Nguyễn Thanh Điềm, người thương binh đầu nhiệt huyết với tấm gương "tàn nhưng không phế"
Ngày đăng: 25/07/2023
Tháng Bảy, cả nước tưởng niệm và tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, xin viết đôi nét về anh thương binh, người tình báo chiến lược Bộ Quốc phòng Nguyễn Thanh Điềm với kỷ niệm đẹp về một số việc làm của anh cho đồng đội đã hy sinh, cho quê hương, đất nước. Ai gặp Nguyễn Thanh Điềm cũng nhận thấy sự thẳng thắn, chân thành ấm áp, thân thương để trân quý, nhớ mãi về người thương binh “tàn nhưng không phế”.

Tôi được biết anh Nguyễn Thanh Điềm từ năm 2014, vào ngày Đoàn Cải lương Trung ương 1 đang dựng vở cải lương “Vua Phật” ở Hà Nội, tác phẩm sân khấu về cuộc đời của Đức Vua Trần Nhân Tông, vị vua đời, vua đạo của Việt Nam. Anh Điềm hôm đó được một người bạn ở Hà Nội đưa đến thăm Nhà hát Cải lương Việt Nam và xem đoàn dựng vở vì yêu mến cải lương và kính trọng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông mà dẫn tới nhân duyên. Qua người bạn của anh Điềm có người nhà làm diễn viên cải lương cho biết là đoàn đang dựng vở, anh Điềm đã đề nghị bạn cho đến nhà hát Cải lương xem tập, vì “ngày diễn chính thức biết có được ra Bắc để xem”. Tôi thì đến với đoàn trong một số buổi tập vở, bởi có một số vai diễn liên quan tới Phật giáo, anh em trong đoàn nhờ tôi, xem diễn viên lúc nhập vai có sai sót gì để chỉnh cho phù hợp về ngôn ngữ, động tác của nhà tu hành. Chính vì thế mà tôi biết anh Nguyễn Thanh Điềm, khi được giới thiệu là bộ đội, thương binh từ miền Nam ra. Anh em ở Nhà hát Cải lương hôm đó rất vui vì đang tập vở mà đã có “khán giả mến mộ” tới xem và vui hơn cả khi đoàn giải lao, anh Điềm xin lấy lời trong kịch bản và nhờ ban nhạc hòa âm để ca đoạn mà anh tâm đắc:

Rũ bỏ lợi danh thả tâm nhàn

Trọn đời hạnh nguyện nước non an,

Minh quân giữ nước ngời sát thát,

Sơ Tổ vì dân dựng thảo đàn,….

          Sau lần gặp đầu tiên đó, do công việc và anh ở trong Nam, tôi ít liên lạc với anh, nhưng thi thoảng lúc vui, anh bấm máy điện thoại cho tôi và hào sảng ca lại những câu về Đức Trần Nhân Tông. Một ngày đầu tháng 7/2017, trong chuyến công tác cùng đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ ở miền Nam, chúng tôi về thăm Hòa thượng Thích Minh Đáo ở chùa Viên Âm, Long Thành, Đồng Nai, đã tham gia giúp đỡ cách mạng trước năm 1975. Tình cờ tôi được gặp lại anh Nguyễn Thanh Điềm, trong đoàn các bác, các anh chị của Ban Liên lạc cựu tình báo miền Nam do bác Nguyễn Văn Tàu, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang làm Trưởng ban. Qua buổi gặp, tôi được biết bác Nguyễn Văn Tàu là Cụm trưởng Cụm Tình báo chiến lược H63 (Cụm có thành viên là thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn), cùng với các sĩ quan tình báo nổi tiếng một thời như: bác Trịnh Ngọc Khuê, bác Phan Văn Kể, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, anh Hồ Văn Năm, anh Nguyễn Thanh Điềm. Qua buổi gặp mặt ở chùa Viên Âm, tôi còn được biết căn cứ hoạt động của tình báo miền Nam thời trước 1975 có ở nhiều tỉnh. Hiện tại (2017), ở Bà Rịa - Vũng Tàu có căn cứ bí mật cũng nằm trong chùa và có địa đạo dưới nền chùa bị bom giặc phá trước năm 1975. Đã nhiều năm, anh em của Ban Liên lạc cựu tình báo miền Nam xin phép xây lại chùa cũ để thờ Phật và thờ đồng đội liệt sĩ, không biết bao nhiêu người hy sinh dưới địa đạo lúc bấy giờ vì hoạt động bí mật đi về chỉ số ít người biết, người biết quân số cụ thể tại cơ sở lúc đó cũng đã chết trong trận bom. Các bác còn tâm sự, tâm nguyện của anh em xin xây lại ngôi chùa đó nhưng chưa được tỉnh chấp thuận bởi lý do hồ sơ, thủ tục về ngôi chùa chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật…

          Được nghe thông tin đó, đoàn công tác chúng tôi đã đi cùng với các bác, các anh chị trong Ban Liên lạc cựu tình báo miền Nam về xã Phước Long, thành phố Bà Rịa thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến chùa Bảo Ân xưa, nay chỉ còn lại phế tích với nhiều cửa hầm địa đạo bí mật bị bom phá, qua năm tháng hoang tàn, đất vẫn chưa thể lấp đầy. Sau khi thắp hương cho vong linh các liệt sỹ và những người chết trong chiến tranh, cùng với các bác, các anh chị trong Ban Liên lạc cựu tình báo miền Nam, chúng tôi đăng ký làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau một cuộc làm việc “vừa lý vừa tình”, lãnh đạo tỉnh đồng ý về chủ trương cho khôi phục lại ngôi chùa Bảo Ân, giao cho các sở, ngành, địa phương có liên quan giúp đỡ, sớm hoàn chỉnh thủ tục theo quy định của pháp luật.

          Để chuẩn bị cho việc xây dựng lại ngôi chùa nơi bao nhiêu anh em đồng đội đã hy sinh, các bác trong Ban Liên lạc cựu tình báo miền Nam mỗi người đều có trách nhiệm, nhưng phần vì nhiều bác tuổi cao, sức yếu nên chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, em út của bác Nguyễn Văn Tàu, Trung tá tình báo trực tiếp hoạt động ở Bà Rịa đứng ra lo thủ tục và lo việc vận động xây dựng. Anh Nguyễn Thanh Điềm quê tận Bến Tre nhưng khi được chủ trương xây dựng lại chùa thì anh nhiệt tình lắm. Nhiều lần anh từ Bến Tre về Bà Rịa, về Đồng Nai và đi các nơi cùng với chị Nguyệt lo vật liệu xây chùa. Dù là thương binh nhưng khi có việc gì cần, anh đều sẵn sàng đi. Một số lần anh ra Bắc cùng chị Nguyệt, đi tới nơi xem vật liệu, tượng pháp,… để đặt mua cho phù hợp với chùa, và tiết kiệm kinh phí. Lành lặn, trẻ trung đi xa đã vất vả, anh Điềm là thương binh cụt chân đi lại rất khó khăn, tuy nhiên, anh không bao giờ phàn nàn kêu ca, ngược lại, còn động viên mọi người. Nhiều lần thấy anh đi lại khó khăn, tôi hỏi động viên, anh có mệt không? Anh cười chỉ chị Nguyệt, rồi nói: “Trông bà chị tôi kìa, tuổi gần 80 mà còn đứng ra vận động mọi người cùng con cháu xây ngôi chùa thờ Phật và làm nơi để anh em đồng đội cùng về”. Anh kể, bà xưa trẻ làm y tá biết bao nhiêu anh em là thương binh chết trên tay bà, nhưng sau đó họ còn được chôn, còn có mồ. Riêng ở chùa Bảo Ân ở Long Phước, bao nhiêu đồng đội bom giặc làm cho banh xác, nấm mồ chung bao năm vẫn hoang phế, lại không biết những ai nằm dưới đó nên bà thương lắm. “Như tôi đây, là thương binh mất một chân nhưng còn hơn nhiều anh em, may còn sống, còn đi lại được, còn sức gắng phụ với anh em, phụ giúp chị Nguyệt vận động để xây lại được ngôi chùa này cho đồng đội và những người đã chết trong chiến tranh có chỗ  để “Âm có siêu, dương mới thới”, rồi người còn sống như chúng tôi cũng về đúng nơi để gặp nhau”, anh nói và cười trong ngân ngấn nước mắt.

          Từ khi đặt đá xây lại chùa vào ngày 18/12/2018, cuối tháng 5/2023 chùa Bảo Ân xây xong, dự kiến khánh thành vào ngày 01/6/2023. Tôi với tư cách là người biết rõ việc xây dựng chùa từ đầu cho tới khi xây xong, lại tình nghĩa với các bác, các anh chị, nên là người được mời dự lễ khánh thành và còn được mời về sớm mấy ngày để xem giúp các bác, các anh chị trong công tác tổ chức. Tôi về chùa ngày 29/5, đã gặp anh Nguyễn Thanh Điềm ở Bến Tre lên từ 26/5. Gặp tôi, anh rất vui nói, anh lên sớm để kiểm tra những gì liên quan tới công tác chuẩn bị, anh còn cầm cuốn sổ cho tôi xem ghi chép cẩn thận những việc đã làm xong, việc gì đang làm cần kiểm tra, việc gì chưa làm cần đôn đốc. Nghe anh nói từng việc đâu vào đó, tôi nói đùa “Phó trưởng ban vận động xây dựng chùa, Phó trưởng ban điều hành hoạt động chùa” (khi chùa đang xây dựng chưa có sư), dạo này làm việc đúng là lãnh đạo. Anh cười thật lành rồi nói: “đâu phải thế, nhưng em biết, anh vốn là bộ đội tình báo, trước mỗi trận đánh phải chuẩn bị tính toán kỹ lắm nếu không chỉ cần một sai sót nhỏ là thiệt hại vô cùng nếu không nói là thất bại. Nghiêm khắc đó rồi cũng thành nếp quen, khánh thành ngôi chùa nhiều việc phải làm, kế hoạch đặt ra đã thống nhất mỗi người một việc, giao việc cũng đã mấy tháng rồi, nay đã cơ bản còn mấy ngày cuối cũng phải kiểm tra đôn đốc cụ thể, anh ghi chép lại cho yên tâm, anh cũng đã lớn tuổi rồi, giờ dễ nhớ nhớ, quên quên”. Anh cười rất lành rồi nói tiếp: “đây chỉ là ngôi chùa quê nhưng là bộ mặt của cả một lực lượng quân đội, dù các anh đã nghỉ hưu nhưng phải thể hiện cho chu đáo, lễ khánh thành còn thể hiện đối ngoại của một tỉnh với nhiều vị khách khắp nơi sẽ về đây. Ngôi chùa này còn là nơi tôn vinh truyền thống của vùng đất anh hùng, nên càng chu đáo càng tốt chú ạ”.

Ông Nguyễn Thanh Điềm cùng đồng đội và người thân dự lễ khánh thành chùa Bảo Ân

          Nhìn anh, một thương binh già nhưng tâm huyết với đồng đội, lo lắng cho đất nước, chỉn chu mọi việc, thật đáng kính trọng. Điều đáng quý ở anh mà tôi được biết, ngày 01/6, xe ô tô của tỉnh Bến Tre đưa các đồng chí lãnh đạo đại diện cho tỉnh Bến tre tới dự lễ khánh thành chùa Bảo Ân. Tại đây tôi gặp Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bến Tre, Cao Văn Dũng. Anh Dũng cho biết anh Nguyễn Thanh Điềm là người quê hương Bến Tre, anh Điềm được anh em tỉnh Bến Tre quý mến lắm. Với thành tích cống hiến của anh Điềm cho cách mạng là một tình báo mang nhiều bí số nhất, là người có nhiều đóng góp với sự ghi nhận của các đồng đội cùng chiến đấu, anh Dũng cho biết, hiện nay, tỉnh Bến Tre đã tập hợp nhiều giấy xác nhận của đồng đội cùng chiến đấu và đề nghị các cấp có thẩm quyền tuyên dương Anh hùng cho anh Nguyễn Thanh Điềm.

          Từ khi tôi gặp anh Điềm cho tới nay, được hiểu anh qua việc làm và lời nói của anh đầy tình nghĩa với đồng đội, đặc biệt là những người đã hy sinh; qua trách nhiệm và tình cảm của anh với quê hương, đất nước bằng những việc làm âm thầm mà đầy sức cảm hóa mọi người. Với một người thương binh tuổi gần 80 như anh mà vẫn tràn đầy sức sống và tinh thần trách nhiệm với đồng đội. Hiện tại, anh Nguyễn Thanh Điềm tham gia Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sỹ Việt Nam, và là Chủ tịch của Chi hội Bến Tre. Tấm gương của anh đã để lại cho tôi và bao nhiêu người lòng kính phục về việc làm và phẩm chất của một người anh hùng giữa đời sống hôm nay.

 

TS. Bùi Hữu Dược              

Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ