“Tứ động tâm” ở vùng đất miền Tây
Ngày đăng: 21/09/2018
Sau 2 năm xây dựng, bốn mô hình thánh tích Phật giáo liên quan tới Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có nguồn gốc từ Ấn Độ và Nepal đã hoàn thành trên mảnh đất miền Tây của nước Việt, tọa lạc tại ấp 1 (cách Quốc lộ 1A khoảng 20km) thuộc xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, trong quần thể thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.

Đây là công trình được xây dựng thể theo tâm nguyện của Trưởng lão HT.Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vị giáo phẩm chủ trương phục hồi thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cũng như mong mỏi của Phật tử xa gần. 

Gian nan quá trình xây dựng

Đại đức (ĐĐ) Thích Thông Kim, Phó trụ trì thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cho biết, đây là công trình kiến trúc đầu tiên ở Việt Nam mô phỏng 4 thánh tích Phật giáo (còn gọi là Tứ động tâm), liên quan tới 4 sự kiện thiêng liêng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đánh dấu nơi Ngài Đản sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân và Nhập Niết-bàn ở Ấn Độ và Nepal. Như Giác Ngộ đưa tin, thiền viện tổ chức lễ an vị Phật và khánh thành vào ngày 15, 16-9 vừa qua.

Trong thời gian ròng rã 2 năm thi công xây dựng, nhiều gian nan, Ban quản trị đã cố gắng hết sức, nhất là với việc vận chuyển những khối đá lớn trong điều kiện đường vào thiền viện nhỏ hẹp, không đủ tiêu chuẩn cho xe lớn di chuyển.

Nhiều cây xanh lớn cũng được đưa về trồng nhằm tạo mảng xanh cho thiền viện, cùng khối lượng đá tảng khoảng 2.500 tấn (mỗi tảng nặng từ trên 1 - 20 tấn) được vận chuyển từ núi Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) về đây bằng xà-lan, đều là những nỗ lực rất lớn.

Đặc biệt, tôn tượng Đức Phật Thích Ca được các nghệ nhân Myanmar gia tâm chế tác, chất liệu bằng ngọc, cao 4,5m, trọng lượng 30 tấn, sẽ được tôn trí trong chánh điện, cũng vừa kịp hoàn thành.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác nằm trong mảnh đất tổng thể rộng 30ha, được xây dựng theo mô hình truyền thống của các thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm Yên Tử, với 2 khu vực biệt lập là nội viện và ngoại viện. 

Theo quy hoạch tổng mặt bằng, thiền viện có 26 hạng mục, bao gồm các hạng mục thuộc ngoại viện như chánh điện, Tổ đường, giảng đường, nhà Tăng ngoại viện, trai đường, thư viện, nhà trưng bày, lầu chuông, lầu trống, nhà khách cư sĩ nam, nhà khách cư sĩ nữ..., với tổng diện tích hơn 47.000m2.

Khu vực nội viện được quy hoạch với diện tích gần 16.000 m2, bao gồm 4 Tăng đường, 1 thiền đường và 10 thất chuyên tu. Khu vực nhà khách nữ được bố trí trên một diện tích gần 19.000m2 với thiền đường, trai đường riêng và 10 thất chuyên tu. Tổng diện tích xây dựng của 2 khu vực hơn 8.000m2

Nhưng ở đây, điểm khác biệt so với tất cả hệ thống các thiền viện trong cả nước chính là việc xây dựng Tứ động tâm (Lâm-tì-ni, nơi Phật Thích Ca đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo; Lộc Uyển, nơi Phật chuyển pháp luân và Câu-thi-na, nơi Phật nhập diệt) theo đúng nguyên mẫu các công trình ở Ấn Độ và Nepal với tỷ lệ 6-10. 


Phật tử tham quan, chiêm bái tại lễ khánh thành

Điểm văn hóa tâm linh mới ở miền Tây

Với thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã hiện diện ở vùng đất miền Tây hiền hòa của đất nước. Như dòng sông Mêkông chở nặng phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng Cửu Long, ngôi thiền viện mới ra đời này, cùng với các tự viện khác hiện hữu trước đó theo dòng thời gian, sẽ làm phong phú thêm đời sống tâm linh của người dân tỉnh Tiền Giang cũng như các tỉnh miền Tây Nam Bộ giàu tình người.

Đứng trước công trình đang hoàn tất các khâu trang trí tiểu cảnh, ĐĐ.Thích Thông Kim cho biết thêm, trong định hướng xây dựng được thể hiện trên bản vẽ quy hoạch, một khu vực rộng lớn được bố trí để xây dựng Tứ động tâm có tỷ lệ 6-10 so với các thánh tích thực. Theo tỷ lệ này, tháp Đại Giác (Bồ Đề Đạo Tràng) có chiều cao 31m.

Được biết, trong thời gian đang xây dựng các hạng mục, vào ngày Chủ nhật tuần thứ ba mỗi tháng, thiền viện vẫn duy trì việc tổ chức sinh hoạt đạo tràng tu học thu hút đông đảo Phật tử tham dự. Chương trình mang tính truyền thống gồm tụng kinh, lễ bái sám hối, nghe giảng pháp, ngồi thiền... Bên cạnh đó, định kỳ mỗi tháng 2 lần, thiền viện còn tổ chức lễ truyền tam quy, ngũ giới cho tín đồ xa gần.

Ngoài ra, thiền viện còn tham gia chương trình quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam đã được tỉnh Tiền Giang phát động thực hiện, với 17.000 cây xanh được trồng dọc theo Tỉnh lộ 867 đến kênh Bắc Đông và đường dẫn vào khu thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tạo nên một môi trường xanh cho điểm văn hóa tâm linh mới ở vùng đất này.


Toàn cảnh "Tứ động tâm" tại thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác từ flycam

Được biết, tỉnh Tiền Giang đang có chủ trương triển khai dự án mở rộng khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (kinh phí đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư). Ngôi thiền viện mới hoàn thành, bên cạnh việc trở thành trung tâm tu học, giúp làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của người dân, Phật tử Tiền Giang nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung, còn tạo điểm nhấn quan trọng nhằm thu hút du khách tham quan khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, với khoảng cách chừng 2km, thuận lợi cho khách thập phương trong việc viếng chùa, lễ Phật, chiêm bái, thăm viếng…

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác cùng với quần thể mô hình Tứ động tâm có thể nói đã góp phần làm thay đổi diện mạo một xã nghèo của huyện Tân Phước một thời được xem là hoang vu, cách trở với đất rộng người thưa, trở thành điểm đến mới trên bản đồ văn hóa cho vùng đất này.

Theo giacngo.vn