Chùa Keo tỉnh Thái Bình với công tác bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 29/06/2022Chùa Keo thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2012 và lễ hội của chùa Keo được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Với những yếu tố đặc biệt trên, một trong những công tác được chùa Keo chú trọng đó là việc bảo vệ môi trường xung quanh Chùa, nhằm giữ gìn cảnh quan nơi đây luôn xanh – sạch – đẹp, Phóng viên Trung tâm Thông tin đã có buổi trao đổi với Đại đức Thích Thanh Quang, Trụ trì chùa Keo về vấn đề này.
PV: Theo Đại đức, vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở thờ tự tôn giáo, đặc biệt là chùa Keo được thực hiện như thế nào?
Đại đức Thích Thanh Quang:
Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã ra nhiều văn bản hướng dẫn Ban Trị sự các tỉnh, thành phố thực hiện các chương trình hưởng ứng các phong trào về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cấp chính quyền.
Với cương vị là trụ trì tại một di tích quốc gia đặc biệt, được sự ủng hộ tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng và chính quyền và đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của GHPGVN tỉnh Thái Bình, huyện Vũ Thư thì tăng, ni cùng với phật tử của Chùa đã làm tốt công tác hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh cũng như công tác an sinh xã hội, đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường.
PV: Huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một trong những huyện trên địa bàn tỉnh đạt các chỉ tiêu về nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tăng, ni, Phật tử của Chùa, Đại đức có thể chia sẻ một số kết quả của chùa Keo trong việc tuyên truyền cho tăng, ni, Phật tử và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường trong thời gian vừa qua?
Đại đức Thích Thanh Quang:
Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt nên công tác bảo vệ môi trường được chú trọng. Ngoài công việc hoằng dương chính pháp làm tròn trách nhiệm của người tu sỹ là bảo vệ tổ quốc, phục vụ nhân sinh, chúng tôi cũng quan tâm, hướng dẫn Phật tử, nhân dân cũng như du khách có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích.
Một buổi tuyên truyền cho các Phật tử về bảo vệ môi trường tại chùa Keo, tỉnh Thái Bình
Đồng thời, nhà chùa cũng hướng dẫn cho tín đồ, Phật tử tích cực tham gia các công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương ví dụ như trồng nhiều cây xanh tại nơi ở và các cơ sở tôn giáo, hướng dẫn phân loại rác ngay tại cá hộ gia đình, tuyên truyền vận động hạn chế đốt vàng mã, hương nhang ở nơi thờ tự, hạn chế sử dụng túi nilong và sử dụng thay thế bằng các vật dụng khác.
Đặc biệt, chúng tôi hướng dẫn cho các bạn thanh thiếu niên phật tử của chùa để phục dựng, tái chế những vật phẩm bằng nhựa để sử dụng hàng ngày của chùa cũng như trong sinh hoạt của câu lạc bộ tại chùa thì hướng dẫn cho mọi người có tinh thần, trách nhiệm bảo vệ môi trường, góp phần giữ gìn cảnh quan chùa ngày càng xanh- sạch -đẹp hơn.
Các thùng đựng rác được bố trí trong khuôn viên Chùa
PV: Việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là một quá trình lâu dài, cần sự quan tâm, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp nhân dân, trong thời gian tới Chùa Keo sẽ tiếp tục thực hiện công việc này như thế nào?
Đại đức Thích Thanh Quang:
Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn tăng, ni, phật tử và nhân dân địa phương tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”, ủng hộ Quỹ vì người nghèo, quỹ Vaccine Covid-19, thực hiện các hoạt động từ thiện xã hội như tặng quà Tết cho người nghèo không phân biệt tôn giáo, trao học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn,…
Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của các cấp chính quyền đặc biệt là Ban Tôn giáo tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức các buổi hướng dẫn, trao đổi với tăng, ni, phật tử và nhân dân địa phương về vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt nên có rất nhiều tín đồ, nhân dân tham dự vào các buổi tuyên truyền của chính quyền về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn đến từng cơ sở, từng cá nhân Phật tử, gia đình các tín đồ nên mọi người cũng đã tạo dần thói quen tốt về việc bảo vệ môi trường. Sau những buổi tuyên truyền đó thì chúng tôi nhận thấy ý thức và hành động của tín đồ phật tử và nhân dân ngày cảng được nâng cao hơn.
Trân trọng cảm ơn Đại đức!