Giá trị đạo đức, văn hóa trong giáo lý của Tôn giáo Baha’i
Ngày đăng: 23/12/2024Cái nôi của đạo Baha’i là xứ sở I-ran, tên cũ là Perse, theo âm Hán - Việt là nước Ba Tư, là một trong những quốc gia lâu đời nhất ở phía Tây châu Á lừng danh với các thành tựu to lớn của “nền văn minh Lưỡng Hà”, được giới sử học mệnh danh là “cái nôi của nền văn minh thế giới cổ đại”, từng xuất hiện đỉnh cao tín ngưỡng - tôn giáo gọi là “tôn giáo Babilon cổ đại.
Năm 1804, ở nước Ba Tư, Bah ra đời, lúc lớn lên tự xưng mình được giao nhiệm vụ đi báo tin rằng Thượng Đế Balla’u’llah sắp xuống trần thế để trừng trị những kẻ thống trị gian manh, được nhiều người nghe theo. Do vậy, Bah bị nhà cầm quyền bắt đi tù 06 năm. Trong tù, Bah tiếp tục nói mình biết hết thảy mọi điều và vẫn yêu thương mọi người, nếu có bị chết thì cũng là niềm vui được ném thân xác mình dưới chân Thượng Đế. Vì vậy, nhà cầm quyền không thả Bah mà đem ra hoang địa bắn chết. Ít lâu sau, một đứa trẻ được mang tên là Balla’u’llah ra đời, lớn nhanh, rất thông minh, biện luận thắng tất cả các nhà thông thái. Năm 22 tuổi, Balla’u’llah từ chối lời mời của vua làm thượng thư. Balla’u’llah giải nghĩa rằng “Balla’u’llah có nghĩa là “ánh sáng của Thượng Đế”, và mình chính là Thượng Đế mà Bah báo tin xuống trần thế. Dân chúng xúm lại hoan hô chào đón Thượng Đế. Sau đó, Balla’u’llah gửi thư đi khắp nơi kêu gọi quốc vương các nước thôi đánh nhau và cùng nhau lập nên một tôn giáo chung, duy nhất cho loài người. Tuy, các vua chúa không nghe theo, nhưng có nhiều nhóm đông người tụ họp lại, sùng kính cầu xin mong đợi Balla’u’llah lập ra tôn giáo mới. Sau khi Balla’u’llah tuyên bố đạo Baha’i ra đời, nhà cầm quyền lúc bấy giờ mau chóng bắt giam Balla’u’llah, dẫn đi đày ở nhiều nơi hẻo lánh. Sau nhiều năm bị giam cầm, lúc Balla’u’llah gầy yếu, sắp chết thì được nhà cầm quyền thả ra. Sau khi được thả, Balla’u’llah lại tiếp tục phát truyền các “giáo huấn”, “giáo lý và “giáo luật”. Trước khi chết, Balla’u’llah cử con trai mình tên là Ap-đun Ba-hai làm người tiếp tục giải thích các giáo huấn của mình. Từ đó, Baha’i xuất hiện như một tôn hoàn chỉnh gọi là Giáo hội Baha’i, lập một trung tâm lãnh đạo gọi là Hội đồng Tinh thần Baha’i, cử người đến nhiều nước truyền giáo.
Baha’i theo ngôn ngữ của Thượng Đế, ở nơi nào cũng giữ nguyên một cái tên Baha’i để tín hữu tìm gặp được nhau, nói cùng một tiếng ấy là đoàn kết, thương yêu nhau. Giáo lý Baha’i nói Giáo chủ Balla’u’llah xuống để thực hiện một chương trình mười hai điểm: 1. Thống nhất nhân loại, không phân biệt ngôn ngữ; 2. In ra 150 bộ sách để phổ biến chân lý; 3. Họp mặt tất cả giáo chủ đang sống để đoàn kết dưới chân Thượng Đế; 4. Xây dựng nền tảng thống nhất ý chí và hoà hợp quyền lợi; 5. Lập nên một giáo hội đầy khoa học và đầy lý trí; 6. Hủy bỏ mọi thành kiến và mê tín; 7. Thực hiện nam nữ bình đẳng; 8. Mở giáo dục phổ thông và bắt buộc; 9. Thực hành mọi ngôn ngữ để xóa bỏ tình trạng ngôn ngữ bất đồng; 10. Có giải pháp tâm linh đối với kinh tế - xã hội, mọi người đều có tu bản và lao động, vui vẻ với cái mình đang có; 11. Lập ra một tòa pháp viện quốc tế để ngăn chặn mọi xung đột giữa các xứ; 12. Lập hòa bình thế giới vĩnh cửu.
Giáo hội Baha’i cử người đi nhiều nơi truyền đạo, tuy nhiên, có nơi hưởng ứng, nhưng cũng có nơi phản đối, đuổi đánh hoặc bắt giam người truyền giáo. Tôn giáo Baha’i, hằng năm, tổ chức một tháng trai giới, gọi là tháng Baha’i, diễn ra trong 19 ngày, từ ngày 02/3 đến ngày 21/3. Trong tháng đó, cấm tín đồ ăn từ lúc Mặt Trời mọc đến khi Mặt Trời lặn, cốt dành nhiều thời gian để tín đồ rèn luyện ý chí, cầu nguyện và suy tưởng. Những người ốm yếu, đang mang thai hoặc đi xa, đều được miễn trai giới trong tháng Baha’i.
Giáo luật của tôn giáo Ba-hai khá thoải mái, ai muốn theo đạo cũng được nhận, không cần thử thách, kết nạp, cũng không cần phải từ bỏ đạo cũ, không cần phải nói xấu hay khinh nhờn đạo cũ. Baha’i giải thích rằng: Cậu bé học giỏi, đỗ tú tài, vẫn cần tôn kính và biết ơn các thầy giáo cũ ở các lớp dưới, vì không có các thầy cũ làm sao cậu đỗ tú tài. Thậm chí, có người truyền giáo Baha’i còn nói: một người không thể trở thành tín hữu Baha’i nếu không chấp nhận các giáo chủ cũ của mình trước kia. Người theo đạo Baha’i đễ hòa đồng vì Baha’i chấp nhận mọi tập tục của các tộc người.
Hiện nay, trung tâm lãnh đạo của tôn giáo Ba hai đặt ở trên đỉnh núi Các-men, tỉnh Hai-pha, I-xra-en. Trên thế giới, tôn giáo Baha’i chỉ xây năm nhà thờ ở vùng Trung Đông. Nhà thờ nào cũng xây chín cạnh, tượng trưng “cho chín tôn giáo thế giới hợp nhất” trong ngôi nhà thờ của Baha’i. Đứng đầu Trung tâm là Đức Giám hộ do Hội đồng Tinh thần Quốc tế bầu ra. Đức Giám hộ chỉ định 27 vị Phụ tá Giám hộ để điều hành rường mối và cơ sở Giáo hội, trong đó có một việc thường xuyên là quyên góp và thu tiền về Trung tâm để “xây dựng Tòa nhà Thống Nhất” (một khái niệm trừu tượng chứ không phải là một cơ cấu kiến trúc vật thể nào). Tín hữu góp càng nhiều, thì càng chứng tỏ nền đạo đức được vững chắc, đức tin càng mạnh mẽ hướng về các giáo huấn thiêng liêng của Đức Balla’u’llah.
Tôn giáo Baha’i tổ chức khá “dân chủ”. Tất cả tín hữu đều có thể nêu thắc mắc về giáo lý của đạo. Thắc mắc được tập trung về các vị Phụ tá Giám hộ để họ giải đáp. Nếu tín hữu chưa thông suốt với sự giải thích của các vị Phụ tá, thì thắc mắc được gửi về Trung tâm để Đức Bab, Đức Balla’u’llah và Đức Baha’i cảm thông bằng con đường thiêng liêng xuống đến từng tín hữu. Tín hữu sẽ được trò truyện với các đấng cao cả của Baha’i qua giấc mơ. Tôn giáo Baha’i không tổ chức ra lớp tu sỹ để lo việc đạo, nhưng đưa các “truyền giáo” đến các nước để gây cơ sở mới. Khi cơ sở mới đã thu hút được vài chục tín đồ trở lên thì cứ đúng ngày 21/4 hằng năm là ngày kỷ niệm Đức Balla’u’llah tuyên đạo thì tổ chức bầu ra một Hội đồng Tinh thần địa phương, gồm 09 đại biểu từ 21 tuổi trở lên, trong đó có các chức vụ như: chủ tịch, phó chủ tịch, thư kỹ và thủ quỹ. Quốc gia nào có trên 10 Hội đồng Tinh thần địa phương, thì chọn đại biểu họp lại bầu ra một “Hội đồng Tinh thần Quốc gia”. Nếu tổng số tín đồ chưa đông, hoặc có ít Hội đồng Tinh thần địa phương, thì chỉ bầu ra Hội đồng Tinh thần vùng. Vài năm một lần, các đại biểu quốc gia và đại biểu vùng đến thành phố Hai-pha của I-xra-en để bầu ra Hội đồng Tinh thần Quốc tế. Đáng chú ý là các Hội đồng Tinh thần địa phương đều được bầu vào ngày 21/4 hằng năm, bất kể ngày đó mưa bão, hạn hán, lũ lụt.
Nghi lễ tôn giáo của tôn giáo Baha’i cũng rất đơn giản. Trừ 05 ngôi nhà thờ xây ở Trung Đông, các nơi khác đều không xây nhà thờ. Tiền quyên góp được đưa về Trung tâm. Mỗi địa phương có thể dựng một giảng đường đơn sơ (bằng tre, gỗ hoặc vải), bên trong chỉ treo duy nhất một mảnh vải ghi thánh danh bằng chữ A-rập hoặc Ba Tư. Trong thời kỳ mở đạo, tín đồ sống thế nào cũng được. Ai túng thiếu thì đến trụ sở ngồi chờ, nếu quỹ còn tiền thì sẽ được “cứu trợ”. Đức Baha’i đã giải thích giáo huấn của Đức Balla’u’llah rằng: “Phàm kẻ nào sống cuộc đời đúng theo giáo huấn của Balla’u’llah, thì được coi như đã là Baha’i rồi!”.
Tín đồ Baha’i cũng đọc kinh, nhưng nếu chưa nhớ hoặc quên, thì có thể bỏ qua đoạn quên, các Đấng vẫn chứng giám cho lòng thành. Điều quan trọng để các Đấng chứng giám cho lòng thành kính của tín đồ đối với đạo là phải thật lòng coi mình là lớp người mới, phải thương yêu người khác để xã hội thêm tiến bộ.
Cuối năm 1954, bà Si-rin Phô-đa, người Ấn Độ, được Hội đồng Tinh thần Quốc gia Baha’i Ấn Độ cho phép sang Sài Gòn để mở đạo ở Việt Nam. Sau một năm, bà thu hút được vài trăm tín đồ, chủ yếu là người miền Bắc mới di cư vào Nam. Những năm tiếp theo, tôn giáo Baha’i thu hút được thêm khá nhiều tín đồ. Cho đến cuối năm 1962, tôn giáo Baha’i đã có được khoảng 40 Hội đồng Tinh thần địa phương với khoảng 5.000 tín hữu, trụ sở chung đặt ở cuối đường Phú Lâm, Quận 6, thành phố Sài Gòn.
Ở Việt Nam, bà Si-rin Phô-đa giải thích cho các tín đồ mới hiểu được ba điều căn cốt của tôn giáo Baha’i: một là, đạo nào cũng thừa nhận rằng cuộc đời này có hạn, khi chết mọi người có một cuộc sống khác, cuộc sống thực, hoặc trên Thiên Đàng hoặc trong một kiếp khác lành mạnh hơn. Như vậy, chết không phải là hết, mà chết là chuyển về một cuộc sống thật, một cuộc sống đời đời; hai là, đạo nào cũng tin vào một Đấng tối cao. Đấng tối cao chính là Thượng Đế mà Baha’i quy lại là Đức Balla’u’llah để tín đồ cũ hay mới đều dễ phụng thờ. Đạo Baha’i không buộc tín đồ mới phải cắt đứt quan hệ tình cảm với tôn giáo cũ, mà chỉ yêu cầu cố gắng thờ phụng Đức Balla’u’llah cho tốt nhất; ba là, giống như các tôn giáo khác, Baha’i dạy mọi người trau dồi đức hạnh để giữ được một đời sống lành mạnh: tránh những điều xú uế; tạo tình thương, lòng tin cậy và sự yên ổn, tránh sự giết chóc; tránh tà dâm, đừng gian trá; cố gắng cầu nguyện, làm lễ, ăn chay; đề cao sự hy sinh quên mình. Đó là những hành vi hiệu nghiệm nhất để tín đồ mau được trở thành Baha’i. Sau một thời gian phát triển ở vùng ngoại ô thành phố Sài Gòn, tôn giáo Baha’i bị giảm sút, Hội đồng Tinh thần địa phương nhiều năm không được bầu lại, sinh hoạt đạo không còn được tấp nập như trước. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sự suy thoái của tôn giáo Baha’i vẫn tiếp tục diễn ra. Đến khi công cuộc đổi mới đất nước diễn ra, các cơ sở cũ của tôn giáo Baha’i bắt đầu con đường xây dựng lại đạo trong lành, đất nước an bình và hạnh phúc.
Với chủ trương của tôn giáo Baha’i là thay thế những xung đột, hận thù và mâu thuẫn giữa các quốc gia, dân tộc, tôn giáo bằng sự thân ái, cảm thông và hợp tác đa chủng tộc, xóa bỏ sự đói nghèo và sự tích lũy tài sản quá mức; đề cao đạo đức xã hội, bảo vệ mọi nguyên lý về bình đẳng, nhấn mạnh giáo dục phổ thông bắt buộc, quy định chế độ một vợ, một chồng, nhấn mạnh sự phục tùng chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ hòa bình…, năm 2008, cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo với tên gọi là Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam với cơ cấu tổ chức gồm 02 cấp: cấp Trung ương - Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam và cấp địa phương - Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i xã, phường, thị trấn, quận, huyện, tỉnh.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 7.000 người theo tôn giáo Baha’i, sinh sống ở 45 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tôn giáo Baha’i không có chức sắc. Số lượng chức việc khoảng trên 300 người là những tín đồ tiêu biểu nắm giữ các chức trách, nhiệm vụ ở Hội đồng Tinh thần cấp Trung ương hoặc cấp địa phương. Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam có 36 Hội đồng Tinh thần địa phương. Nhiệm kỳ của Hội đồng Tinh thần là 01 năm. Đến 2024, Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam đã trải qua 17 kỳ đại hội.
Trụ sở làm việc của Hội đồng Tinh thần Tôn giáo Baha’i Việt Nam đặt tại số 45 Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Cộng đồng tôn giáo Baha’i Việt Nam tham gia nhiều hoạt động xã hội, như: tham dự các hội thảo, cùng các tôn giáo bạn đối thoại về khả năng góp phần vào các chương trình phát triển xã hội, hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức các nhóm học tập, lớp giáo dục đạo đức dành cho thiếu nhi và các nhóm thanh thiếu niên… Cộng đồng Baha’i Việt Nam có quan hệ thường xuyên với cộng đồng Baha’i trên thế giới.
Biểu tượng của tôn giáo Baha’i được sử dụng thống nhất trên toàn thế giới, viết bằng chữ cổ của Ba Tư có nghĩa là “Đấng vinh quang trên mọi vinh quang”. Biểu tượng này thường được treo tại nơi trang nghiêm của mỗi gia đình Baha’i và các nơi thờ tự, các lễ hội. Tôn giáo Baha’i không có quy định về trang phục, sắc phục tôn giáo.
Hoạt động xây dựng xã hội là nét vốn có trong giáo lý Baha’i. Đối với Baha’i, hoạt động xã hội được theo đuổi với niềm tin rằng mọi người dân phải có thể theo dõi con đường tiến bộ của chính mình. Thay đổi xã hội không phải là một dự án mà một nhóm người thực hiện vì lợi ích của một nhóm người khác. Vì thế, các hoạt động xã hội nhằm giúp mọi người thuộc mọi lứa tuổi đều góp phần tham gia nhằm tạo ra một ý thức tập thể để hoàn thành một mục tiêu chung. Các hoạt động này đều được diễn ra trong các khu láng giềng, làng xã nơi tín đồ Baha’i sinh sống, họ chuyện trò với những người bạn không Baha’i của họ trong những câu chuyện có ý nghĩa, nhằm ứng dụng giáo lý Baha’i vào cuộc sống hằng ngày của họ. Các hoạt động xã hội này thể hiện qua bốn hoạt động cốt lõi sau đây mà cả thế giới Baha’i đang thực hiện qua chuỗi các kế hoạch thiêng liêng mà Tòa Công lý Quốc tế đã đưa ra thống nhất trên toàn thế giới. Đây là những hành động đơn giản nhưng sâu sắc giúp mang lại cho cộng đồng xã hội, những con người biết sống hòa đồng với mọi người và biết hy sinh lợi ích bản thân vì lợi ích chung xây dựng đạo trong lành, đất nước bình an, hạnh phúc góp phần vào tiến trình xây dựng nền văn minh tiến bộ không ngừng trên đất nước cũng như trên thế giới.
Quỳnh Giang