Tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng ở hòn Sơn Rái, Kiên Giang
Ngày đăng: 03/06/2021Hòn Sơn Rái, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, là đảo trên vùng biển Tây Nam của Việt Nam, có lịch sử định cư lâu đời và diện mạo văn hóa phong phú. Giai thoại về những chuyến bôn tẩu của chúa Nguyễn Ánh, những tiền nhân có công khai hoang lập ấp, những thần linh bảo trợ ngư dân… càng làm cho kho tàng tín ngưỡng dân gian nơi đây thêm đa dạng, với nhiều hình thái đan xen. Qua hàng trăm năm phát triển của đảo, các hình thái tín ngưỡng vẫn giữ giá trị cốt lõi là những đạo lý truyền thống của dân tộc.
Tín ngưỡng thần bảo hộ
Trong văn hóa Việt, Thành Hoàng là vị phúc thần bảo hộ đời sống dân cư. Thành Hoàng mỗi nơi khác nhau, có nơi là nhân vật lịch sử, có nơi là biểu tượng trừu tượng. Tiền nhân đã mang theo tín ngưỡng này đến khai khẩn hòn Sơn Rái và dựng nên ngôi đình Lại Sơn, thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Ðình mang kiến trúc truyền thống dân tộc, kết hợp với một số đường nét hiện đại. Chánh điện được bài trí giản dị mà trang nghiêm.
Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh của làng Lại Sơn được vua Bảo Ðại ban sắc phong với nội dung: “Sắc Rạch Giá tỉnh, Kiên Hảo tổng, Lại Sơn thôn phụng sự Bổn Cảnh Thành Hoàng tôn thần hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mạng miến niệm thần hưu, trứ phong vi Tĩnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần. Chuẩn kỳ phụng sự thứ cơ thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Bảo Ðại thập niên, thập nhị nguyệt, sơ bát nhựt”. Tạm dịch: “Sắc cho thôn Lại Sơn, tổng Kiên Hảo, tỉnh Rạch Giá thờ phượng vị thần Thành Hoàng Bổn Cảnh giữ nước giúp dân, linh ứng từ lâu. Nay vâng mệnh lớn, nhớ đến công lao thần ngày trước, phong là Tĩnh Hậu Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần. Cho phép thờ phượng để thần che chở cho dân ta. Kính nghe! Ngày tám, tháng mười hai, năm Bảo Ðại thứ mười”.
Năm Bảo Ðại thứ mười là năm 1935, nhưng do sắc phong ngày 8 tháng 12 âm lịch, nên theo dương lịch là ngày 2 tháng 1 năm 1936; một ngôi đình nhỏ ven biển xa xôi lại có sắc phong của vua quả là điều đáng chú ý. Ngay ở tỉnh lỵ Rạch Giá nhận sắc phong từ Huế gửi vào đã khó khăn và mất nhiều thời gian, ấy vậy mà tờ sắc ấy còn lênh đênh trên biển để tới đảo.
Người dân hòn Sơn Rái còn thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực với vai trò như vị thần bảo hộ. Cách đình khoảng 800 mét, thánh Liên Giao Hải Sơn (thuộc Hội thánh Cao Ðài Bạch Y Liên Ðoàn Chơn Lý) tọa lạc ở bãi Nhà, cũng có bàn thờ Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra, nhiều nhà dân trên xã đảo cũng có treo chân dung Nguyễn Trung Trực trong gian chánh của ngôi nhà, bên cạnh bàn thờ tổ tiên. Người dân thường gọi ông một cách tôn kính là “ông Nguyễn”.
Trong tâm thức cư dân ÐBSCL nói chung và miền biển Kiên Giang nói riêng, vị anh hùng đã trở thành một vị thần bảo hộ cho cộng đồng. Xuất phát từ quan niệm “sống làm tướng, chết làm thần” (sanh vi tướng, tử vi thần) trong dân gian, người dân cho rằng Nguyễn Trung Trực khi sống đã bảo vệ đất nước thì khi mất cũng vẫn tiếp tục gìn giữ cõi bờ. Ông còn được xem là vị thần phò hộ cho ngư dân, che chở cho làng biển.
Tín ngưỡng thần nghề nghiệp
Tín ngưỡng Cá Ông (cá voi) có nguồn gốc từ văn hóa Champa, nguyên thủy là vị thần Po Riyak (thần sóng biển) phù hộ người đi biển. Qua quá trình Nam tiến, người Việt đã tiếp nhận và biến đổi hình thái tín ngưỡng này. Trong tâm thức dân gian, người Việt ít biết về nguồn gốc Champa của tín ngưỡng Cá Ông, thay vào đó họ cho rằng Cá Ông là hóa thân từ pháp y của Bồ tát Quán Thế Âm để cứu vớt chúng sanh(1).
Ngư dân tin rằng khi có sóng to gió lớn, thuyền ghe lâm nạn, Cá Ông sẽ đỡ thuyền đưa vào bờ. Giữa thế kỷ XIX, công trình khảo cứu “Thối thực ký văn” ghi chép về Cá Ông như sau: “Người đi thuyền gặp phong ba mà đắm, nó thường đội trên lưng đưa vào gần bờ, vẫy đuôi bỏ lên. Người miệt biển rất kính”(2). Triều đình nhà Nguyễn cũng từng ban rất nhiều sắc phong cho Cá Ông với tước hiệu là Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân thượng đẳng thần.
Cơ sở tín ngưỡng Cá Ông trên hòn Sơn Rái là đình thần Nam Hải (hay còn gọi là lăng Ông Nam Hải) tọa lạc tại bãi Giếng. Ðình có diện tích không lớn, kết cấu đơn giản, ở trung tâm là bàn thờ Nam Hải Ðại Tướng Quân, bên cạnh bảo quản một số di cốt của cá voi. Song việc thờ cúng ở đây không vì thế mà sơ sài.
Hằng năm, lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng 10 âm lịch là nét đẹp văn hóa đặc trưng của hòn Sơn Rái, đồng thời là lễ hội Nghinh Ông lớn nhứt tỉnh Kiên Giang. Từ ngày 14, hàng trăm tàu thuyền đã kéo về neo đậu phía trước lăng Ông, tạo nên không khí nhộn nhịp như ngày Tết. Nghi thức quan trọng nhứt trong những ngày lễ hội Nghinh Ông là đoàn rước Cá Ông từ biển về, với ý nghĩa mời Cá Ông về đình để ngư dân cúng tế bày tỏ lòng biết ơn. Trong lễ hội nầy còn có các nghi thức cúng tế Tiền Hiền - Hậu Hiền, thể hiện lòng tri ân đến những người đã có công khai phá và giữ gìn hải đảo.
Ngoài ra, trước đình thần Nam Hải còn có một ngôi miếu nhỏ nằm sát bờ biển là miếu Hà Bá. Ðây cũng là một dạng tín ngưỡng thần nghề nghiệp, nhưng nếu tín ngưỡng Cá Ông có nguồn gốc từ văn hóa Champa, thì tín ngưỡng Hà Bá lại có nguồn gốc từ văn hóa Trung Hoa. Hà Bá được dân gian quan niệm là vị thần cai quản một khu vực sông nước, nên có câu “Ðất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, thường được thờ cúng bởi các hộ gia đình có nghề nghiệp gắn liền với sông nước. Khác với các vị phúc thần bảo hộ, trong tâm thức dân gian xem Hà Bá là vị thần có tính chất thiện ác không rõ ràng.
Tín ngưỡng nữ thần
Bà Cố Chủ là tín ngưỡng nữ thần nổi bật nhứt ở hòn Sơn Rái, một dạng “bà chúa hòn” theo dân gian. Miếu Bà Cố Chủ được mọi người truyền tụng là linh thiêng, dân đi biển quanh vùng Kiên Giang thường ghé vào đảo để cúng miếu cầu bình an trên đường mưu sinh. Theo lời kể của một số cụ cao niên, miếu được cất lần đầu vào năm 1899 bằng tre lá, còn ngôi miếu hiện nay được xây dựng vào năm 1945 và trải qua nhiều lần trùng tu. Trong miếu có tượng Bà Cố Chủ được tô điểm phúc hậu.
Có hai giai thoại khác nhau về Bà. Có người kể rằng Bà Cố Chủ tên thật là Tăng Thị Phú, người phụ nữ đầu tiên đến khai phá hòn Sơn Rái. Bà rất hiền từ lại có tài tiên đoán thời tiết nên hay giúp đỡ những ngư dân. Khi người dân trên đảo bắt đầu có cuộc sống khấm khá thì bọn hải tặc cũng tìm đến. Chúng trói tay chân bà và ném xuống biển, nhưng bà gỡ được dây trói và bơi vào bờ. Bọn cướp lại tấn công một lần nữa, chúng trói tay chân bà và trùm lưới quanh người rồi ném xuống biển(3).
Một dị bản khác kể rằng bà tên thật là Tăng Thị Huệ, góa chồng, ở vậy nuôi con. Mẹ con bà nuôi heo rất nhiều trên hòn Sơn Rái nên giàu có. Một hôm có nhóm cướp biển đến đánh cướp. Chúng trói bà lại, cột hai tĩn nước mắm vào cổ rồi ném xuống biển, nhưng bà may mắn thoát chết. Bọn cướp hay tin bà còn sống và tiếp tục làm ăn khá giả thì lại đến cướp. Lần này chúng nhốt bà vào một chiếc giỏ bắt heo, cột miệng giỏ thật chắc rồi quăng xuống biển(4).
Giai thoại thứ hai có phần hợp lý hơn. Vì nếu miếu được cất lần đầu vào năm 1899 thì bà không thể là người đầu tiên khai phá hòn Sơn Rái được, bởi nơi đây đã có thôn được ghi nhận từ năm 1820. Ðiểm giống nhau của hai câu chuyện là sau khi qua đời, bà thường xuyên hiển linh và giúp đỡ ngư dân. Người dân trên đảo tin rằng Bà Cố Chủ vừa là địa thần cai quản và giữ gìn hòn đảo, vừa là hải thần cứu độ ngư dân khi gặp sóng to gió lớn trên biển. Lễ Vía Bà diễn ra vào mùng 9 tháng 9 âm lịch hằng năm.
Ngoài ra, ở bãi Bấc có miếu Bà Chúa Xứ - Mã Châu. Bà Chúa Xứ tức Chúa Xứ Thánh Mẫu, là một hình thái tín ngưỡng đặc trưng trong văn hóa tộc người Việt ở Nam Bộ, được hiểu là vị nữ thần cai quản một xứ sở. Trong khi đó, Mã Châu lại là danh xưng phổ biến ở vùng Kiên Giang - Cà Mau để chỉ Thiên Hậu Thánh Mẫu trong văn hóa tộc người Hoa. Mã Châu là cách người Việt ký âm từ Mazu nghĩa là Ma Tổ của người Hoa(5). Như vậy, với sự giao thoa văn hóa Việt - Hoa, cư dân hòn Sơn Rái đã đồng nhất chức năng của hai nữ thần là Bà Chúa Xứ và Bà Mã Châu.
***
Cư dân hòn Sơn Rái có nguồn gốc là nông dân Nam Bộ, trên hải trình di cư, họ đã mang văn hóa từ đất liền ra hải đảo. Vì thế, văn hóa tín ngưỡng của hòn đảo tiếp nối những truyền thống của cha ông. Mặt khác, đặc thù địa lý là một đảo biệt lập và đời sống cư dân tương đối khép kín đã giúp cho các tín ngưỡng ở đây ít nhiều có những màu sắc riêng biệt. Ðiều đó cho thấy người Lại Sơn từ sớm đã quan tâm phong hóa xóm làng nhằm giáo hóa cá nhân. Ngày nay, hiện trạng các tín ngưỡng dân gian trong cộng đồng ở hòn Sơn Rái ít có sự thay đổi.
---------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Thạch Phương & Lê Trung Vũ (2015), 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr. 230.
(2) Trương Quốc Dụng (1944), Thối thực ký văn, Nguyễn Lợi & Nguyễn Đổng Chi dịch, NXB Tân Việt, tr. 225.
(3) Nguyễn Trường (2017), “Trải nghiệm Hòn Sơn”, Báo Văn nghệ điện tử (www.baovannghe.com.vn), 3-7-2017.
(4) Anh Động & Nguyễn Diệp Mai (2008), Di tích, danh thắng và địa danh Kiên Giang, NXB Văn nghệ, tr. 236-237.
(5) Nguyễn Ngọc Thơ (2017), Tín ngưỡng Thiên Hậu vùng Tây Nam Bộ, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr. 61.
Theo baocantho.com.vn