các loài rau được trồng theo mùa
Các sản vật từ nông nghiệp như: ngô, chuối, rau xanh, nấm... đều được các sư và các phật tử trồng và chăm sóc.
Ngôi nhà thuốc tại chùa Địa Tạng Phi Lai
Đến đây còn có thể khám phá dãy núi phía sau chùa. Đường leo núi cũng khá thử thách vì phải đi theo đường suối, chui qua hang, leo dốc cao. Đường lên đỉnh núi có khoảng 20 điểm dừng chân. Mỗi điểm dừng chân được xây dựng các không gian thưởng trà, vườn thiền, ghế đá để vừa leo núi vừa nghỉ ngơi và hòa mình vào thiên nhiên. Từ trên đỉnh núi có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh chùa Địa Tạng từ trên cao. Thời gian để leo tới đỉnh núi khoảng 2 giờ đồng hồ.
Điều đặc biệt, trong tất cả các căn nhà dừng chân thì đều được trát bằng bùn trộn với rơm khô. Các vườn thiền có thể được trải đá trắng, có vườn thiền là thảm cỏ xanh rì, có vườn thiền lại là những viên gạch cổ khắc họa tiết rồng thời Lý. Đây là một trong những điểm đặc sắc, tạo không gian mát mẻ, gần gũi với thiên nhiên, hòa mình vào cây cỏ, núi rừng.
Con đường leo núi bằng đá giúp người leo cảm nhận được không gian gần gũi với thiên nhiên
Ngoài ra, từ chân núi lên đỉnh núi còn có thể bắt gặp những sọt rác vô cùng ấn tượng và gần gũi với thiên nhiên, mang nét trầm mặc riêng của nó
Chị Hằng, phật tử tại chùa chia sẻ: Mình coi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình, nơi đây giúp mình cảm nhận được không khí trong lành, mát mẻ, mùi hương hoa cỏ, núi rừng thoang thoảng, tiếng chim hót, tiếng thông reo, tiếng suối chảy, không gian thanh tịnh, giúp con người trút bỏ mệt nhọc, lo âu bộn bề của cuộc sống hàng ngày. Và cứ ngày cuối tuần gia đình chị tới đây làm thiện nguyện, công quả.
Vị trí chùa ở trên một ngọn đồi, không gian rộng và bằng phẳng nên từ xa du khách có thể thấy một ngôi chùa có kiến trúc đẹp, không gian bình lặng bậc nhất Hà Nam
Chùa Địa Tạng Phi Lai có tên gọi cũ là chùa Đùng, theo lời kể của dân làng và qua những cổ vật tìm thấy trong quá trình trùng tu và xây dựng các nhà sử học, nhà nghiên cứu nhận định chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ X.
Bên trong chùa lưu giữ nhiều cổ vật thiêng liêng, một dấu ấn của lịch sử Phật giáo Việt Nam
Theo vận động biến đổi của thời gian, tàn phá của chiến tranh, kiến trúc, cảnh quan bị bào mòn, nhiều năm không được tu tạo, cây cối mọc hoang, quây kín nên chùa Đùng dường như đã bị bỏ quên và xuống cấp nghiêm trọng.
Nơi đây có rất nhiều phật tử trẻ về làm công quả tại chùa
Với quan điểm hài hòa, sống gần gũi với thiên nhiên, sau hơn 5 năm trùng tu, xây dựng, trụ trì Thích Minh Quang cùng nhân dân gần xa đã tạo nên một kiệt tác không gian thiền vị qua kiến trúc cảnh quan, hệ thống tượng thờ đặc biệt, tạo nên sự an lạc cho bất kỳ một ai đến thăm, lễ Phật tại Địa Tạng Phi Lai Tự.
Tin, ảnh: Đức Anh