Người mẹ mặc áo cà sa
Ngày đăng: 30/07/2021
Sư Tịnh Tâm tích cực trồng, chăm sóc cây trái trong vườn
Ở vùng rừng núi phía tây huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai có ngôi chùa tuy nhỏ nhưng ai cũng biết đến, bởi ở đó có một người mặc áo cà sa thầm lặng chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành cho những đứa trẻ bất hạnh. Đó là sư cô Tịnh Tâm, người đã noi theo gương sáng Bác Hồ về tình yêu thương con người. Ngày qua ngày, sư cô âm thầm gieo mầm hạnh phúc, làm nên câu chuyện cổ tích lay động lòng người...

Mầm sống từ trái tim nhân hậu             

Cái lạnh đầu ngày dần tan nhường chỗ cho những tia nắng mới. Trong căn nhà sinh hoạt phía sau chùa Phước Sơn (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh), mọi vật dụng được sắp đặt ngăn nắp và khá đẹp mắt, có tiếng trẻ sơ sinh khóc đòi mẹ, rồi có tiếng người dỗ dành nhè nhẹ: "Ngoan nào... nín đi con!...". Tiếng dỗ dành yêu thương ấy là của bà Phan Thị Kỳ-tục danh của sư cô Tịnh Tâm.

Tiếp chúng tôi, sư cô Tịnh Tâm xúc động chia sẻ: "Mới đó mà đã hơn 15 năm kể từ khi tôi từ Đồng Nai về đón nhận các con. Lúc đó, ở đây đồi núi hoang vu, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Thương lắm những đứa trẻ cơ nhỡ, thất học, lang thang trong cái nắng, cái gió. Ước nguyện của tôi là làm sao có được ngôi nhà ấm cúng, có cái ăn, cái mặc, có sách vở đầy đủ cho các cháu đến lớp. Thế là không kể ngày đêm, tôi tranh thủ khai hoang đất, trồng được 3ha lúa nương, bắp, ổi, sắn... lấy cái ăn ban đầu, kết hợp trồng cà phê, theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Những ngày đầu lao động, chân tay bầm giập, đau buốt, lâu dần thành quen. Đất không phụ công người, những cây lương thực, cây công nghiệp đã cho thu hoạch...".

Khi cuộc sống tương đối ổn định cũng là lúc sư Tịnh Tâm bắt đầu tiếp nhận và nuôi dưỡng 9 cháu nhỏ và một người phụ nữ bệnh tật (trong đó có 3 cháu bị di chứng chất độc da cam/dioxin, thiểu năng trí tuệ; các cháu còn lại thì mồ côi, cơ nhỡ). Khi đến với sư Tịnh Tâm, cháu nhỏ nhất mới được 2 giờ tuổi, cháu lớn mới 3 tuổi. Đặc biệt, có cháu lúc sinh ra không may bị các chứng bệnh nan y, bị bỏ rơi, gần như không thấy tương lai, sự sống. Biết tin, sư Tịnh Tâm đã nhận về chăm bẵm, nuôi nấng.

 Sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Trị, vùng đất chịu nhiều đau thương do bom đạn, chiến tranh, hy sinh, mất mát, thương cảm với số phận các cháu, sư cô dành tất cả tiền bạc của mình cùng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để xây dựng chùa Phước Sơn và ngôi nhà ăn uống, sinh hoạt để nuôi dưỡng các cháu. Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng bởi tiếng khóc của cháu Phan Thị Bảo Yến (tên do sư cô đặt). Sau khi nựng con, “người mẹ của chùa” (tên bà con thân mật gọi sư) cho biết: “Đây là một trong 5 cháu được tôi đón về chùa sớm nhất. Trong đêm lạnh 25-7-2014, cháu Bảo Yến vừa mới sinh ra tại bệnh viện huyện Chư Păh thì bị mẹ cháu bỏ lại. Cháu thiếu hơi mẹ, đói sữa nên khóc hoài, người tím tái, các bác sĩ đã xin sữa của nhiều bà mẹ trong viện cho cháu ăn, rồi gọi điện thông báo. Biết tin, tôi đã đến bảo lãnh, đưa cháu về nuôi. Đến nay, cháu đã gần 7 tuổi nhưng vẫn hay giật mình rồi khóc. Mỗi lần cháu khóc, mỗi lần cháu quờ tay như tìm mẹ trong đêm là tim tôi lại nhói lên niềm thương xót. Mấy năm trước, lúc 7 giờ ngày 5-11-2009, cháu Phan Thị Bảo Trân, mới sinh được gần 2 giờ tuổi, chỉ nặng 1,8kg cũng được một nữ thanh niên địa phương gửi lại với lời nhắn gửi: “Cuộc sống của cháu là ở sư”. Trước một sinh linh bé nhỏ, đỏ hỏn, tôi vừa lo lắng, vừa xúc động và nghĩ cách để cứu, nuôi cháu. Bản năng làm mẹ và tình yêu thương trỗi dậy, không chần chừ, tôi đón xe đưa cháu về ngôi nhà chung".

 

Các con nuôi của sư Tịnh Tâm mừng vui trước kết quả học tập

Cháu Nguyễn Thị Thảo Vi bị thiểu năng trí tuệ, ba mất sớm, gia đình nghèo không đủ sức nuôi Vi. Nghe chuyện, sư Tịnh Tâm đã tìm đến nhà và ngỏ ý nhận Thảo Vi về nuôi. Ngày đó, Thảo Vi đã nhỏ lại rất ốm yếu, da vàng nhợt nhạt. Sư Tịnh Tâm kể: "Lần đầu gặp mặt, tôi và cháu nhìn nhau xúc động không nói nên lời. Ðể hồi phục sức khỏe cho cháu, tôi đã dành cho Vi sự quan tâm đặc biệt, vừa đưa Vi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 ở TP Hồ Chí Minh để bác sĩ cứu chữa, lại vừa tập trung thời gian chăm bẵm, cho cháu ăn uống...". Đến nay, Vi đã lớn, tuy không nhanh nhẹn, học tốt như mấy chị em trong nhà nhưng cháu đã đến với cuộc sống bằng tinh thần vui vẻ.

Nếu buổi sáng mùa đông năm 2012, sư Tịnh Tâm không dậy sớm để chuẩn bị cơm nước cho đàn con, không ra mở cánh cửa chùa như thường lệ thì chắc cái tên Phan Thị Bảo Ngọc sẽ không có trên đời này. Trời Tây Nguyên sáng mùa đông lạnh giá. Vừa mở cánh cửa chùa, bỗng sư Tịnh Tâm nghe tiếng trẻ nấc nghẹn yếu ớt. Nhìn quanh thì thấy lẫn trong chiếc áo cũ cuộn tròn đặt trước tiền sảnh nhà chùa là một đứa trẻ còn đỏ hỏn chừng vài ngày tuổi. Xung quanh bé, đàn kiến đen và bầy ruồi vàng đang bâu đầy... Thấy thế, sư Tịnh Tâm đã nhanh chóng đưa bé vào trong, cởi tã, rũ hết đàn kiến, pha sữa cho bé ăn và lấy nước ấm lau rửa cho bé. 30 phút, rồi đến một giờ, hai giờ đồng hồ qua đi trong đợi chờ... sư như nín lặng trong sự xúc động, chỉ biết cầu nguyện cho cháu... Rồi sự sống đã bắt đầu nhen nhóm khi bé đã cựa quậy, da dần hồng lên, mắt mở ra... Hơn 6 tháng tất tả đưa Ngọc đi từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đến bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh để chữa bệnh, Bảo Ngọc đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Đến chùa Phước Sơn, tôi được nghe chị Ngô Thị Hồng (42 tuổi) kể về cuộc đời mình: "Năm 2005, tôi lấy chồng, sau 3 năm thì sinh được cháu Trần Thị Luyến. Niềm vui chưa trọn thì chồng mất, tôi lại bị bệnh hiểm nghèo. Bao nhiêu tiền bạc đã chi ra nhưng bệnh thì không lành. Trong cơn cùng quẫn, có lúc tôi định ôm con rồi gieo mình... Biết được hoàn cảnh của tôi, sư Tịnh Tâm đã liên lạc, rồi đến động viên tôi vào chùa vừa chữa bệnh, vừa nuôi con. Đến nay, đã 13 năm, nhờ sư cô tận tình nuôi dưỡng, cháu Luyến đã học lớp 8, mẹ con tôi chỉ biết đội ơn sư cô!".

Hạnh phúc bình dị

Ai một lần lên với phố núi Pleiku (Gia Lai) sẽ thấy hình ảnh những cây thông già hai bên đường tựa đầu vào nhau như bóng dáng mẹ con rất đẹp. Song có lẽ không gì đẹp hơn câu chuyện tình người đầy cảm động mà sư cô đã viết nên. 15 năm, sư Tịnh Tâm đã vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, kể cả những lời dị nghị không đáng có của một số người, dành tất cả tình thương yêu để nuôi nấng, chăm sóc 9 đứa trẻ mồ côi, di chứng chất độc hóa học và bệnh tật hiểm nghèo.

Trong hành trình chăm nuôi dưỡng dục đó, nhiều lần sư Tịnh Tâm phải khóc vì thấy những đứa trẻ sơ sinh mới lọt lòng mẹ đã bị bỏ rơi... Để nuôi con, trước hết phải tập làm mẹ, từ chăm bẵm, bế bồng đến cho ăn, cho ngủ. Nhiều lúc ôm đứa trẻ mới sinh đói sữa khóc ngặt nghẽo tới tím tái thịt da, lòng sư lại quặn thắt. Những lúc như thế, "người mẹ của chùa" chỉ biết ngoảnh đi lau nước mắt, rồi tự động viên mình vươn lên, bởi tương lai của 9 đứa con còn đang ở phía trước.

 

Niềm vui của sư Tịnh Tâm và các con nuôi

Sư Tịnh Tâm bộc bạch: “Nuôi dưỡng các con, tôi thấy đời mình ý nghĩa hơn. Ngày nối ngày, đêm nối đêm, tôi buồn vui theo tiếng khóc, nụ cười và sức khỏe của mỗi cháu. Khó khăn nhất là những đêm con cái bất chợt đau ốm, một mình tôi lặng lẽ cõng các con lên bệnh viện huyện. Hoặc như các cháu Yến, Vi, Ngọc... bệnh nặng, nhiều lần phải đưa vào tận TP Hồ Chí Minh để điều trị dài ngày. Những lúc đó, nhiều người nhìn chúng tôi với ánh mắt ái ngại, thương cảm. Nhưng cũng có người không hiểu lại nhìn mình với ánh mắt soi mói, rồi sỗ sàng hỏi: "Sao sư lại có con?". Những lúc ấy tôi thường cười trừ: “Cuộc đời mà. Bận lòng làm chi...”. Giờ các cháu cũng đã lớn khôn hơn, đỡ đau ốm vặt, học tập tốt, cây trái trong vườn thu hoạch cũng khá nhiều, tôi đã phần nào thực hiện được ý nguyện của mình. Thế là hạnh phúc lắm rồi...”.

Mỗi con người là một cảnh đời, một số phận, sư Tịnh Tâm đã lấy tình yêu thương của mình để hòa vào dòng chảy riêng của từng số phận ấy. Trên đường trở về nhà, tôi nhớ mãi hình ảnh những đứa trẻ bất hạnh ngày nào, giờ đây được sống hạnh phúc trong vòng tay rộng mở của người mẹ nuôi. Bà luôn tâm niệm rằng: "Mình đã khổ cực, bị thất học thì đừng để các cháu khổ cực như mình...". Đó là một cách nghĩ giản đơn mà cao quý biết bao!

 

Theo qdnd.vn