Giá trị văn hóa Việt từ di sản tư liệu
Ngày đăng: 11/03/2019Trước nay, khi đề cập đến di sản văn hóa, nhiều người thường chỉ nghĩ đến di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thế nhưng, còn một loại hình di sản văn hóa khác là di sản tư liệu đang dần được chú ý. Di sản tư liệu giàu giá trị văn hóa đã đem lại nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch, cho quảng bá văn hóa và hình ảnh dân tộc, quốc gia…
Những di sản tư liệu ở Việt Nam
Di sản tư liệu hay còn gọi là Chương trình ký ức thế giới được Unesco khởi xướng năm 1992. Di sản tư liệu là di sản văn hóa thuộc dạng tư liệu (Documentary Heritage) tồn tại dưới dạng vật chất và hình thức có thể rất đa dạng.
Theo định nghĩa của Unesco: “Ký ức thế giới là những hồi ức của các dân tộc trên thế giới được chọn lọc và ghi lại bằng tư liệu, ghi lại sự phát triển về tư tưởng, những khám phá và thành tựu của xã hội loài người. Những di sản tư liệu này đại diện cho một bộ phận lớn di sản văn hóa thế giới. Đó là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai”.
Unesco đã chia di sản tư liệu làm hai cấp độ. Thứ nhất là cấp độ khu vực như châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương. Cấp độ di sản tư liệu này được xét vào các năm chẵn. Cấp độ thứ hai là thế giới xét vào các năm lẻ.
Ở nước ta tính đến nay đã có 4 di sản tư liệu thế giới gồm: Thứ nhất là “Mộc bản triều Nguyễn” (công nhận năm 2009); Thứ hai: 82 bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội (công nhận năm 2010); Thứ ba: Châu bản triều Nguyễn của Việt Nam (công nhận năm 2017); Thứ tư: Cuốn sách cổ “Hoàng hoa sứ trình đồ” (công nhận 2018). Và bốn Di sản tư liệu Châu Á - Thái Bình Dương: Mộc bản kinh Phật thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (công nhận 2012); Châu bản triều Nguyễn (công nhận 2014); Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (công nhận 2016); Mộc bản trường Phúc Giang (công nhận 2016).
Những ký ức phong phú
Trong các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam, tính đến nay duy nhất Mộc bản triều Nguyễn được Unesco công nhận ngay khi vừa đưa hồ sơ ra trình. Những di sản tư liệu thế giới khác đều trải qua cấp độ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước sau đó mới trình lại lên Unesco để công nhận. Trước khi các mộc bản được khắc, đa số đều được các hoàng đế trực tiếp ngự lãm phê duyệt bằng bút tích sau đó giao cho những người thợ tài hoa nhất khắc.
Nói thì ngắn gọn trong 4 từ, nhưng nguồn tư liệu, hay còn gọi là những ký ức văn hóa in dấu lên những mộc bản triều Nguyễn vô cùng phong phú, hiếm quốc gia nào có được. Mộc bản triều Nguyễn được hình thành chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn (được thành lập năm 1820, dưới thời vua Minh Mạng) tại Huế.
Ngoài ra, tài liệu này còn bao gồm cả những ván khắc in được tập hợp từ Văn miếu Quốc Tử giám (Hà Nội) được đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc Tử giám (Huế) dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Từ năm 1960, mộc bản triều Nguyễn được chuyển vào Đà Lạt. Và nay được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Dưới triều Nguyễn, mộc bản được coi là quốc bảo và bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng. Nội dung của khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Từ 34.618 mộc bản này sẽ in ra 152 đầu sách, với tổng số 55.318 trang.
Về lịch sử: có 30 bộ, gồm 836 quyển, ghi lịch sử Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn. Trong 34.619 tấm mộc bản, có một bản khắc bài “Nam quốc sơn hà”. Đây là bản khắc bài thơ “Nam quốc sơn hà” cổ nhất còn lại cho đến ngày nay. Bài thơ khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc.
Về địa lý có hai bộ sách, gồm 20 quyển, ghi chép về địa lý của nước Việt Nam. Đặc biệt, trong khối tài liệu quý giá này có những bản khắc mang nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Về pháp chế: có 12 bộ, gồm 500 quyển, ghi chép về các điển chế và pháp luật triều Nguyễn. Về văn hóa - giáo dục: có 31 bộ, gồm 93 quyển, ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân, tiến sĩ triều Nguyễn. Về tư tưởng triết học - tôn giáo: có 13 bộ, gồm 22 quyển, ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia…
Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội hiện đang triển lãm những hình ảnh chụp mộc bản ghi danh các Quốc hiệu và kinh đô của nước ta từ xưa đến nay trích ra từ các mộc bản của một số sách như Đại Việt sử ký toàn thư, Ngự chế Việt sử tổng vịnh tập, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục…
Trong đó đề cập tới các quốc hiệu: Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương, Văn Lang thời Hùng Vương, Âu Lạc thời An Dương Vương, Vạn Xuân thời Tiền Lý, Đại Cồ Việt thời Đinh-Tiền Lê, Đại Việt thời Lý - Trần - Lê, Đại Ngu thời nhà Hồ, Việt Nam thời Gia Long và Đại Nam thời Minh Mệnh. Cùng với đó là các kinh đô qua các thời kỳ ở Phong Châu, Cổ Loa, Hoa Lư, Thăng Long, Huế.
Khác với mộc bản, Châu bản triều Nguyễn tồn tại dưới dạng vật chất là giấy. Châu bản triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ. Đây là những văn bản duy nhất còn lại của một triều đình phong kiến Việt Nam. Đó là các tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945), bao gồm văn bản do chính các Hoàng đế ban hành, được đóng triện hoặc văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao.
Toàn bộ 773 tập văn bản với khoảng 85.000 văn bản còn tương đối nguyên vẹn. Các châu bản này là các tài liệu gốc, duy nhất có bút tích phê duyệt của các Hoàng đế triều Nguyễn với các hình thức ngự phê phong phú và độc đáo như: Châu điểm, Châu phê, Châu khuyên, Châu mạt, Châu sổ, Châu cải.
Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người ở Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 cũng như mối quan hệ bang giao của triều Nguyễn với nhiều quốc gia trên thế giới.
Với tầm quan trọng và hiếm có như nêu trên, chắc chắn trong thời gian tới Châu bản triều Nguyễn sẽ được Unesco công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Khác với chất liệu gỗ và giấy ở hai di sản tư liệu kể trên là 82 tấm bia đá đề danh tiến sĩ ở văn Miếu Quốc Tử Giám. Các tấm bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám ghi danh những người đỗ tiến sĩ từ các khoa thi thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê Trung hưng. Tức là từ năm 1442 đến 1779. Bảy tấm bia đầu tiên được dựng vào năm 1484 dưới thời vua Lê Thánh Tông và tấm bia cuối cùng dựng năm 1780 đời vua Lê Hiển Tông.
Trong số 82 tấm bia đề danh tiến sĩ thì có tới 68 tấm bia được dựng dưới thời Lê Trung hưng. Nhà Mạc tuy thời kỳ ở Thăng Long tổ chức được 22 kỳ thi nhưng chỉ dựng được 2 bia tiến sĩ. Những người được nhà vua chọn để soạn các văn bia đều là những danh nho bậc nhất đương thời, ví như các tiến sĩ Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Đào Cử, Đàm Văn Lễ, Lê Ngạn Tuấn, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Trùng Xác, Lưu Hưng Hiếu, Lê Trung, Vũ Duệ…
82 bia đá không chỉ đơn thuần ghi danh tiến sĩ qua các khoa thi mà qua các bài ký còn hàm chứa nguồn sử liệu phong phú về một khoa thi, phản ánh về lịch sử giáo dục Việt Nam trong suốt 300 năm. Đó là quan điểm đào tạo nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam, triết lý về dựng nước, giữ nước, bảo tồn văn hóa, giáo dục.
Ví dụ triết lý về nhân tài đến nay còn nguyên giá trị như tấm bia do Tiến sĩ Thân Nhân Trung soạn năm 1484 ghi lại khao thi 1442 như sau: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”…
Bảo tồn ký ức
Đa dạng chất liệu và đa dạng nội dung song việc bảo tồn di sản tư liệu ở Việt Nam chưa được chú ý đúng mức so với giá trị của nó đem lại. Đến nay, nhiều mộc bản xuống cấp, tàn khuyết. Cũng như Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản trường học Phúc Giang và Di sản tư liệu Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đang bị tàn khuyết. Nhưng may sao, Di sản tư liệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và Châu bản triều Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn.
Các di sản tư liệu có nguy cơ bị thất lạc, phá hủy hay tàn khuyết dần đầu tiên do ý thức của chủ thể sở hữu chưa cao. Thứ hai là do điều kiện tự nhiên nước ta nóng ẩm mưa nhiều dễ hủy hoại di sản. Thứ ba là kho tàng chứa chưa được đầu tư đúng mức. Thứ tư là các cấp quản lý về văn hóa chưa thực hiện việc lập, thống kê danh mục và đề xuất hướng bảo quản, quản lý đối với những di sản tư liệu chưa được biết đến…
Nhà nước ta cũng đã tính đến việc bảo vệ di sản tư liệu thế giới qua những quy định pháp lý. Cụ thể quy định tập trung trong hai bộ luật: Luật di sản văn hóa, Luật lưu trữ…
Theo daidoanket.vn