MENU
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU
Mùa Cầu Ngư ở xứ Quảng
Ngày đăng: 12/02/2020Lễ hội Cầu Ngư không chỉ mang ý nghĩa tâm linh – tín ngưỡng mà còn là một nét văn hóa đặc trưng của ngư dân ven biển miền Trung.
Những ngày vừa qua, ở nhiều địa phương ven biển Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi rộn ràng những lễ hội Cầu Ngư của ngư dân.
Sáng 9-2, tại thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ hội cầu ngư. Mở đầu phần lễ hội cầu ngư là lễ nghinh thần (rước thần) cá ông ở cửa biển An Hòa (thuộc xã Tam Quang). Tiếp đến là dâng hương và lễ cầu an..., được ngư dân tổ chức thành kính, trang nghiêm. Sau phần lễ, các ngư dân địa phương bắt đầu phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như hát bả trạo, bóng chuyền,..
Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ quan trọng, lớn nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa - cầu ngư hay lễ tế ngư thần và cầu cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang” và nhằm “Uống nước nhớ nguồn”, tạ ơn các vị thần biển và thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân với nhau.
Sau lễ Cầu ngư, các địa phương cũng phát động ra quân thi đua đánh bắt hải sản với quyết tâm vươn khơi bám biển, vừa giúp nhau sản xuất, khai thác hải sản, cứu hộ, cứu nạn trên biển, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền mà còn là môi trường bảo tồn và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.
Ngoài yếu tố văn hóa tâm linh, lễ hội cầu ngư còn là dịp để người dân vùng biển hòa trong không khí lễ hội với các trò chơi dân gian gắn liền với miền biển như: hô hát Bài Chòi, đan lưới, kéo co, ẩm thực biển, ngoáy thúng…, tạo khí thế cho một mùa ra khơi đánh bắt hải sản.
Lễ hội Cầu Ngư còn nhằm mục đích khích lệ tinh thần thi đua lao động sản xuất, duy trì mối quan hệ gắn bó cộng đồng.
Lễ hội Cầu ngư còn là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam. Được biết, Lễ hội Cầu Ngư đã được Bộ Văn Hóa – Thể Thao và du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Sau lễ cầu ngư đầu năm, nhiều tàu cá của ngư dân miền Trung sẽ vươn khơi đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam.
Nguồn: thoidai.com.vn