Nhà thờ gỗ Kon Tum
Ngày đăng: 26/03/2018
Thành phố Kon Tum nằm trên một đồng bằng nhỏ, có độ cao 525m so với mặt biển, bên bờ sông Đak Bla hiền hòa, là một nhánh nhỏ của sông Pô Cô hùng vĩ. Đây là trung tâm hành chính sớm nhất của thực dân Pháp lập ra ở Tây nguyên; tháng 02 năm 1913 toàn quyền Đông Dương ra Nghị định khôi phục lại vùng lãnh thổ tỉnh Pleikou Der thành một tỉnh tự trị riêng và được mang tên gọi là tỉnh Kon Tum. Tỉnh lị, đặt tại thành phố Kon Tum ngày nay, các cố đạo truyền giáo đến đây từ rất sớm.

Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum, người dân địa phương thường gọi cái tên gần gũi là Nhà thờ Gỗ, được xây dựng ở trung tâm thành phố từ năm 1913 tới năm 1918 thì hoàn thành đưa vào sử dụng. Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ Cà chít, theo phong cách Rô ma kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Nar, là một công trình khép kín gồm: Giáo đường, nhà xứ, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện Vinh Sơn nằm phía sau, cơ sở thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc. Tuy gồm nhiều công trình nhưng do sắp xếp hài hòa nên bố cục tổng thể nhà thờ không bị phá vỡ; ngược lại thánh đường còn được tôn thêm vẻ đẹp nhờ khu hoa viên với nhà rông cao vút, các bức tượng làm bằng rễ cây cổ thụ có tính mỹ thuật cao.

Đứng từ rất xa, du khách đã có thể nhìn thấy tháp chuông nhà thờ với mầu nâu ấm áp nổi bật trên nền trời xanh trong của cao nguyên. Qua các nhánh đường phố, tản bộ trên đường Nguyễn Huệ cửa ngõ chính vào thành phố Kon Tum du khách bước vào giáo đường thênh thang và cảm giác đầu tiên có thể cảm nhận là mình thật nhỏ bé bên hàng cột gỗ hai người ôm không xuể giờ đã ngả sang mầu đen bóng. Cung thánh nhà thờ được trang trí hoa văn nghệ thuật mang bản sắc riêng có của vùng cực Bắc Tây Nguyên, tạo ra ấn tượng vừa trang nghiêm huyền bí vừa hết sức gần gũi.

Thiết kế bên trong là hệ thống cột gỗ, rui mè nhà thờ gỗ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu như ở các nhà rường cổ của người Kinh dưới đồng bằng nhưng chính những hoa văn có đường nét phóng khoáng đã thể hiện được cái chất mộc mạc, giản dị của người Tây Nguyên, hồn nhiên và khỏe mạnh. Thánh đường có rất nhiều khung cửa Pi a nô kính mầu được họa tiết vẽ các điển tích trong kinh thánh Ki Tô giáo, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng vừa tạo thêm vẻ rực rỡ, tráng lệ cho giáo đường. Cấu trúc mộc mạc, không bê tông cốt thép, không một chút vôi vữa, nét độc đáo của ấn tích này là tất cả các bức tường đều được xây bằng đất Ba Zan trộn rơm rạ theo kiểu làm nhà của người Miền Trung, dù hơn một thế kỷ trôi qua vẫn vững vàng, bền đẹp.

Trao đổi với chúng tôi, Linh mục Trần Tấn Việt, Linh mục Chánh xứ cho biết, nhà thờ gỗ được dựng lên hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân người dân tộc bản địa và người Kinh đến từ Bình Định, Quảng Nam và cả từ Miền Bắc vào đã làm nên điều kỳ diệu đó. Đến với Nhà thờ Gỗ ở trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum du khách sẽ được ngắm một công trình nghệ thuật đã tồn tại trên cả trăm năm. Hiện nay tỉnh Kon Tum có 06 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh thì công trình Nhà thờ Gỗ là sự kết hợp giữa phong cách Châu Âu với nét văn hóa độc đáo bản địa của các tộc người Bắc Tây Nguyên./.

Gia Bảo