Đình làng ở Thái Bình
Ngày đăng: 20/07/2018
Thái Bình là tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, nằm giữa sông Hồng và sông Thái Bình, một mặt là biển. Cũng như bao làng quê khác trong cả nước, đất Thái Bình là đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, người dân Thái Bình cần cù chịu khó, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp trồng lúa. Kể từ khi dựng nước, đất Thái Bình cũng như nhiều vùng quê của cả nước đã xuất hiện nhiều tôn giáo, có truyền thống thờ cúng Tổ tiên, các công trình tôn giáo cũng xuất hiện, hình thành rõ nét như: đình, chùa, miếu, nhà thờ… Trong đó đình là công trình kiến trúc độc đáo nhất.

Khái niệm làng quê ở Thái Bình không phụ thuộc vào qui mô dân số và diện tích, có khi làng ngày xưa nay đổi thành một thôn, có khi là một xã. Hiện nay tuy không giữ khái niệm làng nhưng còn tồn tại khá nhiều đình làng. Đình làng là công trình kiến trúc ngày xưa của cả làng (có khi chỉ là một thôn hoặc cả xã ngày nay). Nét chung đình làng ở Thái Bình về lịch sử có những ngôi đình có tới hàng nghìn năm. Ngày xưa chỉ có những ngôi đình đơn sơ ba gian nhà lợp ngói. Nhưng đến thời kỳ sau này nhất là thời kỳ Lý, Trần, Lê… thì đình làng ở thái bình được xây dựng qui mô, hoành tráng hơn. Đình làng được xây để thờ những nhân vật kiệt xuất, nổi tiếng, người có công, có thể ở trong nước, trong vùng hoặc thôn làng, là nơi để nhân dân trong làng sinh hoạt, hội họp trong những ngày lễ lớn của đât snước, của địa phương, hoặc những sự kiện lớn của làng như lễ ra mắt những người đứng đầu trong làng, trong phủ, tế lễ những ngày hội lớn của đất nước, của quê hương.

Ngày xưa, làng quê ở Thái Bình thường có cổng làng, được xây dựng với qui mô của làng, mọi người đi ra khỏi làng, về làng đều phải qua cổng làng. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường làng, nơi học tập, nơi vui chơi cũng được quan tâm xây dựng, có những nơi đường làng còn được lát gạch, đá, có giếng làng, sân chơi của làng. Đình làng cũng là một trong các công trình kiến trúc của làng. Hiện nay Thái Bình có 286 xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh còn tồn tại tới gần trăm ngôi chùa loại nhỏ, trong đó có những ngôi đình được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp bộ và cấp tỉnh. Nét chung của đình làng ở Thái Bình là được qui hoạch và xây dựng ở nơi trung tâm của làng để thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt hội họp của nhân dân trong làng. Địa điểm được chọn để xây dựng được nhân dân trong làng xem xét lựa chọn cả về hướng đất, môi trường, tâm linh, tín ngưỡng được bàn bạc và nhân dân nhất trí. Đình làng ở Thái Bình được xây dựng qua các thời kỳ trước đây với qui mô to nhỏ khác nhau tùy theo sự đóng góp của nhân dân trong làng, diện tích xây dựng đình có khoảng từ 2 đến 3 sào Bắc Bộ, có nơi tới cả mẫu. Tuy qui mô khác nhau nhưng nhìn chung qui hoạch khu đình làng thường có cổng vào, xung quanh là tường dậu. Sân đình rộng thường được lát gạch, có một vài ngôi đình còn tồn tại những giếng nước, cây đa được trồng từ ngày xưa. Công trình chính của đình thường được xây cao, từ sân vào đình có các bậc thềm thường được lát gạch hoặc đá. Về kiến trúc nội thất ngôi đình làng thường được làm kiểu lòng thuyền, mái đình cong lợp bằng ngói ta, bồ nóc chính giữa đắp 2 đầu rồng to hướng vào nhau ngậm viên ngọc tròn, râu trên, râu dưới như tua cờ, mắt lồi to tròn. Hiên trước 2 gian giáp hồi xây tường gạch trổ cửa sổ hình chữ tho. 3 gian chính giữa lắp ngưỡng đơn, bạo kép, đóng cánh cửa bức bàn. Hệ thống xà cột bằng gỗ được chạm khắc như hổ phù, tứ linh, tứ quí. Riễu cửa võng cũng được chạm khắc tứ linh, tứ quí, thường được sơn son thiếp vàng. Kiến trúc chùa thường có tòa bái đính, tòa ống vuông nối giữa tòa bái đính và tòa hậu cung, ở mỗi tòa thường có khám thờ được sơn son thiếp vàng, khám thờ to nhỏ tùy theo qui mô của đình.

Hiện tại nhiều ngôi đình làng ở Thái Bình còn lưu giữ được các hiện vật cổ như: cuốn thư, hoành phi, câu đối, ban thờ được sơn son thiếp vàng còn nguyên vẹn, các đồ: bát bửu, tam sự, thất sự, các bộ y phục tế lễ trước đây.v.v… Để minh chứng những nét chung của đình làng ở Thái Bình xin nêu những nét kiến trúc ở một đình làng đó là đình Kênh xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cụ thể như sau:

Đình Kênh là ngôi đình cổ trên đất làng Kênh xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đình Kênh là địa điểm tưởng niệm An Hạ Vương - Trần An Quốc, một trong những công thần khai quốc đời Trần, lập nhiều công trạng lớn lao được Vua Trần sủng ái. Đồng thời đình Kênh còn là nơi tưởng niệm bà Đàm Chiêu Trinh cùng vương phu quân (An Hạ Vương) xây dựng Thái ấp Hà Nội (trong đó có làng Kênh). Đình cũng là nơi tưởng niệm Thanh Hà Đại Vương, người đại diện cho lòng dân và chí trai hương binh Thái ấp Hà Nội anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ năm 1258. Ngoài ra đình còn thờ Nam Hải Đại Vương (An Dương Vương Thục Phán) và Đông hải đại Vương Đoàn Thượng. Đình kiến trúc hình chữ công (I) gồm 3 tòa, 11 gian. Tòa Tiêu Tế gồm 5 gian, kiến trúc kiểu chéo đao, tàu góc, nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, bờ nóc đắp nổi hoa chanh. Bờ cánh soi chỉ kép, góc bờ cánh đắp nghê chầu, bờ cong chạy chỉ kép đao đắp song loan. Bậc thềm tam cấp lát đá phiến. Hai gian giáp hồi xây tường gạch trổ cửa sổ chữ Thọ. Kiến trúc nội thất kiểu lòng thuyền tứ trụ, chồng cốn. Cốn thượng chạy suốt từ đình cột cái tiền đến cột cái hậu dài 2,5m cao 1m, hai mặt chạm hổ phù, ngậm chữ thọ lớn, chạm chổ tinh xảo. Tòa bái đình chạm 10 bức hổ phù trên nóc, 12 vì cốn tiền và hậu đều chạm tứ linh: long, ly, qui, phượng. Hệ thống 10 đầu chi đồ sộ dài 1m6 cao 0,35m dày 0,3m, góc hồi sau bên phải còn 2 con sôn chạm rồng thời Lê cách đây hơn 300 năm. Dưới hệ thống xà trung, bảng cột cái hậu lắp 3 gian cửa võng lớn dài 3m chia thành 14 ô trang trí, chính tâm chạm hổ phù, các ô khác chạm tứ linh, tứ quí. Riễu cửa võng chạm kiểu tứ bình: tùng, cúc, trúc, mai, phù dung, chim trĩ. Tòa ống vuông 3 gian nối giữa tòa bái đính với hậu cung kiến trúc kiểu lòng thuyền, chồng rường, đấu chạm hoa sen. Từ ngưỡng, bạo, cánh cửa đến các mảng chạm  hệ thống xà cột đều được thiếp vàng. Tòa hậu cung 3 gian đều được chạm vân mây, lá lật, hiên lắp ngưỡng đơn, ngạch đơn, bao kép soi. Kiến trúc nội thất chồng cốn, chạm vân triên. Đình Kênh còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, đồ tế lễ cổ, khám thờ, có kiến trúc và chạm khắc cổ thời Lê và thời Nguyễn. Đình Kênh đã được Bộ Văn hòa Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.

Có thể nói đình làng ở Thái Bình trải qua hàng nghìn năm, qua các thời kỳ chiến tranh tàn phá, song từng giai đoạn được nhân dân trong tỉnh trùng tu, sửa chữa, phục dựng đã để lại cả một hệ thống đình làng trong toàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu tín ngưỡng và nhân dân. Hàng năm UBND tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố, các ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch trùng tu, sửa chữa để có hệ thống đình làng đẹp, cổ, giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc.

Hồng Chương