Xóm Khmer giữa đồng bằng
Ngày đăng: 24/08/2018Bình yên giữa mảnh đất Bình Mỹ (Châu Phú, An Giang) hiền hòa, xóm Khmer quanh chùa Phú Đà Châu đã tồn tại hơn trăm năm nay. Họ đã gắn bó thân thương với mảnh đất này và thế hệ thanh niên Khmer trong xóm luôn xem đây là nơi chôn nhau cắt rốn.
Từ đình Bình Mỹ, theo con đường quê cặp dòng kênh đỏ lừ phù sa mùa lũ, chúng tôi tìm đến ngôi chùa Khmer duy nhất của huyện Châu Phú. Đứng bên này kênh nhìn sang, chùa Phú Đà Châu với nét kiến trúc Phật giáo Nam tông đặc trưng thực sự là nét đẹp không trộn lẫn giữa vùng quê yên ả này.
Gặp chúng tôi, sư Hồ Thuận Tài, người quản lý chùa Phú Đà Châu cho biết: “Xóm Khmer này chưa tới 200 căn nhà nằm xung quanh chùa. Bà con phật tử ở đây có đời sống ở mức trung bình nhưng gắn bó, yêu thương nhau. Sư tới trông coi chùa chỉ hơn chục năm nhưng cũng hiểu được tình cảm đoàn kết giữa đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer và người Kinh địa phương”.
Qua tiếp xúc với sư Hồ Thuận Tài, chúng tôi được biết đồng bào DTTS Khmer ở Bình Mỹ chủ yếu sống bằng nghề nông, số ít theo nghề “bà cậu” hoặc “ai kêu gì làm nấy”. Mấy năm gần đây, thanh niên Khmer trong xóm bắt đầu “đi công ty” nên đời sống đỡ hơn trước. Chủ yếu họ làm công nhân cho những công ty ở Khu công nghiệp Bình Hòa (Châu Thành), người có điều kiện thì học tập để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn. Dù đi đâu, làm gì, họ vẫn nhớ mình là người Khmer xuất thân từ làng quê Bình Mỹ, nơi có mái chùa Phú Đà Châu soi bóng xuống dòng nước kênh Năng Gù êm ả.
Điểm đặc biệt ở xóm Khmer này là người dân mang nhiều họ khác nhau chứ không chỉ là “Chau” dành cho nam và “Neang” dành cho nữ như vùng Bảy Núi. Lý giải vấn đề này, ông Chau Ron, à cha chùa Phú Đà Châu, thật tình: “Không như ở Tịnh Biên, Tri Tôn, người Khmer ở đây có nhiều gốc gác. Đa phần họ “lai lai” người Kinh nên có tới mấy họ, bao gồm họ Triệu, họ Châu, họ Mai, họ Tô và họ Chau. Như ông bà tui có gốc gác từ Bảy Núi nên mang họ Chau. Dù mang họ nào thì bà con vẫn giữ nguồn cội với truyền thống văn hóa riêng chứ không quên lãng được”.
Với người Khmer ở Bình Mỹ, một năm họ ăn tới… 4 cái Tết. “Đồng bào tui đón Dolta, Chol Chhnam Thmay, Óoc Om Boc và ăn Tết Nguyên đán của người Việt. Trong những cái Tết này, ai cũng tới chùa cúng bái, cầu an và về nhà cúng ông bà như truyền thống. Nếu thân thiết thì mời nhau đến nhà cùng ăn Tết cho vui. Nhà nào có bà con thân tộc ở Bảy Núi thì đi thăm hỏi, chúc mừng. Ngoài ra, các lễ dâng y, lễ làm phước hay cúng kiếng ông bà đều giữ gìn theo truyền thống đồng bào DTTS Khmer. Vì sống chan hòa với người Kinh nên đâu ai phân biệt nữa, đã là chòm xóm từ đời ông, đời cha rồi. Chỉ là người Khmer cố gắng giữ nét đẹp truyền thống của mình thôi” - ông Chau Ron cởi mở.
Do quá trình sống cộng cư với nhau nên trai, gái người DTTS Khmer cũng nên đôi thành lứa với người Kinh. Vì thế, lớp con, cháu sau này cũng phai nhạt dần tiếng mẹ đẻ. Với vai trò phụ trách nghi lễ tôn giáo của cộng đồng, ông Chau Ron đang cố gắng vận động bà con trong xóm giữ gìn tiếng Khmer trong cuộc sống hàng ngày.
“Tui khuyên họ sử dụng tiếng Khmer trong gia đình, còn giao tiếp với xã hội thì nên dùng tiếng Việt. Việc này tùy thuộc vào từng nhà nên cũng khó lắm. Tui chỉ mong bà con giữ được văn hóa truyền thống của người DTTS Khmer, còn về cách làm ăn thì phải tin theo Đảng, Nhà nước mới phát triển được. Tui với sư Hồ Thuận Tài thường khuyên bà con phải đoàn kết, cùng với địa phương xây dựng nông thôn mới” - ông Chau Ron chia sẻ.
Vừa nói, ông Chau Ron đưa mắt nhìn ra sân chùa Phú Đà Châu. Dưới cơn mưa rả rích, những công trình Phật giáo Nam tông như được tắm mát và trông tươi mới hơn. Ở cái tuổi 71 của cuộc đời, lão nông này vẫn tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp cho cộng đồng DTTS Khmer địa phương, bởi những chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế của bà con.
“Thời gian qua, địa phương đã quan tâm, giúp đỡ đồng bào DTTS Khmer phát triển kinh tế nên tui tuyên truyền bà con cố gắng chăm chỉ làm ăn để thoát nghèo bền vững. Mong là thế hệ con, cháu sau này sẽ giữ gìn văn hóa Khmer và góp sức cùng địa phương xây dựng quê hương đổi mới” - ông Chau Ron mong mỏi.
Theo Thanh Tiến (AGO)