Lễ Kéo Si của người Mường
Ngày đăng: 23/02/2022
Cây si trong đời sống tâm linh của người Mường
Trong đời sống tín ngưỡng người Mường, tỉnh Hòa Bình, cây si mang hình tượng một vị thần có sức sống diệu kỳ tỏa bóng xanh tốt, mỗi nhánh, mỗi cành tượng trưng cho một Mường.

Người Mường muốn truyền sức sống mạnh mẽ, kỳ diệu ấy của cây si cho ông, bà, cha mẹ, người cao tuổi trong dòng họ để họ trường thọ, không bệnh tật, ốm đau, sống lâu cùng con cháu.

Trong tâm thức dân gian người Mường, cây Si được xây dựng thành các hình tượng gắn liền với sự sinh ra muôn loài: từ cây Si vũ trụ, biểu tượng của hôn nhân bền vững, của tính phồn thực sinh sôi, nảy nở rồi đến các biểu tượng của sinh mệnh, tuổi thọ như cây Si trên mường trời gắn liền với nghi lễ Mo Vía Kéo Si…

Vào những ngày đầu xuân, lễ thức Kéo Si lại được tổ chức ở các làng bản của người Mường. Sau khi gia chủ đã chọn được ngày lành tháng tốt, người con dâu trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc phụng sự gia đình nhà chồng, đầu đội nón, tay cầm ớp khọ đi xin gạo trong xóm, biểu tượng cho sự đùm bọc, tình làng nghĩa xóm.

Tùy thuộc vào số ngày âm lịch được chọn mà họ đi xin gạo của các gia đình tương xứng với số ngày đó. Ngày mồng 5 thì xin của 5 nhà; ngày mồng 7 thì xin của 7 nhà… Dù giàu, dù nghèo, gia đình nào làm lễ kéo si cũng phải thể hiện nghi thức này để cảm ơn sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con làng xóm.

Cỗ cúng thường được sắp từ 3 - 5 mâm, trên mỗi mâm đều có xôi rượu, nia đựng gạo, cành si và các vật dụng làm lễ khác như: Cuốc, nón, quần áo… Mâm bên phải cúng họ nội, mâm bên trái cúng họ ngoại. Họ hàng con cháu nội ngoại chia nhau ngồi sang hai phía. Sau đó, thầy lễ làm các nghi thức lễ với bài tế “cây si”, cầu mong cho cây si trường thọ, cũng có nghĩa là cầu mong cho người già trong gia đình có thêm sinh khí để chiến thắng bệnh tật, sống khỏe, sống lâu…Cây si được dựng vững chãi trên sàng gạo, mọi người vun gạo cho chắc gốc cây si. Công việc hoàn thành, ai nấy đều cảm thấy trong lòng thư thái, tinh thần sảng khoái.

Đồng bào Mường chuẩn bị lễ vật

Nghi lễ Kéo si của người Mường thể hiện sự gắn kết hoà đồng giữa thiên nhiên và con người, tạo môi trường sống trong lành, góp phần đem lại cho con người nguồn sinh lực, sức khoẻ dồi dào để người dân bản làng cùng vui sống, xây dựng bản làng no ấm./.

Thầy cúng bắt đầu làm lễ

 

Kết thúc phần lễ, trong không khí hân hoan, người dân bản làng cùng chung vui bên ché rượu cần, trong tiếng cồng chiêng, tiếng hát hòa cùng những điệu múa truyền thống của người Mường

 

Theo dangcongsan.vn