Nhạc ngũ âm của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Ngày đăng: 01/06/2021
Nhạc ngũ âm gắn liền với đời sống tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số Khmer
Giống như đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, dàn nhạc ngũ âm của đồng bào DTTS Khmer Bảy Núi, tỉnh An Giang thường được sử dụng vào các ngày lễ lớn, như: Chol Chnam Thmay, Sen Dolta… và được xem là “linh hồn” trong đời sống văn hóa độc đáo của đồng bào DTTS Khmer.

Nhạc ngũ âm là loại hình nghệ thuật truyền thống, mang tính chất tiêu biểu, thường xuất hiện vào các dịp lễ hội lớn ở chùa và gia đình đồng bào DTTS Khmer trong các phum, sóc khi có đám tiệc. Dàn nhạc ngũ âm được tổng hợp từ 5 loại chất liệu, gồm: đồng, sắt, gỗ, da và hơi tạo ra 5 âm sắc khác nhau; cấu tạo thành 9 loại nhạc khí, như: đàn thuyền (Rô-Niết-ek, Rô-Niết-thung), bộ trống (Kha so-somphô, Sakho-thôm), đàn cò và bộ trống Sa dăm, bộ cồng lớn và nhỏ (Pét-Kuong-Thôn, Ro-Niết-Đek), đàn Tà-Khê, đàn Khưm, kèn Srô-lây (2 loại Srô-lây-Tôck (kèn nhỏ) và Srô-Lây-thung (khèn lớn). Từ âm bổng của nhạc khí làm từ đồng, sắt đến âm trầm làm từ gỗ và tre, khi trỗi lên tạo thành một bản nhạc giao hòa vô cùng độc đáo.

Toàn vùng Bảy Núi có khoảng 60 ngôi chùa Khmer, xưa kia mỗi chùa đều có 1 dàn nhạc ngũ âm, thậm chí có chùa trang bị cả 2 dàn. Song, với nhiều lý do khách quan, số chùa còn giữ được dàn nhạc ngũ âm khá khiêm tốn, nghệ nhân tham gia ngày càng thưa dần. Hòa thượng Chau Ty (sãi cả chùa Soài So, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cho hay, nguyên nhân chính là khó đào tạo được lớp trẻ kế thừa, còn nghệ nhân lớn tuổi phải lo chuyện làm ăn, có người rời địa phương đi rất lâu.

Theo các vị sư sãi, à cha và đồng bào Khmer, nhạc ngũ âm Bảy Núi nguy cơ mai một do đồ đạc sử dụng quá cũ nên bị hư hỏng, muốn thay thế phải tốn nhiều chi phí. Còn việc học, đòi hỏi thời gian dài mới biết và mới có thể chơi được hết các loại nhạc cụ. “Phong trào tân nhạc nở rộ, gia đình ít ai để ý nhạc ngũ âm, mà chỉ có nhà chùa mới tổ chức” - hòa thượng Chau Sơn Hy, sãi cả chùa Sà Lôn (ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) cho biết. Tuổi trẻ trong phum, sóc bây giờ ít biết tuồng tích, thích tân nhạc nhiều hơn; không như những người cao niên, có chút am hiểu cội nguồn.

Trên địa bàn huyện Tri Tôn, có chùa Thnôt Chrôm (ấp Phước Long, xã Ô Lâm) còn giữ dàn nhạc ngũ âm lâu đời, với những nghệ nhân đều là nhà nông. Các vị sư sãi và à cha tại đây chịu khó chăm lo, gầy dựng phong trào, góp phần giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Tuy nhiên, hoạt động của đội chỉ khi có lễ hội lớn là chính. Sau nhiều nỗ lực, nhà chùa tập hợp các em học sinh, huấn luyện thêm một đội trẻ chơi rất bài bản, có thể sánh vai với nghệ nhân. Nhận thấy việc giữ gìn nhạc ngũ âm là việc làm cần thiết, một số trường học kết hợp với nhà chùa đã tổ chức huấn luyện, chủ yếu dạy trong dịp hè cho trẻ em bản địa. Nhiều địa phương ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên còn xây dựng đội văn nghệ Khmer để những giá trị này không bị thời gian cuốn đi.

Được sự hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang, tại chùa Tà Ngáo (ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được trang bị dàn nhạc ngũ âm và đích thân thượng tọa Chau Siêng dốc sức chăm lo hoạt động, phục hồi loại hình nghệ thuật truyền thống trước nguy cơ mai một. Bên cạnh đó, với sự phát tâm cúng dường của phật tử, chùa Thnok (xã An Cư, huyện Tịnh Biên) và chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) đã hình thành đội nhạc ngũ âm và hoạt động đều đặn. Tại Chùa Kal Pu Ruk (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) cũng có dàn nhạc ngũ âm, được biểu diễn phục vụ cho các đoàn tham quan, nghiên cứu.

https://baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2021/20210530/images/6.jpg

https://baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2021/20210530/images/6HANH-(2).jpg

https://baoangiang.com.vn/image/fckeditor/upload/2021/20210530/images/6HANH-(3).jpg

Truyền dạy cho lớp trẻ để gìn giữ nhạc truyền thống

Được thiết kế tinh xảo bởi nguyên liệu từ các loại cây có sẵn trong phum, sóc, như: thốt nốt, tre, các loại cây quý; từ kim loại như: đồng, sắt; từ da các loại động vật… nhạc ngũ âm ví như sản phẩm tổng hòa của tự nhiên, sinh ra những âm thanh của trời đất. Tiếng trống bập bùng trỗi lên, âm vang chủ đạo làm thay đổi hẳn không khí lễ hội, cuốn hút mọi lứa tuổi. Độc đáo hơn, trong những dịp lễ hội hay mừng năm mới, nhạc ngũ âm biểu diễn đi kèm với loại hình dì kê, dù kê và các điệu múa dân gian Khmer. Sự kết hợp giữa màu sắc, âm thanh, điệu múa tạo nên không gian nghệ thuật đặc sắc.

Trải qua những thăng trầm, cho đến ngày nay, từ những lễ hội quan trọng trong Phật giáo Nam tông cho đến các lễ hội quan trọng gắn liền với đời sống sinh hoạt xã hội, dàn nhạc ngũ âm vẫn là “linh hồn” thể hiện những khát khao trong đời sống tinh thần của đồng bào DTTS Khmer.

 

Theo baoangiang.com.vn