Lễ Sene Dolta năm 2024 của đồng bào Khmer
Ngày đăng: 03/10/2024
Hằng năm, từ ngày 29/8-01/9 Âm lịch, đồng bào dân tộc Khmer lại tưng bừng tổ chức lễ Sen Dolta nhằm tưởng nhớ đến công ơn bậc sinh thành, những người trong dòng họ quá cố và tri ân Tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng. Lễ Sen Dolta từ lâu được xem là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam Bộ được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

https://sonoivu.camau.gov.vn/wps/wcm/connect/sonoivu/172a3341-297c-4151-8c0a-57de1f8256b5/1/Dong%2Bdao%2Bba%2Bcon%2BKhmer%2Bco%2Bmat%2Btai%2Bchua%2Bdip%2Ble%2BSen%2BDolta.jpg?MOD=AJPERES&CVID=

 Theo tiếng Khmer, từ “Sen” có nghĩa là cúng, còn “Dol” có nghĩa là bà, “Ta” nghĩa là ông. Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa như lễ Vu lan báo hiếu thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà Tổ tiên. Vào dịp này, thông thường, mỗi gia đình sẽ cử 1 hoặc 2 thành viên đến hỗ trợ nhà chùa làm những công việc chuẩn bị cho ngày lễ như: treo cờ phướn, dọn cỏ, quét dọn khuôn viên tháp đựng cốt, sơn lại tháp… Các gia đình cũng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà Tổ tiên. Tùy theo điều kiện kinh tế từng nhà, mỗi người sẽ có cách chuẩn bị khác nhau nhưng lễ vật thường có điểm chung đều là những món ăn bình dị, gần gũi mang đặc trưng của người Khmer Nam Bộ.

https://sonoivu.camau.gov.vn/wps/wcm/connect/sonoivu/172a3341-297c-4151-8c0a-57de1f8256b5/2/Nhieu%2Bgia%2Bdinh%2Bba%2Bcon%2Bdan%2Btoc%2BKhmer%2Btranh%2Bthu%2Bquet%2Bdon%2Bban%2Btho%2Bchuan%2Bbi%2Ble%2BSen%2BDolta%2B2019.jpg?MOD=AJPERES&CVID=  

Mặc dù không diễn ra tưng bừng, náo nhiệt như Tết mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây, lễ Sen Dolta mang đậm những sắc thái tín ngưỡng đặc trưng văn hóa của người Khmer Nam Bộ, thể hiện truyền thống “Cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong 03 ngày lễ Sen Dolta ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa. 

Theo lễ nghi truyền thống, lễ Sen Dolta thường được tổ chức trong thời gian nửa tháng với 04 nghi thức chính: lễ đặt cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Dolta). Vào ngày thứ ba, ngày cuối của lễ Sen Dolta, cúng đưa ông bà, gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cơm cúng cùng bánh, hoa quả, nhang, đèn… Sau đó, cho thức ăn vào thuyền làm bằng bẹ chuối, mo cau thả xuống sông, kênh, rạch gần nhà. Tuy nhiên, hiện nay việc cúng lễ Sen Dolta được tổ chức đơn giản hơn trước nên việc thả thuyền bẹ chuối, mo cau không còn được thực hiện nhiều, thay vào đó, mọi người đến chùa và làm các nghi thức, gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng.

Để việc tổ chức các hoạt động nhân dịp lễ Sen Dolta theo đúng quy định, văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, chính quyền các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ như: An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc Khmer đón lễ Sen Dolta trên tinh thần đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của đồng bào dân tộc Khmer trước, trong và sau lễ; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp lễ Sen Dolta đúng quy định và phù hợp với điều kiện của địa phương như: thăm, tặng quà các chùa Nam tông Khmer, chức sắc, chức việc; họp mặt, tặng quà cán bộ hưu trí tiêu biểu, cán bộ chủ chốt đang công tác và người có uy tín trên địa bàn thị xã là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer… Đây là dịp để các cơ quan ban ngành liên quan và chính quyền địa phương trao đổi, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc Khmer góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Thụy Giang