Lai Châu: Độc đáo tết Ngô của dân tộc Cống Khao
Ngày đăng: 16/07/2018Tết Ngô là ngày Tết lớn nhất trong năm của dân tộc Cống Khao ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Đây là dịp để đồng bào tụ họp sau một năm lao động vất vả và là dịp để họ cảm tạ các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ, bảo vệ trong suốt năm qua, cầu mong cho năm mới mưa thuận gió hoà, gia đình, làng trên xóm dưới ấm no hạnh phúc.
Năm nay, nhiều vùng ở Lai Châu và Mường Tè bị thiệt hại do mưa lũ, bà con Cống Khao vẫn tổ chức Tết ngô theo phong tục của dân tộc, nhưng gọn nhẹ hơn mọi năm, còn lại giành sức người sức của chung tay cùng chính quyền các cấp giúp đồng bà vùng lũ.
Tết Ngô được tổ chức sau khi bà con Cống Khao thu hoạch xong mùa màng. Theo cách tính của người Cống, thì Tết vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6 âm lịch hàng năm, khi vụ ngô đã bắt đầu vào kỳ thu hoạch.
Để đón Tết Ngô, dân tộc Cống Khao thường phải chuẩn bị trước đó nửa năm như nuôi con lợn, gà và trồng ngô ra bắp để cúng tết. Lúc này, già trẻ lớn bé trong từng gia đình họp lại phân công nhiệm vụ chuẩn bị cho cái tết gia đình diễn ra tươm tất và theo đúng phong tục.
Trước ngày Tết chính diễn ra, không khí nhộn nhịp chuẩn bị của các gia đình người Cống từ 3 đến 4 ngày. Nhà nhà trong bản đều chuẩn bị ngày tết của gia đình mình sao cho thật chu đáo.
Chị Chu Thị Lai, ở bản Nậm Khao, xã Nậm Khao, huyện Mường tè, tỉnh Lai Châu cho biết, mỗi lễ vật được dâng lên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết quan trọng này là do các thành viên trong gia đình tự tay chuẩn bị, nhằm mục đích trình báo với tổ tiên những việc đã làm được trong năm và cảm tạ tổ tiên đã phù hộ cho con cháu khoẻ mạnh, chăn nuôi sản xuất gặp nhiều thuận lợi, mùa màng tươi tốt, thóc ngô đầy bồ.
Chị Chu Thị Lai cho biết: “Trong Tết Ngô của dân tộc Cống, các thành viên trong gia đình đã phân công nhau đi kiếm củi, lên rừng hái măng, hái nấm, kiếm ngọn rau bí, lên nương bẻ ngô làm bánh, xuống suối bắt cua để chuẩn bị cho lễ cúng tết Ngô. Mỗi người một việc".
Tuỳ vào điều kiện của từng gia đình, mâm lễ cúng tổ tiên trong Tết Mgô của đồng bào có thể nhiều hay ít món. Nhưng lễ vật không thể thiếu trên ban thờ của người Cống Khao đó là những món được chế biến từ ngô như bánh ngô, cơm ngô, ngô luộc và những sản vật của núi rừng để dâng lên thần linh trên trời và tổ tiên cầu mong đấng thần linh, tổ tiên phù hộ con cháu có mùa màng bội thu, có nhiều sức khỏe.
Bánh ngô được làm từ ngô nếp non được tẽ hạt đem say mịn, trộn đều với mật ong. Sau đó dùng lá dong gói lại, đem đồ chín rồi chọn 4 chiếc tròn đẹp nhất thể hiện 4 mùa trong năm đem bày lên ban thờ gia tiên. Cơm ngô là ngô non nạo nhỏ trộn với gạo nếp và cũng được gói trong lá dong thành những gói to đem đồ lên trong chõ xôi, cơm chín có mùi thơm rất quyến rũ của ngô nếp non với hương thơm của gạo nếp. Đây là những món ăn truyền thống được làm bằng ngô non sau khi thu hoạch nên nó mang ý nghĩa biết ơn sâu sắc đến thần linh, tổ tiên.
Ngoài ra, trong mâm lễ của người Cống Khao còn phải có thịt lợn, gồm thủ, đuôi và chân thể hiện đầu xuôi đuôi lọt; gan, ruột non của lợn thể hiện lòng thành của con cháu với tổ tiên; ngoài ra còn có thịt gà, cơm ngô, nấm rừng, rượu ngô, ngọn rau bí. Đặc biệt không thể thiếu 12 cua đá tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Đồng bào Cống Khao quan niệm, cua là con vật bảo vệ mùa màng. Khi hạt ngô được trồng xuống đất, mọc mầm, chuột và chim muông đến phá hoại, cua sẽ dùng càng đuổi những con vật phá hoại đi. Sau khi bắt cua dưới suối lên bà con làm sạch, tách đôi, moi hết thịt cua và nhồi bột ngô vào mình cua rồi lắp lại thành hình con cua đem đồ chín sau đó bày lên bàn thờ cùng các lễ vật khác. Đồng bào Cống Khao quan niệm mọi lễ vật khi dâng lên bàn thờ tổ tiên phải được làm chín, kiêng bày đồ tươi sống.
Chị Chang thị Lam ở bản Nậm Khao cho biết thêm: “Sau một năm lao động vất vả, thì khi thu hoạch ngô xong dân tộc chúng tôi tổ chức ăn Tết Ngô mừng cho sức khoẻ gia đình, và mừng vụ thu hoạch ngô được đầy nhà. Từ xưa đến nay, vào ngày 1/6 âm lịch, tức Tết chính, mọi người trong gia đình đều dậy sớm ra suối tắm gội sạch sẽ để trôi đi những điều không may, và cầu mong cho năm mới may mắn phát tài, sức khoẻ an khang. Sau đó già trẻ gái trai trong bản tụ tập ở nhà văn hoá bản để biểu diễn những điệu múa truyền thống như múa pê lêm giao đón mừng năm mới”.
Tết Ngô của người Cống Khao ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu những năm gần đây được được nhiều du khách biết đến và tham gia. Trong các lễ hội được tổ chức ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Tết Ngô được phục dựng lại, khiến cho nhiều du khách rất thích thú, cùng trải nghiệm và hoà vào các điệu múa dân tộc rộn ràng, say hương rượu ngô và thưởng thức những món ngon dân dã của đồng bào.
Anh Tống Văn Kem, phó phòng văn hoá thông tin huyện Mường Tè nói: “Tết Ngô với đồng bào quan niệm là Tết chính, do vậy rất ý nghĩa với cả cộng đồng dân tộc Cống Khao. Trong lễ Tết Ngô này còn diễn ra nhiều hoạt động văn hoá thể thao vô cùng ý nghĩa. Đối với ngành văn hoá thực hiện theo chủ trương là bảo tồn phát huy và chúng ta cần có sự đầu tư để gìn giữ những nét đẹp văn hoá của dân tộc”.
Tết Ngô của đồng bào Cống Khao là dịp để bà con cảm tạ các đấng thần linh và thể hiện lòng thành kính với tổ tiên. Tết Ngô gắn liền với những sinh hoạt cộng đồng, gắn kết tình làng nghĩa xóm ngày một bền chặt.
Nguồn: VOV-Tây Bắc