Sư cô làm mẹ: 'Phần sống của tôi xin đổi cho con'
Ngày đăng: 12/07/2019Khi quyết định làm mẹ Hoài An được sư cô nói ra, nhiều người đã ngần ngại thay cho bà. Nhưng sư cô quyết không thay đổi: 'Nhìn xem, con thèm sống lắm mà'.
Được phật tử báo chuyện đau lòng, sư cô Thích Minh Tài (41 tuổi, trụ trì chùa Huệ Quang, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) vội vã đến bệnh viện huyện ngay giữa đêm.
Em bé trong bao nilông
Ba tháng trước, Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng tiếp nhận một bé gái sơ sinh trong tình trạng vô cùng nguy kịch: đầu to bất bình thường với vết thương hở trên đỉnh rộng và sâu, thấy cả phần sọ não bên trong. Dòi bám quanh vết thương, hốc mắt, hốc mũi và vùng rốn bé.
Một ngày trôi qua, không người thân nào xuất hiện. Bé vẫn thoi thóp. Các y bác sĩ hiểu đứa bé bất hạnh đã bị bỏ rơi và đang cận kề cái chết!
Một cán bộ Công an xã Hiệp Thạnh kể lại bé gái này do một nông dân tìm thấy trong rẫy cà phê. Ông không để lại tên khi mang bé đến trạm y tế, nhưng có kể khi đi làm vườn bất chợt nghe tiếng khóc ri rỉ thì lần theo.
"Ông ấy hốt hoảng khi thấy đứa nhỏ nằm trong bao nilông, da dẻ vàng như nghệ. Người cứng đờ, chỉ có khóe miệng còn nhúc nhích khóc rên. Kiến đen bò lổn nhổn trên người. Da bé trầy xước nhiều chỗ, phần thân bên trái bị bỏng nắng đỏ tấy. Ngay lập tức, ông tri hô, đưa đứa nhỏ tới bệnh viện rồi rời đi" - vị cán bộ kể.
Theo phán đoán của trung tâm y tế, em bé được sinh khoảng từ 24 đến 26-3, bị treo bỏ trên cây 3-4 ngày trước khi được tìm thấy và chữa trị. Dù đang thoi thóp sắp chết nhưng bé vẫn còn sống như một phép mầu qua những ngày nóng đêm lạnh ở Lâm Đồng và bị côn trùng tấn công.
Việc tìm kiếm người cưu mang cho trẻ lành lặn đã không dễ dàng, với bé bệnh tật ngay từ khi sinh ra càng khó. Chị Trần Minh Huyền, người báo tin cho sư cô Minh Tài, đã nghĩ như vậy.
"Khi tôi nhờ người kể với sư cô Minh Tài là lúc tôi đi tìm điều kỳ diệu. Tôi chờ một tấm lòng rộng hơn, vượt lên những lo âu để giúp đứa trẻ quá bất hạnh này. Chí ít, bé có thể lìa cuộc đời khi đã có một người yêu thương bên cạnh mình" - chị Huyền bật khóc.
Lúc quyết định ký giấy phẫu thuật cho bé, tôi chỉ cần con được sống, thấy trời xanh mây trắng là được. Đâu phải ai cũng được lành lặn, bình thường mà mong.
Sư cô THÍCH MINH TÀI
"Địa ngục lót đầy những dự định tốt đẹp"
"Tôi không tin được những gì mình nhìn thấy trước mắt. Nhưng tiếng khóc và hơi thở thoi thóp khó nhọc là dấu hiệu sự sống vẫn còn" - sư cô Minh Tài kể lại lần đầu gặp đứa bé khốn khổ.
Vừa bước vào phòng bệnh, sư cô Minh Tài đổ sụp trước một bé thơ bị bỏ rơi đang thoi thóp như sắp lìa đời. Vết thương lớn trên đầu bé gần thấu não. Người bé bị bỏng nắng, đầy vết lở loét do côn trùng cắn, và dòi bọ vẫn đang bò trong mũi.
Có kinh nghiệm đông y, bà day các huyệt đạo trên khuôn mặt để đứa trẻ dễ chịu. "Từ lỗ mũi, mấy con dòi chui ra rồi theo dịch mũi chui vào lại" - lúc ấy, sư cô cảm giác tuyệt vọng đang ở rất gần bà và đứa trẻ. Bà quyết định đưa bé đến Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng.
"Mỗi con người trải qua đủ khổ cực trong đời để mong được sống. Còn đứa bé này, tôi biết con đã trải qua nhiều đớn đau dù chỉ mới ra đời. Con bị bỏ rơi, bị phơi nắng nhiều ngày đến cháy da, rồi chịu khát, chịu côn trùng cắn và ấu trùng chui rúc vào người.
Bấy nhiêu đó đau đớn cũng đủ giết chết một người bình thường, đây lại là một cháu bé sơ sinh. Nhưng con vẫn sống. Khát khao, nỗ lực sống của đứa bé này lớn quá. Con thèm được sống quá nên tôi quyết định phải cố gắng cứu con dù không còn mấy hi vọng" - sư cô Minh Tài nghẹn ngào tâm sự.
Sư cô Minh Tài còn cưu mang, dạy dỗ 12 “con nhỏ” khác - Ảnh: M.VINH
Những ngày ở Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng, nhiều người vào nhận nuôi cháu bé nhưng khi biết tình trạng, họ đều lẳng lặng rời đi sau khi gửi lại ít tiền nhờ sư cô lo thuốc thang. Sư cô muốn có thêm hi vọng. Đứa bé vẫn còn sống và bà tin cháu muốn được sống. Bà chuyển bé xuống những bệnh viện có tiếng ở Sài Gòn để điều trị.
Sinh hiệu đứa bé quá yếu ớt, có thể không cầm cự được lâu. Lỡ bé ra đi mà chưa kịp có cái tên, chưa có một người thân thì quá tội nghiệp! Làm sao để cầu siêu cho bé? Nghĩ đến đó, bà muốn nhận làm mẹ đứa trẻ. Nhưng... bà lại đang có 12 đứa con nuôi - những đứa trẻ mà bà nhận nuôi từ năm 2003 đến nay, từ lúc bà còn là một nữ sinh trung cấp Phật học.
Bà đã tự đặt ra nhiều câu hỏi: Nuôi những đứa trẻ khỏe mạnh đã quá sức, liệu một mình bà có thể nuôi nổi đứa bé bất hạnh này? Liệu tương lai của những đứa con nuôi khác có bị ảnh hưởng, khi cuộc sống trong chùa sẽ ngày càng khó khăn vì chi phí chạy chữa cho bé gái này sẽ rất lớn mà chưa biết có thành công không? Rồi chính bà cũng là người mang bệnh mãn tính phải điều trị thường xuyên.
Sư cô Minh Tài ứa nước mắt nói: "Tôi mất ngủ với đau đáu suy nghĩ làm mẹ bé được không. Chưa bao giờ tôi khó xử như vậy. Nếu tôi không nhận, con sẽ không còn hi vọng. Tôi nghĩ lúc này khó khăn quá, hay để lúc khác. Nhưng khi nghĩ đến đây thì trong đầu tôi bật ra câu nói "địa ngục lót đầy những dự định tốt đẹp" mà tôi từng nghe đâu đó".
Nghĩ đến đó, sư cô không ngần ngừ gì nữa, quyết định nhận nuôi và đặt tên bé là Triệu Hoài An. Triệu là họ của bà, còn cái tên là ước mong cho đứa trẻ bất hạnh được bình an.
Kể đến đây, sư cô trầm ngâm: "Có nhiều người tốt, nghĩ tốt nhưng không làm được việc tốt vì khi có cơ hội thì luôn thấy điều kiện mình chưa đủ, phải đợi thêm, chần chừ để lúc khác. Cơ hội đâu có quay trở lại nên khi chết đi đành mang theo những dự định tốt đẹp để cuối cùng lót đầy địa ngục. Vô nghĩa mà thôi!".
Quyết định làm mẹ Hoài An được sư cô nói ra, nhiều người đã ngần ngại thay cho bà. Nhưng sư cô quyết không thay đổi. Bà nói với họ: "Phần sống của tôi nếu được xin đổi cho con. Nhìn xem, con thèm sống lắm mà".
Bà gọi Hoài An bằng biệt danh "Hoa sen đá", cũng là lời nguyện cầu bà dành cho cô bé khao khát được sống sau những ngày chào đời đớn đau.
Mong gặp lại cha mẹ ruột
Sư cô Thích Minh Tài tâm sự rất muốn gặp lại cha mẹ ruột của Hoài An, không phải để nhận lại Hoài An nuôi dưỡng mà bà muốn cô bé có những an ủi sau nỗi bất hạnh đầu đời. Bà muốn bé được hơi ấm của mẹ cha bên cạnh.
12 lần nhận cưu mang trẻ bị bỏ rơi ngay khi còn sơ sinh và từng ấy lần bà lần dấu vết mờ nhạt để tìm lại cha mẹ cho 12 đứa "con" của mình, sư cô hiểu rằng cha mẹ đáng trách và cũng đáng thương trong những hoàn cảnh không tìm được lối thoát.
Triệu Hoài An sau thời gian được chữa trị tại Singapore - Ảnh: NVCC
Từ rẫy cà phê đến bệnh viện Singapore
Những cuộc chạy chữa ở TP.HCM không mang lại kết quả tốt cho Hoài An. Chứng não úng thủy cũng không phải dễ điều trị. Lúc này trong tài khoản cộng đồng ủng hộ cho Hoài An được gần 500 triệu đồng. Sư cô Minh Tài quyết định đưa bé đi Singapore điều trị.
Bà và anh Lư Bạch Phụng (28 tuổi, Việt kiều Mỹ) đưa Hoài An đi. Bà lo chăm sóc Hoài An. Còn Phụng giúp đỡ về ngôn ngữ và tìm mọi cách để có tiền từ thiện đóng viện phí, bởi số tiền mang từ VN sang chỉ ít ngày đã hết sạch.
"Chúng tôi không dám nói thật là đã hết tiền, chúng tôi cố gắng xoay xở mỗi ngày để đóng viện phí. Tôi không chắc, nhưng tôi sợ sẽ bị bệnh viện từ chối chữa trị. Như thế mọi cố gắng coi như đổ biển" - anh Phụng kể lại.
Anh và sư cô Minh Tài tìm cách liên lạc với các tổ chức từ thiện khắp nơi, từ VN đến các nước khác, để có tiền cứu Hoài An. May mắn, câu chuyện đau lòng của bé đã lan tỏa đi khắp nơi và nhận được nhiều sự yêu thương, ủng hộ.
Sau khoảng 10 ngày điều trị tại Bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) với sự chăm sóc trực tiếp của bác sĩ chuyên khoa thần kinh Tang Kok Kee, Hoài An thay đổi nhanh chóng. Các vết thương, đặc biệt là vết thương hở ở đỉnh đầu, lành rất nhanh. Cô bé bước vào giai đoạn quan trọng nhất: đặt ống dẫn dịch ra khỏi hộp sọ.
Xác suất thành công rất thấp, và nếu thành công cũng không đảm bảo Hoài An sẽ phát triển như trẻ bình thường, chỉ có điều cuộc sống của bé sẽ dễ chịu hơn. Vị bác sĩ trao đổi với sư cô rất dè dặt: "Cũng như cô khi nhận nuôi đứa bé, cô đâu biết bé sẽ cầm cự đến lúc này. Tôi cũng vậy, tôi khó biết trước và đây cũng là ca mổ đầu tiên của tôi đối với chứng bệnh này". Bà thở dài, quyết định phải phẫu thuật cho Hoài An...
Tôi gặp sư cô Minh Tài sau khi bà đưa Hoài An về lại chùa Huệ Quang. Bà kể rằng Hoài An hồi phục kỳ diệu. Sau khi đặt ống dẫn lưu xong, bác sĩ dự liệu phải tám tuần thì vết mổ mới liền da, nhưng chỉ ba tuần sau vết mổ trên đầu Hoài An đã se khít. Mỗi ngày, bác sĩ đến thăm bệnh đều ngạc nhiên trước tốc độ hồi phục, và cho em xuất viện sớm.
Sư cô đưa tôi vào thăm Hoài An. Hình như có hơi người lạ trong phòng, cô bé trở mình khóc khe khẽ. Bàn tay yêu thương của sư cô Minh Tài đặt nhè nhẹ lên chỏm đầu bé rồi cất tiếng hát ru. Hoài An chép miệng mấy cái rồi ngủ thiêm thiếp. Bà âu yếm nhìn bé trong giấc ngủ rồi khe khẽ tâm sự: "Lúc quyết định ký giấy phẫu thuật cho bé, tôi chỉ cần con sống, được thấy trời xanh mây trắng là được. Đâu phải ai cũng được lành lặn, bình thường mà mong".
Hãy như "đóa sen đá", khỏe mạnh, vươn lên đón ánh mặt trời, nha con!
Mặt trời không tắt
Sư cô yêu thương bé như con mình - Ảnh MAI VINH
Bé tỉnh giấc ngủ, nhìn mọi người với ánh mắt hiền lành và sáng trong. Ánh mắt này làm tôi nhớ lại cảm giác rợn người và xót xa khi gặp bé tại Bệnh viện Nhi tỉnh Lâm Đồng.
Đầu bé to lên từng ngày. Nước trong sọ não ép đôi mắt trồi ra ngoài. Đôi mắt ngày ấy rất ít tròng đen, mỗi ngày phần tròng đen càng ít dần. "Đôi mắt mặt trời lặn" là cách nhiều người trong bệnh viện ví von và tôi lo ngại mặt trời sẽ tắt nhanh. Nhưng rồi Hoài An đã sống và may mắn có được người mẹ không sinh ra bé nhưng hết lòng yêu thương, chăm lo.
tuoitre.vn