Bắc Ninh: Lễ hội Cao Lỗ Vương tôn vinh danh tướng đầu tiên trong lịch sử dân tộc
Ngày đăng: 19/04/2021
Nghi thức rước kiệu trong ngày hội
Lễ hội Cao Lỗ Vương, còn gọi lễ hội “vùng Than” của 8 làng thuộc hai xã Cao Đức và Vạn Ninh (Gia Bình, Bắc Ninh) sẽ được khai mạc đúng vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn nổi tiếng của Bắc Ninh - Kinh Bắc có nhiều nét độc đáo với ý nghĩa tưởng nhớ, ghi khắc công lao muôn đời của tướng quân Cao Lỗ - một người con của quê hương Bắc Ninh có công giúp vua An Dương Vương chế tạo nỏ thần và xây dựng thành Cổ Loa, góp phần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Sử sách ghi chép, Cao Lỗ là một tướng tài của dân tộc trong buổi bình minh lịch sử dựng nước và giữ nước, quê ở vùng Lục Đầu - Bình Than, nay thuộc xã Cao Đức, Gia Bình. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với bối cảnh dựng nước thời Hùng Vương - Thục Phán An Dương Vương. Trước đây, chuyện Cao Lỗ chế tạo nỏ Liên Châu (dân gian gọi “nỏ thần”) phần nhiều được phản ánh qua truyền thuyết đượm màu huyền thoại. Ngày nay, dựa trên những bằng chứng xác thực từ kết quả khảo cổ học tại Cổ Loa, các nhà khoa học đã giải mã được nhiều vấn đề, từng bước vén bức màn huyền thoại về nỏ thần, đồng thời khẳng định Cao Lỗ là vị danh tướng có thật chứ không phải chỉ là truyền thuyết.

Cao Lỗ Vương không những chế tạo ra nỏ thần Liên Châu mà còn khuyên nhà vua dời đô từ Phong Châu về vùng đồng bằng và xây dựng thành Cổ Loa. Ông đã trở thành linh hồn của sự đoàn kết thống nhất các bộ tộc người Việt trong công cuộc mở mang đất nước và tạo ra sức mạnh để chống lại các cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Phát biểu tại một hội thảo khoa học về Cao Lỗ Vương năm 2013, cố Giáo sư Phan Huy Lê khẳng định: Cao Lỗ là người có đóng góp lớn trong việc góp phần xây dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa, sáng chế ra một vũ khí đầy uy lực thời bấy giờ mà nhân dân thần tượng hóa gọi là nỏ thần. Ông cũng là con người tiêu biểu cho trí tuệ, tài năng và những phẩm chất cao quý của người Việt. 

Khắc ghi công ơn và tưởng nhớ vị danh tướng tài ba của dân tộc, hàng năm cứ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch - tương truyền là ngày sinh Cao Lỗ Vương, người dân vùng Đại Than gồm 8 làng: Đại Trung, Đông Trung, Bình Than, Tiểu Than, Văn Than, Phù Than, Kênh Phố và Mỹ Lộc thuộc 2 xã Cao Đức và Vạn Ninh cùng tổ chức lễ hội.

Có nhiều tục trò đặc sắc, độc đáo được người dân trong vùng tái diễn trong ngày hội như: Thôn Đại Trung có trò “Múa mo múa mộc” tượng trưng cho Cao Lỗ Vương khi đánh giặc. Thôn Tiểu Than có trò “Múa bông đánh bệt” diễn lại tích Cao Lỗ Vương mất khi đánh giặc đã được mãnh hổ mang xác về quê hương để nhân dân biết mà chôn cất, thờ phụng; trò “rồng rắn” diễn sự tích bà Đỗ Thị nằm mơ thấy rồng quấn quanh giường sau đó mang thai sinh ra tướng Cao Lỗ. Ngoài ra còn nhiều tục trò như thi bơi chải, diễn lại nghề đóng thuyền... Sôi nổi nhất là tục “võ vật” với sự tham gia tỉ thí, so tài của rất đông đô vật trong vùng, bởi Đại Than xưa kia nổi tiếng là miền đất thượng võ. Tục truyền, Cao Lỗ Vương cũng vốn là một đô vật, thường gọi là Đô Lỗ.

Lăng mộ Cao Lỗ Vương ở xã Vạn Ninh, Gia Bình mới được tôn tạo mở rộng

Năm nay, lễ hội Cao Lỗ Vương được tổ chức vui tươi, văn minh, lành mạnh, là dịp hướng về cội nguồn, biết ơn những người có công với dân với nước, phát huy thuần phong mỹ tục, góp phần giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước đối với các thế hệ. Theo kế hoạch, lễ hội diễn ra trong hai ngày 20 và 21-4 (tức mồng 9 và 10-3 Âm lịch). Chiều ngày 20-4, các làng rước long đình và kiệu ra lăng mộ Cao Lỗ Vương ở làng Tiểu Than (Vạn Ninh) để làm lễ “tuyên văn” xin phép thần mở hội. Sáng ngày 21-4, các làng lần lượt rước kiệu đến làm lễ tại đền thờ Cao Lỗ Vương ở xã Cao Đức và xin rước bài vị của ngài về đình làng mình để tế lễ, mở hội. Đám rước kiệu Thánh của 8 làng rợp trời cờ quạt, võng lọng, kiệu, siêu đao, bát bửu... tưng bừng, náo nhiệt thu hút đông đảo người dân tham dự. Sau phần tế lễ, rước kiệu theo nghi thức truyền thống là phần hội với phong phú hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao đậm bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc như: Diễn xướng Dân ca Quan họ, hát Chèo, Ca trù, giao lưu văn hóa và các trò chơi dân gian: Thi đấu vật, tổ tôm điếm, cờ tướng, kéo co, bịt mắt bắt dê, bắt vịt, đi cầu thùm...

Những năm gần đây, các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện quan tâm đầu tư, triển khai các dự án trùng tu, nâng cấp, mở rộng nhiều hạng mục khu di tích lăng và đền thờ Cao Lỗ Vương với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, cụm di tích thờ tướng quân Cao Lỗ bề thế, khang trang, tố hảo trở thành một điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn cho du khách thập phương.

 

Nguồn: baobacninh.com.vn