Nỗi lo mai một Lễ hội Xăng Khan
Ngày đăng: 02/04/2021Lễ hội Xăng khan là lễ hội của người đồng bào dân tộc Thái được tổ chức 3 năm một lần vào tháng 2-3 hoặc tháng 10-11 âm lịch (theo cách tính lịch của người Thái). Một số nơi khác Lễ Xăng khan được gọi là Kin chiêng boóc mạy.
Theo Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDT, ngày 11/9/2017 của Bộ VHTTDL Lễ hội Xăng khan của người Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, sau lễ công bố đến nay, Xăng Khan vẫn chưa hồi sinh trở lại trong cộng đồng người Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An.
Theo các bậc cao niên ở các bản làng đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An thì lễ hội Xăng Khan có từ xa xưa. Thưở đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, Xăng Khan đã được các thầy mo tổ chức. Vì mỗi ông mo được học mỗi thầy khác nhau; mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau nên cách thức tổ chức lễ hội Xăng Khan ở mỗi nơi cũng có sự khác nhau.
Trước đây, Lễ hội Xăng Khan thường kéo dài từ hai đến ba ngày, nay chỉ tổ chức trong một ngày đêm. Lễ vật gồm từ bảy đến mười vò rượu cần, hai con lợn, hai con gà cùng cá nướng, trầu, cau… và vật không thể thiếu là cây boọc mạy (cây hoa) được dựng ngay giữa nhà, là nơi để hành lễ. Cây boọc mạy làm từ cây tre hoặc nứa già, cao 4m, có khoét nhiều lỗ, chia thành nhiều tầng khác nhau. Mỗi lỗ được treo những vật tượng trưng, như: Chim, cá, ve sầu, rắn… làm từ ruột cây sắn, cây tang trong rừng, được nhuộm các mầu xanh, đỏ, tím, vàng. Trên đỉnh boọc mạy cắm cây ô hình vuông, được các thiếu nữ sử dụng khi các ông mo nhảy Xăng Khan. Khi hành lễ, ông mo dẫn đầu, theo sau là những phụ nữ cầm ô cất điệu hát và múa bên cây boọc mạy. Đây chính là lúc sôi nổi, náo nhiệt nhất. Càng về khuya lễ hội càng nhộn nhịp với những trò diễn đầy thú vị...
Vật không thể thiếu là cây boọc mạy (xằng tang), khi hành lễ, ông mo dẫn đầu, theo sau là những phụ nữ cầm ô cất điệu hát và múa bên cây boọc mạy
Thêm vào đó điểm nhấn nhất là lúc ông mo với những lời cầu khấn cho bản làng yên vui, ao nhiều cá, ruộng nhiều lúa, nhà nhà giàu có, mọi người đều khỏe mạnh, con cái thành đạt, ai cũng ăn nên làm ra…
Kếp boóc (hái hoa) là phần kết của lễ hội Xăng Khan. Lúc này chủ nhà là người hái hoa tặng cho tất cả mọi người có mặt trong lễ hội. Mỗi bông hoa là một phần thưởng tưởng trưng cho sự may mắn trong cuộc sống. Chỉ diễn ra trong một ngày một đêm, với những lời hát chia tay đầy thân thiết hẹn ngày hội sau gặp lại, lúc này trời đã sáng mọi người lại trở về với công việc hàng ngày.
Mục đích và ý nghĩa của Lễ hội là tạ ơn các thầy mo đối với tổ tiên của mình và các bậc tiền nhân đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu người, đây còn là ngày để các đôi trai gái có dịp gặp gỡ, có người đã nên duyên vợ chồng qua lễ hội này. Là một tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái, góp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại Lễ hội này bị mai một.
NSƯT Lê Hoàng là người nhiều năm nghiên cứu về công tác bảo tồn và phát triển dân ca dân tộc thiểu số Nghệ An chia sẻ: “Có một thực tế là hiện tại các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian ngày càng mai một. Điển hình như Lễ hội Hạn Khuống (lễ hội của đồng bào dân tộc Thái, Tây Bắc là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, bao gồm nhiều thể loại (hát, kể chuyện) trong khung cảnh ấm cúng và tao nhã) hiện dường như biến mất khỏi đời sống sinh hoạt của đồng bào Thái, cùng với đó là những nhạc cụ, con người dường như cũng xa rời theo”.
“Đơn cử như việc làm khèn bè, không phải ai khéo léo trong sản xuất công cụ của đồng bào cũng có thể làm khèn. Trước đây có một vài cụ có thể làm được khèn đúng chất, khi sử dụng âm thanh cho ra đúng giai điệu, nhưng các cụ ấy đã theo tiên tổ về trời, mang theo cả đôi bàn tay khéo léo và cả khả năng thẩm định âm thanh, lựa chọn nguyên liệu khi kết khèn, thế là nay không còn ai sản xuất công cụ này nữa”.
Cũng theo NSƯT Lê Hoàng, nhiều cụ già người Thái còn giữ được khúc hát ru, mà nó không thể truyền đạt được bằng các khuông nhạc, hoặc các kỹ thuật ghi âm, mà chỉ bảo tồn nó bằng cách truyền miệng, nay các cụ đã không còn và cũng không có ai thực hiện được sứ mệnh đó nữa. Vì thế, các làn điệu hát ru bị mai một hoặc không được truyền dạy một cách bài bản. Bên cạnh đó, hiện ở các bản, làng chưa xuất hiện nhân tố trẻ nào biết hát, biết diễn xướng dân ca.
Mở lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho dân tộc Thái tại Nghệ An
Phụ nữ dân tộc Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An trong trang phục truyền thống. Ảnh minh họa
Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 998/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Lớp tập huấn truyền dạy văn hóa phi vật thể cho dân tộc Thái tại tỉnh Nghệ An, năm 2021. Theo đó, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức mở Lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể từ ngày 6 đến 9/4/2021, tham gia lớp truyền dạy là 70 nghệ nhân nắm giữ các di sản văn hóa phi vật thể, các học viên là người dân tộc Thái huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
Thông qua lớp truyền dạy, từng bước khôi phục và góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có số dân ít người. Bên cạnh đó xây dựng cơ chế chính sách sát thực tế trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể dân tộc Thái tại huyện Quỳ Hợp, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích động viên các nghệ nhân trong việc bảo tồn, truyền dạy di sản cho các thế hệ kế cận, hướng đến đảm bảo đối tượng tham gia và được thụ hưởng là chủ thể văn hóa, chủ nhân sáng tạo văn hóa truyền thống của dân tộc Thái tại huyện Quỳ Hợp.
Trước thông tin này, NSƯT Lê Hoàng cũng đề xuất, không nên để cho các câu lạc bộ dân gian hoạt động theo kiểu tự phát, không định hướng như hiện nay mà các cấp, ngành văn hóa cần phải tham mưu cho chính quyền quan tâm thực sự tới những người sưu tầm, các nghệ nhân dân gian - những người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể.
Đồng thời, cần có chiến lược, chương trình phục dựng và truyền dạy dân ca dân tộc thiểu số một cách bài bản nhằm giữ được hồn cốt, bản sắc dân tộc, đưa các loại hình này gắn bó với sinh hoạt cộng đồng, phục vụ tốt cho các tour du lịch để các câu lạc bộ có điều kiện tự trang trải thì mới có thể phát triển một cách bền vững.
Việc mở lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể cho dân tộc Thái trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An nhằm từng bước sưu tầm, khôi phục gìn giữ, bảo tồn nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc Thái, góp phần thiết thực vào việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triến bền vững. Từ đó, động viên khích lệ đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn tham gia hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào mình, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.