Đình, chùa Khánh Vân nơi chứng tích lịch sử thời chống Pháp
Ngày đăng: 27/04/2023
Khánh Vân là một làng nhỏ nằm ở phía Tây xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, thuộc vùng chiêm trũng lâu đời của châu thổ sông Hồng.

Từ xa xưa, nhân dân đã sớm quần tụ về đây cùng nhau khai phá tạo dựng thành đoàn kết cùng nhau sinh sống đó là họ Trịnh, họ Chu, họ Đoàn. Trải qua năm tháng của lịch sử ba dòng họ cùng về mảnh đất Khánh Vân để xây dựng lên Trại Khánh Dư Trang Khánh Vân. Theo lời kể của dân làng từ xa xưa vùng đất Khánh Vân trong châu thổ sông Hồng còn chưa bồi đắp đến tháng 5 âm lịch hàng năm cả vùng ngập nước trắng như biển chỉ còn các gò đống cao nhô lên như những hòn đảo. Khoảng trước những năm 1800 người dân đã tụ hội làm nghề chài lưới cắm thuyền đánh cá ở nơi đây, thấy đất lành làm ăn phát đạt, thế đất Rồng cuộn Hổ chầu, người dân đã dừng lại lập Trại Khánh Dư Trang Khánh Vân khai khẩn đất hoang thành ruộng canh tác và sinh sống bằng hai nghề đánh bắt cá và trồng lúa nước. Cuộc sống thật nhiều vất vả nhưng đất và nước chẳng phụ lòng người, cá tôm mỗi năm một vụ lúa Chiêm bội thu, chả mấy chốc làng xóm thêm đông đúc. Mảnh đất thổ canh thổ cư được mở mang diện tích canh tác lên đến 300 mẫu ruộng, vào thời điểm đó chế độ phong kiến Việt Nam chuẩn bị đến lúc suy tàn nên nạn giặc cỏ nổi nên, ở nhiều nơi chính quyền phong kiến không thể kiểm soát được. Để bảo vệ thành quả lao động người dân trong làng đã phải rào làng thành chiến lũy, luyện tập võ nghệ chống cướp bóc của các băng cướp Thuyền Đại Cúc Châu, mùa mưa nước ngập dẫn tới cướp bóc, cướp của, giết người, nhiều trận chống giặc cỏ cướp bóc nổi tiếng trong khu vực, dân làng không chịu khuất phục trước bất cứ băng cướp nào trong vùng.

Theo văn bia đình làng địa lý đất làng Khánh Vân là một gò đất cao nước tụ đằng trước có khe nước (sông Cây Quýt, tức máng mười ngày nay) làm án thủy một quần thể gò to đống nhỏ là đất quần ngư nước cuộn lại chẳng khác đầu rồng, đằng sau có gò đống hình cong cuộn mình rồng ôm lấy hổ phục, hai dòng nước hợp lại chẳng khác Rồng Ngựa cùng chầu. Năm 1923 vua Khải Định triều Nguyễn ban sắc phong và cho dân làng lập văn bia thờ ba vị: Hoàng Đế Thái Hạo thượng đẳng phúc thần; Đệ nhất Thánh Bà Hoàng Hậu Xuân Dung (mẹ vua Thái Hạo); Đệ nhị cung phi Nam Việt công chúa Tiên Dung phúc thần. Để giáo dục đời sau noi theo tấm gương học tập đạt văn thánh, võ thần giữ gìn nhân đức, trung hiếu để ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

 Đình, chùa làng Khánh Vân nằm trong khu vực có nhiều di tích, chứng tích lịch sử thời kỳ chống pháp như nhà bia tưởng niệm ghi nhớ trận bom càn quét đốt phát của thực dân Pháp tại thôn Khánh Vân, và cách Tượng Đài và Bảo Tàng Khu Cháy 500m, cách An Toàn Khu xứ Ủy Bắc Kỳ chùa Chòong 2.5km và gần các nơi danh lam thắng cảnh tâm linh khu di tích Chùa Hương 13km, khu di tích tâm linh chùa Tam Chúc 16km, cách thị trấn Vân Đình thủ phủ của huyện Ứng Hòa 8km.

Sơ đồ vị trí chùa Khánh Vân và các danh lam thắng cảnh lân cận

Đình, chùa làng Khánh Vân được làm bằng gỗ lim, có địa thế và phong thủy nhìn mắt thường cũng nhận thấy rất đẹp, được nằm trên gò đất cao nhất làng phía đông nam tựa lưng vào làng, 3 phía còn lại có hồ nước bao quanh, phía trước của đình chùa là hồ nước rộng và cánh đồng lúa đến dòng sông Cây Quýt ngày xưa, ngày nay là sông máng mười tưới tiêu cho toàn bộ các cánh đồng lúa của các xã Khu Cháy vì vậy phía mặt trước của đình chùa không có gì án ngữ.

“Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và những năm đầu kháng chiến chống Pháp khu Cháy là khu căn cứ cách mạng xứ ủy Bắc Kỳ các lãnh đạo cao cấp thời kỳ bấy giờ ông Hoàng Quốc Việt, ông Đỗ Mười, bà Trần Thị Minh Châu (gọi là bà Mai) đã hoạt động ở chùa Choòng là An Toàn Khu xứ ủy Bắc Kỳ, trong thời gian giặc Pháp càn quét chùa Choòng đã sống và hoạt động tại đình Khánh Vân, chùa Khánh Vân và bà Trần Thị Minh Châu, Trưởng ban Xứ ủy Bắc Kỳ đã sống hoạt động bí mật ở nhà cụ Trịnh Văn Đồng, hay gọi là cụ Chánh Đàn là một nhà dân trong thôn và tại đình Khánh Vân, chùa Khánh Vân để chỉ đạo, xây dựng phong trào chống Pháp trên cả nước, tại đây đã có nhiều cương lĩnh quyết sách của Đảng xứ ủy Bắc Kỳ được ông Trịnh Tiến Hòa (lúc đó mới 14 – 15 tuổi đã giác ngộ cách mạng làm nhiệm vụ ghi chép lại cho đảng). Nơi đây Pháp đã nhiều lần càn quét tàn phá thành khu trắng, và làng Khánh Vân đã phải chịu nhiều bom đạn của Pháp, đây đã là nơi hoạt động của bộ đội tỉnh và dân quân du kích địa phương, đình chùa làng là nơi trú ẩn và cấp cứu quân y tiền phương (chiến dịch đồng bằng của quân và dân Việt Nam). Sau đó Đình làng, nhà tổ, nhà mẫu đã bị bom phá hủy đốt cháy, sau theo lệnh của tỉnh đội Hà Đông ông Trịnh Ngọc Sơn lúc đó làm xã đội cùng các cán bộ du kích cùng nhân dân trong thôn phải tháo dỡ hoành xà của đình, nhà tổ nhà mẫu mang đi bắc cầu Thái Bằng để ô tô chở bộ đội chở vũ khí ra làng Bối Khê đánh bốt Lạc Đạo (một cứ điểm của Pháp)”.

Năm 1951 giặc Pháp trải bom napan càn phá khu Cháy thành khu Trắng tại nhà cụ Hàn Ứng (nay là nhà văn hóa thôn Khánh Vân) vào tháng 5 âm lịch đã bị Pháp ném bom đốt phá trúng làm chết hơn 50 người trong đó có nhiều cán bộ của tỉnh đội, huyện đội, xã đội và thôn về họp bàn kế sách chống càn của pháp, tại đây nhiều người dân của thôn Khánh Vân cũng bị chết.

Hiện tại thôn Khánh Vân được tỉnh Hà Tây cũ nay là TP Hà Nội đã cho xây dựng một nhà bia tưởng niệm những người đã chết trong trận bom của Pháp và để nhân dân ghi nhớ công ơn hy sinh và là chứng tích lịch sử thời kỳ chống pháp ở thôn Khánh Vân cũng như của nhân dân Khu Cháy.  

Chùa Khánh Vân được truyền lại và đến nay đang là ngôi chùa cổ, linh thiêng và là chứng tích lịch sử còn sót lại trong vùng khu Cháy anh hùng.

Đình, chùa được xây dựng chính xác vào thời gian nào thì người dân trong làng hiện nay cũng không rõ. Các hiện vật còn lại là văn bia bằng đá khắc chữ hán nôm ở đình làng dịch ra mới biết đây là sắc phong triều nguyễn đời vua Khải Định năm Quý hợi 1923 (năm 2023 chùa Khánh Vân kỷ niệm 100 năm sắc phong được Vua ban) và tại chùa làng còn 2 văn bia bằng đá khắc chữ hán nôm nhưng đến nay chữ đã mờ không thể dịch được lên cũng không biết ý nghĩa của văn bia này là gì.

Hình ảnh cây đa cổ trước ao đình làng

Chùa Khánh Vân bị bom phá hủy hỏng hoàn toàn nhà mẫu và Nhà Tổ đến nay vẫn chưa xây dựng lại được, còn riêng ngôi chùa chính 5 gian và 1 hậu cung bằng gỗ lim thì bom không bỏ trúng lên vẫn còn đến ngày này, mặc dù ngôi chùa chính này sau thời gian đã xuống cấp, năm 2017 đã được nhân dân trong thôn sửa chữa nhỏ để đảm bảo nơi thờ cúng. Để tu bổ, giữ gìn và phục dựng lại ngôi chùa cổ linh thiêng này cần có sự chung tay của các tổ chức cá nhân, các mạnh thường quân, phật tử thập phương phát tâm công đức để người dân và phật tử gần xa về chiêm bái, tu tập.

Về nơi đây, mọi người có thể cảm nhận được tâm an, thanh thản, nhẹ nhàng xua tan những mệt nhọc của cuộc sống mang lại bởi xung quanh chùa được bao quanh bằng nhiều cây xanh che mát, có những cây đã có tuổi đời rất lớn. Hàng năm cứ vào ngày lễ hội lớn, trọng đại nhân dân, phật tử khắp mọi miền đất nước có cơ hội trở về quê hương tìm về cội nguồn của mình, tham gia lễ hội cùng với dòng họ và các gia đình trong thôn.

Ngày 15/05/2019 tại chùa Khánh Vân lễ Phật đản được tổ chức trọng thể, buổi lễ đã được dân làng và các phật tử gần xa tham gia đông đảo, đây là lần đầu tiên lễ Phật đản được tổ chức và có sự tham gia của 2 nhà sư.

Hình ảnh ngày lễ Phật đản tại chùa Khánh Vân:

Trong nhiều chục năm trước đây sau năm 1954 quanh khu vực 4 xã Đồng Tân, Trung Tú, Trầm lộng, Minh Đức chỉ có một, hai ngôi chùa cổ còn sót lại sau chiến tranh trong đó có chùa Khánh Vân (thôn Khánh Vân) các già làng trong các xã cứ ngày rằm, mùng một hàng tháng, các ngày lễ đều tập trung rất đông về chùa Khánh Vân để lễ cầu xin những điều tốt lành cho bản thân và gia đình con cháu, cho dân làng mạnh khỏe bình yên./.

 

Trịnh Kỳ