Đông Triều tu bổ, tôn tạo các di tích
Ngày đăng: 25/10/2021
Nhà lưu niệm Chiến khu Đông Triều nằm trong quần thể khu di tích Địa điểm lịch sử Trung tâm chiến khu Đông Triều – chùa Bắc Mã, mới được xây dựng
Đông Triều là vùng cửa ngõ của tỉnh Quảng Ninh với hệ thống di tích rất lớn. Không kể Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại đây được đầu tư lớn thời gian qua, thì hệ thống các di tích còn lại cũng được chú trọng tu bổ, tôn tạo. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ những di sản do tiền nhân để lại, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân mà còn kiến tạo những điểm đến cho du lịch địa phương.

Theo thời gian và những biến động lịch sử, các di tích trên địa bàn thị xã ít nhiều đều bị xuống cấp, thậm chí có không ít di tích chỉ còn là phế tích. Chính vì vậy, việc tu bổ, tôn tạo là đòi hỏi cấp thiết. Đông Triều hiện có 7 di tích Quốc gia. Trong đó, di tích Địa điểm lịch sử Trung tâm chiến khu Đông Triều – chùa Bắc Mã được đầu tư kéo dài theo 2 giai đoạn từ năm 2010 cho đến năm 2020, gồm các hạng mục như: Tam quan, tam bảo, nhà tăng, nhà tổ, gác chuông, Nhà lưu niệm chiến khu Đông Triều, đình Bắc Mã, hạ tầng kỹ thuật, sân vườn... với tổng mức đầu tư trên 31 tỷ đồng. Ngày 8/6/2020, thị xã đã làm lễ khánh thành và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ TX Đông Triều lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, chùa Cảnh Huống (nằm trong Cụm di tích lịch sử và thắng cảnh Yên Đức) được đầu tư bảo quản, tu bổ theo Quyết định của UBND tỉnh từ năm 2014, với tổng kinh phí 27,9 tỷ đồng. Sau 4 năm xây dựng, chùa đã hoàn thành việc trùng tu với các hạng mục nhà tam bảo, tam quan, nhà tăng, nhà khách, mộ tháp và các công trình phụ trợ khác.

Đền An Biên, nơi thờ nữ tướng Lê Chân, được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2016, với tổng mức đầu tư trên 46,4 tỷ đồng, gồm 17 hạng mục công trình: Đền chính, tượng đài, cổng tam quan, nhà ban quản lý, nhà sắp lễ, am hóa vàng, chòi nghỉ... trên diện tích 24.603m2. Tuy nhiên, hơn 2 năm sau, việc khởi công tôn tạo đền An Biên mới được triển khai và làm lễ khánh thành vào 30/4/2021. Các hạng mục còn lại sẽ tiếp tục được đầu tư vào thời gian tới khi có đủ nguồn lực xã hội hóa.

Chùa Cảnh Huống (xã Yên Đức) hoàn thành việc trùng tu với nhiều hạng mục trong 2 năm 2017 - 2018

Việc trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử, cách mạng khu Mỏ Mạo Khê có thể nói là công trình "hai trong một". Trong đó, Ban trị sự GHPG tỉnh làm chủ đầu tư, đã xây dựng chùa chính, nhà tăng chùa Non Đông với kinh phí hơn 10 tỷ đồng, còn nguồn vốn nhà nước đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo nhà bia nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Quảng Ninh. Công trình hiện đang có kế hoạch mở rộng quy hoạch...

Bên cạnh các công trình mới được tu bổ thời gian gần đây đã kể trên, một số di tích quốc gia khác như đình – chùa Hổ Lao (xã Tân Việt), chùa Mỹ Cụ (phường Hưng Đạo) đã được trùng tu thời gian trước đó. Trong 2 năm 2016, 2017, địa phương đã tuyên truyền, vận động và di chuyển được 7 hộ dân sống gần khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá tại chùa Mỹ Cụ tái định cư đến nơi ở mới, góp phần đảm bảo an toàn và mở rộng khuôn viên chùa.

Riêng khu di tích Đồn Cao Đông Triều (phường Đông Triều) đã có Dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng cải tạo, được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2016, tuy nhiên hiện nay công trình vẫn chưa được tu bổ, tôn tạo.

Đình làng Cầm, phường Xuân Sơn được tu bổ, tôn tạo khang trang từ nguồn vốn xã hội hoá.

Cùng với hệ thống di tích quốc gia, Đông Triều có 16 di tích cấp tỉnh. Đa số các di tích đều đã lập dự án trùng tu, tuy nhiên các phần việc còn tiến hành dở dang. Đơn cử, việc tu bổ đình - chùa Hoàng Xá hiện nay mới thi công xong bằng khẩu phần tường tam bảo và san nền. Dự án tu bổ đình Trạo Hà - đền Di Ái khởi công xây dựng ngày 4/10/2016, hiện đã hoàn thiện đình Trạo Hà và khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 10/2017, UBND phường Đức Chính tiếp tục vận động để hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Dự án đền Nhà Bà - hồ Cổ Lễ có tổng mức đầu tư 16,7 tỷ đồng, nguồn vốn huy động xã hội hóa, bao gồm hàng loạt hạng mục, nhưng hiện mới hoàn thiện xong hạng mục nhà tổ và sắp xếp, bài trí nội thất thờ tự. Dự án trùng tu chùa Quế Lạt, phường Hoàng Quế có tổng mức đầu tư gần 19 tỷ đồng, hiện đang hoàn thiện tam bảo, nhà tổ...

Đặc biệt, Đông Triều có di tích Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam. Dự án tu bổ di tích này do Công ty CP Địa chất mỏ - TKV làm chủ đầu tư, giai đoạn 2017 – 2018, tổng dự toán trên 80,8 tỷ đồng, gồm tu bổ đền Thượng, tháp Thạch trụ, đài hoàng đế chỉ dụ, hạ tầng giao thông kết nối các điểm trong cụm di tích…

Sau khi hoàn thành xong giai đoạn I, đơn vị tiếp tục trình Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xin thi công giai đoạn II khu vực đền Hạ giáp đài chỉ dụ, gồm đền bù, khoan khảo sát địa chất và xây dựng khu vực đền Hạ, tam quan, nghi môn, hậu cung, nội thất thờ tự, tả vu, hữu vu, am hóa vàng...

Ngoài ra, trên địa bàn TX Đông Triều còn 102 di tích đã được kiểm kê phân loại. Công tác tu bổ, tôn tạo được các xã, phường, cơ sở tôn giáo quan tâm thực hiện theo trình tự, thủ tục hiện hành. Một số di tích nay đã hoàn thiện hồ sơ xin lập dự án tu bổ, như: Chùa Lầm, chùa Chí Linh, chùa Hoành Mô, chùa Dù, chùa Tam Bảo...

Thời gian qua, địa phương và các đơn vị, cá nhân liên quan đã tăng cường vận động, huy động xã hội hóa trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Theo thống kê, các di tích cấp quốc gia đã huy động xã hội hóa được gần 40 tỷ đồng. Các di tích cấp tỉnh huy động được gần 125 tỷ đồng và di tích kiểm kê phân loại huy động xã hội hóa đầu tư, tu bổ tôn tạo di tích được trên 182 tỷ đồng.

 

Nguồn: baoquangninh.com.vn