Người Công giáo chung tay bảo vệ môi trường theo thông điệp Laudato Sí
Ngày đăng: 14/07/2021
Môi trường là không gian, nơi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, cung cấp tài nguyên thiên nhiên phục vụ cuộc sống của con người. Đây chính là vấn đề sống còn của toàn nhân loại, nên cần có các biện pháp bảo vệ môi trường để duy trì sự sống của chúng ta.

Từ khi Trái đất được tạo dựng, trải qua biết bao lịch sử hình thành và phát triển, nơi đây đã trở thành không gian và môi trường sống cho con người và vạn vật. Với sự ưu ái và yêu thương từ đất mẹ, mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người

“Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,

vì chị chúng tôi, là Mẹ Đất,

Chị nâng đỡ, Chị dìu dắt

Chị sinh ra bao thứ trái,

hoa muôn màu giữa ngàn cỏ dại.” (Trích Trường ca tạo vật).

Trong sự ưu ái đó, Trái đất đã cung cấp và sản sinh ra những tài nguyên thiên nhiên, như: nước thiên nhiên, rừng, biển, khoáng sản, động thực vật, v.v…, đây là sự quan hệ mật thiết ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển chung của môi trường sống và là nền tảng để giúp con người sinh sống tốt hơn và phát triển. Nhưng trong quá trình phát triển, con người cũng đã làm cạn kiệt và để lại rất nhiều rác cũng như chất thải ảnh gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sự đa dạng của môi sinh (môi trường và sinh vật), và ảnh hưởng đến vẻ đẹp của Mẹ đất, người chị tuyệt vời của con người mà Thiên Chúa đã ban tặng và tạo dựng.

Trước nguy cơ của sự biến đổi khí hậu và ảnh hưởng môi sinh do chính những hoạt động phát triển và sinh hoạt của con người gây ra, Giáo hoàng Phanxico đã ban hành thông điệp “Laudato Sí”. Đây là thông điệp với “Một cái nhìn tổng quát” về môi trường mà Giáo hoàng muốn chúng ta, những con người đang gián tiếp hoặc trực tiếp tiếp tay cho những hoạt động làm ảnh hưởng đến môi sinh phải đối diện và trả lời cho câu hỏi: “Loại thế giới nào chúng ta muốn chuyển lại cho những người đến sau chúng ta, cho các trẻ em đang lớn lên?”,Đức Giáo Hoàng còn viết: “nếu chúng ta không đặt những câu hỏi căn bản ấy, thì tôi không tin rằng những quan tâm của chúng ta về môi trường có thể có những hiệu quả quan trọng” (Trích trong thông điệp Laudato Sí)

Thông điệp Laudato Si’, là thông điệp hướng con người và tín hữu đến với sự cần thiết và cấp bách của việc bảo vệ môi trường, như:

- Bảo vệ môi trường nước: Bởi vì “có được nước uống an toàn là một nhân quyền thiết yếu, cơ bản và của tất cả mọi người, vì nó ảnh hưởng tới sự sống còn của con người và vì thế, đây là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác” (Trích Laudota Sí), và nước cũng được xem là nguồn gốc của mọi sự sống, nên càng thiết yếu, đáng trân trọng và đặc biệt cần bảo vệ hơn nữa để cho mầm xanh và sự sống luôn phát triển.

- Bảo vệ sự trong lành của không khí và khí hậu: Bởi vì chỉ những sự thay thay đổi nhỏ của khí hậu và không khí cũng đã là một vấn đề hoàn cầu với những hệ lụy trầm trọng về môi trường. Nó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, kinh tế,và chính trị, và đời sống chính chúng ta. Nên đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân phải hiểu, giữ gìn và có trách nhiệm bảo vệ.

- Bảo vệ sự đa dạng của sinh vật: “Mỗi năm có hàng ngàn loại thực vật và động vật biến mất mà chúng ta không có thể biết chúng nữa, các con cháu chúng ta không thể thấy chúng nữa, chúng biến mất vĩnh viễn” (Trích Laudato Sí). Nếu một ngày, con bạn cháu bạn nhìn hình bạn chụp cùng thú cưng của bạn và hỏi “Đây là con gì vậy?”, thì đây không phải lỗi của riêng bạn mà là lỗi của chính chúng ta.

Vào đầu tháng 7/2021 Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giáo phận Hà Nội đã chia sẻ tâm tình và kêu gọi đồng bào Công giáo cùng nhau cầu nguyện và cử hành tuần lễ Laudato Sí. Tổng Giám mục cũng chia sẻ về thiên nhiên và môi trường chưa phải thật sự là mối quan tâm của người dân và cũng đã nhiều lần nhà chức trách Việt Nam cũng phát động các phong trào bảo vệ thiên nhiên như: dọn vệ sinh môi trường làng xóm, sông ngòi và bờ biển, nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy vậy, phần lớn những phong trào này dù sôi động lúc ban đầu, rồi lại sớm rơi vào quên lãng và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chúng ta chưa cao, nếu quan sát đường phố; ao hồ hay những nơi công cộng còn nhiều rác thải và đó là nguồn gây bệnh.

Với đồng bào Công giáo “cùng nhau để đối phó với cuộc khủng hoảng sinh thái, tiếng khóc của trái đất và tiếng khóc của người nghèo không thể tiếp tục vang lên, chúng ta hãy chăm sóc công trình sáng tạo một món quà của Thiên Chúa, đấng sáng tạo tốt lành của chúng ta và hãy cùng nhau cử hành tuần lễ Laudato Sí”, Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chia sẻ.

 

Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội.

Chung tay bảo vệ mội trường của các Giáo xứ

Theo Linh mục Giuse Tạ Duy Tuyền, chánh xứ Giáo xứ Tân Bắc thuộc Giáo phận Xuân Lộc nằm trên địa bàn xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết: hàng năm cứ vào dịp hè (trước khi vào năm học giáo lý cũng như nhà trường), Giáo xứ vẫn luôn vận động tổ chức các cho các giới trẻ và giáo lý viên là những thanh niên cùng chung tay bảo vệ môi trường, làm những công việc như cắt cỏ khu phố, thu gom rác tại các nơi mương rãnh trong khu phố.

Giáo xứ còn tổ chức các cuộc thi tiểu cảnh về “môi trường đáng sống của bạn là gì?” Cuộc thi này là để cho các bạn trẻ làm những mô hình có cây xanh, có nguồn nước xanh, có vệ sinh sạch sẽ. Linh mục Giuse Tạ Duy Tuyền còn chia sẻ thêm “Người Công giáo bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường còn là lẽ công bằng trước mặt Thiên Chúa, không vì ích kỷ cá nhân mà phá hủy môi trường”.

Còn theo Linh mục Giuse Đinh Đức Huỳnh, dòng Thánh Thể thuộc Tổng Giáo phận TP. Hồ Chí Minh là chuyên viên Thần học về Môi trường đã có một bài thuyết trình về “Đức tin Kitô giáo về môi trường và trái đất”. Linh mục Huỳnh đã chia sẻ chính khủng hoảng niềm tin, biểu hiện qua thái độ sống, dửng dưng với nhu cầu thiêng liêng, luân lý, chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất - là nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng môi trường. Con người không tôn trọng các giá trị văn hóa, trở nên gian tham, ác độc và hủy diệt nguồn tài nguyên.

 

Tại nơi đây, Trái đất là nơi chúng ta đang sống, chúng ta đã có một món nợ với môi sinh, mà chúng ta cần phải trả hoặc khắc phục. Bởi vì căn cội của sự khủng hoảng môi sinh là do con người gây ra trong quá trình phát triển sẽ do chính con người khắc phục trong ơn khôn ngoan và hiểu biết mà con người đã được ban tặng.

Nhật Hoàng