Một gia đình giáo dân vượt khó làm giàu
Ngày đăng: 17/12/2019
Nghe kể về tấm gương vượt khó làm giàu của gia đình anh Nguyễn Luận và chị Nguyễn Thị Tuệ đã lâu nhưng vừa qua trong một chuyến công tác tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, tôi mới có dịp đến thôn Thanh Sơn, xã Quảng Thanh để tham quan, tìm hiểu mô hình kinh tế tiêu biểu của gia đình người Công giáo được nhiều người khen ngợi này.

Vừa hướng dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình kinh tế của gia đình, chị Nguyễn Thị Tuệ cho biết, năm 1983, sau khi xây dựng gia đình với anh Nguyễn Luận, do điều kiện đất đai sản xuất nông nghiệp không nhiều nên dù rất cần cù, chịu thương, chịu khó nhưng cuộc sống của gia đình anh chị vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là sau khi mấy đứa con lần lượt ra đời.

Để có tiền, có gạo nuôi sống gia đình, hàng ngày anh Luận phải đi làm nghề xẻ gỗ thuê, còn chị Tuệ thì bươn chải khắp nơi làm nghề buôn bán lúa kiếm lời. Hai năm sau, nhờ dời nhà ra sinh sống ở cạnh tuyến đường Quốc lộ 12A và có thêm nghề bán cháo sáng, kinh tế của gia đình anh chị mới đỡ vất vả, thiếu thốn hơn. Nhưng khi căn nhà nhỏ của gia đình vừa mới dựng xong đã bị cơn bão năm 1984 làm đổ sập hoàn toàn, nên kinh tế của gia đình anh chị đã rơi vào cảnh kiệt quệ tưởng chừng không thể vực dậy nổi. 

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi huyện Quảng Trạch có chủ trương khuyến khích các hộ nông dân nhận khoán các vùng đất trên địa bàn để phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn và vừa, vợ chồng anh Luận, chị Tuệ đã bàn với nhau chuyển lên vùng đất hoang ở đồi Động Tranh nằm ngay phía tây của thôn để khai hoang xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp.

Được UBND xã giao cho 5 ha đất hoang hoá ở đồi Động Tranh, anh Luận đã “cơm đùm gạo bới” vào đồi Động Tranh khai hoang phục hoá mấy ha đất. Đến năm 1994, khi các con đã cứng cáp hơn, chị Tuệ mới quyết định dành “toàn tâm toàn ý” vào đồi Động Tranh cùng chồng bắt tay vào xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp.

Lúc đó ở thôn Thanh Sơn nói riêng và ở xã Quảng Thanh, Quảng Trạch nói chung, mỗi lần nhắc đến vùng Động Tranh, nhiều người vẫn thường lắc đầu ngán ngẩm, bởi vì đây vốn là vùng đất hoang hoá, phía đồi cao chỉ có toàn sim mua và cỏ dại, còn ở dưới thấp thì đất đai lầy thụt, chua phèn, bạc màu. Trước đó đã từng có 6 gia đình trong thôn xung phong vào đây để lập nghiệp nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đều phải lần lượt “bỏ của chạy lấy người” vì thấy công sức bỏ ra quá lớn mà hiệu quả kinh tế đạt được thì chưa thấy rõ.

Những ngày đầu tiên khi thấy vợ chồng anh Luận chị Tuệ dắt díu nhau vào đồi Động Tranh để khai hoang, lập nghiệp, nhiều người ở thôn Thanh Sơn đã có ý can ngăn và họ cho rằng anh chị quá liều. Nhưng nhờ “thuận vợ, thuận chồng” và bằng niềm khao khát được thoát nghèo trên mảnh đất quê hưong, anh Luận chị Tuệ vẫn quyết tâm động viên nhau khắc phục mọi khó khăn để bám trụ lại đây khai hoang lập nghiệp. Sớm nhận biết được cái khó khăn, trở ngại lớn nhất khi xây dựng mô hình kinh tế là đất đai ở đây bị nhiễm phèn quá nặng nên anh chị đã bàn với nhau đào đắp hệ thống mương dẫn nước để thau chua, rửa phèn cải tạo đất.

Sau khi đã có được một vài diện tích đất tương đối bình thường, không bị nhiễm phèn, anh chị liền bắt tay vào đào ao nuôi cá, trồng một ít cây bạch đàn, keo lá tràm kết hợp với thả nuôi bò thịt với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để có thêm thu nhập. Công việc làm ăn đang “xuôi chèo mát mái” thì năm 2001, sau mấy trận mưa to, nước lũ tràn về đã làm vỡ con đê ngăn nước do anh chị tạo nên, làm trôi ao cá và toàn bộ ruộng vườn, rau màu, cây cối. Toàn bộ công sức mấy năm của cả hai vợ chồng giờ đã bị tan hoang theo nước lũ.

Được cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng ở huyện Quảng Trạch và xã Quảng Thanh kịp thời động viên và có nhiều giúp đỡ, hỗ trợ nên vợ chồng anh chị đã sớm yên tâm khắc phục những khó khăn, thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định lại sản xuất và đời sống.

Trận lũ đi qua để lại một lượng chất mùn đáng kể cùng với sự cần cù, chịu khó của cả hai vợ chồng trong các khâu cải tạo đất, dần dần cả 5 ha đất hoang hoá ngày trước đã ngày càng trở nên phì nhiêu, tươi tốt.

Có thêm diện tích đất sản xuất, anh Luận chị Tuệ quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất với tổng số tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng. Trên diện tích 5 ha đã cải tạo, anh chị đã trồng được 1 ha cây lâm nghiệp, thả nuôi 2 ha ao cá nước ngọt, mỗi năm thu được 1 tấn cá thương phẩm, đưa lại thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh chị còn xây dựng thêm hệ thống chuồng trại, tận dụng nguồn rau cỏ có sẵn để chăn nuôi thêm 40 con lợn thịt sạch, mỗi năm thu lãi 40 triệu đồng; thả nuôi thêm 900 con gà, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, anh chị còn trồng thêm lúa, các loại hoa màu để cải thiện kinh tế.

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các khâu kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt, các cây trồng, vật nuôi của gia đình anh Luận chị Tuệ đã phát triển tốt, đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân mỗi năm vợ chồng anh chị thu về nguồn lãi trên 150 triệu đồng. Mô hình kinh tế tổng hợp làm ăn thuận lợi, anh chị đã có thêm điều kiện để xây dựng lại một ngôi nhà khang trang và nuôi các con ăn học thành người.

Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình anh Luận chị Tuệ còn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Với những đóng góp tích cực của chị Tuệ đối với các phong trào hoạt động của Hội Nông dân xã Quảng Thanh nói riêng, huyện Quảng Trạch nói chung, từ 6 năm nay, chị đã vinh dự được hội viên nông dân tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Thanh.


Theo ubdkcgvn.vn