Đồng bào có đạo chung tay bảo vệ môi trường
Ngày đăng: 23/12/2019
Đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với 100% số xã, số huyện được công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đóng góp vào thành quả chung, đồng bào có đạo trong tỉnh được cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong tỉnh ghi nhận đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đặc biệt là những đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường...

Hiệu quả từ việc tuyên truyền, giác ngộ

Theo ông Lương Hùng Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trong nhiều năm qua, đồng bào có đạo trong tỉnh luôn duy trì, đẩy mạnh thực hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, thiết thực, nổi bật nhất là các phong trào xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình giáo dân gương mẫu”, “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” (trong đồng bào Công giáo, Tin Lành); xây dựng “Chùa tinh tiến” (trong tăng ni, tín đồ Phật giáo). Tên gọi khác nhau nhưng các phong trào đều có chung mục đích tập hợp, đoàn kết đồng bào có đạo trong tỉnh, chung sức thực hiện những mục tiêu thiết thực như: hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu chính đáng; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; giữ gìn an ninh trật tự; phòng chống tội phạm, tệ nạn; đặc biệt tích cực tham gia bảo vệ môi trường...Nội dung cụ thể, thiết thực nên kể từ khi phát động, các phong trào luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo chức sắc và tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh...

Chia sẻ về phong trào tăng ni, tín đồ Phật tử trong tỉnh tham gia bảo vệ môi trường, Thượng tọa Thích Quảng Hà, Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định nhìn nhận: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân, trong đó có trách nhiệm của các tôn giáo. Cả cuộc đời đức Phật sống ở rừng, gần gũi với thiên nhiên. Việc bảo vệ môi trường quan trọng như thế nào tăng ni, tín đồ Phật tử đã được dạy, được học từ chính cuộc đời của đức Phật. Rõ nhất là đến chùa ai cũng có chung cảm nhận là có nhiều khí mát vì luôn được vệ sinh sạch sẽ và có nhiều cây xanh”. Tuy nhiên, theo Thượng tọa Thích Quảng Hà, ở địa bàn khu dân cư hay tại các khu, cụm công nghiệp thì chưa được như vậy, vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt để bừa bãi ven đường, ven đê hoặc ken đặc ở ao hồ, kênh mương; nước thải sản xuất xả thải thẳng ra môi trường, không được thu gom, xử lý triệt để. “Đơn cử, vẫn còn tình trạng mỗi khi trong nhà có người “nằm xuống”, con cháu cứ mang những thứ liên quan đến người chết như giường chiếu, chăn đệm…vứt bừa ra vệ đường, sông ngòi, kênh rạch”, Thượng tọa phàn nàn.

Để khắc phục tình trạng này, theo Thượng tọa Thích Quảng Hà, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định luôn xác định phải có trách nhiệm phối hợp cùng với cơ quan chức năng làm tốt việc tuyên truyền, giúp tăng ni, tín đồ Phật tử và người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường; tham gia thực hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo đó, từng năm và từng giai đoạn, dưới sự chủ trì của Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh và Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh đều cùng nhau ký kết thực hiện Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. “Ở bất cứ sự kiện, diễn đàn nào, từ họp HĐND tỉnh, các kỳ họp của Ủy ban MTTQ tỉnh, hoạt động của Hội Phật giáo các cấp trong tỉnh, các buổi lễ..., cứ có điều kiện là tôi đều nêu ra vấn đề bảo vệ môi trường, phát động mọi người tham gia thực hiện. 10 năm qua, khi tỉnh Nam Định triển khai xây dựng nông thôn mới tôi càng quan tâm hơn, đến đâu cũng tuyên truyền, vận động người dân làm tốt công tác này. Bởi lẽ, không bảo vệ được, để môi trường ô nhiễm, xảy ra bệnh tật thì xây dựng nông thôn mới cũng chẳng có ý nghĩa gì?”, Thượng tọa chia sẻ.

Theo Thượng tọa Thích Quảng Hà, cùng với công tác tuyên truyền của hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng, việc kiên trì tham gia tuyên truyền của Giáo hội Phật giáo các cấp trong tỉnh rất có tác dụng, từng bước nâng cao nhận thức, hình thành trong tăng ni,tín đồ và người dân những thói quen bảo vệ môi trường tích cực. “Nhiều hoạt động do Hội Phật giáo tỉnh tổ chức kéo dài trong 2-3 ngày, có hoạt động có hàng nghìn người tham dự nhưng khi kết thúc, mọi người ra về mà dưới sân không hề có rác thải bừa bãi như trước đây”, Thượng tọa dẫn chứng. Việc đốt tiền, vàng mã trong chùa, theo Thượng tọa Thích Quảng Hà cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực tại hầu hết trong số hơn 800 ngôi chùa ở Nam Định. Kết quả này cũng là hiệu quả từ việc tuyên truyền, giác ngộ. “Tôi vẫn thường nói với tín đồ lên chùa rằng Đức Phật không cần tiền! Ngài dành cả đời khổ công tu luyện cốt để từ bỏ “tham sân si” nên ngài không bắt chúng sinh phải mang tiền đến cho ngài. Đức Phật chỉ mong chúng sinh thực hành tâm sáng, hướng thiện. Việc đốt tiền, vàng mã trong chùa, nhất là việc nhét cả tiền vào tay, tai Phật vừa không đúng với giáo lý Phật giáo vừa làm môi trường bị ô nhiễm, dễ phát sinh cháy nổ”, Thượng tọa Thích Quảng Hà nhìn nhận.

“Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng”

Đây là phong trào do Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định phát động và đồng bào Công giáo trong tỉnh thực hiện gần 10 năm qua, nhằm hưởng ứng phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng phong trào, gần 10 năm qua, chức sắc và đồng bào Công giáo trong tỉnh đã có rất nhiều hoạt động thiết thực, từ góp, hiến đất, tiền mặt, ngày công, tháo dỡ, di chuyển công trình phục vụ việc làm mới, nâng các công trình phúc lợi đến việc trồng hoa, cây xanh ven đường, mang lại diện mạo mới khang trang sạch đẹp cho làng quê, xứ đạo.

Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, trong 5 năm qua (2014-2019), đồng bào Công giáo trong tỉnh đã hiến trên 20.000 m2 đất, góp hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi trong thôn, xóm. Tiêu biểu trong phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp xứ họ, đẹp nhà cửa, đẹp ruộng đồng” của đồng Công giáo Nam Định là những đóng góp của giáo dân Trần Văn Kiều (xứ đạo Kiên Lao, huyện Xuân Trường) cho công tác bảo vệ môi trường. Sinh ra, lớn lên ở làng nghề cơ khí Kiên Lao nổi tiếng, ông Kiều rất đam mê với các loại máy móc, thiết bị cơ khí. Chính vì vậy, khoảng 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, thay bằng việc cầm hồ sơ đi khắp nơi xin việc, ông Kiều chọn hướng về quê lập nghiệp, huy động vốn lập công ty Tân Thiên Phú chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí. Ban đầu, Công ty chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn và bảo vệ môi trường như: máy nghiền, sấy thức ăn chăn nuôi, máy băm, ép, trộn phụ phẩm nông nghiệp. Sau đó, xuất phát từ nhu cầu xử lý rác thải của nhiều địa phương, ông Kiều cùng với các cộng sự đã đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị lò đốt rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt tự nhiệt phân và tự sinh năng lượng. Đến nay, sản phẩm lò đốt rác của ông Kiều và các cộng sự đã được nhiều xã trong và ngoài tỉnh Nam Định lựa chọn để xử lý rác thải của địa phương, bởi hai ưu điểm chất lượng, hiệu quả và giá thành phù hợp. Không chỉ có vậy, tâm huyết, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, cách đây mấy năm, ông Trần Văn Kiều đã huy động vốn, đầu tư cả chục tỷ đồng để biến một bãi chôn lấp rác thải vốn rất ô nhiễm của xã Xuân Tiến (huyện Xuân Trường) thành khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt nhưng rộng rãi, khang trang, sạch đẹp như một công viên-nơi giờ đây đã là địa chỉ vui chơi, giải trí chung của người dân địa phương...

Nam Định là tỉnh có đông đồng bào có đạo, trong đó đạo Phật có 798 vị tăng ni, trên 800 ngôi chùa, trên 30 vạn Phật tử, khoảng 60% dân số chịu ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo; Công giáo có Giáo phận Bùi Chu, một phần Giáo phận Hà Nội, có 172 nhà thờ xứ, 490 nhà thờ họ; 1 Giám mục, 227 Linh mục; trên 47 vạn giáo dân (25% dân số toàn tỉnh) sinh sống ở 199/229 xã, phường, thị trấn (trong đó có 83 xã, thị trấn giáo dân chiếm trên 30% dân số); đạo Tin Lành có 2 Hội thánh với khoảng gần 800 tín đồ...

Nguồn: daidoanket.vn