Phát huy vai trò thông tin truyền thông Phật giáo thời đại 4.0
Ngày đăng: 11/06/2021
Báo Giác Ngộ online là một trong những kênh thông tin chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: Bình Minh
Các website, trang mạng xã hội, kênh truyền hình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giúp cho các tầng lớp trong xã hội tiếp cận Phật giáo một cách chính thống, để từ đó có cái nhìn chính pháp trong đời sống hàng ngày.

Cập nhật xu hướng thời đại

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với tinh thần nhập thế, tinh thần trí tuệ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cập nhật những xu hướng của thời đại. Ngay từ những năm cuối của nhiệm kỳ 6, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định thành lập một cơ quan chuyên môn về thông tin – truyền thông (TTTT). Đến Đại hội Phật giáo toàn quốc lần 7 năm 2012, đã thành lập một Ban mới là Ban TTTT Trung ương, và các Ban Trị sự Giáo hội các cấp cũng hình thành các phân ban, ban chuyên môn về TTTT.

Với gần 10 năm hoạt động chuyên ngành, Ban TTTT đã có những đóng góp Phật sự rất to lớn với thành tựu chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá cao.

Tại Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tin truyền thông Phật giáo thời đại 4.0 diễn ra ở TP. Huế mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng đánh giá cao việc chủ trì các hoạt động định hướng của Ban TTTT theo hướng ngày càng đúng đắn, ổn định, hiệu quả và đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của tín đồ, Phật tử, đúng với đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tuân thủ quy định pháp luật của Nhà nước.

Nhiều website, trang mạng xã hội, kênh truyền hình trực tiếp chính thống của Giáo hội Phật giáo đã được thành lập, như Giacngo.vn, kênh truyền hình An Viên, kênh truyền hình Phật sự online, và nhiều trang web của các ban thông tin truyền thông cấp tỉnh, cấp huyện, của các chùa, các tổ đình và các chức sắc Phật giáo.

“Đây chính là cơ hội để Phật giáo Việt Nam đồng hành và phát triển cùng dân tộc trong thời đại hội nhập 4.0. Việc tuyên truyền chính pháp trên các kênh truyền hình Phật giáo cũng như trên các trang web, các trang mạng xã hội đã giúp cho các tầng lớp trong xã hội tiếp cận Phật giáo một cách chính thống, và tìm hiểu đạo Phật một cách rõ ràng, cụ thể, để từ đó có chính kiến, cái nhìn chính pháp áp dụng trong đời sống hàng ngày”, ông Thắng nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, những năm qua, các đơn vị truyền thông của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp tốt với cơ quan nhà nước để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc những tăng ni vi phạm đạo hạnh, có những hành vi vi phạm Hiến chương, vi phạm pháp luật, nội quy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lợi dụng hình ảnh của Phật giáo, của các nhà sư để có các hành vi vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng đến hình ảnh và vị thế của Phật giáo Việt Nam. Qua đó, thông tin đến dư luận xã hội để tránh các thế lực xấu, các thế lực thiếu thiện chí xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ trong nội bộ Phật giáo, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, của đất nước.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, Ban TTTT đã có những hoạt động thông tin tuyên truyền tích cực đến tăng ni, Phật tử để thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan chức năng của địa phương, tham gia phòng chống dịch bệnh có hiệu quả tốt.

 
 

Tiếp tục củng cố công tác TTTT

Bàn về phương hướng hoạt động TTTT của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị cần tiếp tục củng cố công tác TTTT tôn vinh những thành tựu, những hoạt động Phật sự và xã hội tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam; đề ra những giải pháp điều hành, liên kết các đơn vị trong Ban TTTT trong công cuộc hoằng dương Phật pháp.

“Cần có sự thống nhất chặt chẽ, có sự điều hành chung, tránh tình trạng trong thời đại 4.0, bên cạnh những trang chính pháp được lập ra của Giáo hội, thì có nhiều trang tự phát của các tổ đình, các chùa, các Facebook cá nhân của các tăng ni thông tin hoặc đánh giá một sự việc không thống nhất, nhiều chiều, gây nghi ngại, gây dư luận không tốt trong xã hội”, ông Thắng lưu ý.

Cùng với đó, truyền thông Phật giáo phải là sự truyền tải thông điệp đạo đức, tình thương và chân lý sống, mang đến sự bình an và hạnh phúc cho con người. Vì thế, người làm công tác truyền thông Phật giáo phải có tâm, phải chỉn chu, truyền tải được những thông điệp tốt đẹp.

Nhìn về tương lai, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định, Giáo hội sẽ vẫn chú trọng hoạt động nghiệp vụ TTTT. Trong số 9 phương hướng hoạt động trọng tâm của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ 8 thì có 1 nhiệm vụ là: “Hoạt động TTTT như 1 kênh hoằng pháp, truyền tải những hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam tới cộng đồng đông đảo bà con Phật tử và cộng đồng xã hội, để nêu cao tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật, để xiển dương chính pháp trong đời sống, cũng như để tăng ni Phật tử nêu cao tinh thần phụng đạo yêu nước, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Theo infonet