Đình cổ Lương Khế, thành phố Kon Tum
Ngày đăng: 12/09/2018Hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX, đến nay làng Lương Khế đã có trên 100 năm tuổi. Cùng với các làng khác như Tân Hương, Trung Lương, Phương Nghĩa, Võ Lâm thuộc thành phố Kon Tum... làng Lương Khế, Phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên đô thị tỉnh lỵ Kon Tum ngày nay.
Theo lời kể của các vị cao niên làng Lương Khế và một số bài viết, tài liệu đang lưu giữ tại đình hiện nay thì cư dân đầu tiên của làng có mặt ở Kon Tum là vào giữa năm 1894 (tức năm Giáp Ngọ niên chế) những cư dân đầu tiên của làng Lương Khế từ Phủ Bình Khê và Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, theo đường 19 vượt đèo An Khê, đèo Mang Giang thuộc tỉnh Gia Lai đến dừng chân đầu tiên bên dòng sông Đăk Bla hiền hòa Kon Tum để khai khẩn, lập làng mới, đó là làng Lương Khế.
Sử sách ghi chép và tương truyền qua nhiều đời kể rằng: Việc khai thiên lập địa tại đình làng, cũng như làng Trung Lương hay Lương khế cũng được hiểu theo nghĩa chữ Lương là đạo ông bà, tổ tiên, hay còn gọi là không theo tôn giáo nào cả, nhóm cư dân này chỉ thờ tổ tiên, cúng đa thần; đã được khế ước chia đất của triều đình cho lớp cư dân đầu tiên và mang ý nghĩa gắn với nguồn gốc của dân làng Lương Khế từ đó đến nay.
Thuở ban đầu, khi mới từ Bình Định lên lập làng là ông Đặng Ngại cùng nhóm cư dân trong dòng tộc; Ông Đặng Ngại có tên thật là Đặng Kháng, quê ở thôn Tân Ốc, xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Lúc đầu theo chân ông Đặng Ngại lên Kon Tum lập làng mới chỉ có chừng 10 gia đình, đó là các ông Nguyễn Huy, Thái Đặng, Huỳnh Thừa, Võ Thủy, Thái Nam, Trần Văn Hóa, Trần Ô, Ngô Đình Quang, Trần Kiến. Về sau này, để ghi nhận công đức của lớp người đi trước, dân làng Lương Khế tôn vinh các vị này là tiền hiền thủy tổ và lập bàn thờ để thờ Quốc Công khai thổ đặt trang trọng tại gian phía Nam của đình Lương Khế ngày nay. Thời kỳ đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới, những cư dân của làng Lương Khế gặp không ít khó khăn và thách thức. Bởi lẽ, vì không theo Công giáo nên họ không được phép định cư tại các vùng đất màu mỡ gần ven sông Đăk Bla, nơi có các làng Tân Hương, Phương Quý, Phương Hòa, Phương Nghĩa người có đạo được người Pháp bảo hộ. Vì vậy, những gia đình đầu tiên của làng Lương Khế phải bỏ nhiều công sức, tiền bạc để khai khẩn hình thành nên cộng đồng làng ở khu vực phía bắc của làng Tân Hương; được mệnh danh là "rừng thiêng nước độc", đây là vùng đất ít phù sa màu mỡ và xa con sông Đăk Bla nhưng có lợi thế về địa hình tương đối bằng phẳng và thuận lợi cho giao thông đường bộ. Gần 20 năm khai hoang, lập nghiệp; vào cuối năm 1911 khi quá trình khai khẩn đã hình thành, người dân làng mới đệ trình đơn lên Quản đạo Kon Tum là Tôn Thất Toại làm quan triều đình Nhà Nguyễn dưới thời Vua Đồng Khánh ban lệnh chiêu mộ để phát triển dân cư về sau. Hầu chiếu chỉ quan Quản đạo Kon Tum để lập làng, lập đình Lương Khế. Từ đó, làng Lương Khế chính thức được trở thành một địa danh hành chính của Kon Tum bấy giờ.
Làng Lương Khế ngày đầu thành lập có diện tích khá rộng, phía bắc giáp với rừng nguyên sinh (nay là đường Trần Phú- đường Đống Đa); phía Nam giáp làng Tân Hương (nay là Nhà thờ Tân Hương thuộc Tòa Giám mục Kon Tum) khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay; phía đông giáp làng Phương Nghĩa, (nay là đường Tăng Bạt Hổ và Ka Pa Kơ Lơng); phía Tây giáp làng Trung Lương (nay là đường Phan Đình Phùng). Cùng với phát triển giao thông và thương mại, khi lập làng tại Kon Tum, những công dân của làng Lương Khế đã mang đến vùng đất này những nét văn hóa đặc sắc như bài chòi, kiến trúc và thờ cúng tâm linh của cư dân vùng đồng bằng Trung Trung bộ. Do đất đai không thuận lợi cho việc trồng trọt nên phần lớn cư dân của làng Lương Khế lấy việc mua bán, trao đổi hàng hóa từ miền xuôi lên và làm nghề đan lưới, rèn, mộc là chính. Đây cũng là cơ sở để dần hình thành nên các điểm nhỏ mua bán trao đổi hàng hóa, xóa dần phương thức tự cung, tự cấp lâu đời của người bản địa; tạo tiền đề cho việc hình thành nên trung tâm thương mại sầm uất của thành phố Kon Tum ngày nay.
Hiện vật và sử sách chép lại, ban đầu đình chỉ được xây dựng như một ngôi miếu nhỏ, thể theo nguyện vọng của lớp cư dân đầu tiên, vào đầu năm 1913, dân làng đã góp sức xây dựng nên đình Lương Khế để thờ cúng Thần hoàng bản xứ, thờ vua tổ Hùng Vương và thờ tiền hiền thủy tổ. Ngày nay qua các nhánh đường phố, tản bộ trên đường Trần Phú cửa ngõ chính vào thành phố Kon Tum du khách bước vào đình Lương Khế rộng thênh thang và cảm giác đầu tiên có thể cảm nhận là ở phía Tây của đình, nơi các bậc tiền hiền khai khẩn lập làng đầu tiên, dân làng Lương Khế đã xây dựng điện thờ thánh mẫu Thiên Y A Na (còn gọi là Am Bà tại nhánh đường Hoàng Văn Thụ). Đây là vị thánh cứu ngư dân trên biển mỗi khi gặp nạn nên lập Am mà thờ phụng; đối diện phía đông của Đình có Am xóm lưới (nay là Linh am Tự), ở tổ dân phố một, Phường Thắng Lợi; nằm về phía Nam của Đình có Am xe kéo (nay là Hội Thanh minh Nghĩa tự) và phía bắc của Đình có Am xóm Chùa, nằm ở khu vực chùa Bác Ái (hiện nay là công viên nước của thành phố). Đây là ngôi đình được vua Khải Định ban sắc thần vào năm 1925 và cung thánh đình được trang trí hoa văn nghệ thuật mang bản sắc riêng có của cư dân vùng Trung bộ, tạo ra ấn tượng vừa trang nghiêm huyền bí vừa hết sức gần gũi. Theo ông Nguyễn Đình Bảo, hiện ở xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum, người thiết kế xây dựng đình Lương Khế và điện Thánh Mẫu kể lại: Việc dân làng Lương Khế xây dựng đình và điện thờ thánh mẫu cùng với các am thờ tự theo tứ hướng với mong muốn là cầu mong cho thần linh phù hộ, che chở cho dân làng an cư lạc nghiệp. Ban đầu đình Lương Khế và điện Thánh mẫu chỉ được xây dựng tạm bợ. Đến năm 1962, khi kinh tế phát triển, dân làng Lương Khế tiếp tục phục dựng đình làng và điện thánh mẫu kiên cố hơn; thời gian trước đây đình làng xây theo hướng đông, sau đó Ban Quản tự bàn bạc và quyết định xây về hướng Tây vì nó dựa vào đường Phan Thanh Giảng (nay gọi là đường Trần Phú) và dựa vào lối kiến trúc của Huế là xây nhà chữ Môn; trong gian chánh điện phải có bàn thờ của Vua Tổ Hùng Vương.
Trải qua hơn 100 năm thành lập làng, qua nhiều đổi thay và biến cố của lịch sử, nhưng dân làng Lương Khế vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có các lễ hội tín ngưỡng gắn với đình - làng của cư dân người Kinh. Trao đổi với chúng tôi ông Phan Thế Ngọc, Trưởng Ban Quản sự đình cho biết: Một trong những nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu nhất của làng Lương Khế đó là ngay từ thuở lập làng và xây dựng đình làng, dân làng đã thành kính lập bàn thờ Đức Tổ Hùng Vương ngay gian chánh điện và mỗi năm vào dịp Mùng 10/3 âm lịch giỗ Tổ Hùng Vương kết hợp với lễ Thanh minh dân làng Lương Khế lại tập trung về đình làng cùng nhau tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương, thành kính dâng hương, hoa tưởng vọng Vua Hùng, vị vua đã khai quốc lập nên Nhà nước Văn Lang đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm Giỗ tổ Hùng Vương cũng là dịp người dân ở đây tưởng nhớ các bậc tiền hiền có công khai phá lập làng và ghi công đức các bậc hậu hiền có công góp sức, góp của bảo vệ, xây dựng và phát triển làng Lương Khế. Đây cũng là dịp để các bậc cao niên trong làng nhắc nhở con cháu rằng, mọi người dân đất Việt, dù miền Bắc hay miền Nam, dù đồng bằng hay miền núi, không phân biệt dân tộc tôn giáo, đều là con cháu Vua Hùng phải cùng nhau đoàn kết, cùng dựng xây Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Định kỳ hằng năm vào ngày rằm tháng hai âm lịch, khu dân cư Lương Khế vẫn gìn giữ và phát huy được nhiều nét văn hóa cổ truyền và các am thờ tự đều tổ chức Lễ Tế xuân với các nghi lễ truyền thống như: Rước vua, soi vua, tế thần, tế âm, tế tiền hiền để cầu mong cho quốc thái, dân an, bày tỏ sự tri ân với các bậc tiền hiền khai cơ, hậu hiền khai khẩn. Ngày nay, kinh tế xã hội phát triển, thị xã Kon Tum ngày nào giờ đây đã là thành phố Kon Tum sầm uất và nhộn nhịp. Làng Lương Khế giờ không còn là đơn vị hành chính mà đã phát triển thành khu vực đô thị trung tâm thành phố Kon Tum.
Về thăm lại di tích này, thăm lại đồng đội ngày xưa, ông Hồ Hoanh vẫn nguyên cảm xúc của cuộc chiến, vẫn nguyên vẹn nghĩa tình đồng đội, dù có người còn, người mất. Ông mong chính quyền địa phương có kế hoạch phục dựng và quản lý khu di tích phân xưởng này nhằm giữ lại dấu xưa. Vì đây là một trong những phân xưởng quân giới đầu tiên ở Tây Nguyên, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu mai sau.
Mặc dù không còn tồn tại với tư cách là một làng trọn vẹn như thuở ban đầu nhưng mỗi người dân làng Lương Khế vẫn luôn tự hào về ngôi làng cổ của mình cũng là một minh chứng của sự tri ân thế hệ hôm nay với các thế hệ cha anh đi trước đã đặt nền móng khai phá, dựng xây nên ngôi đình. Bởi lẽ, cư dân Lương Khế đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên đô thị tỉnh lỵ Kon Tum. Đặc biệt hơn, chính bản sắc riêng của đình Lương Khế đã góp phần làm cho kho tàng văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh Kon Tum trở nên đặc sắc, phong phú, đa dạng và giàu truyền thống./.
Gia Bảo