Đồng bào Công giáo Hà Tĩnh đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đổi mới
Ngày đăng: 05/10/2021
Tặng bằng khen của Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh cho 14 tập thể, cá nhân xuất sắc
Hà Tĩnh có gần 16 vạn người theo Công giáo, chiếm hơn 12,8 % dân số toàn tỉnh, có 575/1.925 khu dân cư, 131/216 xã, phường, thị trấn có đồng bào có đạo sinh sống, trong đó 71 thôn giáo toàn tòng (thuộc 61 giáo xứ và 176 họ đạo). Thời gian qua, người Công giáo Hà Tĩnh có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, người Công giáo Hà Tĩnh luôn là những hạt nhân tiêu biểu trong việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động (CVĐ), cùng nhau xây dựng cuộc sống giàu, đẹp, văn minh.

Khởi sắc từ những vùng giáo

Đồng bào Công giáo Hà Tĩnh luôn phát huy bản tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất cũng như trong đời sống tinh thần, tham gia tích cực, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và nỗ lực đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của Hà Tĩnh, các giáo xứ, giáo họ đã tham gia tích cực tự nguyện hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, liên thôn, liên xã, thủy lợi nội đồng, quy hoạch nghĩa trang. Người dân nhận thức được việc xây dựng nông thôn mới là phục vụ lợi ích của chính bản thân và gia đình mình, để xây dựng một cuộc sống sung túc, ý nghĩa. Trong 5 năm qua, có trên 3.500 hộ gia đình giáo dân hiến trên 220 nghìn m2 đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn, liên xã; huy động đóng góp trên 293 nghìn ngày công làm đường bê tông, đường nền cứng cùng với số tiền hàng chục tỉ đồng. Bởi vậy, nhiều thôn giáo đã trở thành khu nông thôn mới kiểu mẫu như: Thôn giáo toàn tòng Bình Yên thuộc giáo xứ Trại Lê (xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc), Thôn Châu Long (xã Kỳ Châu, huyện Kỳ Anh), giáo xứ Đông Tràng, Nghĩa Yên, Cam Lâm, Kim Lâm, Vạn Thành, Vĩnh Phước, Kỳ Anh…. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 82 xã có đồng bào có đạo sinh sống đạt chuẩn NTM, 136 khu dân cư vùng giáo đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn vùng giáo ngày càng khang trang đổi mới, trở thành các miền quê đáng sống.

Ở các KDC thực hiện tốt nếp sống văn minh, hiếu, hỉ không tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài nhiều ngày. Một số mô hình phát huy hiệu quả đảm bảo an ninh trật tự ở các khu dân cư vùng giáo, như: “Xứ đạo an toàn, văn hóa” tại xã Thạch Hạ (Tp Hà Tĩnh), phường Nam Hồng (Tx Hồng Lĩnh); “Giáo họ đoàn kết, an toàn, văn minh” tại xã Thạch Sơn (Thạch Hà); “Giáo họ an toàn, gia đình hòa thuận” tại xã Kỳ Hoa (Thị xã Kỳ Anh); “Giáo xứ, giáo họ an toàn về an ninh trật tự” tại xã Yên Hòa, xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên); Câu lạc bộ “Thanh niên sống tốt đời, đẹp đạo”, “Phụ nữ vùng giáo sống tốt đời, đẹp đạo” tại các địa bàn xã vùng giáo huyện Can Lộc. Nhiều giáo xứ, giáo họ có đội văn nghệ, đội trống, đội kèn, đội bóng đá, bóng chuyền tham gia giao lưu với các xứ bạn, với các chi đoàn, chi hội ở địa phương, tạo sự đoàn kết lương giáo cùng nhau xây dựng quê hương. Đến các ngày lễ lớn của quê hương đất nước các xứ, họ đạo treo cờ Tổ quốc tung bay trên các cung đường thôn, xóm đạo.

Đồng bào tôn giáo tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững

Những vườn đồi, trang trại, gia trại trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế hay những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cho giá trị cao và làm nên thương hiệu ở Hà Tĩnh. Tại Hà Tĩnh hiện nay có trên 4.225 hộ gia đình giáo dân có mức thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm, 2.370 hộ có mức thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm, 1.647 hộ có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm, 1.418 hộ có mức thu nhập trên 130 triệu đồng/năm, 718 hộ có mức thu nhập trên 150.000/năm. Mức thu nhập này cho thấy, cuộc sống của người Công giáo Hà Tĩnh đã nâng lên rõ rệt, mặt khác, đời sống tinh thần cũng ngày một văn minh, tiến bộ hơn.

Nhiều giáo dân là tấm gương phát triển kinh tế giỏi, trở thành những doanh nhân thành đạt trên nhiều lĩnh vực và đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương. Có thể kể đến các hộ gia đình giáo dân tại các giáo xứ Kim Cương, Kẻ Đọng (Hương Sơn), Tràng Lưu, Thịnh Lạc, Tân Hội (Hương Khê) Đông Cường, Nghĩa Yên (Đức Thọ), Quang Lộc, Tân Thành (Can Lộc)...với nhiều mô hình thu lợi nhuận từ 200 đến 400 triệu đồng/năm.  Đặc biệt mô hình nuôi bò thịt, bò sữa chất lượng cao của Công ty TNHH Khánh Giang (thị xã Hồng Lĩnh), đem lại lợi nhuận hằng năm trên 20 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Đồng bào Công giáo còn duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, họ coi đó là “điểm tựa” kinh tế - văn hóa của mình. Bởi vậy, nghề làm ruốc, nước mắm ở giáo xứ Trung Nghĩa (Lộc Hà), Thu Chỉ (Thạch Hà), Nhượng Bạn (Cẩm Xuyên) hay nghề làm bánh đúc, làm bún, làm thuốc bắc gia truyền ở giáo xứ Nghĩa Yên (Đức Thọ), Ninh Cường (Hương Khê)… gắn liền với cuộc sống của đồng bào Công giáo.

Chung tay củng cố chính quyền cơ sở  

 Hiện nay, Hà Tĩnh có trên 1.000 cán bộ, đảng viên là giáo dân đang tham gia công tác, sinh hoạt trong các cơ quan, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, toàn tỉnh có 96.189/96.727 cử tri Công giáo tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (đạt 99,44%), toàn tỉnh có 232 vị trúng cử tham gia Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó có 17 vị đại biểu HĐND huyện, thành phố, thị xã và 215 vị tham gia đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn. Ở khu dân cư, giáo dân tích cực tham gia vào các vị trí như Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận, Ban Thanh tra nhân dân, thành viên Tổ hòa giải, Tổ tự quản, các tổ chức đoàn thể quần chúng như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi… Dù ở vị trí, cương vị nào, người Công giáo đều có ý thức, trách nhiệm hết mình với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Vì công tác An sinh xã hội

Đồng bào Công giáo Hà Tĩnh luôn “sống tốt đời, đẹp đạo, sẻ chia cùng chính quyền trong công tác phòng, chống Covid-19. Đại bộ phận bà con giáo dân và chức sắc, chức việc Công giáo đồng hành cùng dân tộc, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo đã tích cực quyên góp, ủng hộ tiền mặt cũng như vật chất, thiết bị y tế cho các điểm cách ly, chốt kiểm dịch. Trong năm 2020, cơ quan MTTQ tiếp nhận 1.441 triệu đồng, năm 2021 các cơ sở tôn giáo đều tiếp tục có các hoạt động ủng hộ công tác phòng chống Covid-19 trị giá hơn 2.577 triệu đồng. Ban Caritas Giáo phận duy trì bữa cơm tình thương cho những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại một số cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện. Các Hội từ thiện bác ái tại các giáo xứ luôn chăm lo về sức khỏe thể chất, tinh thần cho những người kém may mắn trong cuộc sống; tổ chức khám và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 10.000 lượt người, với trị giá trên 1,6 tỷ đồng.

Linh mục Nguyễn Đoài tặng các nhu yếu phẩm cho lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch

Trong những năm qua, các cơ quan trong hệ thống chính trị ở các cấp đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi các tổ chức tôn giáo hoạt động; kịp thời nắm bắt, giải quyết các kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng của các tổ chức tôn giáo. Những nỗ lực và kết quả thiết thực trong đời sống cộng đồng đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người Công giáo trong sự nghiệp chung của tỉnh, người Công giáo luôn đoàn kết xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng lớn mạnh, góp phần thực hiện đường hướng Giáo hội gắn bó, đồng hành với dân tộc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh hơn, bền vững hơn theo hướng công nghiệp hiện đại./.

 

Chu Thanh Hoài