Dư luận xã hội về hiện tượng “Thích Minh Tuệ”
Ngày đăng: 29/05/2024Những ngày gần đây trên các trang mạng xã hội như: Tiktok, Youtube, Facebook, Instagram phát tán, lan truyền nhiều hình ảnh về một người tự xưng là “Thích Minh Tuệ”, trang phục mang hình thức như tu sỹ Phật giáo, đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Ông “Thích Minh Tuệ” tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981, tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Theo lời ông Anh Tú, trước đây, đã ba lần đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập “hạnh đầu đà” từ miền Nam ra miền Bắc và ngược lại nhưng những lần đi trước không thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Tuy nhiên, lần thứ tư này, hành trình của ông Anh Tú đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng nghìn người đi theo làm ảnh hưởng an ninh trật tự và giao thông trên các địa bàn. Trong đám đông đi theo ông Anh Tú có tín đồ phật tử, có những người hiếu kỳ, có nhóm Tiktoker, Youtuber, Facebooker… Nhiều người đã đến cắt tóc, cạo đầu, mặc y áo chắp nối, tay cầm lõi nồi cơm điện khất thực, đi theo giống ông Anh Tú.
Hằng ngày, đoàn người đi theo ông Anh Tú gây nên cảnh đón đầu, xô đẩy, tranh chỗ, thi nhau quay phim, chụp ảnh, quay clip, livestream đăng lên các trang mạng xã hội nhiều chiều và đồng thời, việc dòng người đi theo gián tiếp làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các địa phương nơi ông Anh Tú đi qua. Một số tin, bài đưa nội dung có những lời lẽ gây mâu thuẫn và chia rẽ tôn giáo, đánh tráo khái niệm.
Cũng giống như mọi hoạt động xã hội khác, các sinh hoạt tôn giáo ở bất kỳ quốc gia nào đều không thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật của quốc gia đó. Tại Việt Nam, Nhà nước tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, tuy nhiên, pháp luật cũng quy định rõ về hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trên các lĩnh vực quản đạo, hành đạo, truyền đạo. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, đáp ứng nhu cầu tôn giáo chính đáng của mọi người. Năm 2016, Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Chính phủ có Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, hiện nay được thay thế bằng Nghị định số 95/2023/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo” và các hành vi bị nghiêm cấm: “Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.
Điều 24 của Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Luật pháp Việt Nam bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người nhưng cũng nghiêm khắc xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo để kích động chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo, gieo rắc mê tín dị đoan, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Vũ Minh Trang