Lễ giải hạn đầu năm của đồng bào Tày- Nùng
Ngày đăng: 03/03/2021
Mâm lễ giải hạn của người Tày, Nùng.
Đối với người Tày, Nùng, lễ giải hạn là nghi lễ cầu mong cho gia chủ và các thành viên trong gia đình một cuộc sống an lành, sung túc.

Sau Tết Nguyên đán người Tày, Nùng thường tiến hành lễ giải hạn. Đây là một phong tục, hình thức sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo của đồng bào Tày, Nùng có từ xa xưa và lưu giữ cho đến tận ngày nay.

Muốn làm được lễ giải hạn việc đầu tiên là phải tìm thầy Then hoặc thầy Tào (người thực hành nghi lễ cúng) để xem ngày lành và thầy sẽ hẹn với gia chủ ngày hành lễ, dặn dò gia chủ chuẩn bị sẵn những lễ vật. Các đồ cúng mỗi thầy có những yêu cầu riêng và tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình để sắm sửa.

Nhưng nhất thiết phải có mâm lễ để thầy làm lễ để dưới chân bàn thờ. Mâm lễ được đặt ở sảnh giữa trong nhà, dưới bàn thờ tổ tiên là nơi diễn ra các hoạt động cúng bái của thầy với 3 hoặc 5 bát gạo. Bát gạo ở giữa đặt một quả trứng gà, cắm hương và nhiều hình nhân được cắt bằng giấy, cành hoa, cây... Mâm khác để hành lễ, gồm: Thủ lợn, đuôi lợn, 1 con gà luộc chín có đủ lòng, mề, tim, gan và tiết; xôi; 1 miếng thịt lợn luộc; hoa quả, bánh kẹo. Ngoài ra, cần 1 con gà sống (cáy mạ), 1 con vịt sống và 1 cây chuối (pi đeng), 1 chiếc thuyền hoa (pè) làm bằng cọng chuối...

Bà Đàm Thị Sinh người Nùng ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Cứ vào tháng giêng hàng năm thì gia đình tôi lại đón thầy then đến làm lễ giải hạn cho cả nhà khỏe mạnh làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu. Và làm lễ cúng mẹ hoa cho các cháu nhỏ để các cháu lớn nhanh khỏe mạnh . Ở đây nhiều người thấy hay, thấy tốt nên cũng rất nhiều nhà đón thầy về làm lễ để mỗi nhà có nhiều sức khỏe, vui vẻ và bình an. Đây cũng là một bản sắc của dân tộc cứ đến tháng giêng gần như nhà nào cũng làm lễ.

Theo quan niệm dân gian, thầy được mời về giải hạn là người có khả năng giao cảm với thế giới thần linh, những người đã khuất hoặc dự báo được những vận hạn của người khác. Trong lễ giải hạn thầy cúng mặc trang phục truyền thống, đầu đội mũ tam sơn bên cạnh có nhiều đồ đạc như sách chữ nho.

Thầy Then cầm cây đàn Tính, còn thầy Pựt thì có chiếc quạt và xóc nhạc, thầy tào có cái chuông nhạc. Khi những làn điệu Then cổ cất lên cùng tiếng xóc nhạc, đàn tính, lời Then tạo nên không gian nghi lễ huyền ảo mang đậm dấu ấn tổng hòa của thiên, địa, nhân.Trong lễ cúng giải hạn ngoài những lời Then, điệu hát thì thầy còn dùng thẻ gỗ để gieo quẻ, xin tài lộc cho gia đình.

Ông Nông Văn Tuyến, một thầy tào lâu năm ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Một lễ cúng tùy thuộc vào cách cúng của từng thầy và ý nguyện của gia chủ mà có các nghi lễ khác nhau.Nhưng trong một lễ giải hạn, nghi lễ chung nhất thường gồm các bước: gia chủ làm lễ dâng hương, thầy phũng trả rót một lượt nước chè và rượu ở các mâm; tâu sớ để trình, báo cáo và mời tổ tiên về để con cháu trong gia đình dâng lễ vật; thầy dùng hai thẻ gỗ để xin quẻ, sau đó  làm lễ cúng diệt trừ tà ma, quét sạch những điều xui xẻo, cầu bình an, tài lộc.

Thầy cúng làm lễ giải hạn. Ảnh: VOV

Người Tày, Nùng làm lễ giải hạn nhằm cầu mong một cuộc sống an lành cho những người đang sống, những người đã khuất và cả thế giới tâm linh đều yên ổn. Họ cần một chỗ dựa tinh thần song không cuồng tín, khi gặp tai họa, ốm đau thì theo quan niệm chung của mọi người “Vô phúc vái tứ phương, ma cũng cầu, thuốc cũng chữa”.

Ông Vi Hồng Nhân, nhà nghiên cứu văn hóa Tày Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Người Tày-Nùng có truyền thống làm lễ then trong các dịp đầu năm để cầu những điều tốt đẹp, như cầu an, cầu phúc cho gia đình, làng xóm. Là dịp để bà con gọi nhau đến để cùng nghe, gặp gỡ nhau để thêm yêu quý nhau. Làm lễ then còn có một ý nghĩa nữa là chữa bệnh. Nhiều người có bệnh đi chữa trị ở bệnh viện không khỏi thì bà con sẽ đón thầy về làm Then để giải bệnh đi, cầu an cầu những điều tốt đẹp sẽ đến với người bệnh, với gia đình”.

Lễ cúng giải hạn đầu năm của người Tày, Nùng vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống cổ truyền.  Hiện nay ở khắp các làng bản của người Tày, Nùng lễ giải hạn đầu năm mới và nhiều bản sắc văn hóa đang được bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả. Điều quan trọng nhất là nhờ có sự thay đổi về nhận thức của các cấp cũng như chính chủ thể của văn hóa là người dân đã góp phần tạo nên sự trường tồn cho văn hóa của dân tộc.

Nguồn: vovworld.vn