Phú Thọ: Nét văn hóa Việt - Mường ở đình Thạch Khoán
Ngày đăng: 14/08/2018
Cách trung tâm huyện khoảng 10km, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ được biết đến là địa phương duy nhất có ngôi đình cổ với kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa giữa 2 nền văn hóa Việt - Mường.

Đây là ngôi đình mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Mường vùng Đất Tổ. Vẻ đẹp quý báu có từ lâu đời ấy được thể hiện thông qua đạo lý uống nước nhớ nguồn cũng như kiến trúc độc đáo nơi đây. Đình Thạch Khoán tọa lạc trên khu đất Gò Cháu thoáng đãng có diện tích khuôn viên hơn 200 mét vuông, sân gạch khoảng 400 mét vuông. Với địa thế linh thiêng nằm bên núi Tản sông Đà, ngôi đình mang vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính. Theo sử sách ghi chép lại, đình Thạch Khoán được xây dựng từ rất sớm, sau nhiều lần bị tàn phá và được trùng tu lớn vào thế kỷ XIX, cho tới nay đình vẫn giữ được các nét văn hóa, lịch sử đặc sắc. Đình là nơi thờ tự Tản Viên Sơn- con rể của Vua Hùng thứ 18, một vị thần của đồng bào Mường. Nơi đây còn phối thờ bốn vị thổ tù họ Đinh là người làng Thạch Khoán đã có công đánh đuổi giặc Minh thế kỷ XV là Đinh Công Mộc, Đinh Công Tốt, Đinh Công Nhạ, Đinh Công Thái và ba mị nương (tức con gái của Vua Hùng) là Tiên Dung, Ngọc Hoa, Thủy Tiên. Trong số các vị được thờ tự ở đây thì Đinh Công Mộc được nhắc nhớ nhiều nhất bởi lẽ ông là vị tù trưởng người Mường sinh ra ở làng Thạch Khoán. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Đinh Công Mộc người huyện Thanh Thủy, có công giúp Lê Thái Tổ, được giao chức Đại tướng quân vũ quận công, quản lãnh binh dân bản xứ, lúc chết người sở tại lập đền thờ”. Lại chép: “Đền đại tướng quân họ Đinh ở xã Thiết Khoán, huyện Thanh Thủy, thần họ Đinh, tên là Mộc. Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (năm 1925), vua Khải Định ra sắc phong cho dân xứ Mường vùng Thạch Khoán: “…hàng năm theo lệnh này cúng lễ, coi đó là như Quốc khánh của làng”. Từ đó, hàng năm vào đúng 25 tháng giêng, lễ hội Đình Thạch Khoán lại được tổ chức và đã trở thành lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc, nét đẹp văn hóa của người dân Đất Tổ 

Múa xênh tiền tại lễ hội đình Thạch Khoán.

Không chỉ giữ nguyên được kiến trúc xa xưa, đình Thạch Khoán còn vẹn nguyên bản sắc vốn có; điều đó thể hiện rõ ràng nhất thông qua tục lệ, lễ hội và trò chơi truyền thống hàng năm được con dân phục dựng; gìn giữ. Trước  ngày lễ hội  Ban tổ chức chọn 22 người già phúc hậu, con cháu thảo hiền, gia đình đoàn kết để xếp vào hàng quan viên cúng tế. Việc viết văn tế là công việc rất quan trọng. Nội dung văn tế cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, mọi người hạnh phúc. Trong ngày hội mở diễn ra nhiều trò chơi dân gian đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, trò chơi ném còn (ném dúm), đánh đu... thu hút đông đảo người dân tham gia, là dịp mở rộng giao lưu, giao duyên, kết bạn. Náo nhiệt và vui sôi nổi nhất là cuộc thi bắn nỏ với đông đảo trai, gái tranh tài. Đây là cuộc so tài mang đặc trưng rõ nét về bản tính của người Mường định cư nơi đây bởi chiến thắng không đơn thuần chỉ là niềm vui, tự hào của một cá nhân mà đó còn là sự kiêu hãnh, vinh dự của cả bản. 

Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, trải qua bao đời nay, đình Thạch Khoán đã được nhân dân trong vùng và thập phương một lòng tôn kính, ngưỡng mộ, khói hương thờ cúng. Đình và lễ hội đình Thạch Khoán đã trở thành di sản văn hóa lịch sử, là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân tộc Mường ở Thanh Sơn và các vùng lân cận. Năm 2001, đình được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, đó là động lực để người dân địa phương cũng như những vùng lân cận tiếp tục gìn giữ không gian văn hóa độc đáo này.

Đâm Đuống là nét văn hóa độc đáo của người Mường, nghi lễ  không thể thiếu trong lễ hội truyền thống đình Thạch Khoán.

Ông Phùng Văn Việt- Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nằm trong vùng văn hóa Hùng Vương và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đình Thạch Khoán trở thành di sản văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mường. Nhận thức rõ niềm tự hào và trách nhiệm trong việc gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời trên địa bàn, hàng năm chúng tôi duy trì tổ chức lễ hội như một lời báo ơn đến các vị hiền tài có công khai hoang, mở rộng, gìn giữ bờ cõi.  Đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc”.

Nguồn: baophutho.vn