Tết “Khoăn vài”
Ngày đăng: 19/07/2019Theo phong tục của nông dân người Tày - Nùng một số địa phương trong tỉnh Cao Bằng, hằng năm, vào ngày mùng 6 tháng 6 âm lịch có nghi lễ "Roọng khoăn vài" (gọi hồn vía cho trâu) hay còn gọi "rào thây, phưa" (rửa cày, bừa) với ý nghĩa tạ ơn trâu bò, tạ ơn các loại nông cụ sau vụ mùa vất vả cày bừa
Trước đây, người Tày - Nùng chỉ cấy lúa một vụ, chính vụ cày cấy chủ yếu trong tháng Tư và tháng Năm hằng năm, cày bừa chỉ dựa vào sức trâu, bò. Theo tâm thức dân gian của người Tày - Nùng, con trâu, bò đồng hành cùng người nông dân cày bừa quanh năm vất vả, tạo ra hạt ngô, hạt thóc và các loại nông sản nuôi sống con người nên trâu, bò cũng có hồn vía như con người.
Nghi lễ gọi hồn vía cho trâu hình thành từ bao giờ chưa xác định được. Tuy nhiên, có truyền thuyết rằng: Vào một năm nọ đang vụ cày cấy bận rộn, thời tiết khắc nghiệt, không biết vì lý do gì mà đúng ngày 6 tháng 6 âm lịch, đàn trâu đang cày bừa dưới ruộng bỗng lăn đùng ngã quỵ hàng loạt. Người dân cho rằng vì trời nắng gắt, lao động cực nhọc khiến cho đàn trâu hồn xiêu phách lạc (khoăn ni đi phó), sau đó người dân phải sắm lễ vật gọi hồn vía cho trâu để đàn trâu khỏe trở lại. Vì vậy, người dân đã chọn ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch hằng năm là ngày đặc biệt dành riêng cho trâu, bò với nghi lễ gọi hồn cho trâu và rửa cày bừa. Trong ngày này, trâu, bò được nghỉ ngơi, được chăm sóc tốt hơn, mọi hoạt động đồng áng của người nông dân cũng ngưng nghỉ.
Đúng ngày mồng 6 tháng 6, bà con khắp các xóm dậy sớm để chuẩn bị sắp lễ cho việc dâng cúng Thần Nông, thần bảo vệ gia súc. Gia chủ dọn dẹp chuồng trâu, bò sạch sẽ, cắt giấy đỏ dán lên các cột chuồng trâu, bò, sừng trâu, bò với ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu mọi điều may mắn. Lễ vật dâng cúng gồm thịt vịt, bánh sừng trâu (pẻng toóc coóc vài), bún, vàng mã, rượu, hoa quả các loại. Bánh sừng trâu được gói bằng lá dong, nhân đỗ xanh và thịt lợn, nguyên liệu giống như bánh chưng nhưng gói có hình dáng cong như chiếc sừng trâu.
Gia chủ sắp đồ lễ, chọn đúng giờ Thìn dâng lên bàn thờ tổ tiên và khấn: So lọc vằn nèn mò nèn vài/Lục lan mì pết pỏ tẳng thâng/Mì coóc vài kho khẩu pì pết/Pủn hom khao khẩu sláy mạy/Lộp lộp mác tềnh cáng chang sluôn/Pú trỏ, pú chông kin hẩư van pác/Lụm au vài thẩu dú tẩư lảng/Lụm au vài nó dú nả cai. (dịch: Mồng 6 ngày tết trâu, tết bò/Con cháu có vịt đực dâng đến/Bánh sừng trâu gạo nếp thơm/Có bún trắng thơm gạo sláy mạy/Các loại quả trĩu cây trong vườn/Ông bà tổ tiên ăn cho ngon/Rồi bảo vệ trâu mộng dưới sàn/Rồi bảo vệ trâu nghé dưới sân).
Làm lễ cúng tổ tiên trong nhà xong, gia chủ chuyển mâm lễ ra ngoài sàn làm lễ cúng Thần Nông, thần bảo vệ gia súc với bài văn khấn như sau: Vằn so lọc bươn hốc/Chảu rườn mì bôm thả/Tằng bản mì bôm thâng/Kin hẩu ím toọng nưa/Kin hẩu pỳ toọng tẩu/Kin dá đa tháp mừa/Cụm hẩu vài tứn lăm/Nặm bấu siểu sắc đấc/Cụm rẩy cáp cụm nà/Sluồng khẩu tạy sluồng khuông/Tua vài tạy tua chạng/Tằng bản bấu ràu hí/Rườn rườn đảy hôn nhùng. (dịch: Ngày mồng 6 tháng 6/Chủ nhà có mâm đợi/Cả bản có lễ mời/Ăn cho no bụng trên/Ăn cho béo bụng dưới/Ăn rồi gánh mang về/Phù cho trâu béo mập/Nước không thiếu một giọt/Phù ruộng và phù nương/Bông lúa như bông móc/Con trâu như con voi/ Cả bản được vui vẻ/Nhà nhà sống hòa thuận).
Sau khi đã hoàn tất việc cúng lễ, gia chủ dắt trâu, vác cày, bừa ra sông, suối để tắm cho trâu, rửa dụng cụ cày, bừa sạch sẽ. Trước bữa cơm trưa ngày mồng 6 tháng 6, nhà nào cũng cho trâu ăn trước người, với các loại bánh, bún, cùng câu hát mời trâu ăn: So hốc bươn hốc ngám khảm mà/Cẩu khoăn vài dú lủng le mà/Cẩu khoăn vài tềnh kéo lẻ tẻo/Mà dá le kin ngài vạ rườn lảng/Pài hăm koi kin nhả vài nớ. (dịch: Ngày 6 tháng 6 vừa sang tới/Chín hồn trâu ở thung sâu thì về/Chín hồn trâu ở trên đèo quay lại/Về rồi thì ăn trưa tại nhà/Chiều sang hãy ăn cỏ trâu nhé). Sau khi xong mọi thủ tục cho trâu, mọi nhà quây quần bên mâm cỗ “so lộc", cùng chúc nhau sức khỏe, bình an, cầu chúc cho vụ mùa bội thu, nhà nhà no ấm, đủ đầy.
Ngày Tết “Khoăn vài” chính là ngày hội của trẻ thơ, chúng háo hức làm nhiệm vụ chăn trâu, bò. Trước khi thả trâu, bò ra đồng, trẻ con được người lớn chuẩn bị cho cơm nắm, đôi đùi vịt quay to béo, vài chiếc bánh “coóc mò”, khi đến bãi chăn thả, nhóm trẻ góp phần ăn chung. Trong khi từng đàn trâu, bò mải mê gặm cỏ, lũ trẻ nô đùa.
Tết “Khoăn vài” của người Tày - Nùng là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được gìn giữ và phát huy.
Theo Báo Cao Bằng