Đạo Tin Lành trong mối quan hệ của một số nước phương Tây và Mỹ với Việt Nam trong lịch sử
Ngày đăng: 31/01/2024
Lễ Kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam
So với các tôn giáo ngoại nhập, đạo Tin Lành là tôn giáo vào Việt Nam muộn hơn, nhưng so với một số nước trong khu vực thì đạo Tin Lành có mặt ở Việt Nam sớm hơn. Từ thế kỷ XVII, XVIII, những người Tin Lành ở phương Tây đã đến Việt Nam, và sau đó thế kỷ XVIII, XIX người Tin Lành ở Mỹ đến Việt Nam. Những người Tin Lành ở một số nước phương Tây và Mỹ đến Việt Nam trong các mối quan hệ khác nhau, có khi là mối quan hệ giao thương, có khi là mang tính quốc gia, có khi mang tính địa phương, có khi là những hoạt động truyền giáo. Bài viết này đề cập đến đạo Tin Lành trong mối quan hệ Hà Lan, Anh, Pháp và Mỹ với Việt Nam trong lịch sử.

Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á có nét đặc thù riêng về địa lý, lịch sử, văn hoá, dân tộc,… Về địa lý tự nhiên, Việt Nam nằm ở Bán đảo Đông Dương có bờ biển dài 3.260 km từ Bắc vào Nam. Khác với những nước ở sâu trong lục địa, núi non cách trở, trong điều kiện giao thông chủ yếu là đường thủy, Việt Nam là quốc gia có cơ hội mở về giao thương và quan hệ quốc tế, trong đó có cả các hoạt động truyền giáo từ bên ngoài vào. Trước khi Phật giáo truyền từ Trung Quốc đến Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo đã từ Ấn Độ truyền đến vùng phía Bắc; Phật giáo, Ấn Độ giáo cũng truyền từ Ấn Độ đến vùng phía Nam từ trước Công nguyên. Sau này, từ thế kỷ XVI, Công giáo truyền từ phương Tây sang các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tiếp cận và lý giải các hoạt động truyền giáo cần chú ý đến yêu cầu từ phía các tôn giáo, trong đó có những tôn giáo được xem là “thiên chức” phải thực hiện. Sau này, cùng với sự phát triển của xã hội, các hoạt động truyền giáo, ngoài chức năng tôn giáo còn chứa đựng cả những yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng cần quan tâm.

Đạo Tin Lành là tôn giáo truyền vào Việt Nam muộn hơn, nhưng so với một số nước trong khu vực thì đạo Tin Lành có mặt ở Việt Nam sớm hơn. Từ thế kỷ XVII, XVIII, những người Tin Lành ở phương Tây đã đến Việt Nam, và sau đó thế kỷ XVIII, XIX người Tin Lành ở Mỹ đến Việt Nam. Những người Tin Lành ở một số nước phương Tây và Mỹ đến Việt Nam trong các mối quan hệ khác nhau, có khi là mối quan hệ giao thương, có khi là mang tính quốc gia, có khi mang tính địa phương, có khi là những hoạt động truyền giáo. Dù dưới hình thức nào thì đạo Tin Lành đã tạo cơ sở ban đầu cho mối quan hệ của một số nước phương Tây và Mỹ với Việt Nam.

Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) “Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc”.

1. Tin Lành trong mối quan hệ Hà Lan - Việt Nam

Hà Lan là quốc gia nằm trong phạm vi cải cách tôn giáo thế kỷ XVI - đạo Tin Lành với vai trò của Hoàng tử Guillaume Orange. Cải cách tôn giáo đã đưa Hà Lan trở thành nước Tin Lành thoát khỏi sự cai trị của Tây Ban Nha. Từ thế kỷ XVII, Hà Lan trở thành cường quốc thương mại lớn nhất châu Âu gắn với sự phát triển về hàng hải. Hỗ trợ cho việc giao thương và mở rộng ảnh hưởng đối với các nước châu Á, nhất là với Ấn Độ, Hà Lan và một số nước châu Âu đã hình thành Công ty Đông Ấn (East India Company). Công ty Đông Ấn Hà Lan thành lập năm 1602, Công ty Đông Ấn Anh thành lập năm 1614, Công ty Đông Ấn Đan Mạch thành lập năm 1616, Công ty Đông Ấn Pháp thành lập năm 1664, Công ty Đông Ấn Thụy Điển thành lập năm 1731,...

Theo hiểu biết hiện nay của giới nghiên cứu, đạo Tin Lành có mặt sớm nhất ở Việt Nam từ thế kỷ XVII qua các thương nhân người Hà Lan trong Công ty Đông Ấn Hà Lan. Cụ thể là năm 1602, thuyền buôn đầu tiên của người Hà Lan trong Công ty Đông Ấn Hà Lan đến Cam Ranh và Đà Nẵng của Đàng Trong. Năm 1622, sau khi chiếm được Đài Loan, người Hà Lan đã truyền bá Tin Lành ở Đài Loan và đưa lại kết quả nhất định. Từ đây, hai đầu mối của Công ty Đông Ấn Hà Lan là Nhật Bản và Đài Loan mở rộng giao thương với Việt Nam. Tuy nhiên, ở Đàng Trong, việc buôn bán giao thương của người Hà Lan không đạt kết quả vì phải cạnh tranh với người Bồ Đào Nha vốn đã có mặt từ trước. Tác giả Charles B. Maybon trong tập biên khảo Những người châu Âu ở An Nam cho rằng: “Những người Bồ Đào Nha có vẻ rắp tâm nói với dân xứ Đàng Trong về sự thù hằn đối với người Hà Lan. Họ đã móc nối với Chúa Nguyễn trục xuất người Hà Lan một kẻ thù không đội trời chung”.

Không thành công ở Đàng Trong, Công ty Đông Ấn mở ra quan hệ với Đàng Ngoài. Năm 1637, dưới đời Chúa Trịnh Tráng, chiếc thuyền buôn mang tên Grol của Công ty Đông Ấn Hà Lan từ Nhật Bản đến Cát Bà, Hải Phòng. Ở Đàng Ngoài, việc buôn bán của người Hà Lan có vẻ thuận lợi hơn vì được sự chấp nhận của Chúa Trịnh để có chỗ dựa cạnh tranh với Chúa Nguyễn ở Đàng Trong đang dựa vào Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Từ năm 1637 đến năm 1700, các cơ sở buôn bán của Công ty Đông Ấn Hà Lan được lập ở Đàng Ngoài qua 17 vị giám đốc tại Việt Nam. Thời kỳ này, Công ty Đông Ấn đã góp phần phát triển kinh tế và buôn bán ở Đàng Ngoài, nhất là việc hình thành trung tâm Phố Hiến nổi tiếng.

Tuy không đạt kết quả trong việc mở rộng ảnh hưởng Tin Lành, nhưng phải kể đến một số nhân vật Tin Lành tiêu biểu thời đó. Trước hết là ông Melchior (1570-1641), người Hà Lan lấy vợ người Nhật, đã nhiều lần vào Hội An, ông là cố vấn cho nhiều thương nhân làm việc tại Việt Nam. Nhân vật thứ hai là thương gia Hà Lan, là một trong số người Hà Lan đến Việt Nam khá sớm - ông Vincent Romeyn. Ông Vincent Romeyn là con rể của Melchior, có hơn 30 năm làm việc tại Công ty Đông Ấn tại Đàng Ngoài, ông nhiều lần tiếp xúc với quan chức triều đình và với Vua Lê, Chúa Trịnh. Ông Karel Hartsinck (1610-1667) là một thương nhân có vai trò thiết lập giao thương giữa Hà Lan với Đàng Ngoài vào năm 1637. Ông không chỉ là một thương nhân mà còn là nhà ngoại giao, người góp phần thiết lập mối quan hệ giữa người Hà Lan với Vua Lê, Chúa Trịnh (thời kỳ Chúa Trịnh Tráng và Vua Lê Thần Tông). Ông Jan Van Riebeeck (1619-1677), Quyền Giám đốc Chi nhánh Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Việt Nam. Ông Willem Verstegen (1612-1659) đến Đàng Ngoài từ năm 1651, được Chúa Trịnh Tráng quý mến, nhận làm con nuôi và ban cho chức quan Thiếu bảo Quận công - một chức quan cao của triều đình bấy giờ. Ông Constantin Ranst De Jonge (1635-1714) là con một gia đình giàu có ở Amsterdam, sang Việt Nam, năm 1665, làm Giám đốc văn phòng Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Kẻ Chợ (Hà Nội),… Chưa có số lượng cụ thể nhưng trên thực tế từ năm 1637 đến năm 1700, tại Kẻ Chợ đã hình thành cộng đồng người Tin Lành Hà Lan. Đặc biệt, thời kỳ này cũng có những mục sư Tin Lành người Hà Lan đến Việt Nam. Đó là Mục sư Robert Junuis (1606-1655) đến Đài Loan năm 1627, sau đó, năm 1644 đến Việt Nam làm Mục sư cho cộng đồng người Hà Lan tại Kẻ Chợ và không rõ ông rời Việt Nam khi nào; Mục sư Joannes de Leonardis cũng từ Đài Loan sang Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XVII và ông đã lấy vợ là người Việt Nam. Thời kỳ này có đến ba người Tin Lành đầu tiên là người Việt Nam. Thứ nhất, vợ Mục sư Joannes Leonardis (không rõ tên), sau đó bà cùng chồng sang Đài Loan và bị bắt ở đây; thứ hai, là vợ Vua Lê Thần Tông (1607-1663) người Hà Lan, cũng không rõ tên (Lê Thần Tông có đến 06 người vợ: một người Việt Nam, một người Trung Quốc, một người Thái Lan, một người Mường, một người Lào và một người Hà Lan); thứ ba, là một người Việt lai người Hà Lan là ông Samuel Baron.

2. Tin Lành trong mối quan hệ Anh - Việt Nam

Cải cách tôn giáo ở nước Anh đi có sự khác so với các nước châu Âu, hình thành tôn giáo riêng cho nước Anh - Anh giáo. Tuy nhiên, Anh giáo vẫn được xác định là tôn giáo nằm trong gia đình Tin Lành (xin được gọi chung là Tin Lành). Do vậy, sự hiện diện của Công ty Đông Ấn Anh ở Việt Nam vào thế kỷ XVII là có sự hiện diện của đạo Tin Lành - Anh giáo ở Việt Nam.

Năm 1614, Công ty Đông Ấn Anh sau khi thành lập đã đến Đàng Trong xin buôn bán và bang giao giữa hai nước nhưng họ không thành công. Tín đồ Tin Lành đầu tiên là người Anh đến Việt Nam là William Adams (1564-1620) nguyên là thủy thủ, một hoa tiêu giỏi cho tàu của Hà Lan, ông cũng là người đặt nền móng giao thương giữa Hà Lan với Nhật Bản vào năm 1609, giữa Anh với Nhật Bản, năm 1613. Và ông xây dựng kế hoạch thiết lập giao thương giữa Anh và Việt Nam, năm 1614, nhưng không thành công vì ông không trực tiếp tham gia mà chuyển qua hai người khác là Tempest Peakock và Waler Carwarden. Năm 1617, William Adams cùng phái đoàn từ Nhật Bản đến Đàng Trong (Thuận Hóa) được gặp Chúa Nguyễn Phúc Nguyên và nhận được môn bài buôn bán. Chuyến đi tiếp theo của William Adams đến Việt Nam, năm 1618, không thành công vì lý do thời tiết. Năm 1619, William Adams cùng thương thuyền đến Đàng Ngoài (Kẻ Chợ) được gặp Thái tử Trịnh Tráng, nhưng phải qua 45 ngày mới nhận được sự chấp thuận trong khó khăn. Ông William Adams qua đời tháng 9/1619 trên đường từ Việt Nam về Nhật. William Adams là người mong muốn quan hệ lâu dài với Việt Nam nên ông rất chịu khó học tiếng Việt, ông để lại một trong những bản văn viết bằng chữ Quốc ngữ sớm nhất ở Việt Nam.

Hơn 50 năm sau đó, năm 1672, một thương thuyền của người Anh là Zant do Luật sư William Gyfford làm trưởng đoàn đến Đàng Ngoài xin gặp Vua Lê để dâng bức thư của Hoàng đế Anh Charles II. Vua Lê Gia Tông 12 tuổi vừa lên ngôi nên công việc triều chính do Trịnh Tạc điều hành và quyết định. Chúa Trịnh Tạc chấp thuận đề nghị giao thương và cho phép người Anh lập thương điếm ở Phố Hiến. Ở Phố Hiến một thời gian, Công ty Đông Ấn Anh chuyển lên Hà Nội, William Gyfford giữ chức Giám đốc đầu tiên của Công ty Đông Ấn Anh tại Hà Nội, năm 1681,... Có nhiều nguyên nhân gây khó khăn giữa mối quan hệ giữa Anh với Việt Nam, trong đó cờ nước Anh có thập giá (cờ nước Anh là thập giá màu đỏ trên nền trắng) trong khi đang cấm đạo, bách đạo Gia-tô (Công giáo) gia tăng. Do vậy năm 1697, Công ty Đông Ấn Anh chính thức đóng cửa văn phòng ở Đàng Ngoài. Không thành công ở Đàng Ngoài, người Anh quay lại bang giao với Đàng Trong. Năm 1695, Toàn quyền Anh tại Ấn Độ thay mặt Hoàng đế William III gửi thư cho Chúa Nguyễn Phúc Chu với lời lẽ khiêm nhường và nhã nhặn. Mặc dù, ông Thomas Bowyear đến từ Anh được Chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp đón ân cần nhưng không thể hiện chính sách giao thương rõ ràng. Thời gian sau đó, người Anh còn tìm cách quan hệ với ba anh em nhà Tây Sơn, nhưng do hoàn cảnh chính trị phức tạp nên cũng không đưa lại kết quả gì. Đến khi triều đình nhà Nguyễn được lập, người Anh cũng có các cuộc tiếp xúc với các Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức nhưng cũng không kết quả.

Trong số người Anh theo Tin Lành đến Việt Nam sớm nhất còn phải kể đến William Dampier (1651-1715). Ông là nhà hàng hải nổi tiếng những với những ghi chép rất tỉ mỉ sau những hành trình khắp thế giới. William Dampier đến Việt Nam chỉ ghé thăm Việt Nam một lần ở Đàng Ngoài vào năm 1688 nhưng ông có những nhận xét khá chính xác về Việt Nam qua địa lý, thiên nhiên, thổ nhưỡng, thời tiết, cây trái, kinh tế, văn hóa, xã hội, phong tục tập quán, chính trị ở Việt Nam đương thời và so sánh với một số nước châu Á. Ông cũng chỉ ra những điều cần quan tâm trong việc truyền bá Tin Lành khác so với Công giáo ở Việt Nam. Sau này là Mục sư Charles Gutzlaff (1803-1851) người từng dịch Kinh Thánh sang chữ Hán và tham gia phái đoàn ngoại giao Anh đến Huế, năm 1847, cũng là người nghiên cứu về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, trong đó có viết về Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam.

Người Anh tuy giao thương không nhiều với Việt Nam nhưng họ đã để lại dấu ấn quan trọng cho việc truyền bá đạo Tin Lành ở Việt Nam sau này. Đó là việc các mục sư Tin Lành như Charles Gutzlaff, người giới thiệu văn hóa Việt Nam và vận động việc truyền đạo Tin Lành ở Việt Nam. Ông cùng với Mục sư Robert Morrison (1782-1834) dịch Kinh Thánh ra chữ Hán, để sau này chuyển từ chữ Hán sang chữ Việt (Quốc ngữ). Khi tổ chức Thánh kinh hội Anh quốc và hải ngoại (quen gọi là Thánh thơ Công hội hay Thánh kinh hội) được thành lập, năm 1804, các mục sư người Anh như: Robert Morrison, Charles Gutzlaff,… và sau này là ông Jean Pierre Joseph Bonet (1844-1907) người Pháp, Mục sư William Charles Cadman và vợ là bà Grace Hazenberg người Ca-na-đa thuộc Hội Truyền giáo CMA tiếp tục hoàn chỉnh việc dịch Kinh Thánh sang chữ Nôm, chữ Quốc ngữ hỗ trợ cho quá trình truyền bá đạo Tin Lành ở Việt Nam.

3. Tin Lành trong mối quan hệ Pháp - Việt Nam

Thời kỳ đầu cải cách tôn giáo, nước Pháp chịu ảnh hưởng lớn của đạo Tin Lành, nhưng giai cấp phong kiến và Giáo hội Công giáo Pháp bằng mọi biện pháp đẩy lùi Tin Lành ra khỏi nước Pháp. Công giáo phục hồi, lấy lại vị trí trở thành là tôn giáo chính của nước Pháp. Và Tin Lành chỉ là thiểu số ở nước Pháp. Tuy nhiên, sau các mạng tư sản, nước Pháp thực hiện chính sách tự do tôn giáo, Tin Lành hoạt động bình thường, được đảm bảo bằng pháp luật như Công giáo và các tôn giáo khác.

Trong bối cảnh bị săn lùng, nhiều người Pháp theo Tin Lành đã rời khỏi quê sang cư trú ở những nước khác, trong đó có Anh, Hà Lan,… và một số người Pháp đã đến Việt Nam theo Công ty Đông Ấn của Hà Lan và Anh, như: Francois Carnon, Maximiliaan Le Maire, Johannes Lamotius, Jean-Baptiste Chaigneau,… Những tín đồ Tin Lành gốc Pháp cũng có nhiều nỗ lực trong mối quan hệ giao thương giữa Hà Lan, Anh với Việt Nam như nói ở trên.

Khoảng cuối thế kỷ XIX, sau khi Pháp chiếm Việt Nam, mặc dù, ủng hộ và nâng đỡ Công giáo, nhưng những người Pháp theo Tin Lành cũng được Chính phủ Pháp quan tâm. Năm 1884, Hội Truyền giáo Thuộc địa (Société d’Evangelisation des Colonies) thuộc Giáo hội Tin Lành Cải cách Pháp gửi một số mục sư tuyên úy đến Việt Nam phục vụ cho binh lính và nhân viên quân đội viễn chinh Pháp ở những vùng đất nhượng địa là: Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Đó là các mục sư Theophile Boiseset, Adolphe Richemond, Jacques Pannier, Louis De Saint André, Ulysse Soulier, Paul Monet, Thomas Calas,… Trong số những người Tin Lành Pháp đến Việt Nam thời kỳ này có một nhân vật nổi tiếng là bác sỹ Alexandre Yersin (1863-1943). Ông ở Việt Nam hơn 50 năm, những công việc ông làm và đời sống đạo của ông có ảnh hưởng rất lớn đối với đất nước Việt Nam và thế giới. Năm 1890, ông sang Việt Nam và chọn định cư ở Nha Trang. Alexandre Yersin đến Việt Nam với tư cách nhà khoa học, không phải là nhà truyền giáo. Ông đã có những cống hiến vĩ đại cho khoa học, đồng thời ông sống đúng theo đạo đức, lối sống của người Tin Lành chân chính và có những hỗ trợ cho việc truyền bá Tin Lành tại Việt Nam. Ông qua đời, năm 1943, tại Việt Nam.

Các mục sư người Pháp cũng đã chú ý đến việc truyền giáo cho người Việt Nam. Năm 1906, viết trong Tạp chí “Tin và Sống” (Foi et Vie), Mục sư Adolphe Richmond đã phân tích đặc điểm xã hội Việt Nam và mời gọi các nhà truyền giáo Tin Lành Pháp đến xứ sở này. Ông cho rằng dân tộc Việt Nam có nền văn minh lâu đời nên phải chọn những nhà truyền giáo có trình độ trí thức cao và phải thận trọng trong việc lựa chọn địa bàn hoạt động để tránh “đụng chạm” với Công giáo La Mã. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà các mục sư Tin Lành Pháp lại không triển khai kế hoạch mở rộng lực lượng ở Việt Nam, nhường chỗ cho một tổ chức truyền giáo chuyên nghiệp đến từ Bắc Mỹ - The Christian and Missionary of Alliance (CMA), mà Tin Lành Việt Nam quen gọi là tổ chức Phước âm Liên hiệp hội hay Hội Truyền giáo CMA. Dù không thành công, nhưng từ 1890 đến 1899, ở chợ Hàng Da, Hà Nội đã hình thành Hội thánh Tin Lành của người Pháp.

4. Tin Lành trong mối quan hệ Mỹ - Việt Nam

Nước Mỹ trước đây có thời gian gọi là Ma Ly Căn hoặc Nhã Di Lý, cũng có khi gọi là Anh Cát Lợi mới (khi hình thành nước Mỹ chủ yếu những cư dân đến từ Anh, nói tiếng Anh). Trước khi các giáo sỹ Hội Truyền giáo CMA (The Christan and Missionnary of Alliance) từ Mỹ đến truyền giáo, đã có những người Mỹ theo đạo Tin Lành đến Việt Nam, tất nhiên, không phải để truyền giáo mà trong những phái đoàn Mỹ mà tìm kiếm mối quan hệ với Việt Nam.

Việc người Mỹ muốn có giao thương với Việt Nam liên quan đến ông Thomas Jefferson (1743-1826) nguyên là Đại sứ của Mỹ tại Pháp, sau này là một trong bốn nhân vật biên soạn Tuyên ngôn Độc lập của Hợp Chủng quốc Mỹ và là vị tổng thống thứ ba sau Tổng thống George Washington (1732-1799), John Adams (1735-1826). Khi làm việc tại Pháp, ông Thomas Jefferson đã đọc bút ký của Pierre Poivre viết về lúa gạo Việt Nam “nhiều như núi”, hạt trắng, vừa thơm, vừa dẻo, vừa ngon. Ông dự định chuyển vùng đất phía Nam nước Mỹ trồng thuốc lá thành những cánh đồng trồng lúa Việt Nam. Chính ông được Linh mục Pigneau de Behaine giới thiệu gặp Hoàng tử Cảnh và đoàn Việt Nam tại Pháp, năm 1786, để biết thêm về lúa Việt Nam.

Người Mỹ theo Tin Lành đầu tiên đến Việt Nam là John White - một nhà hàng hải, một thương gia. Tháng 6/1819, John White đến Cần Giờ trên con tàu Franklin với mong muốn được buôn bán tại Sài Gòn nhưng không được các vị quan địa phương chấp thuận và yêu cầu ông quay ra Huế để xin phép triều đình. Tuy nhiên, John White không ra Huế mà đi Phi-líp-pin, sau đó tháng 9/1819 trở lại Cần Giờ và được chấp thuận lên Sài Gòn cho đến ngày 20/01/1820 thì rời đi. Khi đến Sài Gòn lần này, John White cũng đưa lễ vật nhờ quan chức địa phương dâng lên Vua Minh Mệnh.

Sau đó, đầu năm 1832, Edmund Roberts là Đặc sứ của Tổng thống Andrew Jackson (1909-1820) và trợ lý John Robert Morrison với tư cách là thứ ký thuyền trưởng tàu Peacock đến Việt Nam với mục đích thu thập thông tin tìm hiểu về vùng đất con người chuẩn bị cho việc ký kết các hiệp định thương mại. Đầu tháng 01/1833, Edmund Roberts đến Đà Nẵng, sau đó phải di chuyển đến cảng Vũng Lấm của Phú Yên vì lý do thời tiết xấu. Lần này Vua Minh Mệnh cử viên Ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phước cùng một số quan chức địa phương lên tàu được đãi tiệc và đàm phán. Tuy nhiên, cuộc đàm phán không đi đến kết quả vì những thủ tục ngoại giao rườm rà của nhà Nguyễn cùng việc các quan chức được ủy quyền không có ý kiến rõ ràng, quá dè dặt, thận trọng, có thái độ nghi kỵ. Họ thường lảng tránh không trả lời những câu hỏi trực diện từ phía Mỹ, cùng với đó là việc các quan chức triều Nguyễn bắt bẻ văn bản của phía Mỹ, cho rằng nhiều chỗ không hợp thể thức. Trong cuộc tiếp xúc này, phía Việt Nam đãi yến tiệc sang trọng với 51 món nhưng phái đoàn Mỹ không dùng, chỉ ăn mứt kẹo và nâng ly chúc rượu vì “những người nấu ăn gầy còm, đầu chấy áo rận, bàn chân dơ dáy, bàn tay cáu bẩn” mà họ nhìn thấy trên bờ. Năm 1836, Edmund Roberts trở lại Việt Nam với ý định tiếp tục đàm phán để đi đến ký kết hiệp định song phương nhưng do sức khỏe yếu, ông phải rời khỏi Việt Nam và qua đời tại Ma Cao vào tháng 6/1836.

Năm 1845, chiến thuyền Constitution của Mỹ cập bến Đà Nẵng. Thuyền trưởng John Percival xin được giao hảo. Vua Thiệu Trị tỏ ra thuận ý cử viên Ngoại lang Nguyễn Long cùng với quan tỉnh là Nguyễn Dụng Giai tiếp xúc với John Percival. Sự việc không diễn ra như ý muốn của hai bên. Mặc dù là tín đồ Tin Lành nhưng thuyền trưởng John Percival cho rằng thực hiện trong quyền hạn cho phép và vì mối quan hệ Mỹ - Pháp trong thời kỳ giành độc lập nên ông đã quyết định giải cứu Giám mục Dominique Lefèvre cùng 12 tín đồ Công giáo đang nhà Nguyễn bị bắt giam. Xong việc chiến thuyền Constitution của Mỹ rời khỏi Việt Nam.

Tiếp theo, năm 1850, Mỹ cử phái đoàn do Joseph Balestier - một tín đồ Tin Lành, một nhà ngoại giao Mỹ đến Đà Nẵng tiếp xúc với hai quan chức Quảng Nam là Án sát Ngô Bá Hy, Đô đốc Tôn Thất Bật. Joseph Balestier mang theo quốc thư, xin lỗi về việc bốn năm trước liên quan đến chiến thuyền Constitution và xin được thông thương, hòa hiếu. Nhưng lần này Vua Tự Đức với chính sách “bế quan tỏa cảng” nên đã từ chối. Joseph Balestier gửi quốc thư, chỉ xin được đi chơi ở núi Ngũ Hành rồi rời khỏi Việt Nam.

Như vậy, chỉ trong một thời gian hơn 30 năm (1819-1850) nước Mỹ đã có bốn lần vào Việt Nam, các nhà ngoại giao Mỹ đã có những cuộc tiếp xúc với một số quan đại thần triều Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, như: Nguyễn Tri Phương, Lý Văn Phước, Đào Trí Phú, Lê Bá Tú, Tôn Thất Bật,… để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do tôn giáo và phong tục những nỗ lực bang giao giữa Mỹ và Việt Nam không đưa lại kết quả gì. Về tôn giáo, trong hai cuộc tiếp xúc, các nhà ngoại giao Mỹ đã chuyển thư của Tổng thống Mỹ với lời nhẹ nhàng nhưng không được các quan chức triều Nguyễn chấp nhận. Trong thư của Tổng thống Andrew Jackson có câu mang truyền thống Tin Lành: “Tôi cầu xin Đức Chúa Trời luôn ở cùng Hoàng thượng, che chở cho Hoàng thượng trong sự bình an và thánh khiết của Hoàng thượng”. Các quan nhà Nguyễn đề nghị dứt khoát phải sửa thành: “Tôi xin các thần linh trên trời… ” và thay hai chữ: “cầu xin” bằng: “cung kính” hoặc “thành kính khiêm cung”. Tất nhiên, vì lý do tôn giáo nên những người Tin Lành Mỹ không chấp nhận. Khi hướng dẫn nghi thức vào triều yết kiến nhà vua, phía Việt Nam nói rõ khách phải quỳ và vái lạy. Điều này không được phía Mỹ chấp thuận cũng vì Tin Lành không quỳ lạy bất kỳ ai, bất kỳ thần thánh nào ngoài Thiên Chúa. Có một lý do khác nữa phía nhà Nguyễn đưa ra là tổng thống Mỹ được bầu ra, chỉ tồn tại theo nhiệm kỳ nên không tương xứng với hoàng đế Việt Nam. Và, trong một số cuộc tiếp xúc, phía Mỹ có gửi một số vật phẩm Cơ đốc được các quan chức triều Nguyễn trân trọng đón nhận nhưng sau đó để lại không mang về.

Thay lời kết

Trong lịch sử, việc các tôn giáo từ nước ngoài đến Việt Nam không chỉ là những hoạt động truyền giáo, mà còn liên quan đến những vấn đề khác, trong đó có những hoạt động về thương mại, ngoại giao và chính trị. Các mối quan hệ từ một số nước phương Tây và Mỹ với Việt Nam như đã trình bày liên quan đến đạo Tin Lành hầu như không thành công vì những lý do khác nhau về chính trị, xã hội, văn hóa nhưng cũng có lý do ngay từ bản thân tôn giáo. Tuy không đưa lại kết quả như mong muốn nhưng mối quan hệ giữa một số nước phương Tây và Mỹ qua đạo Tin Lành là những dấu ấn lịch sử cần được ghi nhận.

Từ đầu thế kỷ XX đạo Tin Lành chính thức truyền vào Việt Nam cũng nỗ lực trong mối quan hệ giữa Mỹ và một số nước phương Tây với Việt Nam nhưng cũng gặp những khó khăn khác nhau, trong đó có lý do tôn giáo. Phải đợi đến thời kỳ Việt Nam đổi mới, đạo Tin Lành đã có những đóng góp quan trong trong mối quan hệ quốc tế, nhất là mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và một số nước phương Tây.

Nguyễn Cao Thanh

 

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Lục Gia, Phái bộ Hoa Kỳ tại cảng Vũng Lấm năm 1833, Tạp chí Xưa Nay, số 522 (8/2020).

2. Chalrles B. Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội 2016.

3. Nguyễn Xuân Hùng, Trần Thị Minh, Mối quan hệ Việt - Mỹ thời phong kiến qua Mộc bản triều Nguyễn, Tạp chí Xưa Nay, số 522 (8/2020).

4. Lê Hoàng Phu, Lịch sử Hội thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2010.

5. Đặng Ngọc Phúc, Những người Tin Lành tại Việt Nam, ISBN, Printed in the United States of America, Califonia 2011.

6. Nguyễn Thanh Xuân, Đạo Tin Lành trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội 2020.