Linh thiêng lễ mừng lúa sinh trưởng
Ngày đăng: 06/09/2018Cứ mùa thu về, người Mạ ở Tây Nguyên lại tổ chức lễ hội “Mừng lúa sinh trưởng”. Theo quan niệm của người Mạ, cây lúa có hồn, nhưng hồn lúa lại không trú ngụ ở trong thân cây. Và khi cây lúa lớn lên, bắt đầu đơm bông kết trái thì cần phải làm lễ để “gọi hồn lúa về” giúp cho vụ mùa này, lúa được chắc hạt bội thu…
Người Mạ có các tên gọi khác như Châu Mạ, Chô Mạ, Chê Mạ với khoảng hơn 41 ngàn người và là cư dân sinh sống lâu đời ở Lâm Đồng, Đắk Nông... Là một trong những dân tộc thiểu số Tây Nguyên, người Mạ theo tín ngưỡng đa thần và là dân tộc vẫn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày. Người Mạ có tục cúng thần vào những dịp vui như cưới hỏi, sinh đẻ, lên nhà mới, kết nghĩa anh em và cúng thần vào những dịp chẳng lành như ốm đau, tang ma, dịch bệnh, thiên tai... Tuy nhiên, một trong những lễ hội – lễ cúng độc đáo nhất của người Mạ phải kể đến đó là lễ mừng lúa sinh trưởng.
Người Mạ gọi lễ mừng lúa sinh trưởng là Yô Mir. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào Mạ được tổ chức với mục đích chấm dứt những điều kiêng kị cho người giữ rừng, xua đuổi sâu bọ và thú dữ để mùa màng luôn tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Lễ hội mừng lúa sinh trưởng thường được tổ chức vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 dương lịch hằng năm. Theo quan niệm của người Mạ, muốn cho cây trồng trên rẫy sinh trưởng và phát triển tốt, người trong làng phải bầu ra một người giữ rừng là một chàng trai khỏe mạnh, chuyên đến thăm nương rẫy của bà con và cùng với già làng tổ chức các lễ hội nông nghiệp trong năm. Để làm được điều đó, người giữ rừng không được ăn thịt mỡ, da các con vật, đầu cá..., nếu vi phạm, ruộng lúa sẽ bị cạn khô và cây lúa sẽ không có hạt.
Lễ mừng lúa sinh trưởng thường được tổ chức từ sáng sớm với cây nêu, lễ vật... Lễ vật thường gồm một con dê, một con heo, một con gà, một con vịt do người dân trong bon đóng góp. Phần lễ được bắt đầu bằng việc già làng cùng người giữ rừng năm đó dắt dê đi từng đám rẫy của bon. Đi đến rẫy nhà nào thì nhà ấy có trách nhiệm đón tiếp và chuẩn bị lễ vật làm lễ cho cây lúa gồm: Một con gà và một ché rượu cần. Già làng tiến hành cắt tiết các con vật hiến tế và bôi lên cây nêu, cắt một ít lông dê kẹp vào cây nêu.
Cây nêu trong lễ mừng lúa sinh trưởng thường được làm bằng cây nứa nhỏ, cao gần 2 mét, dựng gần chòi rẫy cùng với mâm cơm, trứng gà, chén đựng máu vật hiến tế... Đó là nơi dành cho các các thần về dự lễ và trông coi lúa, là nơi trú ngụ của hồn lúa. Vì vậy, những cây lúa ở đó sẽ được tuốt sau cùng, khi làm lễ mừng lúa mới thì họ mới lấy rơm đó mang về nhà và kẹp bên cạnh kho lúa của gia đình.
Sau khi đi khắp các rẫy trong làng thì lễ mừng lúa sinh trưởng được tổ chức ở bãi đất trống của làng. Già làng tiến hành cắt tiết dê, tiết các con vật bôi lên cây nêu để cầu cho mùa màng tươi tốt; bôi lên trán những người trong làng dưới sự chứng kiến của thần linh để xua đuổi bệnh tật, mang lại sự bình an, hạnh phúc. Trong lời khấn của già làng có lời mời các vị thần linh về dự lễ, là sự tạ ơn, là những gửi gắm, ước mong về một vụ mùa tươi tốt, bội thu...
Trong buổi lễ mừng lúa sinh trưởng có những hồi chiêng dồn dập như mời gọi mọi người đến tận hưởng cái không khí thiêng liêng, nhưng rất ấm áp, bình dị của cộng đồng. Người già say sưa uống rượu cần, kể chuyện bên cây nêu, nam nữ nắm tay nhau nhảy múa nhịp nhàng, trẻ em tò mò đứng ngắm cây nêu từ xa... Tiếng hát múa, reo hò và chúc nhau vang động một góc rừng.
Theo Phạm Hiền (báo Biên phòng)