Đổi thay ở những giáo xứ, giáo họ: “Lợi đạo, ích đời”, đồng hành cùng với dân tộc (Bài 1)
Ngày đăng: 14/09/2022
Cuộc sống bà con giáo dân tại nhiều giáo xứ, giáo họ trên địa bàn các tỉnh khu vực Trung Bộ đang ngày một khởi sắc, đổi thay. Trong thành công chung và niềm vui đó, ngoài sự nỗ lực, đoàn kết của cộng đồng giáo dân; còn là cái tâm kính chúa yêu nước, là sự lãnh đạo đúng đắn của người quản xứ trong việc phát huy tình đoàn kết lương - giáo theo phương châm xây dựng cuộc sống 'lợi đạo, ích đời", đồng hành cùng dân tộc. Ghi nhận ở xã vùng giáo Hưng Yên Nam.

Từ một xã vùng giáo bán sơn địa nghèo khó, nay Hưng Yên Nam (Hưng Nguyên, Nghệ An) đang khởi sắc từng ngày. Bức tranh tươi mới ấy được dệt nên từ chính những con người miệng nói tay làm; từ những chủ trương, chính sách hợp lòng dân; từ niềm tin được củng cố vững chắc để bà con giáo dân đoàn kết cùng lương dân thi đua xây dựng quê hương giàu đẹp.

“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”…

Ở Hưng Yên Nam, đồng bào theo đạo chiếm 80% dân số với 6/8 xóm là giáo toàn tòng. Bà con giáo dân sinh hoạt tín ngưỡng tại 7 giáo họ, thuộc 3 giáo xứ (Đồng Sơn, Tràng Nứa, Yên Thịnh).

Khó khăn lớn nhất ở xã vùng giáo Hưng Yên Nam nguồn thu ngân sách rất hạn chế, lại được chia tách từ xã Hưng Yên cũ nên cơ sở vật chất hạ tầng ban đầu thiếu thốn, chắp vá.

Một thời, trụ sở UBND xã phải tận dụng cơ sở hạ tầng hội trường của UBND xã cũ để làm việc; không có trường mầm non; còn trường THCS và trường tiểu học xuống cấp nghiêm trọng; trạm y tế dùng chung; đa số các tuyến đường giao thông nông thôn còn là đường đất chưa được nâng cấp khiến người dân gặp khó khăn từ sản xuất đến đi lại và giao thương.

Nay xã vùng giáo Hưng Yên Nam đã “lột xác” bằng những chủ trương, chính sách hợp lòng dân; từ sự nhiệt huyết của những con người dám nghĩ, dám làm; từ sự đoàn kết của cộng đồng lương-giáo…

Ấn tượng đầu tiên ở Hưng Yên Nam, là những căn nhà văn hóa được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Nhà văn hóa xóm 2, là một trong số đó.Trên tổng diện tích 1.500m2, với thiết kế đồng bộ gồm, nhà sinh hoạt cộng đồng, bờ bao trị giá hơn 800 triệu đồng, khánh thành tháng 8/2021 đã chấm dứt những tháng ngày cán bộ thôn phải mượn tạm nhà dân hoặc nhà xóm trưởng để sinh hoạt của bà con.

Khí thế xây dựng NTM ở Hưng Yên Nam

Ông Đặng Văn Hiếu, Xóm trưởng xóm 2, xã Hưng Yên Nam nhớ lại: Xóm chúng tôi có 236 hộ; trong đó, có 80 hộ bà con theo đạo, đồng bào lương - giáo đoàn kết lắm. Ngoài kinh phí 300 triệu đồng được huyện và xã hỗ trợ, người dân đã đồng lòng góp mỗi hộ 2 triệu đồng để chung tay xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng của cả xóm. Nhiều người đã tự nguyện hiến đất, cây xanh, tiền bạc với khí thế hồ hởi để công trình được hoàn thành.

Rồi ông Hiếu tiếp câu chuyện: Chúng tôi đang dự định làm công trình vệ sinh ở phía Nam, sân khấu ở phía Bắc của khu quy hoạch nhà văn hóa. Diện mạo thôn xóm đã thay đổi hoàn toàn, đã có 100% đường bê tông nên đi lại rất thuận tiện. Có thời điểm, trong 1 cuộc họp, chúng tôi vận động thêm để hoàn thiện bờ bao nhà văn hóa, người dân đã hăng hái góp ngay 24 triệu đồng tiền ủng hộ.

Lãnh đạo xã Hưng Yên Nam trao đổi với người dân xóm 7 về xây dựng NTM

Ở xóm 7 toàn tòng giáo dân, nhà văn hóa đã xuống cấp. Toàn xóm có 235 hộ với hơn 1.000 khẩu nên mỗi khi sinh hoạt tập thể rất bất tiện. Nhưng khi được huyện và xã hỗ trợ, bà con giáo dân ở xóm 7 đã tự nguyện góp tiền, góp công để hoàn thành nhà văn hóa mới khang trang sát cạnh nhà thờ giáo xứ Đồng Sơn; trên tổng diện tích khoảng 600m2, với tổng trị giá hơn 2 tỉ đồng. 

Không chỉ vậy, các đường giao thông trong xóm cũng đã được bà con chung tay góp sức, góp công để bê tông hóa phục vụ nhu cầu đi lại. Xóm 7 còn phối hợp xây dựng đường treo cờ Tổ quốc dài 2,5 km nối liền xóm 7, xóm 6, cờ Tổ quốc được treo quanh năm.

Xóm trưởng xóm 7 Nguyễn Hữu Cường vui vẻ: Cấp ủy xóm đã luôn đi đầu, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, kế hoạch. Việc vận động được thực hiện theo hình thức mưa dầm thấm lâu để người dân thông tỏ, việc xây dựng nông thôn mới do chính Nhân dân làm chủ thể và hưởng lợi. 

Một góc xã Hưng Yên Nam

Nhìn lại xuất phát điểm trong xây dựng NTM ở Hưng Yên Nam rất thấp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chủ động phối hợp với Hội đồng Mục vụ các giáo xứ để tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích từ chương trình xây dựng NTM như thế nào. Mặt khác, mọi chủ trương, chính sách đều được Hưng Yên Nam công khai, minh bạch về tận xóm và lấy ý kiến của người dân; khơi dậy và phát huy tình đoàn kết lương - giáo chung tay xây dựng NTM.

Những dấu ấn ở vùng bán sơn địa

Niềm tin được củng cố, bà con lương giáo đồng lòng…, đã tạo ra khí thế hồ hởi, đoàn kết mạnh mẽ. Tháng 6/2021, xã Hưng Yên Nam mới chỉ đạt 11 tiêu chí, nhưng đến tháng 12/2021, các tiêu chí NTM đã cơ bản hoàn thành. Bà con lương-giáo đã hiến đất, mở rộng lề đường từ 4 - 7m, làm mương thoát nước. Mỗi hộ dân trung bình đóng góp 10 - 15 triệu đồng để nâng cấp đường giao thông thôn, xóm.

Khuôn viên nhà văn hóa xóm 1 đang dần hoàn thiện các hạng mục phụ trợ

Lãnh đạo xã đã nhiều lần chủ động làm việc với Linh mục và Hội đồng Mục vụ các giáo xứ giải thích rõ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng NTM cũng tương đồng với ý niệm mà giáo hội hướng tới, đó là làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ đều bám xóm, bám dân để tuyên truyền, vận động và cùng thực hiện. Tôi cho rằng, không riêng một ai mà mỗi người dân ở Hưng Yên Nam đều là những người tiên phong trong phong trào xây dựng NTM.

Hoàng Đức Ân, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Yên Nam

Đến nay, 100% đường xã và đường từ trung tâm xã, liên xã dài 5km đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn. Xã cũng đã thực hiện cứng hóa các trục giao thông nội đồng 129 tuyến với tổng chiều dài 39,96 km, xe cơ giới đi lại thuận tiện. Các trục đường chính được lắp đèn chiếu sáng, hoa, cây cảnh khoe sắc. Cột cờ được dựng lên ở các trục đường chính để ngày ngày, Quốc kỳ, cờ giáo hội tung bay phấp phới.

Hiện nay, nhiều xóm ở Hưng Yên Nam đã chủ động xây dựng nhiều mô hình nông, lâm kết hợp có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, phương hướng chủ đạo là đạo là đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại với mô hình chăn nuôi gà đồi bán chăn thả, nuôi dê lai, nuôi ba ba, nuôi ốc.

Toàn xã đã hình thành vùng được sản xuất chanh hàng hóa với tổng diện tích gần 200ha, chuyển đổi một số vùng trồng chanh truyền thống sang trồng chanh không hạt. Nhiều mô hình kinh tế đã hình thành với vùng chuyên canh đào Tết hơn 30ha, mô hình trồng na dai thâm canh, xây dựng nhiều vườn mẫu, cánh đồng mẫu tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn…

 Một số hộ đã đưa cam Xã Đoài, ổi lê, mít Thái trồng trên đất vườn đồi đạt hiệu quả cao; chuyển một số vùng đất lúa cao cưỡng sang trồng khoai lang chất lượng cao…

Kết quả nổi bật nhất là đời sống vật chất người dân đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã là 13,37%, thì đến năm 2021 còn 2,09%. Và giữa tháng 6 năm 2022, chỉ còn dưới 2%. Diện mạo của vùng quê nông thôn mới đang hình thành. 

Trong câu chuyện trên đồng, trên bãi ở vùng giáo Hưng Yên Nam hôm nay, dấu ấn của những con người dám nghĩ, dám làm; dấu ấn của sự đồng thuận lòng dân giữa lương-giáo đã được khẳng định hơn bao giờ hết.

 

 

Lá cờ đầu trong học tập và làm theo gương Bác (Bài 2)

Xuất phát điểm thấp, đời sống bà con giáo dân còn nhiều khó khăn… nhưng thôn giáo toàn tòng Bình Yên (xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đã làm nên những điều khác biệt, chỉ trong 2 năm đã được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, lá cờ đầu trong học tập và làm theo gương Bác...Phía sau những danh hiệu lớn ấy là cả một tinh thần cộng đồng đoàn kết, nỗ lực để thay đổi cuộc sống

Đường vào thôn Bình Yên

Đi sau… về trước

Ấn tượng với rất nhiều người khi về thăm thôn giáo toàn tòng Bình Yên, là một cảm giác rất đỗi thanh bình.  Đập vào mắt đầu tiên là những con đường liên thôn được đổ bê tông rộng rãi, hai bên phủ đầy cây xanh và hoa đẹp mắt. Những cánh đồng lúa hè thu tươi tốt, đang vào mùa trổ bông.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Quang Vinh,Trưởng thôn Bình Yên vẫn còn có sự ngỡ ngàng. Bởi, ông vẫn nhớ những tháng ngày bà con giáo dân xây dựng NTM giữa bao khó khăn chồng chất như thế nào.

Theo lời ông Vinh kể, để tạo niềm tin và động lực cho bà con, ông đã cùng với các đoàn thể đã đề xuất với UBND xã cho thôn Bình Yên xuất phát xây dựng NTM muộn hơn so với các thôn khác. "Trong quá trình đó, chúng tôi huy động người dân thôn mình đi hỗ trợ thôn bạn. Khi thấy được tinh thần đoàn kết, cũng như hiệu quả từ việc xây dựng NTM ở thôn bạn, người dân như được tiếp thêm động lực và quyết tâm thi đua cao".

Thế rồi, mục đích của phong trào từ việc xây dựng NTM đã “ngấm sâu” vào nhận thức, suy nghĩ của mỗi người dân. Theo đó, 172 hộ với hơn 800 nhân khẩu của thôn giáo Bình Yên thuộc giáo họ Bình Hòa, giáo xứ Trại Lê như “hòa làm một” trong một ý chí, quyết tâm xây dựng quê hương, làng xóm giàu đẹp, bắt đầu từ phong trào NTM.

Người dân hồ hởi tham gia xây dựng NTM

Năm 2018, Bình Yên được chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu,  và trở thành động lực quan trọng để xã Xuân Lộc về đích NTM. Bí thư, Ban công tác Mặt trận thôn và cộng đồng giáo dân ở Bình Yên đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ cho hành trình xây dựng NTM.

Từ một thôn vốn là vùng lòng chảo trũng nước, dễ ngập úng khi mưa bão. Rồi, hệ thống hạ tầng của thôn còn ngổn ngang, chưa có hệ thống mương rãnh tiêu thoát nước trong khu dân cư. Vườn các hộ dân rộng và chủ yếu cây tạp, hàng rào chủ yếu là cây tạp, nhà ở dân cư chưa được bố trí, sắp xếp một cách khoa học, chưa phù hợp với cảnh quan chung, môi trường trong khu dân cư còn bị ô nhiễm…

Thế mà, sau 2 năm xây dựng NTM, thôn Bình Yên đã thay đổi đến không ngờ. Đến nay, Bình Yên đã xây dựng được 3,2km đường giao thông, 6km rãnh thoát nước, làm mới cổng chào, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa thôn. Người dân đã tự nguyện hiến gần 400m2 đất, phá dỡ 25 cổng nhà để hiến đất mở rộng các tuyến đường. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 32 triệu đồng/năm, tăng 50% so với năm 2015.

Trưởng thôn Bình Yên Hoàng Quang Vinh nhớ lại: Thời gian đầu, việc vận động người dân hiến đất mở đường gặp nhiều khó khăn. Nhưng, sau khi được tuyên truyền, vận động, người dân hiểu và tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM. Hàng ngàn mét tường rào kiên cố và cổng của 26 hộ gia đình đều được tháo dỡ, để hiến đất mở đường.

Với những nỗ lực của cả người dân và chính quyền, năm 2020 thôn Bình Yên trở thành thôn giáo toàn tòng đầu tiên của Hà Tĩnh, được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Ông Thái Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: Địa phương có 4 thôn giáo toàn tòng, tất cả đều đoàn kết, chung sức cùng chính quyền xây dựng NTM. Riêng thôn Bình Yên, là đơn vị luôn đi đầu trong mọi phong trào, chính vì vậy chúng tôi chọn thôn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Bà con giáo dân tin tưởng; Ban công tác Mặt trận thôn luôn nhiệt huyết, gương mẫu nên chủ trương xây dựng NTM kiểu mẫu đã về đích sớm hơn dự kiến. Đó là niềm vui rất lớn, thể hiện sự đúng đắn của chủ trương; sự đồng thuận của Nhân dân.

Lá cờ đầu trong học tập và làm theo gương Bác

Để triển khai các phần việc của chương trình xây dựng NTM có hiệu quả, người dân thôn Bình Yên đã rất tương trợ, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn. Để tạo cảnh quan chung cho toàn thôn, Chi hội Phụ nữ đã huy động toàn thể chị em hội viên giúp đỡ những gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm ăn xa. Dưới bàn tay cần mẫn, khéo léo của Chi hội Phụ nữ, vườn, nhà của chị Hoàng Thị Xuân – một hộ có hoàn cảnh khó khăn, đi làm ăn xa đã được chăm sóc, dọn dẹp gọn gàng.

Chi hội Phụ nữ thôn Bình Yên huy động chị em chỉnh trang vườn nhà chị Hoàng Thị Xuân, có hoàn cảnh khó khăn, đi làm ăn xa

Bà Hoàng Thị Xanh, hội viên chia sẻ: Xây dựng NTM không những tạo cảnh quan sạch đẹp cho toàn thôn, tạo ra bộ mặt mới khang trang mà còn là điều kiện để gắn kết tình làng nghĩa xóm thêm khăng khít, đầm ấm.

Ngoài việc đồng thuận xây dựng NTM, người dân thôn Bình Yên luôn chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiện, các khoản đóng góp theo quy định của Nhà nước, các khoản ủng hộ… đã được bà con giáo dân đóng nộp đầy đủ. Người dân trong thôn còn tự giác tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, không để xảy ra các tệ nạn xã hội. Sinh hoạt tôn giáo của bà con luôn theo đúng đường hướng hành đạo và theo đúng các quy định của pháp luật.

Đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên, hiện nay, trong thôn hộ giàu, hộ khá chiếm trên 70%; hộ nghèo chỉ còn 3 hộ (chiếm 0,2%)...; Việc xây dựng NTM đã góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm, thay đổi diện mạo khu dân cư.

Các gia đình trong thôn đều xây dựng hàng rào đồng bộ

Có được kết quả hôm nay, ngoài sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ thôn, xã; còn là vai trò vận động, ủng hộ, chung sức của Linh mục và Hội đồng mục vụ giáo xứ. Theo giáo dân nơi đây, Linh mục giáo họ Bình Hòa, giáo xứ Trại Lê đã hết sức ủng hộ phong trào xây dựng NTM. Nếu có hộ nào chưa đồng thuận, Linh mục đến tận nhà để vận động, tuyên truyền. Trong buổi sinh hoạt của giáo xứ, người đứng đầu đều nhắc đến phận sự xây dựng NTM của con chiên. Nhờ vậy, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn thay đổi.

Ông Thái Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc  khẳng định: Để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân địa phương, còn là sự đóng góp rất lớn của các vị linh mục và Hội đồng giáo xứ Trại Lê. Đặc biệt, địa phương luôn đánh giá cao về tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của các cán bộ, linh mục thôn Yên Bình trong thực hiện phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

"Điều đó đã được chứng minh bởi mới đây, thôn Bình Yên đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021. Đó sẽ là động lực, niềm tin lớn để bà con giáo dân nơi đây vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp", Phó Chủ tịch xã Thái Đăng Thịnh chia sẻ.

 

 

Miền quê giàu đẹp (Bài cuối)

Nhiều bà con giáo dân, nhiều giáo xứ, giáo họ ở tỉnh Quảng Bình đã và đang là những người tiên phong, những mô hình tiêu biểu “đi đầu dậy trước” trong phong trào xây dựng NTM. Thành tích đạt chuẩn trong xây dựng NTM, là thước đo, là sắc màu tô thắm cuộc sống ở những miền quê giáo dân yên bình.

Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Thanh Hải

NTM kiểu mẫu ở vùng giáo

Dưới nắng thu, thôn giáo Thanh Hải thuộc xã Thanh Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) như bừng sáng hơn với nhiều gam màu tươi mới. Đây là thôn có đến 80% hộ dân theo đạo, nhưng là một trong những khu dân cư đầu tiên ở vùng đồng bào Công giáo đạt các tiêu chuẩn về khu dân cư NTM kiểu mẫu của huyện Bố Trạch.

Những tiêu chí khó trong xây dựng NTM như thu nhập, đường giao thông, tỉ lệ hộ nghèo thì thôn Thanh Hải đã cán đích đáng nể. Nay, 100% tuyến đường giao thông thôn, xóm đã bê tông hóa, trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến… Còn tiêu chí thu nhập, đạt bình quân 65 triệu đồng/người/năm, đó là con số đáng mơ ước của nhiều địa phương. 

Thu nhập cao nên tiêu chí hộ nghèo cũng đạt mức bền vững. Hiện thôn không có hộ nghèo, chỉ có một hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều giai đoạn 2022-2025. Các tiêu chí về cơ sở vật chất, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng đạt theo quy định.

Ông Phạm Đức Huấn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch (Bố Trạch) chia sẻ kinh nghiệm: Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy lòng tự hào, truyền thống yêu quê hương đến cộng đồng thôn, xóm nên đã nhận được sự đồng thuận cao của bà con giáo dân. Chính quyền xã còn tạo điều kiện để lãnh đạo thôn được đi tham quan thực tế ở các địa phương khác, nhằm học hỏi kinh nghiệm xây dựng NTM, từ đó tạo được niềm tin vào chương trình và ý chí vươn lên của đồng bào.

Một góc thôn NTM Văn Phú, xã Quảng Văn

Trên hành trình của con đường bê tông rộng rãi chạy dọc thôn Văn Phú, xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn), nhiều người đã không khỏi ngỡ ngàng. Bởi mới chỉ vài năm trước, con đường này rất hẹp, lại là đường đất... Nhưng khi xã có chủ trương làm đường, vấn đề khó khăn nhất là kinh phí. Tuy nhiên, chủ trương vừa đưa ra, đã được bà con giáo dân nơi đây đồng tình ủng hộ, tình nguyện hiến đất, góp tiền, góp công. 

Một trong những việc quan trọng mà cấp ủy thôn Văn Phú triển khai, là củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các đoàn thể vùng giáo, tọa đàm với chức sắc tôn giáo, vận động giáo dân xây dựng xứ đạo bình yên. Vì thế, đời sống của gần 700 hộ, với 2.648 khẩu giáo dân sinh hoạt tại nhà thờ Văn Phú ngày một nâng cao. Đường làng, ngõ xóm trong thôn sạch đẹp; cây xanh, hệ thống chiếu sáng được đầu tư đồng bộ.

Linh mục Nguyễn Văn Hữu, quản xứ giáo xứ Văn Phú, xã Quảng Văn (thị xã Ba Đồn) tâm sự: Tôi đã cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền bà con giáo dân, tích cực tham gia các phong trào của địa phương; tham gia thực hiện các mô hình kiểu mẫu như: Mô hình toàn dân nói không với pháo; mô hình kết hợp Hội đồng mục vụ phối hợp với cơ quan an ninh, Công an để ổn định an ninh trật tự trên địa bàn; mô hình nông thôn mới. Từ các phong trào và mô hình triển khai, đã góp phần xây dựng thôn Văn Phú ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, vệ sinh môi trường được đảm bảo, an ninh trật tự được giữ vững.

Giáo dân Trần Văn Bường với mô hình ươm cây giống và trồng rau quả sạch VietGAP đang phát huy hiệu quả kinh tế

Khi phong trào là động lực phát triển

Quảng Bình là một trong những địa phương có rất đông đồng bào giáo dân. Hiện nay, số lượng người theo đạo Công giáo chiếm đến 11% dân số của tỉnh, với hơn 101.500 người có đạo sinh hoạt ở 30 giáo xứ, 91 họ giáo. Trong những năm qua, bà con giáo dân luôn thực hiện đời sống “Tốt đời, đẹp đạo”, “Kính chúa yêu nước” góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.

Bà con giáo dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình luôn phát huy truyền thống yêu quê hương, đất nước, chịu thương chịu khó lao động sản xuất nên đời sống ngày một ấm no. Nhiều phong trào, mô hình, tổ chức quần chúng bà con giáo dân tham gia rất đông và phát huy tác dụng tốt như: “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”; “Họ đạo bình yên, gia đình giáo dân gương mẫu”; “Họ giáo an ninh, văn minh tiên tiến”; “Khu giáo dân 6 không, 3 phòng”; “Tiếng kẻng an ninh”… 

Các mô hình trên được lồng ghép với các phong trào khác ở địa phương như, “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”, đồng thời cũng gắn với cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Cả nước chung tay xây dựng NTM”; phong trào “Người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”…

Công an xã phối hợp với thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ đi từng nhà tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cũng đã được bà con hưởng ứng tích cực, như, mô hình “Giáo xứ tự quản về an ninh trật tự (ANTT)” của giáo xứ Kim Lũ, xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa), đang góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị và ANTT tại địa phương; mô hình phối hợp “Công an xã-Hội đồng mục vụ giáo xứ” bảo đảm ANTT và mô hình: “Thôn, tổ dân phố nói không với pháo” giữa Công an Thị xã Ba Đồn và giáo xứ Văn Phú, xã Quảng Văn, được giáo dân đồng tình ủng hộ; hầu như 100% người dân đều nghiêm túc chấp hành…

Từ những mô hình, phong trào ấy, đời sống bà con giáo dân ngày một ấm no, khắp nơi trên địa bàn bà con giáo dân đang thi đua sống "tốt đời đẹp đạo". Nhiều mô hình phát triển kinh tế ở các vùng giáo đang đem lại hiệu quả cao như: Họ giáo Thanh Hải ở huyện Bố Trạch, đã góp vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng để đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ. Nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở vùng giáo như: hộ gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, giáo dân xứ Khe Ngang, xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch), với mô hình chăn nuôi lợn rừng trên 100 con.

Hay hộ giáo dân Nguyễn Thị Nguyện, giáo xứ Troóc, xã Phúc Trạch, từ một hộ nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng mới 800 gốc tiêu, nuôi 60 con lợn thịt, 300 con gà thả vườn/lứa nay đã vươn lên trở thành hộ khá.

Giáo dân Trần Văn Bường, giáo xứ Chợ Sàng (xã Liên Trường, huyện Quảng Trạch), được nhiều người biết đến, nhờ thành công từ mô hình ươm cây giống và trồng rau quả sạch VietGAP, mở ra hướng cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương, với tổng doanh thu mỗi năm gần 700 triệu đồng.

Tại thị xã Ba Đồn, các tổ hợp tác trồng sim lấy quả, trồng nghệ vàng và chế biến tinh bột nghệ thương phẩm thuộc giáo hạt Nguồn Son, làng trồng hoa thuộc giáo họ Tượng Sơn, phường Quảng Long đang từng ngày phát triển, cho thu nhập khá. 

Bên cạnh việc bà con giáo dân thi đua sống “tốt đời đẹp đạo” trên địa bàn vùng cát Quảng Bình là những linh mục, mục vụ luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chăm lo cho đời sống bà con lương, giáo trên địa phận mình phụ trách.

 

Nguyễn Thanh và CTV