Đại lễ Cầu quốc thái dân an ở chùa Chân Tiên tại Hà Tĩnh
Ngày đăng: 15/04/2021
Sáng ngày 14/4, Ban Trị sự Phật giáo huyện Lộc Hà phối hợp với Ủy Ban nhân dân xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) tổ chức Lễ hội truyền thống Cầu quốc thái dân an tại chùa Chân Tiên.

Lễ hội chùa Chân Tiên được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 03 tháng 3 âm lịch, diễn ra trong 2 ngày, sau phần dâng hương tế lễ là phần hội với các hoạt động giao lưu văn nghệ, đua thuyền trên Bàu Tiên, đấu vật truyền thống. Dịp này, bà con nhân dân, các vị tăng ni phật tử, du khách và đạo hữu gần xa lại về lễ chùa vãn cảnh, cầu nguyện cho quốc thái dân an. Ngày nay, với sự quan tâm của chính quyền các cấp và sự hưởng ứng của các tín đồ, lễ hội đã trở là hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của những người con quê hương Thịnh Lộc (Lộc Hà) và phật tử gần xa trong và ngoài tỉnh.

Trong bối cảnh tiềm ẩn nguy cơ của dịch Covid - 19, năm nay chương trình Lễ hội truyền thống được Ban tổ chức bố trí thành hai phần: phần lễ và phần rước Phật lên chùa. Các nội dung đảm bảo phòng dịch, gọn gàng nhưng vẫn thu hút đông du khách về thắp hương, chiêm bái. Không khí lễ hội diễn ra trang nghiêm, thể hiện được bản sắc văn hóa, tín ngưỡng người miền biển hòa quyện trong văn hóa Phật giáo.

Đại đức Thích Viên Như, Ủy viên Hội đồng Trị sự Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh, Trụ trì chùa Chân Tiên cho biết: “Lễ hội truyền thống Cầu quốc thái dân an là một lễ hội văn hóa tâm linh, Ban tổ chức mong muốn thông qua lễ hội để phát huy bản sắc văn hóa mỗi vùng quê, đồng thời hướng đến giá trị nhân văn là giáo dục chân thiện mỹ trong mỗi người khi tham gia lễ Phật”.

Chùa Chân Tiên (Chân Tiên tự) tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An, một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh, được tôn xưng là “Tiên An đệ nhất danh lam”, thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa Chân Tiên được xây dựng vào đời nhà Trần (thế kỷ XIII), qua 3 lần được trùng tu, tôn tạo, hiện nay chùa có kiến trúc 2 ngôi, thờ Phật tổ và thờ Thánh Mẫu. Nhà thờ Phật có diện tích 50,2m2, kiến trúc theo kiểu tứ trụ gồm: 3 gian lợp ngói âm dương, 4 cột xây, tường bao 3 phía. Điện thờ Thánh Mẫu gồm Thượng điện, Trung điện và Bái đường có tổng diện tích 56m2. Trước cửa Thượng điện có đề 4 chữ Hán: "Thiên hạ mẫu nghi" (Người mẹ hiền trong thiên hạ) và hình chim phượng đang giang cánh bay lên. Trung điện là nơi đặt đồ tế lễ và nơi hóa hương của khách đến viếng. Nhà Bái đường trước có ba chữ Hán “Tạ Phúc đường” (nhà cầu phúc), bốn cột nhà đều có treo câu đối ca ngợi công đức Thánh Mẫu.

Bao quanh chùa là rừng thông tự nhiên trùng trùng điệp điệp xanh tươi bốn mùa. Núi Tiên An còn có nhiều động đẹp, như: Động Trúc, Động Mai, Động Thạch Thất, Động Đá Người... và nhiều hang đá cổ như: hang đá Bàn Cờ, đá Giã Gạo, đá Cối Xay, đá Mười Hai Cửa... đặc biệt có đá Vợ, đá Chồng cao lớn sừng sững sánh đôi ngàn đời dưới chân núi, hướng mặt ra biển Đông. Dưới chân núi trước mặt chùa có Bàu Tiên và Bàn Cờ Tiên cùng các dấu tích như: Dấu chân ông Bành Tổ, vết chân Tiên nữ, vó Ngựa, suối Ngọc, giếng Tiên, thạch Kim Quy (đá rùa)… Ai đã từng đặt chân đến đây đều không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp như một chốn thần tiên. Cũng vì thế mà người ta phong cho nơi đây là “Am Tiên đệ nhất danh lam”. Một vị cố nhân có hiệu cụ là Thạch Đường, tên thật là Võ Hoàng Hóa đã vịnh thơ nơi đây rằng:

“…Cảnh thiên nhiên cũng lắm thú thanh kỳ

Khách phong nhã không xem thì cũng thiệt.

Chót vót đầu non cài bóng nguyệt

Gập ghềnh lối đá uốn thang mây,

Khách trèo non mỗi bước thêm say

Đó cảnh lạ, nhìn đây thêm cảnh lạ…”

“…Hoa muôn thứ ánh vàng châu thêm sắc,

Chàm Thạch Động ai tô màu thủy mặc

Chùa Chân Tiên xa nức tiếng danh lam

Thú kỳ quan đây một cảnh siêu phàm.

Khách tao mặc đi về không biết mỏi..

Dòng nước suối giọng đưa kinh đủng đỉnh

Tiếng chuông chiều thức tỉnh những ai đây?

Bầu càn khôn như thu lại chốn này….”

Sự ra đời của ngôi chùa này gắn với những sự tích mang màu sắc huyền bí. Tương truyền, có một đoàn tiên nữ nhà trời, sau khi xin phép mẫu Cửu Trùng xuống thăm thú chốn hạ giới đã chọn đỉnh Tiên An làm nơi dừng chân. Bởi Tiên An lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, ngày đêm thông reo, cảnh vật hiền hòa lại còn có dòng suối Ngọc nước trong vắt bốn mùa, cảnh sắc không đâu đẹp hơn. Một số tiên nữ, sau khi vãn... đã cùng nhau xuống hồ nước ngay phía trước núi để tắm, rồi lại rủ nhau lên một tảng đá cạnh hồ ngồi đánh cờ. Một số tiên nữ khác vì say sưa với cảnh hoa thơm cỏ lạ, suối nước trong xanh nên chẳng chịu rời đi. Một nàng tiên do mê mải đuổi theo con bướm vàng 6 cánh vô tình dẫm phải một cái lông nhím, chân bị đau, nàng không thể đi được nên phải dùng ngựa để về trời. Trước khi về, các nàng tiên khác đã dùng nước suối Ngọc để rửa chân cho nàng và gót ngọc đã in dấu trên mặt đá cùng dấu chân ngựa thần. Bởi vậy mà chùa Chân Tiên có những “dấu chân” hết sức kỳ lạ. Người dân nơi đây bèn xây chùa và đặt tên cho chùa là chùa Chân Tiên để ghi nhớ sự tích này. Không chỉ là nơi có “Tiên giáng trần” mà xung quanh ngọn núi này còn truyền lại trong dân gian nhiều câu chuyện cổ ly kỳ khác.

Di tích lịch sử - văn hóa chùa Chân Tiên còn là địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng là nơi liên lạc của các tổ chức Đảng trong thời kỳ 1930 - 1931. Tại địa điểm này, ngày 25 tháng 4 năm 1930, Chi bộ Yên Điềm, tiền thân của Đảng bộ xã Thịnh Lộc ngày nay được thành lập. Chùa Chân Tiên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992.

Từ thành phố Hà Tĩnh, theo tỉnh lộ 9 khoảng 25km là đến chùa Chân Tiên. Đến đây, ngoài việc lễ chùa, du khách còn được giao lưu văn hóa - văn nghệ, từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm nhìn phong cảnh non nước hữu tình, tham quan các dấu tích gắn liền với những câu chuyện kỳ thú, tắm biển Thịnh Lộc và thưởng thức các món ăn đặc sắc của cư dân bản địa.

 

Chu Thanh Hoài