Khu di tích Lam Kinh: Chuyện kể từ những văn bia cổ
Ngày đăng: 18/02/2020
Không phải ngẫu nhiên, trong số 7 bảo vật quốc gia đang hiện hữu trên quê hương xứ Thanh thì Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) sở hữu 4 bảo vật. Và đó đều là các văn bia cổ: Bia Vĩnh Lăng - Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi; bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao - Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng; bia vua Lê Thánh Tông - Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bi và bia vua Lê Hiến Tông - Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi. Mỗi văn bia đâu chỉ là di sản điêu khắc tuyệt đẹp, tài liệu sử vô giá, bất biến. Ở đó, còn có những câu chuyện kể về đấng tiền nhân đã góp phần tạo nên những nốt thăng hào hùng của vương triều Hậu Lê trong lịch sử phong kiến dân tộc.

Đất thiêng Lam Kinh

Tôi không nhớ mình đã bao nhiêu lần trở về với Lam Kinh. Nhưng có một điều chắc chắn, đó vẫn là thứ cảm xúc nguyên vẹn như lần đầu tiên: Vừa bâng khuâng như gặp lại cố nhân, lại linh thiêng như nghe được tiếng đồng vọng từ trăm năm lịch sử vọng về... Có cảm giác, một Lam Kinh giữa núi rừng Lam Sơn lẳng lặng ở đấy, mặc kệ sự chảy trôi của thời gian vận động.

Nhưng rồi tôi cũng hiểu, đó chỉ là cảm xúc của kẻ viễn khách. Lam Kinh dẫu linh thiêng, nguy nga, bề thế nhường nào thì cũng đâu có thể chống lại được sức mạnh của thời gian cùng những thăng trầm lịch sử. Bởi vậy, năm 1962, thời điểm Lam Kinh chính thức được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, về cơ bản khi ấy, Lam Kinh chỉ còn là phế tích. Các công trình kiến trúc của khu di tích bị tàn phá nghiêm trọng.

Trước đó, lợi dụng sự rối ren trong nội tình đất nước ta lúc bấy giờ, nhà Minh đã nhanh chóng đưa quân sang xâm lược và đặt ách cai trị với nhiều kế sách tàn bạo, mưu đồ biến Đại Việt vĩnh viễn trở thành một phần của triều đình phương Bắc. Chúng chẳng thể ngờ, ở nơi núi rừng Lam Sơn xứ Thanh lại có một vị thủ lĩnh thu phục được nhân tâm, hiền tài, hào kiệt cùng nhau phất cờ khởi nghĩa. Để rồi, nơi rừng núi hiểm trở, khởi nghĩa Lam Sơn đã nhanh chóng lan rộng, phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên khắp cả nước. Kết thúc vang dội với chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang, Hội thề Đông Quan buộc nhà Minh phải rút tàn quân về nước. 10 năm gian khổ mà rất đỗi hào hùng của khởi nghĩa Lam Sơn đánh dấu bằng việc Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra vương triều Hậu Lê, định đô ở đất Thăng Long.

Dẫu vậy, giữa bộn bề công việc triều chính khi mới lên ngôi, vua Lê Thái Tổ vẫn không quên những trăn trở dành cho vùng đất thiêng Lam Sơn. Nhà vua cho xây dựng ở đây một Lam Kinh với hệ thống công trình kiến trúc: Chính điện, Thái miếu, Nghi môn... với ý nghĩa như một kinh đô tâm linh của vương triều. Việc thờ cúng ở Lam Kinh chỉ dành cho tiên tổ nhà Lê cùng các vua và hậu, bên cạnh đó là miếu hiệu ban cho các vương công. Đặc biệt, ở Lam Kinh còn có khu vực Sơn lăng là nơi an táng các vua và hậu nhà Lê sau khi qua đời với những nghi lễ bái yết vô cùng trọng thể.

Về với Lam Kinh, cùng tham quan công trình kiến trúc với nỗ lực phục dựng của hậu thế hôm nay, ta không khỏi choáng ngợp trước tầm nhìn cùng sự tài hoa của người xưa. Tuy vậy, nếu chỉ dừng lại ở hệ thống các công trình kiến trúc thôi thì sẽ là chưa đủ cho một chuyến trở về đất thiêng.

Vĩnh Lăng bia: Bản hùng ca trên đá

6 năm trị vì, vua Lê Thái Tổ sau khi qua đời (1433) đã được đưa về an táng ở Sơn lăng Lam Kinh. Lăng vua Lê Thái Tổ được xây dựng trên dải đất bằng phẳng, án ngữ và dựa lưng vào núi Dầu, phía trước là núi Mục, núi Chúa, bên trái có núi Hổ, bên phải là núi Hướng và Hàm Rồng, tạo thành cánh tay ngai với thế long chầu hổ phục... Người xưa đánh giá, lăng vua Lê Thái Tổ được đặt ở “điểm huyệt thần diệu và quan trọng nhất của Sơn lăng”.

Cách lăng mộ vua Lê Thái Tổ không xa là Vĩnh Lăng bia - Bảo vật Quốc gia đầu tiên được công nhận tại Lam Kinh. Bia Vĩnh Lăng được dựng năm 1433 sau khi vua Lê Thái Tổ qua đời, cách ngày nay gần 600 năm. Văn bia khắc ghi tên tuổi, công trạng của đức vua Lê Thái Tổ và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngày ấy.

Về cảm quan, Vĩnh Lăng bia được đánh giá là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu: Bia và rùa làm bằng đá trầm tích nguyên khối màu xám xanh, bóng với vết dấu của các loài nhuyễn thể sống trong nước (trai, sò, hến).Trên thân bia chạm khắc hoa văn rồng uốn lượn sắc nét và sống động, xen kẽ là họa tiết hoa cúc dây mềm mại, hình người ngồi niệm phật. Phía dưới là thân rùa đội bia trong tư thế đang bơi... các nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá bia Vĩnh Lăng là “tài liệu quý để nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc ở Việt Nam thời Lê Sơ”.

Tuy vậy, bên cạnh yếu tố kiến trúc, thẩm mĩ thì giá trị của Vĩnh Lăng bia còn được khẳng định về mặt nội dung khắc trên văn bia. Chỉ với 750 chữ Hán khắc theo lối chữ Triện nhưng với tài hùng văn do văn thần Nguyễn Trãi soạn, nội dung bia Vĩnh Lăng đã trở thành sử, là bằng chứng hùng hồn khẳng định chắc chắn về vai trò, vị thế của đất thiêng Lam Kinh, khởi nghĩa Lam Sơn và hoàng đế Lê Thái Tổ - người đặt nền móng đầu tiên cho một vương triều kéo dài bậc nhất trong lịch sử dân tộc.

Chiêu Lăng bia: Nhắc nhớ về đấng minh quân

Nếu vua Lê Thái Tổ là người có công lập ra vương triều Hậu Lê thì cháu nội của người - Lê Thánh Tông Hoàng đế lại được lịch sử nhắc đến với vai trò đưa sự nghiệp nhà Lê đạt được những thành tựu vĩ đại và rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đất nước không chỉ thái bình thịnh trị mà còn phát triển mở mang bờ cõi, tạo nên giai đoạn phát triển cực thịnh.

Sử liệu chính thống ghi nhận đây là giai đoạn hoàng kim rực rỡ của nền quân chủ Việt Nam. Cũng dưới thời vua Lê Thánh Tông, Bộ Quốc triều hình luật của nhà Hậu Lê - Luật Hồng Đức đã được hoàn thiện. Luật Hồng Đức đã góp phần hình thành một nhà nước pháp quyền sơ khởi của Đại Việt. Nhiều thế kỉ trôi qua, hậu thế vẫn nhớ câu nói nổi tiếng của vua Lê Thánh Tông về luật pháp: “Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo”.

Không chỉ thánh minh khi ở ngôi, dũng mãnh nơi sa trường, vua Lê Thánh Tông còn được người đời sau mến mộ bởi văn tài lỗi lạc: “Thánh học uyên thâm, rừng sách bồ sử không gì không sưu tập... tinh thần tâm thuật được nêu bật, đạo đức sự nghiệp được phát huy, đầy đủ trong Thiên Nam tiền hậu tập và các sách ngự chế, cho dù là trước chế tác của các bậc anh quân đại nho nhiều đời trước cũng không thể lớn rộng, phong phú diễm tuyệt đến như vậy!”. Đó cũng chẳng phải sự ca ngợi quá lời. Khi mà di sản văn chương nhà vua để lại cho đời là khoảng 300 bài thơ chữ Hán và Hồng Đức Quốc âm thi tập (chữ Nôm), ông cũng được biết đến là người sáng lập ra Hội Tao đàn thời bấy giờ.

Khi Lê Thánh Tông Hoàng đế qua đời, nhà vua đã được đưa về Sơn Lăng ở Lam Kinh để an táng cẩn trọng. Đồng thời, dựng bia Chiêu Lăng cách lăng mộ của người khoảng 200m. Chiêu Lăng Bi không chỉ giá trị về mặt kiến trúc điêu khắc. Bảo vật còn là tài liệu sử để khi nhìn vào đó, hậu thế tri ân vị hoàng đế lỗi lạc.

Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng: Chuyện về vị Hoàng Thái hậu mẫu mực

Quan niệm dân gian: Phúc đức tại mẫu là sự đúc rút, cũng là lời răn dạy của cổ nhân về vai trò của người làm mẹ đối với con cái. Điều này, với Lê Thánh Tông Hoàng đế có lẽ là một minh chứng. Người ta nói rằng, những thành tựu vĩ đại mà đức vua Lê Thánh Tông đạt được trong thời gian trị vì đều có một phần rất lớn công lao dạy dỗ của bà mẹ - Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

Trong số bốn bảo vật quốc gia văn bia ở Lam Kinh thì có ba văn bia là của các vua, chỉ có duy nhất Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng là bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Bà cũng là vị Hoàng Thái hậu nhà Hậu Lê được nhắc nhớ đến nhiều bởi “công, dung, ngôn, hạnh” của bậc mẫu nghi thiên hạ.

Nhưng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao được quần thần trên dưới mến mộ đâu phải chỉ bởi là mẹ vua. Ở bà, hội tụ đầy đủ những tố chất của  người phụ nữ Việt, để người trong thiên hạ theo đó mà học hỏi: “Không làm việc trái lẽ phải, không ở nơi không chính đáng, nghiêm mà không ác, giản dị mà trang nhã lịch sự, cử chỉ thường có lễ độ... Trong cung, kẻ sang người hèn đều gọi người là Phật sống”. Người phụ nữ Việt ở phía sau giúp chồng con làm nên cơ nghiệp trong lịch sử không phải là ít. Nhưng, để trở thành hình mẫu được trên dưới, trong ngoài ngợi ca, yêu mến như Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao thì có lẽ cũng là hiếm có.

Bởi lẽ ấy, đánh giá về người, Bia Khôn Nguyên Chí Đức đã ghi: “Đối với Thái Tông thì có công chăm lo giúp đỡ, đối với Thánh Tông thì có công sinh dưỡng cù lao, đối với Thánh thượng (Hiến Tông) thì tận tình mến thương. Đức sánh với trời đất, công rạng rỡ Tam Thánh, xứng đáng là hàng đầu các vị Hoàng hậu nước Đại Việt”.

Đời người trăm năm ngỡ đã dài, ngàn năm văn bia vẫn còn ở đó, gợi nhắc về lịch sử. Ghé thăm Lam Kinh, dẫu có vội vã, cũng đừng sớm dời chân đi. Chầm chậm, thả hồn mình, biết đâu, bạn sẽ lắng lòng để nghe được những đồng vọng!

 

Theo vanhoadoisong.vn