Đồng Tháp: Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân
Ngày đăng: 05/09/2022Tín đồ các tôn giáo trên địa bàn huyện Hồng Ngự phần lớn là nhân dân lao động gắn bó với cộng đồng dân cư, tích cực tham gia vào các phong trào ở địa phương, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Vì đạo pháp dân tộc”.
Hồng Ngự có 05 tôn giáo lớn như Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, chiếm 49,85% dân số toàn huyện (khoảng 72.473 tín đồ). Có 11 cơ sở thờ tự của Phật giáo Việt Nam và 02 Tịnh xá, 06 Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo (04 chùa), Công giáo có 01 nhà thờ, Cao Đài 02 cơ sở (01 thánh thất, 01 điện thờ Phật mẫu).
Là huyện biên giới đầu nguồn phía Bắc có Sông Tiền chảy qua, hàng năm tình hình thời tiết bất thường hạn hán, mưa, giông lốc, sạt sở bờ sông đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân; ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) của một bộ phận dân cư chưa cao, nhận thức chưa đầy đủ và thiếu quan tâm đến công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, còn thờ ơ đứng ngoài cuộc, thiếu tích cực đồng hành cùng chính quyền, xem đây là nhiệm vụ của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể; trong sản xuất nông nghiệp, người dân chưa ý thức thu gom, còn vứt bừa bãi bao bì, vỏ chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường, chưa được thu gom tập trung và tiêu hủy theo đúng quy định,… Bên cạnh, sự đầu tư để xử lý rác thải nông nghiệp chưa được chú trọng, nên khi nhân dân thu gom rác không biết xử lý như thế nào, còn ảnh hưởng nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Ngoài ra, trong những năm gần đây, do bị ảnh hưởng môi trường và sự biến đổi khí hậu làm cho chất lượng nguồn nước suy giảm; không khí ở các cụm, tuyến, khu dân cư bị ô nhiễm, khối lượng phát sinh và mức độ độc hại của chất thải ngày càng tăng; điều kiện vệ sinh môi trường; cung cấp nước sạch ở một số nơi chưa bảo đảm; các thảm hoạ do thiên tai và những diễn biến xấu về khí hậu đang tăng, đặt công tác BVMT trước những thách thức lớn.
Trước thực trạng trên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh và Thường trực Huyện ủy Hồng Ngự; sự chủ động vào cuộc của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên & Môi trường và các phòng, ban, ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức tôn giáo, các nơi thờ tự, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động,….Trong đó, chú trọng công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, tác động tạo sự đồng thuận, hưởng ứng cao của cán bộ, công chức, viên chức; chú trọng việc phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của địa phương, đồng thời làm nòng cốt khơi dậy tinh thần cộng đồng chung sức, đoàn kết tham gia BVMT.
Không chỉ tập trung tuyên truyền chuyên đề mà còn kết hợp lồng ghép tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh, Huyện và của địa phương; đa dạng hóa các hình thức truyền thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ hưởng ứng các cuộc vận động, các ngày lễ, kỷ niệm và Ngày Môi trường Thế giới…của các ban, ngành đều đưa các hoạt động về vệ sinh môi trường vào để thực hiện thu gom rác thải; vệ sinh nơi công cộng; chặt mé cây xanh, phát quang bụi rậm, trồng cây xanh, hoa trước nhà, cổng nhà, nơi thờ tự tạo môi trường cảnh quang xanh – sạch – đẹp; các cuộc sinh hoạt, họp lệ các chi, tổ, hội, các câu lạc bộ, đội, nhóm nòng cốt để tuyên truyền, vận động BVMT; bằng hình ảnh trực quan như phát tờ rơi, treo panô, áp phích; tận dụng triệt để hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã tác động thường xuyên, liên tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện; các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Qua đó, tác động mọi người ngày càng nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và ý thức thức tự giác về BVMT. Đáng kể như phối hợp với Đài Truyền thanh huyện thực hiện chuyên mục BVMT 38 tin bài phóng sự, Phòng Tài Nguyên & Môi trường phát 1.650 tờ rơi, lắp 08 panô và 132 băng rol. Nội dung tuyên truyền trọng tâm về BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình, cá nhân, trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản,...
Ngoài ra, các chức sắc, chức việc còn lồng ghép vào những ngày lễ trọng, sinh hoạt thường kỳ của các tôn giáo, các câu lạc bộ... tuyên truyền, vận động giúp tín đồ các tôn giáo nắm bắt, cập nhật thường xuyên những kiến thức, nâng cao tinh thần đoàn kết, hành động vì môi trường và biến đổi khí hậu; chung tay BVMT, cảnh quang thiên nhiên, nguồn tài nguyên nước, xây dựng các mô hình cổng nhà, sân vườn, công trình vệ sinh, đường làng ngõ xóm, khu vui chơi giải trí, địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng xanh- sạch - đẹp; bảo vệ giữ gìn vệ sinh nơi ở, nơi thờ tự và nơi công cộng; bảo vệ nguồn thủy sản, nước sạch trong ăn, uống hợp vệ sinh; vận động các tín đồ và nhân dân không sử dụng vật liệu cháy nổ, những phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại hay thực hiện quy trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường; không sử dụng chất cấm, chất kích thích và chất bảo vệ thực vật không đúng quy định trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến, dịch vụ gây hại cho người và môi trường sản xuất, nuôi trồng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Điển hình tiêu biểu hoạt động hiệu quả tạo lan tỏa tích cực trong cộng đồng dân cư của Nhà thờ Thường Phước với mô hình “Giáo dân Công giáo tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường”; mô hình “Xây dựng hàng rào trồng hoa kiểng” trên địa bàn xã Thường Thới Tiền; mô hình “Tín đồ tôn giáo đăng ký tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” (có 320 hộ gia đình là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đăng ký tham gia, trên địa bàn xã Phú Thuận B)...
Nhìn chung, qua công tác tuyên truyền, vận động nhận thức của đoàn viên, hội viên và bà con phật tử, tín đồ, giáo dân của các tôn giáo có sự chuyển biến tích cực và có sự đồng thuận cao thể hiện qua những việc làm cụ thể như: Sử dụng nước hợp vệ sinh; chặt mé cây xanh, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh, không để ao tù nước đọng xung quanh nhà ở; thực hiện tốt việc thu gom rác và xử lý rác thải hợp vệ sinh, làm hàng rào cửa ngõ trồng cây xanh; sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tiết kiệm, kết hợp thu gom bao bì, võ chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp về xử lý tránh sự ô nhiễm môi trường,... Từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư, làm xuất hiện nhiều nhân tố mới, cách làm hay, những tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực tham gia cùng chính quyền, MTTQ về BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng hành cùng các mô hình hoạt động của các tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã xây dựng, phát động khơi dậy mạnh mẽ một số mô hình hoạt động song hành như: Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình “5 không, 3 sạch”, có 11 tổ và 3.770 thành viên; đoạn đường 03 sạch ở 11/11 xã thực hiện một số nội dung như làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa kiểng, xây dựng nhà vệ sinh, thường xuyên vệ sinh quét dọn nhà cửa,..với chiều dài 24 km; mô hình thu gom và xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp tại thị trấn Thường Thới Tiền (mô hình được Hội Nông dân Tỉnh triển khai thí điểm), bố trí 25 thùng gom rác thải tại khu 2.600ha; Đoàn Thanh niên với những hoạt động cụ thể có ý nghĩa thiết thực làm sạch môi trường như “Ngày thứ bảy tình nguyện”; “Ngày chủ nhật xanh”; xây dựng 03 Tổ tự quản vệ sinh môi trường ở 03 xã nông thôn mới với 45 thành viên; phát động mô hình văn phòng xanh; mô hình tuyến đường sáng – xanh – sạch – an ninh tại 11 xã,…. Từ các mô hình trên, đã tạo thói quen và nâng cao ý thức về BVMT trong cộng đồng; tăng cường trách nhiệm, thu hút mọi nguồn lực, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng dân cư sống trên địa bàn tích cực tham gia, ngăn ngừa ô nhiễm và BVMT ở khu dân cư.
Hướng tới, tập trung nuôi dưỡng, phát huy các mô hình đã và đang hoạt động hiệu quả, đồng thời với nhân rộng phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thẩm thấu đến các tầng lớp nhân dân và bà con tín đồ các tôn giáo về lợi ích và tác hại của ô nhiễm môi trường; tiếp tục“Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”và xây dựng mô hình mới, cách làm hay diễn ra ngay tại khu dân cư: Tín đồ các tôn giáo ở xã Long Khánh B hưởng ứng tham gia thực hiện “Sử dụng nước hợp vệ sinh, không có ao tù nước đọng, thực hiện tốt việc thu gom rác và xử lý rác thải hợp vệ sinh, làm hàng rào cửa ngõ trồng cây xanh”; tín đồ các tôn giáo xã Thường Phước 1 và Phú Thuận A tham gia thực hiện mô hình “Sử dụng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, tiết kiệm, hợp vệ sinh”. Tham gia thực hiện việc thu gom bao bì, vỏ chai nhựa thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp về xử lý, tránh ô nhiễm môi trường; “Tín đồ các tôn giáo xã Thường Phước 2 tham gia ký cam kết bảo vệ môi trường và ứng phó biến khí hậu”. Từng hộ ký cam kết treo trong nhà nơi dễ nhìn, để nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện tốt…
Xác định công tác BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung quan trọng trong đời sống xã hội, cả hệ thống chính trị các cấp trong huyện đều vào cuộc, kết hợp phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã tác động chuyển biến nhận thức người dân thay đổi thái độ sống hình thành ý thức tự giác trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi hậu, trở thành nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống dân trí./.
Trần Thắng