Bình Liêu - mảnh đất đẹp, giàu truyền thống văn hóa
Ngày đăng: 06/05/2021
Tiết mục biểu diễn của người Dao tại lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu
Từ cuối tháng 4, Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã bắt đầu và dự kiến diễn ra đến hết ngày 16/5.

Tuy phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng những ngày hội vừa qua cũng đã giới thiệu được nhiều hoạt động đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ... đang sinh sống trên địa bàn.

Vùng đất đẹp 4 mùa

Bình Liêu là huyện miền núi cực bắc của tỉnh Quảng Ninh thuộc cánh cung Đông Triều-Móng Cái, có xấp xỉ 43km đường biên giới giáp với Trung Quốc; cách TP Hạ Long hơn 100km, cách Hà Nội gần 300km... Du lịch Bình Liêu mang vẻ đẹp của núi non hùng vĩ miền biên ải, nơi có những con đường tuần tra biên giới đẹp như tranh vẽ. “Sống lưng khủng long” là cụm từ nhiều người đặt cho con đường lên Cột mốc chủ quyền 1305 bởi sự sống động của cảnh quan và là con đường khó lên nhất... Nhưng "check-in" ở đây, với nhiều người, đó còn là niềm tự hào về Tổ quốc.

Điều được các du khách truyền tai nhau khi đến với mảnh đất này là dù mùa nào Bình Liêu đều mang vẻ đẹp quyến rũ. Cấu trúc địa hình đa dạng của vùng núi cao, có những đỉnh cao hơn 1.000m so với mực nước biển, mùa hè thời tiết Bình Liêu khá mát mẻ, được ví như một Sa Pa thu nhỏ của Quảng Ninh. Mảnh đất này cũng có một bộ sưu tập những con thác xinh đẹp chưa nhiều người khám phá. Vào độ tháng 3, tháng 4, núi rừng nơi đây tràn ngập sắc trắng của hoa trẩu, loài hoa mang vẻ đẹp thanh khiết của núi rừng với nhụy vàng, chút tía đỏ và mùi hương thoang thoảng dễ gây thương nhớ.

Du khách cùng giã bánh giầy với người Sán Chỉ (Bình Liêu)

Sang thu, núi rừng miền biên viễn mang sắc vàng rực của những thửa ruộng bậc thang xen giữa màu xanh của núi đồi quanh co. Bình Liêu mùa cuối thu đầu đông đẹp lãng mạn với những vạt hoa lau bung trắng khắp những ngọn đồi, sườn núi, trải dài khắp cung đường tuần tra biên giới. Trong ánh chiều tà, những vạt lau chấp chới theo gió trong cảnh núi rừng miền biên viễn càng mang nhiều cảm xúc.

Khi mùa đông đến cũng là lúc hoa sở nở rộ. Loài hoa mộc mạc, thanh khiết này đang trở thành một trong những sản phẩm du lịch được chú ý những năm gần đây của Bình Liêu nói riêng, Quảng Ninh nói chung. Quay về mùa xuân, Bình Liêu như khoác lên tấm áo mới. Những chồi non mới mọc, hoa mận, hoa đào cùng muôn hoa đua sắc, sặc sỡ và tràn sức sống.

Những sắc màu văn hóa

Theo chân một người bạn ở Bình Liêu, chúng tôi đến ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc của huyện tìm về một thứ “đặc sản” chỉ duy nhất có ở nơi đây. Những trận cầu mà cầu thủ là nữ mặc trang phục dân tộc đá bóng lâu nay trở thành nét hấp dẫn đặc biệt của Bình Liêu. Những cô gái Sán Chỉ, vẫn nguyên vành khăn tua đỏ trên đầu, áo xanh, váy đen mướt mải chạy theo trái bóng giữa mênh mang núi rừng quả là hình ảnh khó quên. Khuôn mặt rạng ngời niềm vui, bắp chân tròn lẳn theo mỗi đường bóng của các nữ cầu thủ khiến khán giả quên đi mọi thứ để hòa chung niềm vui với trái bóng. Giải đấu ngập tiếng cười.

Tìm hiểu kỹ hơn chúng tôi mới biết rằng, bóng đá nữ cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cùng người Sán Chỉ thêm trân quý và giữ gìn trang phục truyền thống của mình. Giờ đây, học sinh, công chức ở đây cứ thứ hai, tư, sáu và các dịp lễ hội đều mang trang phục này.

Mời chúng tôi miếng bánh giầy quê hương, anh Trần Văn Tám, người phụ trách Câu lạc bộ Bóng đá nữ xã Húc Động, huyện Bình Liêu kể: Xem bóng đá để biết vẻ đẹp vừa dịu dàng, nữ tính của con gái Sán Chỉ; ăn bánh giầy để hiểu hơn đặc sản ẩm thực nơi đây. Bánh giầy với người Sán Chỉ vô cùng quan trọng, thường được dùng làm lễ vật để xin cưới trong các lễ hỏi, đám cưới. Bánh tượng trưng cho mặt trời, chỉ được làm vào dịp lễ hội. Khi làm bánh giầy giới thiệu với du khách, người Sán Chỉ chọn gạo rất kỹ, làm cầu kỳ và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm nên nhiều du khách rất thích, không ít lần khách đặt mua mà lượng làm ra không đủ. "Cùng với trang phục, để bảo tồn giá trị văn hóa quê hương, đang có dự án sưu tầm và dịch những bài hát Soóng Cọ ra tiếng Việt để du khách hiểu hơn về văn hóa của chúng tôi. Hiện nay, số lượng bài hát sưu tầm được đã khoảng gần 200 bài", anh Tám cho biết.

Đi được hơn nửa chặng đường, giải bóng đá nữ cho ngày hội đã đấu được 8 trận vòng bảng và bán kết. Những người Sán Chỉ mến khách hẹn chúng tôi sau khi dịch Covid-19 lắng xuống...

Trong khuôn khổ ngày hội văn hóa, thể thao của huyện Bình Liêu còn có ngày hội di sản Then Tày tổ chức tại thị trấn Bình Liêu; ngày hội Kiêng Gió của dân tộc Dao tổ chức tại xã Đồng Văn...  Cùng trên mảnh đất Bình Liêu, mỗi dân tộc lại có nét đẹp riêng. Anh Chu Đình Thép (dân tộc Tày) cộng tác viên Trung tâm Truyền thông văn hóa thôn Khe Lánh, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu giải thích: “Nếu Soóng Cọ là hát đối thì hát Then của người Tày ở Bình Liêu lại là hình thức diễn xướng âm nhạc tín ngưỡng dân gian, có nội dung thuật lại cuộc hành trình của con người lên thiên giới cầu xin Then ban cho những điều may mắn và một cuộc sống tốt lành”. Những nét đẹp đó lại tồn tại trong sự thống nhất văn hóa chung./.

 

Nguồn: qdnd.vn