Giáo phận Xuân Lộc với các hoạt động thiện nguyện, bác ái
Ngày đăng: 06/12/2024
Đồng Nai là tỉnh nằm ở trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, diện tích tự nhiên 5.907,1 km2, có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 02 thành phố, 09 huyện; 170 xã, phường, thị trấn, 1.007 ấp, khu phố, dân số 3,1 triệu người. Tỉnh Đồng Nai có cơ cấu dân cư đa dạng, nhiều tôn giáo và đa dân tộc (31 thành phần dân tộc, 10 tôn giáo với 43 tổ chức giáo hội).

Đồng Nai là tỉnh có số lượng Công giáo nhiều nhất trong cả nước, chiếm tỷ lệ cao trong dân số (trên 35% dân số của toàn tỉnh), với 271 giáo xứ, 01 Tòa Giám mục, 01 Trung tâm mục vụ, 01 Đại Chủng viện, 280 cộng đoàn (thuộc 90 dòng tu); 03 giám mục, 760 linh mục, 3.512  tu sĩ và 1.240.149 giáo  dân (thường trú và tạm trú). Trong những năm qua, đồng bào Công giáo ở Đồng Nai được tạo điều kiện thuận lợi sinh hoạt tôn giáo, đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần, nhu cầu vật chất ngày một phát triển cùng với sự phát triển chung của tỉnh; tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội hóa giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ, an sinh, từ thiện nhân đạo góp phần cùng chính quyền và Nhân dân trong tỉnh giải quyết những vấn đề xã hội, mặt trái của cơ sở thị trường hướng tới phát triển bền vững ở địa phương.

Điều này thể hiện rõ nét qua thành quả hoạt động bác ái xã hội của giáo phận Xuân Lộc trong phong trào xã hội hóa giao thông nông thôn, xã hội hóa giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo, xã hội - từ thiện, tổng số tiền (Giai đoạn 2018 – 2023) lên đến hơn 1.231,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Giáo hội Công giáo ở Đồng Nai còn thực hiện nhiều chương trình và hoạt động xã hội khác như: ủng hộ biển đảo, thiên tai lũ lụt, hưởng ứng về môi trường, đồng hành cùng những người di dân, khám phát thuốc miễn phí, xã hội hóa giao thông nông thôn… với số tiền chục tỷ đồng/năm.

Theo số liệu thống kê của giáo hội, tính đến ngày 31/12/2023, Giáo phận Xuân Lộc có 238 cơ sở xã hội, trong đó có 156 cơ sở giáo dục (155 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương); 5 trung tâm dạy nghề; 27 trạm xá, bệnh viện; 5 trại phong, tâm thần, cai nghiện ma túy, bệnh HIV; 25 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, viện dưỡng lão, cô nhi viện; 19 trung tâm trợ giúp người di dân, cụ thể:

Trên phương diện giáo dục, đào tạo

Theo Giáo hội Công giáo, việc giáo dục phải nhằm mục đích đào tạo toàn diện con người và phải hướng về lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, trẻ em và các thanh thiếu niên phải được đào tạo để họ có thể phát triển cách hài hòa giữa thể lý, luân lý và trí tuệ. Do vậy, bên cạnh các hoạt động tôn giáo, hoạt động từ thiện, bác ái xã hội trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo luôn được giáo hội Công giáo ở Đồng Nai quan tâm thực hiện. Tòa Giám mục Xuân Lộc kêu gọi và khuyến khích các dòng tu, tu hội, giáo xứ mở các nhà trẻ trường mẫu giáo tư thục với mục đích giúp đỡ cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt quan tâm đến các học sinh là người di dân ở các tỉnh đến Đồng Nai lập nghiệp. Theo thống kê hiện nay trên địa bàn tỉnh có 156 cơ sở giáo dục do giáo hội Công giáo quản lý. Trong đó, tập trung nhiều nhất vẫn là lĩnh vực giáo dục mầm non với 152 trường và nhóm trẻ; giáo dục cấp tiểu học 01 trường; dạy nghề 01 trường, với số người được thụ hưởng là 19.809 lượt người và số người tham gia thực hiện là 1.266 lượt người của 05 giáo xứ và 149 cộng đoàn, dòng tu.

Hầu hết các nhóm trẻ, trường mẫu giáo, mầm non tư thục của Công giáo ở Đồng Nai hoạt động trên tinh thần phi lợi nhuận. Về nguồn kinh phí (học phí) thu từ các học sinh, một phần dùng để chi trả cho đội ngũ giáo viên hợp đồng bên ngoài (các nữ tu không được trả lương), phần còn lại được tái đầu tư vào cơ sở vật chất và phục vụ cho hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo trực thuộc (cộng đoàn, dòng tu, giáo xứ).

Các cơ sở lớp học tình thương, xóa mù ở Đồng Nai hiện nay có khoảng trên 150/271 giáo xứ có tổ chức các lớp học tình thương, xóa mù chữ (hầu hết các giáo xứ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu). Đây là những lớp học tình thương mà tập trung vào đối tượng chủ yếu là những trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ… không có điều kiện để đến trường để học tập. Các lớp học này được các giáo xứ thực hiện trong việc dạy giáo lý thiếu nhi và kết hợp dạy học để xóa mù chữ. Về cơ sở vật chất sử dụng các phòng học giáo lý ở các giáo xứ và người thực hiện thường là các nữ tu giúp xứ, đội ngũ giáo lý viên và Ban hành giáo của các giáo xứ tổ chức giảng dạy.

Trong lĩnh vực giáo dục cấp tiểu học. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 01 trường tiểu học do giáo xứ Thánh Tâm (thành phố Biên Hòa) quản lý, là trường tiểu học tư thục đầu tiên của Công giáo ở Đồng Nai.

Trên phương diện đào tạo dạy nghề. Nhằm thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của Nhà nước và lực lượng lao động thực tế ở Đồng Nai chưa được đào tạo nghề nhiều, số thanh niên nam nữ không có điều kiện học lên tới đại học, nhất là các thanh niên tại nông thôn vùng sâu, vùng xa, con nhà nghèo và những thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt cần có nơi đào tạo có một nghề để tham gia vào lực lượng lao động, giúp cải thiện đời sống, thoát cảnh khó nghèo, góp phần vào sự phát triển, hội nhập của tỉnh và khu vực. Năm 2008, thành lập Trường trung cấp nghề Hòa Bình thuộc Tòa Giám Mục Xuân Lộc do Ban Bác ái Xã hội - Caritas giáo phận điều hành và quản lý. Trước nhu cầu của học sinh và sinh viên ở Đồng Nai và khu vực lân cận, Tòa Giám mục tiếp tục lập đề án thành lập trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trên cơ sở nâng cấp trường Trung cấp nghề Hòa Bình. Trường Cao đẳng nghề Hòa Bình Xuân Lộc vừa đào tạo dạy nghề vừa đào tạo văn hóa. Đối tượng tuyển chọn hàng năm từ trình độ hết lớp 9 trung học cơ sở. Hiện nay, nhà trường có hệ đào tạo văn hóa cấp III (26 lớp 10, 20 lớp 11, 12 lớp 12), hệ trung cấp (10 khoa 20 nghề), hệ cao đẳng (10 khoa 10 nghề). Trường còn liên kết đào tạo giáo viên mầm non bậc đại học hệ vừa học vừa làm, lớp giáo viên mầm non trung cấp lên đại học, lớp trung học phổ thông lên đại học và trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Đức và tiếng Nhật cho các học sinh ở trường cũng như các em học sinh có nhu cầu ở các vùng lân cận.

https://cdnmedia.baotintuc.vn/2017/10/10/15/06/cgiao.jpg

Sinh viên Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trong giờ thực hành kỹ thuật điện

Trên nền tảng bác ái Công giáo, trường còn chia sẻ đối với một bộ phận học sinh và gia đình còn nhiều khó khăn, để giúp các bạn trẻ có cơ hội học tập, lập thân. Cụ thể, học phí đóng cho nhà trường thấp hơn so với các trường trên cả nước, những bạn trẻ đặc biệt khó khăn được miễn giảm hoàn toàn. Ngoài học phí, trường không còn thu những phụ thu nào khác mà còn hỗ trợ trong bữa ăn cho các học sinh (sáng 10.000 đồng, trưa và tối 12.000 đồng). Đồng thời, tạo điều kiện để các em làm thêm tại căng tin, tham gia thêu móc đồ chơi trẻ em để xuất khẩu, lắp ráp các đồ ngành mộc của các công ty doanh nghiệp, may đồ trẻ em…(hàng tháng tùy vào thời gian nhàn rỗi của các học sinh để có thêm chi phí sinh hoạt…từ 2 triệu đến 2,5 triệu/ tháng).

Ngoài những hoạt động liên quan đến giáo dục mầm non, nhóm trẻ, trường tiểu học, đào tạo nghề và các lớp học tình thương tại các giáo xứ, giáo hạt, cộng đoàn dòng tu ở giáo phận Xuân Lộc còn tích cực tham gia công tác khuyến học (khen thưởng, trợ giúp học sinh nghèo dụng cụ học tập và học phí, đóng góp với địa phương về giáo dục, tổ chức sinh hoạt giáo dục và cấp học bổng cho học sinh - sinh viên) trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm gần đây với số tiền đến vài chục tỷ đồng.

Trên phương diện y tế

Hoạt động từ thiện xã hội trong lĩnh vực y tế luôn được Giáo hội Công giáo ở Đồng Nai quan tâm thực hiện với các hình thức như: phòng khám, phòng chuẩn trị, phòng châm cứu, cơ sở thuộc loại hình bốc thuốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 14 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế của 2 giáo xứ, 12 cộng đoàn dòng tu thực hiện, với số người được hưởng thụ là 117.259 lượt người/năm và số người tham gia thực hiện là 84 tu sỹ. Trong đó có 7/12 cơ sở là các phòng chuẩn trị, phòng thuốc đông, phòng châm cứu và cơ sở bốc thuốc hoạt động với qui mô nhỏ, số người thực hiện không nhiều (chủ yếu là tu sỹ, giáo dân là y bác sĩ tham gia từ thiện). Về cơ sở vật chất thường được bố trí từ các phòng hoặc nhà cấp 4 của các giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu đầu tư xây dựng để có nơi chăm sóc, khám bệnh và bốc thuốc cho người bệnh. Về lĩnh vực khám chữa bệnh có 05/12 phòng khám (01 của Ban Bác ái Caritas giáo phận Xuân Lộc, 04 phòng khám y học dân tộc cở truyền của dòng Gioan Thiên Chúa).

Các nhân viên y tế của Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Thiên An thuộc Dòng trợ thế Thánh Gioan Thiên Chúa đang điều trị cho bệnh nhân

Liên quan đến hoạt động y tế ảnh hưởng trực tiếp đến tín mạng, sức khỏe của con người nên tất cả các phòng khám, phòng chuẩn trị, phòng châm cứu và cơ sở bốc thuốc của Công giáo trên địa bàn tỉnh đều xin phép và được cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chấp thuận. Tất cả bác sĩ, y sĩ và nhân viên (là tu sỹ tại các cộng đoàn, dòng tu; giáo dân người Công giáo hoặc hợp đồng bên ngoài) đang tham gia tại các cơ sở y tế này đều được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu của Bộ Y tế. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, các cở sở y tế của Công giáo trên địa bàn tỉnh hoạt động chấp hành đúng theo các quy định của pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào gây ảnh hưởng đến tín mạng và sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Bên cạnh những hoạt động từ thiện bác ái xã hội trên lĩnh vực y tế theo số liệu thu nhận được như báo cáo ở trên, tại các giáo xứ và cộng đoàn dòng tu của Công giáo đều có tạo các tủ thuốc từ thiện và kêu gọi các đoàn thiện nguyện trong và ngoài nước tổ chức khám sức khỏe, phát thuốc, mổ mắt miễn phí cho người nghèo trên địa bàn toàn tỉnh không phân biệt tôn giáo với số tiền hàng năm lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trên phương diện bảo trợ, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo

Hoạt động bảo trợ, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo là một trong những thế mạnh của Công giáo nói chung, Công giáo ở Đồng Nai nói riêng. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” và cũng là đạo lý căn bản của Công giáo như lời Chúa trong Phúc âm “mỗi lần các con làm cho người đói được ăn, người khát được uống, người rách được mặc, người đau yếu được khỏi bệnh,… là các ngươi đã là chính Ta”. Với ý nghĩa đó, Giáo hội Công giáo ở Đồng Nai có rất nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo nhằm giúp đỡ cho những người gặp khó khăn, bệnh tật, không người chăm sóc… Để giúp đỡ nhóm đối tượng kém may mắn này, các tổ chức của Công giáo đã huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng, với tâm nguyện chia sẻ, an ủi, chăm sóc cho vơi bớt sự thiệt thòi,…  đồng thời giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể khởi đầu cuộc sống tự lập. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 17 cơ sở hoạt động bảo trợ xã hội: nuôi dạy trẻ em nghèo, trẻ khuyết tật, người tàn tật không nơi nương tựa, chăm sóc người mắc bệnh hiểm nghèo,… với số người được thụ hưởng là 1.219 người và số người tham gia thực hiện là 215 người (lượt người/năm).

Ngoài nguồn lực và nhân lực đóng góp đáng kể cho các hoạt động xã hội về bảo trợ, về giáo dục và về y tế. Giáo hội Công giáo còn nhiều loại hình hoạt động xã hội khác như: loại hình nhà mở giúp những người phụ nữ bị lỡ lầm; nghĩa trang chôn các thai nhi do phá thai; chăm sóc, giúp đỡ những người bị dị tật bẩm sinh ngay tại giáo xứ, cộng đoàn dòng tu nhưng không đăng ký thành lập cơ sở; chương trình cho mượn đất, mượn nhà, mượn bò để sinh hoạt kinh tế… và đặc biệt trong những năm gần đây hưởng ứng lời kêu gọi trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới các tổ chức tôn giáo trên địa bàn đã kêu gọi chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đồng Nai thực hiện tốt công tác xã hội hóa giao thông, với số tiền hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc liên quan đến xây nhà tình thương, nhà tình nghĩa; đăng ký chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng; cứu trợ thiên tai, lũ lụt; hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; vì biển đảo quê hương…, nhận nuôi dưỡng 02 bà mẹ Việt Nam anh hùng, tham gia xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, cứu trợ thiên tai.

Ngoài ra, đồng bào Công giáo ở Đồng Nai còn tích cực hưởng ứng và tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình sáng tạo, góp phần đưa Đồng Nai trở thành một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước đã được công nhận là tỉnh hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Kim Anh