Những ngôi đền cổ ở Giao Thuỷ tỉnh Nam Định
Ngày đăng: 17/07/2018
Huyện Giao Thuỷ tỉnh Nam Định là vùng quê đậm đặc các di tích lịch sử - văn hoá, trong đó có nhiều ngôi đền cổ mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hoá và nghệ thuật kiến trúc độc đáo gắn liền với công cuộc quai đê, lấn biển tạo lập làng xã của các bậc tiền nhân xưa. Tiêu biểu là 3 ngôi đền thuộc quần thể di tích lịch sử - văn hoá Hoè Nha (xã Giao Tiến); và các ngôi đền: Hà Cát (xã Hồng Thuận), Diêm Điền (xã Bình Hoà), An Lạc (xã Giao Thiện), Hoành Tam, Hoành Lộ (xã Hoành Sơn), Kiên Hành (xã Giao Hải), Tồn Thành, Bỉnh Di (xã Giao Thịnh)…

Là vùng đất sa bồi, xã Giao Hải có lịch sử hình thành và phát triển gần 300 năm. Trên địa bàn xã có nhiều di tích cổ kính, trong đó Đền Kiên Hành là công trình văn hoá tâm linh có giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc. Đền thờ các vị tổ Đinh Khắc Chu (Lệnh Chu), Đinh Khắc Thành, Nguyễn Duy Hàm (Hàm Yên) cùng 16 dòng họ có công mở mang ruộng đất tạo lập xóm làng. Tổ Đinh Khắc Chu người xã Xuân Hồng (Xuân Trường) là vị tướng triều Nguyễn có công dẹp giặc cỏ ở Móng Cái (Quảng Ninh). Dưới thời Vua Tự Đức (1848-1883) ông đã chiêu mộ 16 dòng họ từ các nơi về khai khẩn được 330 mẫu đất hoang. Sau khi ông mất, người con út của ông là Đinh Khắc Thành cùng với Nguyễn Duy Hàm tiếp tục huy động sức người, sức của để khai phá các vùng đất mới. Đền Kiên Hành được xây theo hình chữ “đinh”. Tiền đường cao 5,7m, rộng 71,5m2 chia thành 5 gian. Trung đường được ngăn cách với tiền đường bởi 3 khung cửa gỗ, trên tường là 4 cột gạch thân vuông được trang trí các hoạ tiết rồng, vân áng tạo cảm giác linh thiêng. Giữa gian trung đường là nơi bài trí sập thờ, khám thờ công đồng cùng các bộ chấp kích, bát biểu. Hậu cung được xây tiếp giáp với trung đường xây theo kiểu chồng lâu hai tầng tám mái, trần cuốn gạch, mái lợp ngói nam. Các đầu đao, kìm nóc, cổ lâu được uốn cong mềm mại đắp hoạ tiết lá lật, rồng chầu, nhấn nổi câu đối bằng chữ Hán. Tại gian giữa hậu cung hiện còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như: nhang án, khám thờ, ngai và bài vị của Lệnh Chu, Đinh Khắc Thành và Hàm Yên, bảng phú huý ghi danh 16 dòng họ.

Xã Giao Thịnh có 2 ngôi đền được UBND tỉnh xếp hạng là Đền Tồn Thành và Đền Bỉnh Di. Đền Tồn Thành là di tích thờ Vua Triệu Quang Phục và Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ - người đã chiêu dân, lập nên tổng Hoành Thu (năm 1828) trong đó có ấp Tồn Thành (nay là thôn Tồn Thành). Ngoài ra, đền còn thờ 20 ông tổ lập làng thuộc các dòng họ: Nguyễn, Trần, Phạm, Đỗ, Vũ, Lê, Mai, Cao, Đoàn… Với lịch sử gần 150 năm, đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền dân tộc “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh”. Mặt đền quay về hướng Đông Nam, trước đền là hệ thống nghi môn xây cuốn, có treo chuông đồng niên hiệu Duy Tân thứ 9 (1915). Xung quanh khu vực nội tự là tường gạch được xây kiên cố bao quanh. Điểm nổi bật trong tổng thể công trình kiến trúc này là nghệ thuật trang trí cầu kỳ với các mảng đề tài như: nghê chầu được tỉa gọt khá công phu trên hệ thống cột trụ; rồng chầu mặt nguyệt đắp uốn lượn, nhịp nhàng ở mặt trước tiền đường; rồng, hoa lá cách điệu sơn son thếp vàng trên giá chiêng và giá trống; long, ly, quy, phượng kết hợp vân mây trạm trổ tỉ mỉ trên đôi cỗ kiệu long đình…

Đền Hà Cát (xã Hồng Thuận) là nơi ghi dấu công lao của các vị thuỷ tổ 10 dòng họ: Lê, Đặng, Phạm, Hoàng, Trần, Vũ, Bùi, Hà, Nguyễn từ xã Thiên Bản xưa về đây khai hoang, lấn biển tạo lập làng xã từ đầu thế kỷ XVII. Đền còn thờ thành hoàng làng Lê Đình Hương - một vị tướng có công giúp Vua Hùng đánh đuổi quân Thục và Quận công Vũ Đích dưới thời Lê. Đền Hà Cát xây dựng theo kiểu chữ đinh gồm tiền đường 3 gian, hậu cung 3 gian. Ở tiền đường, vì kèo làm theo kiểu chồng giường giá chiêng. Công trình được liên kết bởi các cột cái, cột quân, các vì kèo được liên kết vững chắc. Để tăng thêm vẻ đẹp cho công trình kiến trúc, bằng tài năng của mình, các nghệ nhân xưa đã chạm khắc các bộ tứ linh, tứ quý từ câu đầu, xà hiên, cột trống, cốn mê hợp lý, hài hòa ở mảng đề tài “Cá chép hóa rồng”. Hậu cung có 3 gian thiết kế theo lối tứ trụ gồm 2 cột cái ở giữa và 2 cột quân ở bên. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, Đền Hà Cát được Bộ VH, TT và DL xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2001.

Không chỉ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất mới, những ngôi đền cổ ở huyện Giao Thuỷ còn là những địa danh ghi đậm những dấu tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Xã Hoành Sơn là địa phương có nhiều di tích liên quan đến sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Trong thời kỳ “hai năm bốn tháng” (từ tháng 10-1949 đến tháng 2-1952), Đền Hoành Lộ trở thành địa điểm liên lạc của Đảng giữa vùng tự do Thái Bình với vùng bị giặc tạm chiếm. Đền Hoành Tam là nơi nuôi giấu cán bộ của tỉnh, của huyện và diễn ra các cuộc mít tinh giành chính quyền. Đền còn là khu căn cứ mật để phân phát vũ khí cho dân, được coi là một trong những đầu mối giao thông quan trọng, tập kết lực lượng của quân đội du kích, bộ đội tự vệ đi phá tề, diệt rõng… Tại Đền Hà Cát (xã Hồng Thuận), trong những năm 1941-1942, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Trung ương cử về hoạt động, đã tổ chức nhiều cuộc họp và tập huấn cho các cán bộ cách mạng hoạt động bí mật của các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Đền Tồn Thành (xã Giao Thịnh) là địa điểm thành lập 4 trung đội du kích và là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã năm 1947. Từ năm 1949-1951, thôn Tồn Thành bị địch tạm chiếm nhưng đền vẫn là nơi sơ cứu thương binh, chăm sóc bệnh binh và là nơi ẩn nấp của các chiến sĩ cách mạng...

Từ sự đóng góp của nhân dân địa phương và kinh phí tiến cúng của các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị và con em xa quê hương, những ngôi đền cổ ở Giao Thuỷ luôn được trùng tu, tôn tạo với kinh phí hàng tỷ đồng. Tại các di tích, hằng năm chính quyền và nhân dân các địa phương đều tổ chức các lễ hội truyền thống theo hướng văn minh, tiết kiệm, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dự hội. Tại Đền An Lạc (xã Giao Thiện) và Đền Diêm Điền (xã Bình Hoà), trong các ngày lễ hội, cùng với nghi thức dâng hương và rước kiệu các vị thuỷ tổ quanh làng, dân làng còn tổ chức nhiều trò chơi như: leo cầu ngô, tổ tôm điếm, hát văn, hát chèo… tạo nên không khí tưng bừng náo nhiệt. Đền Tồn Thành (xã Giao Thịnh) hằng năm diễn ra nhiều lễ hội như: lễ hội đầu Xuân, lễ kỳ phúc (tháng 3 âm lịch), lễ nhập hạ, lễ hạ điền (tháng 4 âm lịch) và các ngày lễ kỷ niệm ngày mất của Vua Triệu Quang Phục và Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Lễ hội Đền Kiên Hành (xã Giao Hải) diễn ra vào các ngày mồng 6 tháng Giêng và 13 tháng 8 âm lịch là dịp để người dân địa phương được hoà vào những sinh hoạt văn hoá cộng đồng, được tham gia vào các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa cư dân ven biển như: chọi gà, đấu vật, bơi thuyền… thu hút đông đảo người dân tham gia

Những ngôi đền cổ ở huyện Giao Thuỷ là nơi ghi dấu công sức, tài năng của thế hệ cha ông đi trước, là bằng chứng xác thực và cụ thể về đặc điểm văn hóa làng xã, giáo dục truyền thống lịch sử, góp phần hun đúc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.

Theo Báo Nam Định