Lễ Chap - nghi thức nhân văn của người Jrai
Ngày đăng: 28/01/2019Người phụ nữ sau khi sinh con thường được mẹ hoặc người thân chăm sóc một thời gian cho đến khi em bé cứng cáp, khỏe mạnh. Để trả ơn những người đã chăm sóc cho 2 mẹ con, người Jrai hiện nay vẫn còn giữ phong tục làm lễ Chap.
Sau khi mẹ tròn con vuông, 2 mẹ con bé Hara (làng Kto, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, Gia Lai) đã được bà Siu H’Drong, bà nội của Hara, đến chăm sóc một thời gian. Theo phong tục người Jrai, mới đây mẹ con Hara đã làm lễ Chap để trả nghĩa cho bà Siu H’Drong (còn gọi là amí Luy). Lúc đầu gia đình cũng có vẻ bối rối vì lẽ ra mọi nghi lễ phải theo phong tục của người Jrai, nhưng gia đình amí Hara lại đang sinh sống tại làng Bahnar, mà phong tục 2 bên lại có phần khác nhau ít nhiều.
Sau một hồi trao đổi, mọi người đã thống nhất làm theo phong tục của người Bahnar. Lễ vật gồm 1 ghè rượu; 1 con gà; 2 chén tiết của gà và heo; gan, óc heo được gói vào lá chuối vùi xuống than để nấu chín. Cần thêm 1 bình hoa và đặc biệt không thể thiếu cành cây cúng Pngal (theo cách gọi của người Bahnar) hoặc Pnu (theo cách gọi của người Jrai). Đây là một loại cây thân gỗ thường mọc trên rừng, nơi có nguồn nước trong sạch, thường được quan niệm là cây thần, cây may mắn.
Tại các lễ khác, thầy cúng đều là đàn ông; họ có thể là già làng, trưởng thôn hay những người có uy tín trong làng. Nhưng riêng lễ Chap thì thầy cúng phải là một phụ nữ có nhiều kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ, chăm con, có uy tín trong làng. Và gia đình amí Hara đã mời bà Tan, vợ của nguyên Trưởng thôn Klot (xã Kon Gang) đến làm chủ lễ cúng này. Trước khi cúng, bà Tan hút rượu xuống một cái “nồi” nhỏ làm từ lá chuối đã được phơi nắng cho dẻo; sau đó xé một ít lá cúng, đổ một ít tiết của gà và heo trộn đều rồi bôi lên 4 cái tai của ghè rượu, vào trán, má, vai bà Siu H’Drong (người được cúng).
Công tác chuẩn bị đã xong. Thầy cúng cầm cây Pngal khấn rồi cầm cành cây nhúng vào rượu đã làm phép đập nhẹ lên đỉnh đầu bà Siu H’Drong, tiếp tục nhúng vào rượu vuốt qua 2 bên má, 2 bên vai, 2 lòng bàn tay rồi xuống dần đùi, đầu gối và chân… Vừa làm bà Tan vừa khấn bằng tiếng Bahnar, tạm dịch: “Ơ ơ… Yàng trời, Yàng đất… Các Yàng gần xa, trên cao, dưới thấp về đây chứng giám cho bà Siu H’Drong được làm lễ cúng xả xui xẻo từ nay sẽ gặp nhiều may mắn có sức khỏe lâu dài không còn đau cái đầu, cái vai, đôi bàn tay, và đôi chân nữa… Đây là các lễ vật mong các Yàng nhận và che chở cho bản thân, gia đình nó và cả lũ làng … Ơ…ơ Yàng!”. Sau đó, thầy cúng lấy lễ vật mỗi thứ một ít như gan, máu, thịt gà, 1 ly rượu rồi bước ra ngoài sân báo cáo các Yàng. Phần cuối cùng và quan trọng nhất đó là khi thầy cúng rút lưỡi con gà kiểm tra xem có thẳng và đều không? Vì người Bahnar quan niệm, nếu lưỡi gà cong đều và đẹp thì mọi chuyện đều tốt đẹp và may mắn; ngược lại phải chuẩn bị tâm lý cho những điều xui xẻo ngoài ý muốn. Nhưng càng lưỡi gà trong buổi cúng hôm ấy cong đều và rất đẹp, làm tăng thêm niềm vui của tất cả mọi người.
Lúc này, thầy cúng lấy một ít đồ lễ bón bằng tay cho người được cúng ăn với mong muốn tai qua nạn khỏi, không còn ô uế bẩn thỉu (dính máu giặt quần áo cho bà đẻ) mà từ nay sẽ khỏe mạnh, sống vui vẻ và gặp nhiều điều may mắn… Bản thân người được cúng vui vẻ và thoải mái; còn người tổ chức lễ cũng nhẹ lòng vì báo đáp được ơn nghĩa.
Có thể thấy, tại lễ cúng này, chế độ mẫu hệ thể hiện rất rõ. Đầu tiên, như đã nói trên, thầy cúng lễ Chap phải là phụ nữ. Thứ nữa, trong suốt buổi lễ, từ khâu chuẩn bị đến khi lễ tiến hành thì đàn ông chỉ là người phục vụ, thiếu thứ gì hay cần sai bảo thì họ luôn sẵn sàng. Khi mọi nghi thức đã diễn ra xong xuôi, những người phụ nữ trong gia đình đã ngồi vào uống rượu, ăn những lễ vật và vui vẻ trao đổi, chia sẻ về công việc, gia đình, nuôi dạy con cái, phương pháp canh tác… thì lúc này những người đàn ông mới được ngồi lại nhâm nhi rượu ghè…
Anh Siu Na, bố của bé Hara chia sẻ: Theo tiếng Jrai, Hara có nghĩa là Muối. Tình yêu của họ gặp nhiều trắc trở bởi gia đình bên vợ không đồng ý, do vợ anh là người Kinh còn anh là người Jrai. “Sợ tôi không biết làm ăn để lo cho vợ con nên gia đình cô ấy không cho lấy tôi và đến giờ cũng vẫn chưa chấp nhận… Đứa con này thể hiện tình yêu “muối mặn, gừng cay”, trải qua nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn đến với nhau”-anh Siu Na vừa chia sẻ vừa nựng nịu “trái ngọt” của tình yêu. Khi thầy cúng ra về, anh không quên đưa cho bà một ít tiền và quà lễ vật không thể thiếu, đó là 1 đùi gà, 1 đùi heo kèm theo những lời cảm ơn chân thành của đại gia đình. Anh Siu Na cho biết thêm, anh hiện là một công nhân cao su có tay nghề cao, có tháng thu nhập của anh trên dưới 10 triệu đồng, đủ để lo cho vợ con có cuộc sống ổn định.
Lễ Chap tuy nhỏ, nằm ở phạm vi gia đình và dòng họ nhưng chan chứa biết bao ý nghĩa nhân văn của người Jrai và Bahnar. Nghi lễ này cũng là một cách dạy dỗ thế hệ sau về cách ứng xử, học cách biết ơn những người từng giúp đỡ mình và người thân trong lúc khó khăn… Và sự giao thoa văn hóa lần đầu tiên chúng tôi gặp này cũng cho thấy tình đoàn kết anh em của các dân tộc, tuy phong tục khác biệt nhưng với sự yêu thương lẫn nhau, biết chia sẻ, thông cảm, họ đã thích nghi tốt với môi trường sống mới.
Theo baogialai.com.vn