Chùa Hưng Nghĩa, tỉnh Nam Định trong công tác bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 19/09/2022Nhận thức được môi trường gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của con người, từ nhiều năm nay,các phật tử, người dân trong làng Hưng Nghĩa, xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định luôn nêu cao tinh thần “ Bảo vệ môi trường là hạnh phúc của mọi nhà”.
Sư cô Thích Đàm Hòa, trụ trì chùa Hưng Nghĩa cho biết được sự hướng dẫn của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định về việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhà chùa đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương cùng tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho các tăng, ni, phật tử và người dân ở địa phương tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, không sử dụng thuốc hóa học trong trồng trọt, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, biết tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng sinh học và sinh mệnh của muôn loài, nhằm giữ gìn sự cân bằng của hệ môi trường sinh thái. Đồng thời tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, phân loại rác thải ở từng hộ gia đình, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, không xả rác thải bừa bãi ra môi trường, không đốt vàng mã nơi thờ tự, hạn chế sử dụng túi ni lông, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày.
Sư cô đã vận động người dân và phật tử nơi đây tham gia dọn vệ sinh, dọn dẹp rác thải nhựa và túi ni lông, làm đường giao thông, trồng và chăm sóc cây xanh….Đây là hoạt động thường niên đều được duy trì hàng tháng nhằm tạo ý thức cộng đồng của người dân.
Chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức đoàn thể cùng Phật tử và người dân địa phương tham gia thu gom, xử lý rác thải; kiểm soát việc vứt rác bừa bãi ra đường, kênh mương; định kỳ tổ chức huy động toàn dân ra quân tổng vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống; tăng cường chỉ đạo trồng hoa lề đường, cây xanh, nhắc nhở bà con không xả rác thải nhựa, túi ni lông thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường gây ô nhiễm môi trường. Đến nay, cảnh quan môi trường trên địa bàn đang từng bước được cải tạo theo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Ông Cương – người trông nom việc thờ cúng trong chùa cho biết, từ lâu nhà chùa đã tuyên truyền cho Phật từ và người dân về việc hạn chế đốt vàng mã, thắp hương tại chùa, chung tay cùng chính quyền địa phương bảo vệ môi trường, các túi ni lông và đồ nhựa khi mang lên chùa thì luôn được người dân tái sử dụng nhiều lần hoặc rửa thật sạch, phơi khô đểsử dụng vào mục đích khác.
Ông Tập người dân làng chia sẻ, xung quanh làng đều là đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa nên lượng thuốc trừ sâu được sử dụng khá nhiều. Trước đây bà con chưa biết, đã bỏ bao bì thuốc xuống mương, rãnh, trên đồng ruộng gây ảnh hưởng nặng nề tới môi trường, sức khỏe con người. Nhưng sau khi được chính quyền, hội phụ nữ vận động, hiểu được tác hại môi trường người dân đã gom lại xử lý riêng, không để ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Các tuyến đường xung quanh làng, đang được chính quyền và người dân tiếp tục trồng mới
Hiện nay đang trong quá trình trùng tu nhưng cây xanh trong khuôn viên Đền vẫn được giữ nguyên
Theo ghi chép tại chùa, chùa Hưng Nghĩa nằm trên một dải đất cổ, cách trung tâm thành phố Nam Định 30km về phía nam, thuộc (xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định), nơi đây đã ghi lại dấu tích của vị tướng Phạm Cự Lượng có công phò vua giúp nước và trị thủy.
Thái úy Phạm Cự Lượng là quan đầu triều thời TiềnLê (980-1009), có nhiều công lao với đất nước trong thời Đinh và Tiền Lê, nhưng rực rỡ nhất là trong thời Tiền Lê. Ngoài Đền (Đình) Lương Sử ở Quốc Tử Giám lànơi thờ chính được Vua Lý Thái Tông cho xây dựng từ năm 1037 để thờ, Thái úy Phạm Cự Lượng còn được nhân dân lập đền thờ như ở Ninh Bình, Thái Nguyên, Nghệ An,Thanh Hóa, Nam Định,… nơi Thái úy Phạm Cựu Lượng từng đi qua. Vùng ven biển Nam Định là nơi Thái úy Phạm Cự Lượng được vua Lê Đại Hành cấp 7 thực ấp để lập trạiluyện quân đội cho triều đình nhà Lê, đến nay vẫn có 7 nơi thờ Thái úy Phạm Cự Lượng từ năm 1441.
Thôn Hưng Nghĩa (xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) là thôn đầu tiên trong 7 thôn ở vùng này có đền thờ Thái Úy Phạm Cựu Lượng từ năm 1441 xuất phát từ một sự kiện được ghi trong thần phả của các Đền này, bởi vậy, Đền Hưng Nghĩa được gọi là Đền Cả. Đền Hưng Nghĩa hiện còn lưu giữ 16 sắc phong của các triều đại phong kiến trước đây, mà sắc phong lâu nhất còn giữ được là từ đời Vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, năm 1670.
Năm 2014 Đình – Đền – Chùa – phủ thôn Hưng Nghĩa được xếp hạng Di tích cấp Tỉnh, Thành phố. Hiện nay Đình - Đền - phủ đang trong quá trình trùng tu, tu bổ và được huy động từ nguồn xã hội hóa./.
Lan Anh