‘Ngôi nhà chung’ của trẻ khiếm thị
Ngày đăng: 06/11/2019
Cách đây 24 năm, các nữ tu thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức (TP HCM) tình cờ bắt gặp một số trẻ khiếm thị sống lang thang, không nơi nương tựa, nhà nghèo, mù chữ. Các nữ tu bèn tìm đến Trường Mù nhưng được biết thời gian này Trường không còn chỗ để nhận thêm học sinh. Ngoài ra, còn một số em khiếm thị đã tốt nghiệp Trung học cơ sở tại Trường Mù nhưng không có cơ hội học tiếp lên Trung học phổ thông, Đại học nên đang lo lắng cho tương lai của mình. Sau một thời gian ngắn bàn bạc trao đổi, Hội Dòng đã quyết định cho thành lập Mái ấm khiếm thị Nhật Hồng tại Thị Nghè (quận Bình Thạnh) vào ngày 26/9/1995.

Ban đầu, “Mái ấm Nhật Hồng” nhằm cung cấp nơi ăn chốn ở cho trẻ khiếm thị kết hợp việc dạy nghề đan giỏ cho các em. Tiếp sau đó, Mái ấm đã gửi một số em theo học bán trú tại Trường Phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời Hội Dòng cũng cử ra một số nữ tu theo học các khóa kỹ năng làm việc với người khiếm thị và chuyên môn về giáo dục khiếm thị ở trong lẫn ngoài nước.

Từ năm 2001, “Mái ấm Nhật Hồng” nhận được sự đảm bảo hỗ trợ tài chính của Hội Dark & Light và sự giúp đỡ chuyên môn của Trường Perkins, chương trình Can thiệp sớm và Giáo dục trẻ đa tật. Cạnh đó, Mạng lưới về Công nghệ Giáo dục của Overbrook-Nippon (ONNET) cũng tìm đến giúp hỗ trợ kỹ thuật cho trẻ khiếm thị cùng sự hỗ trợ chuyên môn của Hội đồng Giáo dục Khiếm thị Thế giới (ICEVI), các chương trình giáo dục hòa nhập cũng phát triển nhanh chóng không chỉ tại Mái ấm ở Thị Nghè mà còn mở thêm cơ sở ở Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng).

Năm 2007, “Mái ấm Nhật Hồng” tiếp tục mở thêm một Trung tâm mới ở Tam Bình (quận Thủ Đức), được xây dựng thông qua sự tài trợ và hợp tác của Tổ chức CBM, trở thành một trung tâm nguồn để phục vụ người khiếm thị, đồng thời cũng đào tạo và cung cấp nhân sự và phương tiện dạy học cho các chi nhánh và các đơn vị khác. Từ con số ít ỏi chỉ 3 trẻ ban đầu, hiện nay Hội Dòng đang phục vụ cho hơn 300 trẻ em khiếm thị từ 5 tuổi trở lên. “Ngôi nhà chung” Nhật Hồng hiện có tất cả 8 cơ sở, ngoài tại TP HCM còn có ở Lâm Đồng, Đồng Nai, Hậu Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…

Sơ Lê Thị Kim Phụng - Giám đốc Trung tâm Nhật Hồng cho biết: “Nhằm xóa mặc cảm khuyết tật, giúp các em hòa nhập với cuộc sống đời thường nên những em khiếm thị có sức khỏe tốt chúng tôi đều gửi sang học tại các trường phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc Đại học cùng với các bạn bình thường. Sách học, bài vở của các em được các sơ cần mẫn chuyển sang chữ nổi truyền thống (braille), rồi lại “dịch” toàn bộ bài thi, kiểm tra viết các em làm bằng chữ nổi sang chữ thường để nộp lại cho nhà trường chấm điểm. Riêng một số em khiếm thị và mắc nhiều tật được các sơ dành thời gian điều trị và dạy học tại các trung tâm trước khi đưa các em đến trường”. Cùng với việc học chữ nổi, “Mái ấm Nhật Hồng” còn đầu tư hệ thống máy vi tính để các em học chữ theo chương trình Nguyễn Đình Chiểu hiện đại (có phát âm tiếng Việt trợ giúp người khiếm thị sử dụng vi tính, gửi nhận email bằng chữ sáng và chữ braille). Vẫn chưa hết, Nhật Hồng còn chú trọng chương trình dạy nghề cho các em với nhiều ngành nghề như âm nhạc, sư phạm, nghiệp vụ văn phòng, y học cổ truyền, xoa bóp bấm huyệt và một số nghề thủ công đơn giản: xâu hạt làm móc khóa, vòng trang sức... làm hành trang cho các em vào đời, hòa nhập với xã hội sau khi rời khỏi mái ấm sau này. Trải qua 24 năm kể từ khi được thành lập, “Mái ấm Nhật Hồng” đã có nhiều tốp học sinh ra trường, có nghề nghiệp đàng hoàng trong tay, có em đã lập gia đình, ổn định cuộc sống và đóng góp khả năng của mình cho xã hội.

Sơ Lê Thị Kim Phụng tâm sự: “Nhìn về tương lai, chúng tôi mong ước sao “Mái ấm Nhật Hồng” luôn được tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và cộng tác của mọi người, các Mạnh Thường Quân để qua đó Nhật Hồng có thêm nhiều động lực phát triển công việc phục vụ và mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ khiếm thị tại Việt Nam”.

 

Theo daidoanket.vn