Đồng Nai: Chung tay chăm lo người yếu thế
Ngày đăng: 11/07/2022Cùng với trao tặng quà, xây dựng nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua mỗi cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc, các tôn giáo tỉnh Đồng Nai đã chung tay chăm lo và tạo điều kiện để trẻ mồ côi được đến trường, tạo chỗ dựa cho người già neo đơn, người khuyết tật.
Điều này góp phần lan tỏa tinh thần vì cộng đồng của các tôn giáo trong cuộc sống.
* Trao tình thân và cơ hội học tập cho trẻ
Cơ sở bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng (chùa Bửu Sơn, H.Định Quán) hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 40 trẻ em. Trong đó, trẻ nhỏ nhất vừa tròn năm còn lớn nhất đang là sinh viên năm 3. Ngoài ra, còn có 28 người già neo đơn và người khuyết tật đang sinh sống tại đây.
Theo ni sư Thích Nữ An Quý, Giám đốc cơ sở thì chùa Bửu Sơn bắt đầu nhận chăm sóc trẻ bị bỏ rơi, người già không nơi nương tựa từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Năm 2008, Cơ sở bảo trợ xã hội dân lập Hoa Sen Trắng thuộc chùa Bửu Sơn chính thức được Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Nhiều thế hệ trẻ em sau thời gian dài sống ở cơ sở được đi học, rèn luyện đạo đức rồi ra xã hội lao động, xây dựng gia đình.
Em T.Đ.Q. hiện đang là sinh viên năm thứ 3 một trường đại học cho hay, bản thân em được chăm sóc ở cơ sở từ nhỏ. Những năm qua, em được các ni, sư chăm lo việc sinh hoạt, học tập. Em cố gắng học đến nơi đến chốn để không phụ sự yêu thương của mọi người ở cơ sở và cũng là làm gương cho các em nhỏ hoàn cảnh giống mình cố gắng vươn lên.
Còn em T.T.H. chuẩn bị vào lớp 6 năm học 2022-2023 nói: “Con không có được cha mẹ như mấy bạn trong lớp nhưng các ni, sư, anh chị rất thương yêu con. Mọi người cùng chơi, cùng học, rồi đưa đón con tới trường”.
Tại Cơ sở bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa, thuộc Tòa giám mục Xuân Lộc), bà Phan Thị Nhan, Phó giám đốc cơ sở cho hay, hiện nơi đây đang chăm sóc 176 trẻ từ 4 tháng tuổi tới 20 tuổi. Ngoài chăm sóc về miếng ăn, giấc ngủ, rèn luyện đạo đức, cơ sở cử người đưa đón các em đến trường ở từng cấp học theo quy định. Từ năm 2009 đến nay, đã có 34 trẻ trưởng thành, tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học và lập gia đình. Cùng với đó, cơ sở còn chăm sóc 24 người cao tuổi, có trường hợp đã trên 90 tuổi.
Được biết, mỗi khi bắt đầu vào năm học mới, cơ sở phải chuẩn bị hơn 200 triệu đồng để lo các khoản đóng góp đầu năm cho từng học sinh và quần áo, giày dép, sách vở cho từng em. Bà Nhan cho biết: “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi và động viên các em cố gắng nỗ lực để học tập. Vì đây là con đường mở ra tương lai và hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn cho các em sau này. May mắn là nhiều em đã nỗ lực để rồi tìm cho mình công việc phù hợp, có thể nuôi sống bản thân, xây dựng hạnh phúc gia đình riêng”.
* Nơi nương tựa cuối đời của người già
Cùng với tham gia chăm sóc, hỗ trợ giáo dục cho trẻ em mồ côi, mỗi cơ sở bảo trợ xã hội thuộc các tôn giáo còn là nơi nương tựa cuối đời của người già, người khuyết tật.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng quà cho người già đang được chăm sóc tại Cơ sở bảo trợ xã hội cô nhi Thiên Bình (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa, thuộc Tòa giám mục Xuân Lộc)
Trong đó, nhiều năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch), một tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo đã và đang góp sức nuôi dưỡng, chăm sóc người không nơi nương tựa, không thể tự chăm sóc bản thân từ 20-95 tuổi. “Những người này đều không có họ hàng, quen biết gì với tôi từ trước. Nhưng qua những chuyến đi thực tế đến nhiều nơi, duyên số đưa họ gặp tôi. Thấy hoàn cảnh các cụ quá đáng thương nên tôi đưa về nhà chăm sóc và đến nay đã có hơn 60 hoàn cảnh được gia đình nhận chăm sóc” - bà Hồng chia sẻ. Với việc làm ý nghĩa này, bà Hồng đã được UBND tỉnh trao tặng bằng khen Người tốt, việc tốt tỉnh năm 2021.
Để có kinh phí chăm lo cho mọi người, vợ chồng và các con của bà Hồng phải lao động trên đồng ruộng để có thu nhập. Thời gian gần đây, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến để phụ thêm tã, sữa giúp gia đình bà Hồng có thêm điều kiện chăm sóc cho người khó khăn. Đồng thời, các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở địa phương cũng giúp đỡ gia đình bà chăm sóc những người cao tuổi hoàn cảnh kém may mắn.
Còn nữ tu Trần Thị Kim Hường, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội dưỡng lão tình thương Suối Tiên (H.Trảng Bom) chia sẻ, cơ sở hiện đang chăm sóc trên 100 cụ già neo đơn từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Người được chăm sóc ở đây, hầu hết đều mang nhiều bệnh do tuổi già, sức yếu. Do vậy ngoài người phụ trách công việc chăm sóc, những người già còn khỏe mạnh cũng tham gia hỗ trợ cho người yếu sức hơn. Để đảm bảo hoạt động của cơ sở diễn ra thuận lợi, thành viên của cơ sở bảo trợ xã hội tự trồng các loại rau, đậu, trái cây, nuôi cá trên diện tích đất hiện có của cơ sở, đồng thời tiếp nhận sự đóng góp từ cá nhân, tổ chức. Từ đó, việc chăm lo hoàn toàn miễn phí dành cho người cao tuổi kém may mắn diễn ra suôn sẻ.
Bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh - đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động thăm, trao tặng quà cho các cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có các cơ sở thuộc các tôn giáo cho hay, việc chăm sóc trẻ, nuôi dưỡng người già được các cơ sở thực hiện chu đáo. Thông qua huy động các nguồn lực xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thường xuyên tổ chức đưa mạnh thường quân đến tận các cơ sở để chứng kiến rồi cảm nhận để cùng có sự sẻ chia, chung tay với các cơ sở bảo trợ xã hội chăm lo cho trẻ em, người già, người khuyết tật.
Cùng với các cơ sở của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, 14 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được cấp phép hoạt động đang chăm sóc cho khoảng 1,2 ngàn người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, người bị tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và người có hoàn cảnh khó khăn./.
Theo baodongnai.com.vn