Đồng bào Tày ăn Rằm tháng bảy
Ngày đăng: 23/08/2018
Tết Vu Lan rằm tháng bảy với người Tày gói gọn trong hai từ “Xíp xí”. Đó vừa là thời điểm kết thúc mùa vụ, cũng là ngày tết thứ hai trong năm, cho nên sự ăn uống sum họp là tưng bừng lắm. Và, cái thời khắc “Xíp xí” ấy sao cứ rổn rảng và linh thiêng đến lạ.

Đồng bào dân tộc Tày ở nước ta, có lẽ còn đậm đặc văn hóa tục lệ nhất là huyện Bảo Yên (Lào Cai). Cái nôi văn hóa Tày ở xã Nghĩa Đô đã trở nên nổi tiếng trong thời mọi thứ đều phai nhạt, nhưng ở vùng này còn một cái nôi văn hóa nữa là các bản ở xã Lương Sơn, mà tục ăn rằm tháng bảy là điều đầy thú vị.

Tết “Xíp xí”

Qua tham vấn ý kiến của nhà nghiên cứu văn hóa Tày - ông Ma Thanh Sợi ở xã Nghĩa Đô thì quả thực, tục ăn tết “Xíp xí” rằm tháng bảy còn khá nguyên vẹn thì chỉ có ở xã Lương Sơn.

Nếu như với người Kinh, rằm tháng bảy là tết Vu Lan, tức lễ báo hiếu - một trong những ngày lễ chính của Phật giáo Đại thừa Bắc tông trùng với ngày xá tội vong nhân mà xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp “ngạ quỷ”. Người Tày không theo quan niệm tục lệ ấy, họ coi rằm tháng bảy là thời điểm kết thúc mùa vụ, cũng là ngày tết thứ hai trong một năm sau tết Nguyên đán.

Gọi là tết thứ hai, nhưng tầm quan trọng và sự linh thiêng cũng chẳng kém gì tết cổ truyền. Tầm ngày 13 tháng 7 âm lịch, con cháu dù có đi làm ăn xa cũng đã lục tục trở về chuẩn bị cho ngày đại lễ, và bản Tày vốn rất hiu hắt bỗng trở nên rộn ràng bởi tiếng nói tiếng cười. Những lời hỏi thăm sau một thời đi xa làm ăn, cả những lời vay mượn mà ngày thường vốn rất khó chịu mà sao những ngày này, lại thân thương đến thế.

Ngày tết “Xíp xí” càng đến gần, không khí bản Tày càng vui nhộn. Trẻ em được diện trong những bộ áo mới, tiếng chày giã bánh, tiếng í ới gọi nhau lên rừng bẻ măng, vớt rêu suối cứ như vọng mãi truyền qua những ngọn đồi cao. Đến muông thú chim chóc trong bản làng cũng như chào đón một ngày tết lớn.

Người cao tuổi nhất trong nhà sẽ phụ trách cúng tế

Cầu kỳ cỗ cúng

Xã Lương Sơn là một trong những bản xa xôi của huyện Bảo Yên, cũng là một trong những bản nghèo về kinh tế nhưng giàu có về văn hóa tục lệ của vùng đất Lào Cai này.

“Tết Rằm tháng bảy của đồng bào dân tộc Tày huyện Bảo Yên (Lào Cai) vẫn được bà con tổ chức theo đúng tính chất nhân văn của nó. Đó là một cái tết đoàn tụ gia đình và truyền dạy con cháu ăn ở hiếu thuận, kính trên nhường dưới. Đó là cái tết thứ hai sau tết Nguyên đán, cũng còn gọi là tết kết thúc mùa vụ”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tày, ông Ma Thanh Sợi.

Bản Sài có hơn 40 mái nhà lợp cọ. Đó là những ngôi nhà sàn, mới có cũ có và tất cả đều theo một khuôn mẫu mực thước mà cha ông truyền lại. Mỗi nhà sàn chỉ có một cầu thang cho việc lên xuống, nơi chiếu nghỉ có một hướng vào nhà chính và một hướng vào bếp.

Sáng sớm tinh mơ ngày 14, từ trên nhà sàn nhìn xuống đã thấy từng tốp người lớn dẫn theo trẻ em đi đến nhà ông bà. Trên tay ông bố xách 2 con vịt, bà mẹ địu gùi mà trong đó chứa lá bánh. Mấy đứa nhỏ trên tay cầm dây hành tỏi hoặc chúng quàng vào cổ như những vòng hoa.

Khi những lời thăm hỏi và bữa trà sáng quần tụ đủ đầy, người chủ nhà phân công con cháu mỗi người một việc. Người thì đi giết gà, người đi mổ lợn, người khác đi làm bánh, những đứa trẻ con sẽ phải ngồi yên một chỗ, còn ông cụ trong nhà sẽ sắm sửa nén hương thắp lên ban thờ tổ tiên.

Đây mới chỉ là bữa dạm cho trưa rằm ngày mai. Vì thế, các đồ ăn thức uống cũng rất đơn giản. Riêng những con gà làm thịt, chủ nhà cất mấy cái thủ trên gác bếp không dùng đến. Tối hôm đó, con cháu sẽ ngủ lại nhà ông bà cha mẹ.

Sáng mười rằm, khi cái sáng vẫn chưa xua nổi cái tối thì những người trong nhà đã lục tục thức dậy. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng gà vịt inh ỏi từ khắp các nhà phát ra. Người dân giết lợn, giết gà và hò nhau giã bánh không theo một nhịp điệu nào.

Theo chủ nhà, hầu hết các nhà đều mổ lợn cắp nách để làm thịt, mà tất cả phải là lợn cái. Lòng lợn được chọn riêng một phần ngon nhất đặt trên cỗ cúng. Riêng phần thịt, họ sẽ làm đủ món, từ hấp, luộc cho đến xào, nhưng chỉ riêng món xào là được cho vào mâm cúng gia tiên.

Người Tày cũng đồ xôi, nhưng không phải xôi ngũ sắc hay xôi đỗ mà là xôi lạc rang rắc cùi dừa. Món xôi này khi nấu xong mới được đem ra rắc lạc và cùi dừa vào rồi trộn đều. Riêng bánh “pẻng cuổi” không thể thiếu trong rằm tháng bảy. Bánh này được gói bằng lá chuối, bên trong có bột gạo nếp và nhân bánh.

Lá chuối rừng sau khi hái về sẽ róc bỏ phần cuống và chọn lá lành, lá được phơi cho gần khô, lau sạch bằng khăn ướt. Phần bột làm bánh là bột gạo nếp được nghiền, nhào với quả chuối khô đã giã nhuyễn. Thường người ta chọn những quả chuối to và chín đều, cắt làm đôi theo chiều dọc rồi đem phơi nắng hoặc sấy trên gác bếp.

Nhân bánh có thịt gà và đỗ xanh, thịt gà được băm nhỏ, xào chín, nêm hạt tiêu, mắm, muối vừa đủ. Đỗ xanh sau khi ngâm nước, đãi vỏ, đồ hoặc nấu chín, sau đó giã cho thật nhuyễn rồi mang đi xào. Sau khi chuẩn bị xong lá bánh, nhân bánh, vỏ bánh, phụ nữ Tày bắt đầu gói. Họ dùng một chút mỡ lợn quết vào lòng bàn tay để bánh không dính. Bánh gói xong được hấp cho đến khi chín tới.

Riêng rượu men lá là thứ không thể thiếu trong cỗ cúng. Những chiếc chén được xếp khít nhau trên mâm theo một vòng cung. Sau khi rót rượu đầy các chén, ông cụ chủ nhà thắp hương rì rầm đại ý mời ông, bà tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho con cháu mạnh khỏe.

 

Đầu gà hun khói là vật để xem bói

Xem bói đầu gà

Có một quan niệm khá độc đáo của người Tày ở Lương Sơn là xem bói bằng đầu gà. Tôi thấy sau bữa ăn tết “Xíp xí”, ông cụ chủ nhà rửa tay bằng rượu rồi lọ mọ xuống bếp, mấy người khác theo sau vẻ hồi hộp lắm.

Ông cụ đem từ gác bếp một xâu đầu gà hun khói, 2 cái từ hôm trước và 3 cái từ sáng 15. Ông cụ sau khi ngắm nghía đến màu sắc của da của mỏ thì đưa lên mũi hít hà vài cái. Xong, ông cụ phán: “Màu đẹp, mùi thơm. Tổ tiên cho biết từ giờ đến cuối năm mọi việc hanh thông, sức khỏe tràn trề, các hạn nặng không đến”.

Ông Tiền ghé tai tôi, quả quyết: “Cách xem bói bằng đầu gà rất chính xác. Nếu đầu gà bị cháy đen thì mọi chuyện ách tắc, mùi khói nhiều hơn mùi gà thơm thì sức khỏe giảm sút”.

Kết thúc tết “Xíp xí” rằm tháng bảy là bữa tối với món thịt vịt mà các con cháu biếu ông bà bố mẹ. Trăng rằm tháng bảy bao giờ cũng sáng trong và long lanh như tấm lòng chân thật của người dân bản Tày

Nguồn: anninhthudo.vn