Ban Đại diện Phật giáo người Hoa ra mắt nhân sự nhiệm kỳ mới 2022-2027
Ngày đăng: 09/11/2022
Tân Ban Đại diện Phật giáo người Hoa chụp ảnh lưu niệm các đại biểu khách mời tham dự buổi lễ
Ngày 05/11/2022, tại Hội quán Nghĩa An (Q.5, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)) Ban Đại diện Phật giáo người Hoa đã tổ chức lễ ra mắt tân Ban Đại diện nhiệm kỳ mới 2022-2027.

Tham dự buổi lễ có Hòa thượng Thích Huệ Văn, Cố vấn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP.HCM; Thượng tọa Thích Trung Nguyện, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM; Thượng tọa Thích Huệ Công, Trưởng ban Ban Đại diện Phật giáo người Hoa, đại diện các Hội quán và cộng đồng người Hoa trên địa bàn TP. HCM

Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông Trần Chí Vĩ, Trưởng phòng Chính sách, Ban Dân tộc TP.HCM; bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và đại diện chính quyền Quận 5.

Thay mặt Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Thượng tọa Thích Trung Nguyện đã tuyên đọc quyết định của Ban Trị sự về việc bổ nhiệm tân Ban Đại diện Phật giáo người Hoa nhiệm kỳ 2022-2027.

Theo đó, Ban Đại diện Phật giáo người Hoa tại TP.HCM, nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 21 thành viên do Thượng tọa Thích Huệ Công, Phó Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM làm Trưởng ban.

Tại buổi lễ ra mắt, thay mặt Ban Đại diện Phật giáo người Hoa nhiệm kỳ 2022-2027, Thượng tọa Thích Huệ Công bày tỏ niềm vinh dự được Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM bổ nhiệm. Thượng tọa cho biết Ban Đại diện Phật giáo người Hoa sẽ phát huy vai trò của mình để góp phần phát triển Giáo hội theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” và gắn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại diện chính quyền tặng hoa chúc mừng Ban Đại diện Phật giáo người Hoa

Hiện nay, TP.HCM có 54 chùa Hoa khoảng 90 tăng, ni. Nét đặc trưng của người Hoa là sống theo cộng đồng ngôn ngữ của mình (Quảng Đông, Phúc Kiến, Tiều Châu, Hải Nam, Hẹ) mang tính chất đồng hương đồng tộc, chùa không những là nơi gửi gấm tâm linh cúng lễ mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, tương trợ qua đó mà giáo dục truyền thống nhân cách. Có thể nói đối với người Hoa tín ngưỡng và tôn giáo là một nhu cầu cần thiết, luôn gắn bó với đời sống hàng ngày.

 

Lược theo giacngo.vn